Nguyên tiêu – Hồ Chí Minh

Nguyên tiêu là bài thơ xuân, thơ trăng hay nhất của Bác Hồ. Năm 2003, Hội Nhà văn Việt Nam đã đề nghị lấy ngày rằm tháng giêng là ngày 55 năm về trước nhà thơ Hồ Chí Minh đã làm bài thơ Nguyên tiêu làm Ngày thơ Việt Nam.

Nguyên tiêu là bài thơ xuân, thơ trăng hay nhất của Bác Hồ. Năm 2003, Hội Nhà văn Việt Nam đã đề nghị lấy ngày rằm tháng giêng là ngày 55 năm về trước nhà thơ Hồ Chí Minh đã làm bài thơ Nguyên tiêu làm Ngày thơ Việt Nam. Nguyên tiêu là bài thơ tiêu biểu mang phong cách thơ Hồ Chí Minh lấp lánh ánh thép và ngời sáng chất tình; hài hòa giữa tính thi sỹ và chiến sỹ. Chỉ với bốn câu và 28 tiếng trong một bài thất ngôn tứ tuyệt, nó đã trở thành một tuyên ngôn của thi ca dân tộc Việt, tâm hồn Việt “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”.

Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài thơ này nhân kỷ niệm lần thứ XIII Ngày thơ Việt Nam – 2015

Nguyên bản chữ Hán

元宵

滿

Phiên âm

Nguyên tiêu

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

Dịch nghĩa

Rằm tháng giêng

Đêm nay, rằm tháng giêng, trăng vừa tròn,
Nước sông xuân tiếp liền với màu trời xuân.
Giữa nơi khói sóng thăm thẳm, bàn bạc việc quân,
Nửa đêm trở về, thuyền chở đầy ánh trăng.

Dịch thơ

Rằm tháng giêng

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Bản dịch của Xuân Thủy

Bài thơ xuân Nguyên tiêu – Lời bình của Minh Châu

Trong cuốn Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, Phan Văn Các cho ta biết ý kiến của Xuân Thủy, một người trong cuộc, đã nói về bài thơ: Đầu năm 1948, sau khi dự cuộc hội nghị ở chốn “yên ba thâm xứ”, Bác xuôi thuyền về nơi căn cứ. Nhân trăng sáng, cảnh đẹp, Bác cao hứng đọc: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên…”. Cùng đi thuyền với Bác có đồng chí Xuân Thủy. Có người đề nghị Bác cho dịch ra tiếng Việt. Bác bảo: “Có Xuân Thủy đây, Xuân Thủy dịch đi”. Sau một lúc suy nghĩ, Xuân Thủy đọc bản dịch. Bác khen: “Dịch lưu loát. Giữ được ý thơ. Nhưng hàng thứ hai có ba chữ xuân hòa với nhau mà bản dịch có hai chữ xuân, thế là ý thì đủ mà chữ còn thiếu”. Đêm nguyên tiêu đó là đêm rằm tháng giêng năm Mậu Tý, tức đêm 24 tháng 2 năm 1948.

Đây là một bài thơ chữ Hán luật Đường thất ngôn tứ tuyệt cổ điển mà hiện đại, cấu trúc 4 lớp khai thừa chuyển hợp điển hình.

Đêm nay, rằm giêng, trăng vừa tròn

Câu đầu là câu khai, cũng gọi là câu phá, câu mở đầu bài thơ, theo yêu cầu của nhà thi pháp Dương Tải đời Tống là Khởi như khai môn kiến sơn, đột ngột tranh vanh, hoặc như nhàn vân xuất hác khinh vật tự tại (Câu mở như mở cửa thấy núi, đột ngột chênh vênh, hoặc như mây nhàn từ hang hốc bay ra nhẹ nhàng lơ lửng). Câu khai quả đã tài tình mở ngay ra toàn cảnh một bức tranh trăng đêm rằm tháng giêng đặc biệt. Câu thơ tự nhiên đến dễ dàng mà tài tình điêu luyện. Nguyễn Đức Quyền thấy: Câu mở đầu tưởng không có dụng công nghệ thuật, không có dấu vết kỹ xảo. Hai chữ đầu “Kim dạ” vừa thật, vừa hồn nhiên khắc sâu thời điểm đáng nhớ. Hai chữ tiếp theo thời điểm đáng nhớ đó là “nguyên tiêu”, tức đêm rằm tháng giêng. Hai chữ “nguyên tiêu” gợi rất nhiều, một nét thâm trầm phong cách thơ Đường, gợi đến đêm trăng thiêng liêng mở đầu một năm, đêm trăng đẹp của mùa xuân, gợi đến con người yêu trăng, đến tinh thần dân tộc trong nếp cảm, nếp nghĩ của vị lãnh tụ kháng chiến. Rồi trăng hiện ra trong hình ảnh “nguyệt chính viên”, thật là đẹp. Từ “viên” ở cuối câu đầu là hình ảnh đặc trưng của trăng rằm, và về hình thức là nét rường cột tạo nên cấu trúc độc đáo của bài thơ. Trong câu có 7 chữ, không thừa một chữ, mà cũng không thể thiếu một chữ nào, mỗi chữ có riêng vị trí, nhiệm vụ, tác dụng. Mỗi chữ có một sức gợi cảm rất lớn, câu thơ mở ra một bình diện bát ngát vô cùng, với một chiều sâu thăm thẳm, gợi cho người đọc cảm giác viên mãn về một đêm trăng tuyệt vời. Phải nói rằng không phải là một nhà thơ tài ba lỗi lạc không thể viết nên một câu thơ như thế. Ta có thể lấy câu Hồ Ứng Lân bình thơ Lý Bạch để bình câu thơ này của Bác: Sở vị vô ý ư công nhi vô bất công dã (Cái nói rằng không để ý dụng công, thực ra không có cái gì là không dụng công). Câu thứ nhất được viết nên một cách tưởng như dễ dàng ấy, bao nhiêu nhà dịch thuật từng khổ công mà vẫn chưa sao dịch được trọn vẹn, chính xác.

Sông xuân, nước xuân tiếp trời xuân

Câu thứ hai là câu thừa, cũng gọi là câu thực, là nói về nội dung thực của bài thơ. Dương Tải yêu cầu câu thừa phải là: Thừa xứ như thảo xà trắc tuyến bất tức bất li. Thử liên tiếp phá đề yếu như li long chi châu bão nhi bất thoát (Câu thừa phải như con rắn cỏ bò ra, không ngừng không nghỉ. Câu thừa phải tiếp theo câu phá như rồng đen ngậm ngọc, ngậm chặt không rời). Câu thơ đã vẽ ra một bức tranh trăng tuyệt vời, tiếp nối đúng ý gợi mở của câu khai. Nghệ thuật dùng điệp tự đã nhân sức chứa của câu thơ, mở quy mô hoành tráng của bức tranh thơ, tăng nhạc điệu của khúc nhạc thơ. Lê Đức Niệm nhận thấy, ở câu thơ của Bác Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên, thì sông xuân, nước xuân, trời xuân hòa làm một. Nó cứ từng lớp, từng lớp – mà nhân lên. Sông xuân lại có nước xuân và trời xuân. Cả ba cảnh sông xuân, nước xuân, trời xuân làm thành bức tranh xuân. Chính vì thế cảnh xuân đã được nhân lên ba lần, và đêm nguyên tiêu trở nên kỳ diệu. Vũ Dương Quý nhận thấy, điệp từ xuân được nhắc lại ba lần, nối tiếp nhau như ngân nga vang vọng một sức sống, một niềm tin. Cả ngôn từ lẫn âm điệu hai câu mở đầu biểu hiện thật rõ ràng tâm hồn sảng khoái, vui tươi, phong thái ung dung thanh thản của tác giả. Trần Hữu Dinh nhận thấy, ba chữ xuân mở đầu ba nhịp câu bảy chữ mở chiều rộng, mở chiều cao, bức tranh không còn giới hạn. Cảnh trời đất đầy sắc xuân. Lê Xuân Đức cũng nhận thấy: Cái hữu hạn của sông xuân, nước xuân đồng nhất với cái vô hạn của bầu trời xuân làm cho không gian trở nên bát ngát như tấm lòng và tâm thế nhà thơ vậy.

Chốn sâu khói sóng, bàn quân sự

Câu thứ ba là câu chuyển, cũng gọi là câu luận, mở rộng vấn đề. Dương Tải yêu cầu câu chuyển phải là: Chuyển xứ như hồng ba vạn khoảnh, tất hữu cao nguyên. Thử liên dữ tiền liên chi ý, tương lai yếu biến hóa, như tật lôi phá sơn quan giả kinh ngạc (Câu chuyển như sóng lớn muôn trùng, tất có chốn cao đổ xuống. Phải khác với ý câu thừa, phải biến hóa như tiếng sét phá núi, làm cho người xem phải kinh ngạc). Câu thứ ba của bài thơ quả là đã thực hiện xuất sắc những yêu cầu của Dương Tải. Theo Lê Bảo: Trong thơ Đường tứ tuyệt, câu ba là câu đệm. Nó chuẩn bị, nó nén dồn cho một mũi tên từ đó (câu ba) và cả từ trước đó (câu một và câu hai) như một thứ bệ phóng để vọt ra. Bất ngờ đến mức nào, ấn tượng đến mức nào, còn tùy thuộc vào hướng đi đột ngột của tứ thơ ấy. Đột ngột trong cảm nghĩ, trong ấn tượng nhưng lại lô-gích trong hình tượng toàn bài. Đây là một thách đố mà người giải nó phải cao tay. Vũ Châu Quán nhận thấy: Sang câu thứ ba, sự sáng tạo mới là độc đáo. Yên ba thâm xứ đàm quân sự. Yên ba là khói sóng, thâm xứ là nơi sâu thẳm của núi rừng. Đàm quân sự là bàn việc quân. Yên ba là cái bản lề mở ra giữa hai cõi mộng và thực. Thi vị cũng đó, mà gian khổ cũng đó. Bất ngờ và thú vị nhất là câu thơ bỗng xuất hiện ba chữ “đàm quân sự”. Con thuyền thơ đang chênh vênh trên miệng vực giữa cõi mộng và thực, không bị trôi tuột xuống vực truyền thống ngàn xưa, về một bến hoang sơ hay đến một nơi tiên cảnh, mà đi thẳng vào cõi thực, đi làm việc cõi đời, việc dân việc nước. Lê Bảo đã thấy: Lẽ ra phải đi về phía sau, Bác lại đi về phía trước, Người đi bàn việc quân cơ cứu quốc, một điều kỳ diệu mà thơ Đường – Tống không thể đặt ra. Đó là việc cuộc đời, nhưng đó cũng chính là thơ. Lê Xuân Đức nhận xét: Việc quân cũng nên thơ lắm chứ. Bàn việc quân giữa khung cảnh đầy xuân sắc lại càng nên thơ, và quả đã thành thơ thật.

Đến nửa đêm về trăng đầy thuyền

Câu thứ tư là câu hợp, cũng gọi là câu kết. Dương Tải yêu cầu: Hợp xứ như phong hồi khí tụ, huyên vịnh hàm súc (Câu hợp như gió lồng khí tụ, ngậm chứa sâu thẳm). Đọc bài thơ đến giữa câu thứ ba, ta như đang bị hút hồn giữa một cảnh trăng lung linh huyền diệu, thì ba chữ đàm quân sự cuối câu như những tiếng chuông bất ngờ làm ta chợt tỉnh. Thì ra những con người đi thuyền vào nơi sâu tận cùng khói sóng đâu phải để thưởng trăng, mà để bàn việc quân, việc kháng chiến. Với những con người lo nước lo dân, chỉ biết hành động ấy mà nói chuyện thưởng trăng thì như có gì lạc lõng. Nếu như bài thơ chỉ có thế, thì tất cả vẻ đẹp của bức tranh trăng rất thật mà ta đã thấy còn có ý nghĩa gì trước những con người vô cảm, và những con người đi bàn việc quân kia, trước cảnh trăng lung linh kỳ diệu kia, nếu quả thật không có chút gì cảm xúc, thì đâu phải đã là những con người trọn vẹn. Trần Hữu Dinh nhận thấy, sang câu thứ tư tác giả trở về bút pháp mô tả, văn khí hùng mạnh ở cấp độ cao hơn. Cũng phải nói rằng cấu tứ của câu thơ cũng lại bất ngờ. Câu kết bất ngờ đưa ta về với cảnh thực, người thực. Trăng vẫn đẹp đấy chứ. Và những người đi vào nơi sâu khói sóng dưới trăng để bàn việc nước, việc quân chưa có thời gian và tâm tư nào để ngắm trăng khi còn phải lo tính công việc, thì khi công việc đã bàn xong, có thời gian tạm rỗi, và tâm tư tạm thảnh thơi đã liền vui vẻ nhìn ra cảnh vật. Họ đã thấy trăng, thích thú thưởng trăng và còn ý tứ chở cả trăng theo về. Thì ra họ cũng là người yêu thiên nhiên, có tình với trăng và biết thưởng trăng đấy chứ. Bài thơ đã được kết thúc một cách trọn vẹn với vầng trăng đẹp, cùng những người trông trăng tuyệt vời. Vũ Châu Quán thấy rằng: Trên đường về lòng dạ họ rất vui, vui vì nghĩa đời vẫn trọn, vầng trăng vẫn tròn.

Cấu trúc bài thơ còn có một sự độc đáo, là gắn kết được câu khai và câu hợp một cách tài tình. Nguyễn Đức Quyền nhận thấy: Cấu trúc bài thơ độc đáo. Từ “viên” trong phần khai kết hợp với từ “mãn” trong phần hợp, tạo thành kết cấu “viên mãn” (tròn đầy). Đấy là vẻ đẹp của trăng rằm, mà cũng là vẻ đẹp của ước vọng, niềm tin, và sự nghiệp đại nghĩa. Một bài thơ Đường luật cổ điển, mẫu mực mà độc đáo, hiện đại, xưa nay hiếm có.

Lê Xuân Đức nhận xét chung cả bài thơ: Đêm trăng tròn và sáng đầu tiên của mùa xuân mới, tự nó đã là một niềm tin yêu, một niềm vui, niềm hứa hẹn. Một kế hoạch đánh địch, thắng địch được quyết định trong đêm trăng tròn đẹp như vậy, nên thơ như vậy, chắc chắn người cầm quân – thi nhân ở cái tầm hoàn toàn làm chủ tình thế, nắm chắc thế trận, biết ta biết địch mới có cái thế ung dung, cái tứ thơ lồng lộng hòa quyện một cách hoàn toàn tự nhiên với cái đẹp, cái trong sáng của vũ trụ giữa cái đêm rằm tháng giêng.

Theo Tạp chí điện tử Hồn Việt

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder