Nguyễn Đình Tâm- thơ về một thời biển cả – Trúc Lâm

“Xin dùng đời mình trải nghiệm nói giùm niềm đam mê biển khơi, khát vọng chân trời, nói giùm sự gian khổ hy sinh và lòng quả cảm tự tin vì lẽ sống, tự truy điệu mình như một lời tâm nguyện trước lúc ra đi, đè lên bom từ trường mà lướt trong tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc” lời tâm nguyện của nhà thơ Nguyễn Đình Tâm qua những tác phẩm về biển cả của mình.

“Xin dùng đời mình trải nghiệm nói giùm niềm đam mê biển khơi, khát vọng chân trời, nói giùm sự gian khổ hy sinh và lòng quả cảm tự tin vì lẽ sống, tự truy điệu mình như một lời tâm nguyện trước lúc ra đi, đè lên bom từ trường mà lướt trong tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc” lời tâm nguyện của nhà thơ Nguyễn Đình Tâm qua những tác phẩm về biển cả của mình.

Nguyễn Đình Tâm sinh ra trên bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) rồi lại học hành và làm việc trên mảnh đất đầu sóng ngọn gió Hải Phòng. Quá trình học, làm việc và chiến đấu của ông đều gắn bó với biển với mái trường Đại học Hàng Hải nên biển gắn bó với ông hầu hết cả cuộc đời mình. Có lẽ vì thế thơ Nguyễn Đình Tâm không chỉ viết nhiều về biển mà nhịp thơ của ông như những cơn sóng ào ạt vỗ vào lòng người.

Xuất thân từ gia đình nho học nhưng đam mê đẩy đưa ông tới công việc của một nhà giáo của những người thủy thủ, bài học là những chuyến ra khơi. Thế nên biển là tất cả bầu trời tuổi trẻ, là hoài bão được bay lên từ cánh tay biển cả: “Ta gọi tên bạn bè lớn lên từ những dòng sông/ Cánh tay biển ôm tròn ba phần tư trái đất/ tiếng đập cánh/ giữa nền trời khao khát/ nhịp sóng xanh/ trùng điệp tới chân trời”.

Trong niềm đam mê biển khơi có một kí ức tình yêu trong sâu thẳm chiến trận bom rơi: “Vẫn cái chiều sâu ấy/ giữa mặt nước xanh trong/ Anh hái san hô hồng/ tặng em ngày gặp mặt”. Chiều như thế nào mới được gọi là chiều sâu. Phải chăng với Nguyễn Đình Tâm chiều sâu ấy là chiều mà hai ta: “Nằm sâu trong đáy mắt/ nằm sâu tận đáy lòng/ giữa cái chiều sâu ấy/ có tình em yêu thương”. Tình yêu với nhà thơ sâu thẳm “ đáy mắt”, “đáy lòng” chỉ có thể ở “giữa biển đảo quê hương”( Giữa cái chiều sâu ấy). Em và biển hòa quyện trong một tình yêu không tách rời: “Thức cùng biển một đời/ Lại theo em về ru biển ngủ/ Con sóng hóa thân trên cánh đồng giấc mơ vị mặn/ Biển- và tôi- và em/ kết tinh hạt dâng đời. Ta thức cùng biển một đời, lúc theo em lại về ru biển, điều ý nghĩa nhất của cuộc sống này mà ta kết tinh chính là sự kết hợp của biển-tôi-em. Những bài thơ trong 5 tập thơ “Sóng vào thu”, “Tình Biển”, “Thức với mùa thu”, “Thức với Biển”, “Một thời biển cả” chính là kết tinh của tình yêu sâu thẳm và vô tận ấy. Những bài thơ mang khúc hát những con tàu về một thời biển cả, một thời Nguyễn Đình Tâm.

Có người nói đất Nghệ sinh ra những con người đầy mâu thuẫn khi giỏi cả chính trị quân sự, nghề giáo và nghệ thuật. Một thầy giáo giỏi- chủ nhiệm bộ môn động cơ- Thiết bị nhiệt Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, sĩ quan tàu đội tàu Giải Phóng thuộc cục vận tải đường biển và một nhà thơ được nhà văn Nguyên Hồng kỳ vọng. Để rồi sau mấy chục năm công tác, Nguyễn Đình Tâm dành trọn tình yêu mình cho thơ ca. dùng thơ ca để truyền đi đam mê biển khơi, nỗi nhớ một thời biển cả: “Trầm ấm còi tàu lan nhanh vào khoảng lặng/ Nỗi nhớ cồn cào cuốn về phía Đại dương/ Tiếng ì oạp vỗ vào tâm tưởng/ Con sóng say nghiêng ngả cánh buồm/ Thoảng nghe gió trở mình trong giấc ngủ/ cơn mê chiều ướt mắt gọi người thương”(Nhớ biển). Cả một hành trình dài trên biển bắt đầu từ tiếng còi tàu trầm ấm cứ ngân vang mãi trong lòng người đang ở bên tàu cạn. Khoảng lặng- hiện thực vỗ về để biết nỗi nhớ cồn cào biển, đại dương mênh mông bát ngát ngoài kia. Để những chuyến tàu của người thầy Trường đại học Hàng Hải chạy băng băng cùng hồi ức. Người đọc tìm tâm trạng của một người nhớ  từ tiếng ì oạp vỗ của nước, con sóng say nghiêng ngả cánh buồm, gió trở mình trong đêm vắng, nhớ cả nỗi nhớ người thương từng ướp mắt mỗi chuyến ra khơi.

Với những bài thơ về một thời biển cả của mình như: “Sóng vào thu đi biển”, “Tình biển”, “Mưa đại dương”, “Thức đợi trăng lên”, “Hồn biển” … Nguyễn Đình Tâm cho người đọc cảm nhận về “Những thi phẩm do chính người trong cuộc, một trí thức có kiến thức sâu rộng, vốn sống dồi dào để viết lên những dòng thơ rung động đến cực điểm. Hơn thế, ngôn ngữ được chắt ra từ kí ức chân thực của người viết lên càng mê hoặc, sâu sắc thuyết phục lòng người”. Đó cũng là chia sẻ của nhà văn Vũ Quốc Văn sau khi  đọc trường ca “Thức với biển” của ông.

 

Nhà thơ Nguyễn Đình Tâm

Hội viên chi hội Nhà văn Hải Phòng- Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng.

Giải nhất Cuộc thi sáng tác văn học do Hội nhà văn Việt Nam và Bộ giao thông vận tải tổ chức 2014-2015 với trường ca “Thức với biển”.

Giải nhất cuộc thi thơ 55 năm “Đất và người” Quận Ngô Quyền.

Đã xuất bản 4 tập thơ: “Sóng vào thu”, “Tình Biển”, “Thức với mùa thu”, “Một thời biển cả” và Trường ca “Thức với Biển”.

Trúc Lâm

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder