Nguyễn Đình Minh- Bác Hồ viết “báo cáo” bỏ rượu và thuốc lá…bằng thơ!

Bắt đầu tập bỏ thuốc lá từ năm 1966, đến đầu tháng 3-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự quyết định bỏ hẳn, đây cũng là thời điểm Bác Hồ viết “bản báo cáo” kết quả cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và tấm lòng vì tổ quốc của mình …

Trong tập “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh”, Nxb. Vǎn học, Hà Nội, 1990 có in một chùm thơ xuân cuối cùng của Bác Hồ.  Đó là hai bài thơ làm theo thể tuyệt cú luật thơ Đường và đều đề cập tới một vấn đề bỏ uống rượu và hút thuốc lá, trong một thời điểm “nhạy cảm” là vui xuân. Tuy nhiên, ý thơ còn tạo ra dư ba rộng lớn hơn câu chuyện đời thường này.

Các câu “khai” ở cả hai bài không chỉ làm nhiệm vụ mở đề mà còn là ánh nhìn tác giả tự “soi” vào mình trong bước hành trình từ bỏ thói quen xấu. Số đếm “Tam niên” rồi “quá tân xuân” như diễn tả bước đi kiên trì của ý chí và nghị lực trong cuộc chiến đấu chống lại ham muốn cá nhân của chính mình; và cái kết rất tròn trình, tác giả từ bỏ được tất cả: “bất ngật tửu xuy yên”, ”Vô yên, vô tửu”.

Cái kết ấy không phải ai trong những người nghiện cũng có thể dễ dàng làm được, trong cuốn “Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có kể, chính Bác Hồ vào năm 1966 đã đề nghị: “Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen, bây giờ bỏ thì tốt nhưng không dễ, các chú phải giúp Bác bỏ tật xấu này”. Ở đây, trong bài “Nhị vật”, tác giả cũng thừa nhận khi không có rượu và thuốc: “Dễ khiến nhà thơ hóa thành kẻ tục”. Rượu và thuốc lá, chi phối tinh thần con người rất mạnh mẽ tới mức “Trong mộng, thấy được hút thuốc lá, uống rượu ngon!”. Hoàn toàn không phải là cường điệu! Những thói quen đã bám vào tâm thức và trở thành nhu cầu thường trực trong mỗi con người, thì không dễ nói “không” với nó. Bác Hồ khi ấy với cương vị lãnh đạo cao nhất đất nước thì  ai có thể ra lệnh bắt lãnh tụ phải từ bỏ thói quen? Song sự thật, chính Người lại tự ra lệnh cho mình. Điều ấy tạo ra sự khác biệt giữa vị Chủ tịch nước Việt Nam mới với một ông vua thời trung đại. Cũng bởi vậy, trong bài thơ, thuốc lá và rượu chỉ ở trong mộng và tan biến khi tỉnh. Bác chiến thắng bản thân mình và câu thơ kết như một tiếng reo vui: “Tỉnh lai cánh phấn chấn tinh thần”. Nhà thơ bằng nghị lực đã tự chữa lành căn bệnh của mình!

Trong bài “vô đề”, nhà thơ cũng mừng rỡ sung sướng như người bình thường khi đã nhận ra một điều quý giá trong cuộc sống: “Ở đời không ốm đau chính là tiên thật sự!”. Ý thơ có thể phát triển theo hướng này đến hết bài, nhưng với phong cách Hồ Chí Minh thì có sự khác biệt căn bản. câu “luận” mở ra một ý mới đột ngột. Tâm hồn nhà thơ vượt ra ngoài, tìm đến, hòa nhập với không khí chiến thắng của quân và dân nơi chiến trường miền Nam: “Mừng thấy miền Nam thắng lớn liên tiếp”. Đến đây ta cảm nhận được bài thơ chứa đựng một lúc hình ảnh của hai con người, một người dung dị với đời sống thường nhật và một chiến sỹ vừa kiên trì đấu tranh với chính mình vừa đồng thời vẫn hướng ngoại với nỗi lo nước lúc nào cũng thường trực!

Câu thơ kết là niềm vui của hai cuộc chiến thắng, chiến thắng bản thân và chiến thắng của đất nước trên mặt trận chống ngoại xâm. Vì vậy, từ “xuân” kết bài cũng không chỉ còn chỉ một mùa sinh sôi nảy nở tươi đẹp mà phát triển theo cấp số nhân “Một nǎm cả bốn mùa đều là Xuân”.

Bắt đầu tập bỏ thuốc lá từ năm 1966, đến đầu tháng 3-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự quyết định bỏ hẳn, đây cũng là thời điểm Bác Hồ viết “bản báo cáo” kết quả cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và tấm lòng vì tổ quốc của mình …bằng thơ này! Khi đọc chùm thơ, nếu không đọc dòng nguyên chú:“Đồng chí bác sĩ khuyên “hai điều chớ nên”: chớ hút thuốc lá, chớ uống rượu; tự mình đề thơ làm chứng.” thì sẽ mất đi một sự thú vị. Dòng nguyên chú ấy vừa tạo thêm một dư vị thơ ngoài bài thơ vừa cho thấy đó là một câu chuyện có thật của cuộc đời Hồ Chí Minh khiến chúng ta cảm động và cảm phục./.

Nguyên bản và bản dịch nghĩa hai bài thơ

Nguồn “Thơ chữ Hán của tác giả Hồ Chí Minh”, Nxb. Vǎn học, Hà Nội, 1990

Nhị vật

(Nguyên chú: Đại phu đồng chí môn khuyến dụ “nhị vật”:

vật hấp yên, vật ngật tửu. Tự kỷ đề thi vị chứng)*

Vô yên, vô tửu quá tân xuân,
Dị sử thi nhân hoá tục nhân.
Mộng lý hấp yên, ngật mỹ tửu,
Tỉnh lai cánh phấn chấn tinh thần.

Tháng 2- 1968

Dịch nghĩa: Qua xuân mới rồi, mà vẫn không thuốc lá, không rượu,/ Dễ khiến nhà thơ hóa thành kẻ tục./ Trong mộng, thấy được hút thuốc lá, uống rượu ngon, /Tỉnh ra tinh thần rất phấn chấn.

* (Lời dẫn: Các đồng chí bác sĩ khuyên “hai chớ”: chớ hút thuốc lá, chớ uống rượu. Tự mình đề thơ làm chứng)

Vô Đề

Tam niên bất ngật tửu xuy yên,
Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên.
Hỷ kiến Nam phương liên đại thắng,
Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên.

Tháng 3-1968.

Dịch nghĩa: Không đề / Đã ba nǎm rồi không uống rượu, không hút thuốc lá,/ Ở đời không ốm đau chính là tiên thật sự!/ Mừng thấy miền Nam thắng lớn liên tiếp,/ Một nǎm cả bốn mùa đều là Xuân.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder