Nguyễn Đăng Điệp với chuyên luận “Giọng điệu trong thơ trữ tình” – Cao Hồng

 

Mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc và kế thừa thành tựu nghiên cứu về giọng điệu của một số học giả trên thế giới như M.Bakhtin, W.Boothe, I.A.Richards,… nhưng đặc biệt đáng chú ý ở đây là Nguyễn Đăng Điệp đã tiếp thu lý thuyết văn học phương Tây một cách sáng tạo, linh hoạt,

 

vanhaiphong.com – Chuyên luận Giọng điệu trong thơ trữ tình (Nxb. Văn học, Hà Nội, 2002) của Nguyễn Đăng Điệp làm phong phú thêm thành tựu nghiên cứu phê bình văn học trong thời kỳ Đổi mới dưới ánh sáng lý thuyết thi pháp học. Tại đây nhiều vấn đề mang tính lý luận văn học, đặc biệt các khái niệm về quan điểm thẩm mỹ, điểm nhìn sáng tạo… đã được tác giả xác định, giúp người đọc hình dung và lựa chọn ứng dụng trong các áng văn chương của mình.

 

1. Thi pháp học hiện đại xuất hiện ở phương Tây từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trường phái  lý thuyết văn học này tuân theo những nguyên tắc khác với thi pháp học cổ điển, nó không coi trọng tính quy phạm mà đi sâu vào khảo sát những đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm. Tinh thần chủ đạo của phương pháp nghiên cứu thi pháp học hiện đại là hướng tới cách tiếp cận nội quan, tức là nghiên cứu văn học từ bản thân văn học, quan tâm đến tính văn học, tính nghệ thuật của văn bản văn học, coi tác phẩm như một chỉnh thể, như một hệ thống. Chính vì vậy nó khắc phục được một số sai lầm mà phương pháp truyền thống mắc phải như quan niệm quá sơ lược, một chiều về tác phẩm văn học, gán ghép gượng gạo những ý nghĩa xã hội, thiếu nhiều điểm nhìn, bỏ qua tiềm năng trực giác và tiềm thức của chủ thể sáng tạo,… giúp người nghiên cứu khai thác được những ý nghĩa đa dạng của tác phẩm, tìm ra bản chất sáng tạo của tác phẩm, tránh được cái nhìn áp đặt, phiến diện đối với văn bản nghệ thuật.

2. Trước thời kỳ Đổi mới, thi pháp học hiện đại đã được đề cập ở Việt Nam nhưng chưa có điều kiện để tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống và hầu như không được sử dụng để nghiên cứu văn học. Từ sau 1986, cùng với sự hồi sinh của nền văn học dưới ánh sáng dân chủ của tinh thần đổi mới, chủ nghĩa hình thức có dịp tốt để phát triển. Nhiều nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học, Văn học dân gian và Văn học phương Tây đã mở đường cho thi pháp học hiện đại tiến vào Việt Nam, tạo nên một luồng sinh khí mới. Các công trình của một số nhà nghiên cứu đi tiên phong trong lĩnh vực này như Phan Ngọc, Hoàng Trinh, Nguyễn Phan Cảnh, Trần Đình Sử, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Xuân Kính, Đỗ Lai Thúy… xuất hiện, được coi như là hiện tượng mới của nghiên cứu văn học. Ngoài ra, còn có nhiều nhà nghiên cứu, dịch thuật khác đã góp phần phổ biến thi pháp học ở Việt Nam như: Nguyễn Hải Hà, Cao Xuân Hạo, Lại Nguyên Ân, Phạm Vĩnh Cư, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Tri Niên, Lê Ngọc Trà, Vương Trí Nhàn, Chu Xuân Diên, Nguyễn Kim Đính, Phan Đăng Nhật, Bùi Mạnh Nhị, Huỳnh Như Phương… Và còn rất nhiều người khác.

Từ những năm 1990 trở đi hàng loạt công trình dịch thuật, giới thiệu các nhà thi pháp học Liên Xô được xuất bản và đăng tải trên các báo chí ở Việt Nam. Bạn đọc Việt Nam có dịp biết đến tên tuổi của các nhà thi pháp học nổi tiếng thế giới như: Aristote, Lưu Hiệp, Viên Mai, V.B. Sklovski, M. Bakhtin, R. Jakobson, V. Girmunxki, B.M. Eikhenbaum, J.M. Lotman, T. Todorov, R. Barthes, V.I. Propp… Rất nhiều các công trình nghiên cứu của các tác giả Việt Nam ra đời dưới sự ảnh hưởng của của lý thuyết thi pháp hiện đại, có thể sơ bộ kể đến các tác giả trong từng lĩnh vực như sau: Văn học dân gian và văn học kịch có Nguyễn Thái Hòa, Nguyễn Xuân Kính, Hà Bình Trị,… Văn học viết Việt Nam trung đại có Phan Ngọc, Trần Đình Sử, Kiều Thu Hoạch,  Văn học Việt Nam hiện đại có Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Điệp Nguyễn Thanh Tú, Vũ Văn Sĩ, Phan Cự Đệ,  Văn học nước ngoài có: Nguyễn Hải Hà, Phan Thu Hiền, Nguyễn Thị Bích Hải, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử… Về lý luận Thi pháp học có: Nguyễn Thái Hòa, Trần Đình Sử, Nguyễn Thị Dư Khánh, Trịnh Bá Đĩnh, Đỗ Đức Hiểu, Phương Lựu, Hoàng Trinh, Đỗ Lai Thúy, Phan Ngọc, Huỳnh Như Phương,… Tiếp thu nhiều khuynh hướng khác nhau có cội nguồn từ thi pháp học hiện đại thế giới (phong cách học ngôn ngữ, ký hiệu học, phân tâm học, thi pháp học cấu trúc, thi pháp xã hội học,…) giới nghiên cứu văn học Việt Nam có thể giải quyết được nhiều vấn đề về học thuật đang khủng hoảng, bế tắc, suy kiệt khả năng sáng tạo bởi sự áp đặt của lối nghiên cứu xã hội học dung tục. Thi pháp học đã đáp ứng nhu cầu tự nhiên và hiện đại hóa của nghiên cứu văn học Việt Nam,  góp phần tích cực vào việc đổi mới phương pháp nghiên cứu, phê bình văn học ở Việt Nam.

 

Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều,

nhà báo Đỗ Ngân Phương và nhà thơ Phan Hoàng (từ trái sang)

tại buổi giao lưu trực tuyến VietNamNet đầu năm 2012 – Ảnh: Lãng Ma

 

3. Sự lớn mạnh của thi pháp học hiện đại đã mở ra những “ô cửa” mới trong tiếp nhận và lý giải các hiện tượng nghệ thuật. Khuynh hướng thi pháp học ở Việt Nam đặt ra vấn đề nghiên cứu chủ thể sáng tạo thông qua hàng loạt các khái niệm cơ bản như: giọng điệu, quan niệm nghệ thuật, điểm nhìn nghệ thuật, vai trò của người kể chuyện,… Chuyên luận Giọng điệu trong thơ trữ tình (Nxb. Văn học, Hà Nội, 2002) của Nguyễn Đăng Điệp là một đóng góp độc đáo làm phong phú thêm thành tựu nghiên cứu phê bình văn học trong thời kỳ Đổi mới. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu tập trung, có hệ thống về một trong những vấn đề phức tạp nhất của thi pháp học hiện đại: giọng điệu nghệ thuật. Trong khuôn khổ của bài viết, dưới đây chúng tôi tập trung tìm hiểu một số giá trị cơ bản của công trình Giọng điệu trong thơ trữ tình để từ đó phần nào có thể thấy sự sáng tạo, linh hoạt của Nguyễn Đăng Điệp trong nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn lý thuyết thi pháp học hiện đại ở Việt Nam thời kỳ Đổi mới.

Trong chuyên luận, xoay quanh Giọng điệu trong thơ trữ tình tác giả làm sáng rõ bốn nội dung cơ bản: 1/Giọng điệu như một hiện tượng nghệ thuật; 2/Các loại hình giọng điệu thơ; 3/Giọng điệu thời đại Thơ Mới; 4/ Giọng điệu “Tứ bất tử” Thơ Mới.

Nhìn vào kiến tạo nội dung trên có thể thấy rõ ý tưởng của nhà nghiên cứu: hướng tới xác định cụ thể hơn nội hàm và đường biên của khái niệm giọng điệu trong thơ, chỉ ra các yếu tố cấu thành nên giọng điệu với tư cách là một hiện tượng nghệ thuật mang đậm dấu ấn của chủ thể sáng tạo. Song không chỉ dừng lại ở mức nhận diện giọng điệu, tác giả còn hướng đến lý giải, nhìn sâu vào cấu trúc bên trong của nó và xác lập những thao tác kỹ thuật phân tích giọng điệu. Không để những vấn đề lý thuyết trở thành màu xám, trên cơ sở lý luận đã được thiết lập, Nguyễn Đăng Điệp đã áp dụng vào nghiên cứu một trong những thành tựu lớn nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XX: Thơ Mới và giọng điệu của bốn nhà thơ tiêu biểu nhất của thời đại thơ ca này. Đó là Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính.

Tiến hành hàng loạt phân biệt với ngữ điệu, nhạc điệu, nhịp điệu, tiết điệu, Nguyễn Đăng Điệp đã thiết lập một hệ thống khái niệm đầy đủ, cặn kẽ về giọng điệu.  Nhà nghiên cứu khẳng định quan niệm: Giọng điệu là một hiện tượng siêu ngôn ngữ, nó không nằm ở trong một thành tố, một khu vực cục bộ mà nó toát lên từ toàn bộ tác phẩm. “Giọng điệu là một phương diện biểu hiện quan trọng của chủ thể sáng tạo” [1/ tr.46] và: “Giọng điệu thể hiện thái độ, lập trường, cách nhìn của chủ thể phát ngôn về đối tượng được nói đến và đối tượng mà lời văn ấy hướng tới” [1/ tr.341]. Giọng điệu là thứ hình thức mang tính quan niệm, bao giờ cũng là sản phẩm sáng tạo đích thực của nhà văn và mang tính chất lượng, giọng điệu chính là thần thái toát lên từ tác phẩm. Tìm hiểu giọng điệu chính là tìm hiểu ngôn ngữ chủ thể- nhân lõi tạo thành phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Như vậy, tác giả đã ý thức rõ tầm quan trọng của giọng điệu nghệ thuật – đó là một thuộc tính có vẻ bề ngoài nhưng lại là thước đo không thể thiếu để xác định tài năng và phong cách độc đáo của người nghệ sĩ. Giọng điệu đồng thời cũng là một hiện tượng có tầm văn hóa ảnh hưởng đến các thời đại văn học.

Mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc và kế thừa thành tựu nghiên cứu về giọng điệu của một số học giả trên thế giới như M.Bakhtin, W.Boothe, I.A.Richards,… nhưng đặc biệt đáng chú ý ở đây là Nguyễn Đăng Điệp đã tiếp thu lý thuyết văn học phương Tây một cách sáng tạo, linh hoạt, có những đề xuất, bổ sung cho những luận điểm nổi tiếng thế giới của M.Bakhtin khi nhà lý luận này chỉ đề cập sâu đến lĩnh vực tiểu thuyết. Nguyễn Đăng Điệp so sánh do cấu trúc và đặc điểm thể loại cho nên giọng điệu trong thơ khác với giọng điệu văn xuôi. Ở văn xuôi giọng điệu thường lạnh lùng, khách quan còn ở thơ ca lại thấm đẫm tính chủ quan. Từ đó ông đưa ra khái niệm tiếng nói độc bạch của thi ca trong khi nhà bác học M.Bakhtin chỉ đề cập đến tính đa thanh trong tiểu thuyết hiện đại. Ông cũng nhấn mạnh trong ba cấp độ chính: giọng điệu tác phẩm, giọng điệu nhà văn, giọng điệu thời đại thì giọng điệu nhà văn phải được coi là đơn vị cơ bản nhất. Bởi vì ông cho rằng: “Giọng điệu tác phẩm là biểu hiện cụ thể của giọng điệu nhà văn, và đến lượt mình giọng điệu nhà văn là cơ sở tạo nên âm hưởng chung của một thời đại văn học. Tuy nhiên, giọng điệu nhà văn nhà thơ không phải là một hiện tượng tĩnh tại, bất biến mà vận động, biến hóa. Mỗi một nghệ sĩ lớn thường là một nghệ sĩ tạo ra được một dải phổ giọng điệu rộng lớn, phong phú mà thống nhất. Đó là sự thống nhất của cái đa dạng” [1/tr.342]. Coi trọng giọng điệu nhà văn trong nghiên cứu tác phẩm thi ca đồng nghĩa với việc đề cao, coi trọng vai trò chủ thể sáng tạo- một phương diện mà trước đây chưa được quan tâm đúng mức.

Xuất phát từ quan điểm loại hình lịch sử, Nguyễn Đăng Điệp đã tiến hành khảo sát các loại hình giọng điệu bao hàm từ thơ ca dân gian đến thơ ca trung đại, thơ ca hiện đại và thơ lãng mạn, thơ siêu thực. Ông phát hiện giọng điệu trong thơ dân gian là: “Giọng điệu của một tập thể, nó thể hiện cảm xúc, thái độ của một lớp người, một tập thể nào đó chứ không phải là sản phẩm của một cá tính sáng tạo đơn nhất, không lặp lại như thơ trữ tình sau này” [1/tr.343]. Thơ trung đại: “Do tập trung thể hiện con người siêu cá thể, nhìn con người trong sự tương thong với vũ trụ theo kiểu “tâm vật cảm ứng” nên giọng điệu chủ thể tuy đã xuất hiện song chưa thật phát triển” [1/tr.343]. Thơ lãng mạn: “Do đặt lên hàng đầu vai trò của cảm xúc cá nhân, nhìn thế giới qua lăng kính của cái tôi cá nhân nên giọng điệu thơ ca đặc biệt nổi bật” [1/tr.343]. Còn thơ tượng trưng và siêu thực thì yếu tố giọng điệu chìm xuống bởi đề cao những ám thị “vô thức” và chủ trương lối viết “tự động”. Thơ cách mạng mang giọng điệu lạc quan, tin tưởng vào tương lai sáng.

Như vậy, với cái nhìn bao quát vấn đề sâu rộng Nguyễn Đăng Điệp chỉ rõ sự vận động giọng điệu trong các loại hình văn học khác nhau, ở mỗi loại hình tác giả đều nêu bật đặc trưng loại biệt và những mối liên hệ giữa chúng. Sự tồn tại giọng điệu văn chương trong dòng chảy văn học là một yếu tố quan trọng góp phần cùng một số yếu tố nổi bật khác của mỗi thời đại văn học giúp chúng ta phân biệt thời đại văn học này với thời đại văn học khác.

Điểm trọng tâm nhất của công trình này là Nguyễn Đăng Điệp đã dồn tâm huyết vận dụng lý luận về giọng điệu nghệ thuật của mình vào nghiên cứu Thơ Mới và nghiên cứu giọng điệu thơ “tứ bất tử”: Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính. Đề tài Thơ Mới 1932-1945 và thơ của những thi nhân xuất sắc trong phong trào này tưởng như không còn gì mới nữa bởi đã được nhiều người chuyên tâm nghiên cứu. Nhưng từ góc nhìn của lý thuyết giọng điệu cùng với năng lực thấu cảm nghệ thuật tinh tế, kết hợp phương pháp và thao tác khoa học tinh tường Nguyễn Đăng Điệp đã mang lại cho người thưởng thức phê bình những khám phá đầy hấp dẫn, thú vị, mới mẻ về Thơ Mới qua những trang văn tài hoa, khúc chiết, rõ ràng.

Cũng là bàn về Thơ Mới nhưng Nguyễn Đăng Điệp đã không theo lối mòn của nhiều người đi trước. Khảo sát thơ của các tác giả nổi danh như Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương, Huy Thông, Thâm Tâm, Nguyễn Nhược Pháp, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Nguyễn Bính, Tú Mỡ, Đồ Phồn,… nhìn sâu vào cách kiến tạo ngôn từ (đặc biệt là cách dùng từ láy và ẩn dụ bổ sung), cách tạo nhịp, tạo nhạc, cách xây dựng hệ thống hình tượng về con người,.. Nguyễn Đăng Điệp đã thẩm thấu được âm vang sau từng con chữ, tìm và bắt “trúng” hồn cốt, thần thái, giọng điệu của thời đại Thơ Mới- đó là “tổng phổ của những nỗi buồn sầu” [1/ tr.204]. Và trong bản nhạc đậm âm hưởng buồn và cô đơn ấy vẫn nghe thấy “những “nghịch âm”” [1/ tr.232]- đó là giọng thơ tươi vui, yêu đời mang nhiều niềm hy vọng, say mê. Phát hiện của Nguyễn Đăng Điệp đã làm sống dậy những sắc điệu góp phần tạo nên sự phong phú của một thời đại thi ca. Ông đã chứng minh một cách thuyết phục vai trò quan trọng của chủ thể sáng tạo: “Sự góp mặt của nhiều giọng điệu thi ca đã biến thời đại này thành một nền thơ đa phong cách, đa giọng điệu” [1/ tr.344]

Nhất quán quan niệm cho rằng giọng điệu là một hiện tượng nghệ thuật tạo nên sự độc đáo của các phong cách nghệ thuật lớn, chương cuối của công trình tác giả đã đi sâu tìm hiểu giọng điệu của bốn nhà thơ cụ thể: Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính. Các thi phẩm quen thuộc của các nhà thơ tiêu biểu nhất trong phong trào Thơ Mới được soi chiếu dưới ánh sáng của thi pháp giọng điệu trên tất cả các cấp độ: cái nhìn nghệ thuật, cách tổ chức lời thơ, cách xây dựng hình tượng, sử dụng các môtip, sự tự bộc lộ thành hình tượng tác giả… đã hiện lên những sắc màu tươi mới, phô bày thêm những phẩm chất, chiều sâu nghệ thuật tiềm ẩn mà trước đó dường như còn mờ ảo. Những thi nhân một thời vang bóng trên văn đàn hiện lên mỗi người mỗi vẻ với những phong cách riêng biệt, độc đáo được nhận biết qua giọng điệu chínhmàu sắc của giọng điệu thi ca: Xuân Diệu  nồng si, tươi trẻ, đậm chất “Tây”; Huy Cận sầu não, ngậm ngùi, đậm chất Đường thi, cổ điển; Hàn Mặc Tử là sự chen nhau giữa tiếng kêu đau thương, tê điếng và niềm hy vọng thiết tha, mãnh liệt, thơ Hàn là những cơn mơ đẫm mầu siêu thực; Còn Nguyễn Bính là lỡ làng, đắng cay, đậm chất quê mùa. Nguyễn Đăng Điệp còn phát hiện, bên cạnh giọng chính, mỗi thế giới nghệ thuật thơ đều có những sắc điệu “bè đệm” (Xuân Diệu: cô đơn, Huy Cận: niềm vui và hương thơm, Nguyễn Bính: một thế giới cổ tích trong trẻo, bình yên, Hàn Mặc Tử: một thế giới tinh khôi huyền nhiệm). “Cái nghiêng tai kỳ diệu” với cả tấm lòng tri âm, tri kỷ của nhà phê bình đối với những thi nhân ưu tú của dân tộc thêm một lần nữa cho chúng ta thấy tính đa dạng của các sắc điệu khiến cho giọng điệu nhà thơ trong vũ trụ sáng tạo nghệ thuật của chính họ trở nên một hiện tượng nghệ thuật sống động, lung linh đầy màu vẻ diệu kỳ, bí ẩn, mời gọi độc giả tiếp tục khám phá phát hiện.

 

4. Nghiên cứu giọng điệu nghệ thuật là một công việc khó khăn đầy thách thức. Tuy vậy, với Giọng điệu trong thơ trữ tình Nguyễn Đăng Điệp đã không chỉ dừng lại ở việc khơi gợi các vấn đề giọng điệu của thời đại Thơ Mới, đúng như Vũ Thanh đã đánh giá: “Với tập chuyên luận này, Nguyễn Đăng Điệp đã đưa ra khẳng định một trường lý thuyết mới, bổ sung cho nghiên cứu văn học những thao tác, công cụ nghiên cứu, góp phần đổi mới cách tiếp nhận, cách tân các tiêu chí thẩm mỹ trong nghiên cứu và phê bình văn học, trong việc khám phá và khám phá trở lại những giá trị của văn học dân tộc bằng một cách nhìn và cách tiếp cận mới”.  [2/ tr.86]

 

___________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Đăng Điệp (2003), Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb. Văn học, Hà Nội, 446 trang.

2. Vũ Thanh (2003), Giọng điệu trong thơ trữ tình – Một cuốn sách có giá trị, Tạp chí Văn học, số 3, tr.83-86.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder