Viết ra và viết lại những điều không có bằng chứng xác thực, đánh giá về người khác theo lối miệt thị, xúc phạm,… vốn là điều mọi người viết có trách nhiệm luôn cần tránh, để những gì viết ra có ý nghĩa đối với xã hội, con người. Tuy nhiên từ khi blog phát triển, đã có tác giả sử dụng công cụ này để công bố loại sản phẩm có nội dung nêu trên. Bài viết của tác giả Nguyễn Hòa đề cập tới một hiện tượng trong số đó, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo…
Viết ra và viết lại những điều không có bằng chứng xác thực, đánh giá về người khác theo lối miệt thị, xúc phạm,… vốn là điều mọi người viết có trách nhiệm luôn cần tránh, để những gì viết ra có ý nghĩa đối với xã hội, con người. Tuy nhiên từ khi blog phát triển, đã có tác giả sử dụng công cụ này để công bố loại sản phẩm có nội dung nêu trên. Bài viết của tác giả Nguyễn Hòa đề cập tới một hiện tượng trong số đó, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo…
Ngày 23-1-1989, nhà văn Nguyễn Minh Châu qua đời. Trong khi văn giới và bạn đọc cùng thương tiếc ông thì nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, người khi đó đang sinh sống cách Việt Nam hàng vạn cây số, đã dựa theo thông tin “nghe hơi nồi chõ” để viết bài đăng trên báo nọ, ví tang lễ nhà văn Nguyễn Minh Châu như “đám tang của kẻ khó”. Sau khi công bố, bài viết này gặp phải sự phẫn nộ của những đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm tổ chức tang lễ nhà văn Nguyễn Minh Châu, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà văn Nam Hà đã viết bài chỉ rõ sự thật, phản đối bài viết của ông Vương Trí Nhàn. Nhưng cho đến hôm nay, vẫn chưa thấy nhà phê bình cho biết ngày đó ông đã đúng, hay đã sai. Cứ ngỡ đó chỉ là sự kiện hy hữu, là bài học giúp nhà phê bình cẩn trọng hơn; nhưng không, hình như với ông, thói “ngồi lê đôi mách” đã ổn định như một căn tính trong lối viết? Bởi gần đây, sau khi đọc một số phần Nhật ký văn nghệ của Vương Trí Nhàn đăng trên một số trang mạng, blog, facebook, tôi không tin vào những gì đã đọc; vì trong đó la liệt những câu chuyện “nghe hơi nồi chõ”, cùng một số đánh giá, nhận xét mang màu sắc miệt thị, xúc phạm một số nhà văn, trong đó có người đã mất. Tới khi đọc Nhật ký văn nghệ trên blog của Vương Trí Nhàn, thì tôi đã tin và tự thấy cần phải viết bài này. Vì sau khi Nhật ký văn nghệ đăng tải trên một số blog, facebook cá nhân khác thì văn bản không tồn tại đơn lẻ trên blog của ông Vương Trí Nhàn nữa, mà đã được nhân bản; hơn nữa còn vì, sau khi tiếp xúc với Nhật ký văn nghệ, có thể bạn đọc nào đó sẽ mặc nhiên coi một số điều ông Vương Trí Nhàn đã công bố là sự thật, thậm chí có thể chịu ảnh hưởng từ đánh giá của ông, hoặc sẽ sử dụng làm tư liệu để… nghiên cứu!
Xét từ nội dung và thời điểm, Nhật ký văn nghệ của Vương Trí Nhàn ghi lại suy nghĩ, hoạt động và tiếp xúc nghề nghiệp hằng ngày của ông cách đây mấy chục năm. Chưa biết văn bản đích thực của nhật ký, chỉ đọc văn bản ông đưa lên blog, nên không rõ Nhật ký văn nghệ đã công bố có tương ứng với nhật ký ông viết, hay đã được biên tập, bổ sung, làm mới? Thông thường, với nhật ký cá nhân không được tổ chức như một tác phẩm văn học, thì việc công bố là rất cẩn trọng. Vì cảm xúc, suy nghĩ, đánh giá thuần túy riêng tư về những vấn đề – sự kiện – con người đề cập trong nhật ký không phải khi nào cũng có thể trình trước thiên hạ. Ngay cả khi công bố nhật ký của một người đã khuất, người biên tập và nơi xuất bản cũng cân nhắc kỹ lưỡng (việc này hẳn khi biên tập Nhật ký Đặng Thùy Trâm, ông Vương Trí Nhàn đã nắm rõ). Và về nguyên tắc, dẫu không phải là tác phẩm văn học thì việc công bố nhật ký là quyền của ông Vương Trí Nhàn. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm ở đây là tính khách quan và chính xác, góc độ tiếp cận vấn đề – sự kiện – con người, sự trung thực, thái độ của người đã ghi và công bố nhật ký. Nếu không bảo đảm các yếu tố cơ bản này, sau khi công bố, nhật ký có thể đẩy tới ngộ nhận, làm ảnh hưởng đến vấn đề – sự kiện – con người đã được đề cập…
Đọc Nhật ký văn nghệ của ông Vương Trí Nhàn, không cần tỷ mẩn đếm chữ cũng nhận ra tỷ lệ quá cao những câu chuyện và chi tiết ông lượm lặt được khi tiếp xúc với người này, người khác, quá nhiều sự kiện – vấn đề – con người được ông đề cập với tư cách là “chuyện văn nghệ Hà Nội nghe ở Moskva”, hoặc ghi theo lời kể của người khác theo lối “khẩu thiệt vô bằng” – thao tác mà nếu nhà phê bình đã biết thế nào là tôn trọng tính khách quan, cụ thể sẽ không vướng vào. Cho nên tôi không rõ Vương Trí Nhàn lấy gì bảo đảm tính chính xác khi trong Nhật ký văn nghệ của ông nhan nhản những ghi chép đại loại như: “Nguyên Ngọc kể”, “ai đó bảo”, “Hồ Ngọc kể”, “Nguyễn Quân kể”, “Quân lại nói”, “Hồ Ngọc bảo ông Vũ Tú Nam kể”, “Một người bạn cũ, kể chuyện Hà Nội – Sài Gòn”, “Đoàn Giỏi tới thăm về, kể…”, “Nghe đồn Phan Hồng Giang có nói…”, “Nghe nói khi thơ Trường Chinh ra, có người bảo Lê Đình Kỵ phê bình đi…”, “Nghe nói (có anh kể)…”, “Phương Lựu kể với tôi”, “Nghe nói vụ Cù Lao Tràm”, “Trần Đăng Khoa có lần kể với Trà một chuyện nhỏ, giờ Trà kể lại với tôi”, “Nghe nói là có cuộc trao đổi về Ly thân bên báo Văn nghệ”, “Chương Thâu kể”, “Bùi Việt Sĩ kể”, “Thiếu Mai kể”, “Nguyễn Đăng Mạnh có lần nói với bọn tôi”, “Sử kể một đoạn đối thoại với Hữu Thọ”, “Vũ Quần Phương kể là ở cơ quan NXB Văn học”, “Ngọc Trai bảo”, “Một việc khác, cũng do Ngọc Trai kể”, “Vẫn Ngọc Trai kể”, “Cả Ngô Văn Phú, và Bùi Hòa cùng kể”, “Gặp Nguyễn Văn Bổng. Ông lắc đầu kể”, “Nguyễn Văn Bổng kể”, “Mai Thúc Long giảng giải”, “Phong Lê kể cho biết”, “Ân kể về mối quan hệ giữa nhà xuất bản chúng tôi và Hội”, “Trúc Thông kể”, “Lê Minh Khuê kể”, “Xuân Quỳnh họp về đến cơ quan kể với tôi một chuyện tạt ngang”, “Chương Thâu kể”, “Ngô Thảo nói”, “Đỗ Trung Lai ở báo Quân đội nhân dân thì thào”, “Bà Bảo ở Văn phòng Hội bảo”, “Sử có lần nói về Phương Lựu như sau: Phương Lựu đọc ông A, bảo ông A được cái này hỏng cái này. Rồi đọc ông B, bảo ông B được cái kia và hỏng cái kia. Kết hợp cả hai cái được của A và B lại, thì thành ra Phương Lựu”, “Anh Ngọc nhà thơ khái quát”, “Nghe nói Nguyễn Thụy Kha có một bài”, “Nghe Ý Nhi kể”, “Nghe Hách nói”, “Trần Đình Sử nhận xét”, “Nghe nói Chu có viết một báo cáo”, “Hách bình luận”, “Nguyên Ngọc kể”, “Vũ Quần Phương kể”, “Ân kể với tôi”,… Với vô số câu chuyện ghi lại qua “kể, nghe nói, nói, bảo” từ một người, hoặc người này nói rằng người khác từng nói như thế mà hoàn toàn không có bằng chứng xác thực, chỉ thể hiện qua câu chữ của Vương Trí Nhàn, thì liệu có nên tin vào những gì ông ghi lại? Đặc biệt, khi những điều “kể, nghe nói, nói, bảo” ấy đã diễn ra ở thời điểm cách chúng ta khá xa (năm 1990) thì không loại trừ khả năng đến năm 2015 này, nếu khổ chủ đã mất rồi thì đó là điều chính ông Vương Trí Nhàn không thể xác minh, còn nếu khổ chủ còn sống thì liệu họ có còn nhớ mấy chục năm trước đã từng nói gì để ông Vương Trí Nhàn ghi chép, rồi sau một phần tư thế kỷ đem ra công bố trước mọi người?
Qua Nhật ký văn nghệ của Vương Trí Nhàn, tôi tò mò muốn biết nếu có ai đó coi những gì ông viết về thói xấu của người Việt là “chửi dân tộc”, “đánh dân tộc” thì ông sẽ nghĩ sao? Tôi đặt câu hỏi này vì thấy trong Nhật ký văn nghệ, ông có thói quen định tính một số bài phê bình văn học, hoặc ứng xử của đồng nghiệp là “chửi”, là “đánh”, như: “Đỗ Văn Khang chửi Hoàng Ngọc Hiến bước qua lời nguyền”, “Báo Văn nghệ số cuối tháng 7 có bài Duật nhận định tình hình, lại chửi bới ra rả”, “Nguyễn Văn Lưu có bài chửi những người ăn vạ”, “Duật bị người ta chửi là điếm là gắp lửa bỏ tay người. Đầu cơ chính trị thượng hạng”, “Đỗ Văn Khang trong dịp này, chỉ đánh hôi cho Bùi Công Hùng”, “Đến Nguyên Ngọc thì tất cả xô vào đánh”, “bài của Phan Cự Đệ chửi bới Trần Độ về định hướng rộng, chửi luôn cả Nguyễn Duy, Nguyễn Huy Thiệp, và Phong Lê”, “Nghe nói báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng có bài chửi bới quyển sách rất dữ”… Thiết nghĩ, khi nhà phê bình tào lao bên bàn trà, hay viết nhật ký riêng tư không có ý định công bố, thì có thể sử dụng “chửi, đánh” định tính một bài phê bình, nhưng khi đã sử dụng “chửi, đánh” để công khai nhận xét một bài phê bình thì nên xem xét lại. Dù không đồng tình, ghét tác giả, dù dị ứng với bài phê bình, dù có bất bình với ứng xử của đồng nghiệp thì ông cũng nên định tính một cách lịch lãm, chứ không nên coi đó là “chửi”, là “đánh”; và chí ít cũng nên quan tâm tới bài phê bình, tới ứng xử của chính mình để nhận được sự tôn trọng, đó là thái độ có văn hóa của người viết. Vì hoàn toàn có thể nói, nếu lối định tính của ông có một ý nghĩa nào đó, thì nó lại làm xuất hiện khả năng là: bằng việc công bố Nhật ký văn nghệ, ông cũng làm cái công việc mà ông cho rằng người khác đã “chửi”, “đánh” đồng nghiệp!?
Đọc Nhật ký văn nghệ, rất khó tìm thấy trong đó dấu ấn của sự nhân ái, độ lượng, sẻ chia. Hầu như gặp ai, đến đâu, nghe hóng ở đâu,… ông cũng chỉ xăm xăm tìm cái xấu, bình luận theo hướng thiếu tích cực. Hầu như những người ông đã gặp, các sự kiện, vấn đề ông “nghe nói”, nghe “kể, nói, bảo” rồi ghi lại trong Nhật ký văn nghệ đều xấu xí, dị hợm, bất tài, hoặc ham hố quyền lực, đang thực hành mưu mô. Ông cũng không ngần ngại nhắc lại ngôn từ miệt thị của một số người nói về người khác (nếu đúng là có?), như: “bọn Nguyễn Văn Lưu, Bùi Công Hùng, tởm thật” (lời Phương Quỳnh), “bọn thằng Duy đại diện Văn nghệ ở Sài Gòn nó không thích Chế Lan Viên” (lời Nguyên Ngọc), “đám Tô Hoài, Nam Cao, sở dĩ họ rất khoái cách mạng, vì cách mạng mang lại cho họ cái địa vị mà họ chưa có” (lời Nguyễn Đăng Mạnh), “Trần Đình Sử nhận xét, bọn Văn nghệ bây giờ dưới sự lãnh đạo của Hữu Thỉnh còn kém cỏi, vô trách nhiệm hơn báo Văn nghệ hồi Đào Vũ”,… Quan ngại hơn, đa số chuyện ông Vương Trí Nhàn ghi trong Nhật ký văn nghệ lại không phải chuyện chuyên môn, chủ yếu là chuyện nhân cách. Văn nghệ chỉ như cái cớ, trở nên mờ nhạt, còn nhân cách của một số nhà văn bị đánh giá theo lối “vô bằng cớ” và méo mó lại như là mục đích ông nhắm tới với sự cay nghiệt của ngòi bút. Điểm qua một số đánh giá của Vương Trí Nhàn hoặc của người khác (mà không rõ chính xác đến mức nào, vì chủ yếu ông nghe kể, nghe nói?) về một số văn nhân được đề cập trong Nhật ký văn nghệ.
“Cái ông Thi này căn bản rất ích kỷ. Ông ta có yêu ai bao giờ đâu. Một tay bẻ hết mấy cành phù dung. Ông ta diệt tạp chí chuyên về văn học nước ngoài rồi, lại còn sẵn sàng diệt trường Nguyễn Du nữa ấy chứ. Bây giờ chung quanh toàn những Kim Lân, Thợ Rèn thì còn được việc gì… Đại hội nhà văn Việt Nam cuối 1989 đánh dấu một bước ngoặt trong đời hoạt động của Nguyễn Đình Thi. Dù rất muốn, ông không thể cố đấm ăn xôi tại chức mãi mà buộc phải chính thức chuyển giao vai trò lãnh đạo Hội cho một nhóm trẻ hơn thuộc thế hệ kế cận. Nhưng, đó không phải là thất bại. Sau Đại hội, với kinh nghiệm của một nhà chính trị chuyên nghiệp, rất dân tộc mà cũng rất hiện đại, ông vẫn tiếp tục thao túng ban lãnh đạo Hội, tận diệt những ảnh hưởng có thể có của Nguyên Ngọc, vì biết rằng nếu tinh thần Nguyên Ngọc thắng nghĩa là quá khứ của mình sẽ bị mang ra xét đoán lại… Nguyễn Đình Thi – hay là chuyện quan trường văn nghệ; ông quan giết chết dần người nghệ sĩ trong cái xác người sinh viên muốn lập thân”.
– “Nói chung Khải là người quá nhạy, cứ nghe cánh Nguyễn Đình Thi dọa cho mấy câu, thế là lại dao động, Nguyên Ngọc lại phải lên dây cót thêm… Tôi nghĩ, ông Khải không hết mình trong mọi chuyện, một phần vì bỏ việc tổ chức còn sáng tác, chứ Nguyên Ngọc ngoài việc ấy ra, chả có việc gì khác!… cách tồn tại của Nguyễn Khải: bắt đầu bằng sự căm giận cá nhân; luôn luôn sắc sảo, chạm vào khuôn khổ mà không bao giờ mắc nạn vì không bao giờ ra ngoài khuôn khổ; viết cho mọi người chứ không phải cho chính mình; rất phù hợp với cách mạng trong cái vẻ ngoài thích tìm tòi thích đặt vấn đề. Công thức tóm tắt là một ngòi bút phức tạp trong cái giới hạn của sự đơn giản… Rồi tôi lại nghĩ, Nguyễn Khải nói thế, chắc để bao che cho thói cơ hội và sự trở mặt trắng trợn của mình?”.
– “Nói chung, Nguyên Ngọc nhận xét Chế Lan Viên giỏi biến báo lắm, mà cả ông Trần Độ cũng nhận xét vậy. Gặp Trần Độ ở Sài Gòn, Chế Lan Viên nhận ngay tôi là người giáo dở. Tôi ủng hộ Đào Vũ về báo Văn nghệ,nhưng tôi không trao quyền cho hắn làm tổng biên tập, mà chỉ làm quyền thôi, thế là giáo dở chứ gì. Tôi với Nguyên Ngọc giận nhau, nay tôi lại ủng hộ anh ấy về thay”.
– “Trong các buổi họp của Hội Nhà văn, thấy có tin đồn dai dẳng nói là ông Vũ Tú Nam, Tổng thư ký, đang xin từ chức. Tin đồn chắc hẳn là có ác ý, là muốn đánh vào ông Nam. Nghe nói lời đồn lan rộng đến mức trong một buổi họp người ta phải nêu ra và bảo nhau rằng, đừng có góp phần lan truyền tin đồn đó nữa. Phản ứng của Vũ Tú Nam về chuyện này? Chắc chắn là ông rất buồn. Một người lõi đời về tổ chức như ông Nam hiểu rằng như thế là người ta không ủng hộ ông nữa. Thế nhưng ai mà thương ông được. Một sự bảo thủ dịu dàng – trong những ngày qua, trước đại hội, ông ta có một lập trường như vậy. Trong sự thản nhiên của ông, có một chút gì như là cơ hội nữa: cho mọi người đánh nhau, ta ở giữa có lợi”…
Rồi nữa là các đánh giá ngoài văn chương, có tính miệt thị, thiếu bóng dáng văn nghệ, chỉ có bóng dáng của con người, đại loại: “Nguyễn Kiên Giang không hề biết mình là loại người gì”, “Vũ Khiêu toàn nhận định nhăng nhít. Phan Huy Lê ba mươi năm nay không viết gì (đúng là con nhà Phan Huy Ích, cơ hội qua ngày). Hà Văn Tấn như con mọt sách, cũng không được việc gì hết”, “Mẹ Thành chúa cơ hội thì lúc nào cũng mời mọc “cái này để mời anh Linh đi xem ạ!”. Giờ nghỉ, thấy ông Linh ra, Hồ Ngọc phải tránh đi, nhưng bọn Lưu Quang Vũ, Hoàng Quân Tạo cùng xô đến… Vũ dám làm tất cả các việc mà Vũ vẫn chế giễu”, “Nguyễn Tuân hay là cuộc đi tìm chỗ đứng. Tô Hoài hay là sự lươn khươn lúc đi với văn học nói mình là cách mạng, lúc đi với cách mạng nói mình là nhà văn. Xuân Diệu – người vợ lẽ chịu nép một bề, cốt để tồn tại… Tế Hanh – một thứ dây leo, Nguyễn Xuân Sanh ăn bám. Bùi Hiển – tiến trình đi ngược chiều lịch sử, sự trở lại của cái địa phương ngớ ngẩn. Hữu Mai, Hồ Phương -các cán bộ tuyên huấn tưởng có thể đẻ ra một thứ văn chương mới”. Đánh giá về người nào đó qua vài ba chữ (dù là đánh giá của người khác) cũng không sao nhưng với nhà phê bình, đánh giá phải được bảo đảm bằng lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, diễn giải nghiêm túc,… để chứng minh thế nào là “nhăng nhít”, “cơ hội”, thế nào là “ăn bám”, “vợ lẽ chịu nép một bề, cốt để tồn tại”, “một thứ dây leo”… Nghĩa là, căn cứ vào hiện tượng, nhà phê bình có thể đưa ra giả thuyết về bản chất sự kiện – con người; nhưng đó là kết quả của một quá trình phân tích, luận giải vừa chi tiết, vừa khái quát, và luôn ý thức đó là giả thuyết, chứ không phải là kết luận cuối cùng, duy nhất đúng. Đáng tiếc, nhiều đánh giá về nhà văn trong Nhật ký văn nghệlại ít liên quan văn chương, mà chủ yếu liên quan nhân cách, và dường như nhà phê bình cho rằng, chỉ cần buông mấy chữ là xong?
Sống với làng văn nhiều năm nên tôi biết, ngoài lúc gặp nhau để bàn chuyện công việc hay tâm sự riêng tư, mỗi khi nhà văn, nhà thơ tụ tập để hàn huyên thường nói chuyện tầm phào, tào lao rôm rả. Đôi khi cũng có vị nói như để “trút hận”, hoặc bới móc, nói xấu (như cách nói bây giờ là “đem đồng nghiệp ra làm món nhậu”!) nhưng thường là bông phèng cho vui. Kẻ viết bài này do ham chuyện cũng đôi khi có xăng xái tham gia cốt để đùa nghịch, trêu bạn bè. Nên có lần trước khi giải tán, mấy anh em vừa ngồi với tôi đã bảo: “Tay nào ghi lại mấy chuyện vừa rồi để đăng báo thì khối thằng chết!”. Nhưng chẳng ai ghi lại, cũng chẳng có ai hong hóng nghe rồi ghi nhật ký để mấy chục năm sau công bố. Quan hệ với nhà văn nên hiểu, nên chia sẻ với sự hồn nhiên, đôi khi như cảm tính của họ. Nhà phê bình muốn ghi chép “cho đời sau” thì mấy chuyện bông lơn, ý kiến đưa ra vào lúc nhà văn “chém gió” cần chọn lọc, khảo sát, kiểm tra cẩn thận, có đối chiếu, có bằng cớ,… không phải nghe gì ghi nấy; cũng chỉ nên ghi lại những gì liên quan tác phẩm, tác giả, không nên xoay qua chuyện đạo đức, nhân cách. Vì uy tín của nhà phê bình được tạo lập chí ít qua việc anh ta tiếp cận tác phẩm, tác giả thế nào, không phải vì anh ta đánh giá nhân cách của nhà văn ra sao. Ghi chép thiếu cẩn trọng, chỉ chăm chắm mò tìm điều xấu xí, dị hợm, hoặc ý kiến bới móc, suy diễn tiêu cực,… để công bố có thể sẽ làm méo mó vấn đề – sự kiện, xúc phạm người được đề cập – nhất là người đã khuất, vì họ đâu còn khả năng tự bảo vệ khi nhân cách của họ bị bình luận, suy diễn sai lạc. Quan niệm công việc của nhà phê bình là bàn luận về văn chương chứ không nhằm đánh giá, dự đoán nhân cách nhà văn nên tôi tò mò muốn biết: Giả sử nhà phê bình nào đó nhận xét ông Vương Trí Nhàn có một trong những phẩm chất: “cơ hội, trở mặt trắng trợn; căn bản rất ích kỷ, có yêu ai bao giờ đâu; có cái chất của cường hào, các ông chủ thực sự ở nông thôn; định buôn to; là điếm là gắp lửa bỏ tay người, đầu cơ chính trị thượng hạng; dám làm tất cả các việc vẫn chế giễu; không hề biết mình là loại người gì; nhận định nhăng nhít; con mọt sách, không được việc gì hết; vợ lẽ chịu nép một bề, cốt để tồn tại; dây leo; ăn bám” thì ông sẽ phản ứng ra sao?
Tóm lại, đọc Nhật ký văn nghệ của ông Vương Trí Nhàn, tôi thấy văn bản này như là nơi để nhà phê bình phô bày nhiều suy nghĩ, đánh giá nhân cách của nhà văn mà tác phẩm phê bình không thể chuyển tải công khai? Riêng về điều ông viết: “Cả cái nước này hôm nay không biết cách sống, cách làm việc” thì tôi đồ rằng ông rất tin mình là người biết cách sống, biết cách làm việc ở đẳng cấp rất cao nên mới dám nhận xét “cả cái nước này” như thế. Nếu ý kiến của tôi không tương xứng với ông thì phải chăng, trong đoạn đánh giá của ông Vương Trí Nhàn về một bài viết của Bằng Việt: “Cảm thấy Bằng Việt hiểu mình hoàn toàn đứng cao hơn thiên hạ một cái đầu, tỏ thương hại những ai không biết nghĩ như mình. Lối nói bề trên mang lại cho hình ảnh tác giả hiện lên sau bài viết một vẻ sang trọng giả tạo” chỉ cần thay “Bằng Việt” bằng “Vương Trí Nhàn” là có thể nhận diện được con người của ông qua Nhật ký văn nghệ?
N.H