Dồn tất cả tâm tư, chiêm nghiệm, hiểu biết để viết lên những tiểu thuyết lịch sử về Hải Phòng thời kỳ 1946-1954 là cách thức mà nhà văn Lưu Văn Khuê lựa chọn. Bằng chính những nỗ lực ấy tác phẩm của ông đã phác họa nên một Hải Phòng trung dũng, quyết thắng, không chịu khuất phục trước mọi kẻ thù nào.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Thương Thương!
Nằm trong con ngõ thoáng trên đường Thiên Lôi, căn nhà nhỏ của nhà văn Lưu Văn Khuê lúc nào cũng tĩnh lặng và mát mẻ. Có lẽ, trong sự dễ chịu ấy mà bao nhiêu năm qua, nhà văn miệt mài nghiên cứu lịch sử, đọc nhiều tư liệu và có những câu chuyện với nhân chứng sống để viết lên những bộ tiểu thuyết lịch sử về các cuộc chiến tranh vệ quốc giải phóng Hải Phòng. Trong ngày đầu hè, nhà văn Lưu Văn Khuê lần lượt chia sẻ về những cuốn tiểu thuyết Hải Phòng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước năm 1954.
Có thể nói, tiểu thuyết lịch sử là một trong những thể loại “hiếm có, khó tìm”, nhất là về Hải Phòng trong cuộc chiến tranh vệ quốc những năm 1946-1954. Muốn viết được đề tài này, nhà văn phải dành nhiều thời gian tìm kiếm, nghiên cứu, tìm hiểu, xây dựng ý tưởng, cốt truyện. Nhà văn Lưu Văn Khuê chia sẻ, muốn viết được lịch sử trước hết phải hiểu lịch sử. Quan trọng hơn, phải có tâm huyết mới có cảm xúc để hoàn thành tác phẩm. Vì qua những sáng tác ấy, người đọc không chỉ hiểu thêm về một thời kỳ lịch sử mà còn được truyền thêm cảm xúc từ những câu chuyện, tình tiết sống động.
Nói về thời gian hoàn thành tiểu thuyết Đấu trường sông nước của mình, nhà văn Lưu Văn Khuê kể lại những ngày lặn lội khắp các ngả đường, ngõ phố, theo từng lời chỉ dẫn tìm gặp những nhân chứng sống từng quen biết và hiểu về doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Rồi ông đọc thêm tư liệu, khai thác nhiều cách vào đề, cách kể chân thật để chuyển tải những câu chuyện sống động thành tiểu thuyết khắc họa hình tượng doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Tiểu thuyết của nhà văn Lưu Văn Khuê không chỉ tái hiện doanh nhân Bạch Thái Bưởi như tấm gương sáng, quan tâm đến đời sống thợ thuyền mà còn hào phóng với những người gặp hoạn nạn. Qua tiểu thuyết này, thành phố Cảng tấp nập, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền được dựng lên đầy chân thực.
Còn các tiểu thuyết Tiếng súng từ ba phía, Những cuộc tình mang mặt nạ, Một thời vệ quốc lại khai thác những “mạch ngầm” chuẩn bị cuộc kháng chiến giải phóng Hải Phòng năm 1954. Những tác phẩm đưa người đọc trở lại Hải Phòng trước ngày giải phóng. Khi đó, Pháp, Nhật, Trung Quốc xây dựng mạng lưới gián điệp hoạt động ráo riết. Sau Cách mạng tháng Tám, ba mạng lưới nói trên được tăng cường. Các nhóm người thân Pháp, thân Tưởng lại bổ sung thêm vào mạng lưới gián điệp ấy. Cuộc đấu tranh của toàn dân Hải Phòng diễn ra dưới sự chỉ đạo trực tiếp, đầy mưu trí của hai đồng chí Nguyễn Văn Trọng và Trần Thành Ngọ.
Những nhân vật có thật trong lịch sử như: Trần Thành Ngọ, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Văn Mộc, Vũ Hạnh được nhà văn tái hiện sinh động trong những ngày tháng khó khăn nhất của Hải Phòng – Kiến An sau ngày cách mạng thành công, chính quyền nhân dân mới ra đời. Luôn bám đất, bám dân, những chiến sĩ cảnh sát thành phố Cảng thực hiện thành công cuộc chiến tại nhà Bảo Hương ở Kiến An, bao vây và tiêu diệt trụ sở của Quốc dân đảng. Chính quyền sử dụng lực lượng công an theo đường Rế – An Dương qua đò Kiến An đánh úp quân Tưởng làm thất bại âm mưu đảo chính của đội quân này.
Xuất hiện trong chuỗi tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh vệ quốc, truyện vừa Thằng Cún bấu xấu của Lưu Văn Khuê phân tích chiến lược tập hợp toàn dân tham gia kháng chiến của đồng chí Trần Thành Ngọ. Ông thực hiện “giao dịch thương mại” với những “thằng Cún bấu xấu” để lấy súng của địch bán lại cho quân ta. Qua truyện vừa này, nhà văn muốn nhấn mạnh chiến lược tận dụng sức mạnh toàn dân của người Cảnh sát trưởng Hải Phòng tài ba Trần Thành Ngọ.
Nhà văn Lưu Văn Khuê bộc bạch, giai đoạn Hải Phòng kháng chiến năm 1946-1954 là đề tài tâm huyết nhất của ông. Ông dồn tất cả tâm tư, chiêm nghiệm, hiểu biết để viết lên những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử thời kỳ này. Với lối viết hư hư thực thực đan xen, tác phẩm của ông tạo dựng được một Hải Phòng sôi động của ngày đầu kháng chiến chống Pháp; một Hải Phòng hiện lên hào hùng, mạnh mẽ và trung dũng, quyết thắng, không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào.
Nhà văn Lưu Văn Khuê, sinh năm 1945, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Biển, nguyên Hội trưởng Hội văn học. Tác phẩm đã xuất bản: Truyện vừa “Hành tinh màu da cam” (NXB Kim Đồng – năm 1991); truyện vừa “Có một mùa bóng đá” (NXB Kim Đồng – 1990) mới đây được Hãng phim Giải Phóng dựng thành phim “U14 đội bóng trong mơ”; tiểu thuyết “Một thời vệ quốc” (NXB Hải Phòng – 2007); tiểu thuyết “Mạc Đăng Dung” (NXB Hải Phòng – 2007); tiểu thuyết “Những cuộc tình mang mặt nạ”… ông đoạt một số giải thưởng của Trung ương Đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam; Tạp chí Cửa Biển năm 2015 và nhiều giải thưởng khác…
T.T