Gặp Nguyễn Hoa, tôi dùng chiêu “trẻ hóa”, gọi ông bằng “anh”. Nhưng hình như tôi nhầm. Nguyễn Hoa chẳng phải khách đa tình, dẫu ông từng viết: “Em là muối ướp nỗi đau tươi mãi”.
Nguyễn Hoa tiếp tôi tại phòng làm việc tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội). Ông xuất hiện chỉn chu, nghiêm túc. Bất giác tôi nhớ tới “Thép đã tôi thế đấy” của một thời đã qua… bỗng dưng ngại ngùng vì đã lỡ miệng gọi ông theo kiểu tươi trẻ. Nhưng Nguyễn Hoa vẫn cười để cứu “đối phương” thoát ngượng: “Không sao, nhà văn, nhà thơ thì không có tuổi. Gọi anh cũng được”.
Từng nghe đồn: Nguyễn Hoa hiền lắm. Bắt đầu lơ mơ tin lời ông nói: “Tất cả mọi người đến đây nộp hồ sơ xin vào Hội tôi đều mời nước, giúp đỡ nhiệt tình”.
Chẳng biết có phải tại Trưởng ban tổ chức hội viên của Hội nhà văn hiền lành, chân thành hay sao mà ngày càng lắm người muốn được “dán mác” nhà văn, nhà thơ? Ông cho biết: Có khoảng 600 hồ sơ được gửi đến xin vào Hội.
Trong đó có tới trên 300 “thí sinh” nghĩ mình xứng đáng là nhà thơ (chắc do phong trào hội thơ ở phường, xã, thôn, xóm…đang trên đà cực thịnh?). Nhưng “mùa kết nạp hội viên” giờ không sai quả, đã đến lúc chuyển sang thời “quý hồ tinh bất quý hồ đa”.
Nguyễn Hoa bình luận: “Văn học nghệ thuật, quan trọng là chất chứ ồn ào để mà làm gì? Mùa này chỉ kết nạp một lượng hội viên cực kỳ ít ỏi so với nhu cầu xã hội”.
Đường vào đại học rộng thênh thênh còn đường vào Hội Nhà văn càng ngày càng gập ghềnh khó đi. Mùa trĩu quả cũng “mang tiếng”, ít quả chắc không tránh khỏi lầm rầm đằng sau. Hỏi: “Anh có nghe người ta nói vào Hội bây giờ cũng vã mồ hôi vì luồn và cúi?”.
Nguyễn Hoa bình thản: “Đa số là không chuẩn mực, người ta nghe đồn nhiều hơn”. Nhưng ông cũng đủ dũng cảm thẳng thắn: “Cái gì diễn ra ở xã hội thì nó có thể cũng có ở Hội Nhà văn nhưng không phổ biến”.
Không có lòng trung thực, mọi thứ đều có thể xảy ra
Tiết lộ của Nguyễn Hoa khiến người khác hơi giật mình: Tôi đã ngồi ở Ban tổ chức hội viên trên 20 năm nay rồi (tất nhiên tên gọi của ban thì thay đổi theo thời nhưng bản chất công việc vẫn thế).
Gắn bó một công việc trong khoảng thời gian dằng dặc, bằng cả quãng đời tươi đẹp của một con người, không mắc bệnh nghề nghiệp mới là chuyện lạ. Nguyễn Hoa vừa lí giải, vừa chứng minh bằng giấy tờ, sổ sách, trước mỗi câu hỏi, kể cả ngơ ngẩn, của tôi.
Ông còn khuyến khích: “Em cứ hỏi, cái gì chúng tôi chưa đúng, chúng tôi sẽ sửa, để tốt hơn”. Tin không vui với những ai yêu mến Nguyễn Hoa, đến năm 2015, kỳ đại hội lần sau chắc ông sẽ tạm biệt căn phòng này, trụ sở này để về nhà tĩnh dưỡng: “Sức khỏe tôi không tốt, đã có lần đột quỵ rồi”.
Dính dáng đến công tác tổ chức thường gắn với “quyền”. Đón “đầu vào”, chào “đầu ra” của Hội Nhà văn, nhân vật quan trọng này thể hiện mình thế nào? Nguyễn Hoa nói: “Nếu không có tấm lòng trung thực, thì tiền nong, trai gái, mọi thứ đều có thể xảy ra”.
“Nhưng lòng trung thực đôi khi cũng ngả nghiêng trước cám dỗ?”, tôi ngờ vực. Ông cười: “Hội Nhà văn không phải nơi hấp dẫn, nơi làm ra tiền, chỉ thuần uy tín nghề nghiệp, nên cũng đỡ hơn”.
“Nhưng đỡ hơn không có nghĩa là không có?”, tôi tiếp. Không né tránh, Nguyễn Hoa cất giọng đều đều: “Vẫn có thể cầu cạnh. Nhưng mình phải làm thế nào càng tránh xa được cái đó càng tốt. Điều đó giúp tôi ở được Hội lâu. Tôi đã làm ở đây từ năm 1989 đến nay, không có ồn ào gì”.
Tò mò: “Món quà anh thường nhận được từ những người muốn bước chân vào Hội Nhà văn là gì?”. Giữa thời náo loạn này, câu trả lời của Nguyễn Hoa khiến người khác như lạc vào xứ khác: “Tôi nhận được rất nhiều sách. Mỗi lần người ta in sách xong lại tặng. Nhưng nhiều người trở thành hội viên rồi thì bơ đi, không tặng nữa”.
Giá trị cuốn sách cực nhỏ nhưng sự “bơ đi” có làm tổn thương trái tim một cán bộ kiêm thi sĩ? “Tôi thấy chuyện đó cũng bình thường thôi”, ông lí giải thêm: “Chuyện vào Hội, một cá nhân như tôi không quyết định được gì nhiều. Cái ghế trưởng ban tổ chức hội viên nghe thì oai nhưng quà nhận được chỉ là sách, cùng lắm là kẹo, không gì hơn”.
Nếu không có tấm lòng trung thực, thì tiền nong, trai gái, mọi thứ đều có thế xảy ra. Có người cầu cạnh. Nhưng mình phải làm thế nào càng tránh xa được cái đó càng tốt”.
Nhưng chẳng phải bổng lộc ít mà công việc sao nhãng: “Chúng tôi có đủ kinh nghiệm để kết nạp hội viên”. Nói rồi, ông lại lục tìm cuốn sổ để chứng minh việc kết nạp hội viên càng ngày càng vươn tới độ… chính xác: “Hội Nhà văn kết nạp được hầu hết các người nổi tiếng trong nước và những gương mặt mới chứ không mất một ai, kể cả những người có tì vết”, giọng ông không giấu nổi vẻ phấn khích, tự hào khiến người khác, nếu đã từng có định kiến về Hội, cũng phải nở nụ cười hùa theo.
Anh còn hồn nhiên nói đến việc mình bất ngờ vì có chân trong BCH Hội Nhà văn Việt Nam: “Tôi không bao giờ nghĩ mình trúng BCH. Tôi không vận động hành lang, kém cả khâu nhắn tin, cũng không phải dạng “hot”, sức khỏe không tốt…”.
“Kết quả tốt đẹp trên mong đợi này chắc là do người tốt được yêu mến chăng?”, tôi đùa. Nguyễn Hoa phấn khởi: “Vâng, đúng là người tốt được yêu mến”.
Đến giờ thơ tôi vẫn bị… ném sọt rác
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã dành những lời hết sức ưu ái cho thơ Nguyễn Hoa: “Nguyễn Hoa nổi tiếng với những bài thơ ngắn, cực ngắn. Đây là loại thơ dồn nén cảm xúc và trí tuệ lên con chữ, chưng cất nên những tứ thơ rượu mạnh”.
Một trong những bài thơ siêu ngắn của ông được Nguyễn Trọng Tạo cho lên mây, chính là: “Em là muối, ướp nỗi đau tươi mãi”. Chẳng phải bạn của Nguyễn Hoa thì người ta cũng phải công nhận là câu thơ này (bài thơ này) đắt giá. Không nổi tiếng với trường ca, nổi tiếng với những câu thơ “nặng kí” cũng là an ủi một đời thơ rồi.
Nguyễn Hoa quan niệm thơ hay không kể ngắn, dài: “Tôi không viết trường ca, tôi không dai sức thế, có làm bài vài trăm câu, cũng là tập thôi. Tôi không lệ thuộc dài, ngắn mà tôi cốt là những bài đó có hay không và còn lại gì với thời gian”.
Tôi hỏi Nguyễn Hoa rằng: “Ở vị trí này, anh có nghĩ những lời tán tụng thơ anh đôi khi cũng chỉ là lời giả dối?”. Đó cũng là điều ông đã nghĩ tới: “Cũng có thể. Cơ mà cứ để “ông” thời gian trả lời”. (Tôi chưa từng thấy ai dùng từ lót “cơ mà” nhiều và duyên như thi sĩ Nguyễn Hoa).
Nguyễn Hoa cho biết anh đã in 13, 14 tập thơ, tính ra đến ngàn bài thơ: “Tôi vào loại viết khỏe, in khỏe”. Tuy nhiên ông tự tin, số lượng không nhấn chìm chất lượng: “Bây giờ có sàng lọc, tôi biết chắc có những bài sẽ tồn tại lâu, thậm chí mình có thể tự hào ngầm. Nếu đặt chúng bên cạnh những bài thơ hay của thế giới, tôi không thẹn với chính bản thân mình”.
Đây là một trong những bài thơ anh tâm đắc, cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của anh: “Chim sơn ca mải mê cất cao tiếng hót/Chùm lá biếc rung rinh/Người đi săn giương súng lên rình/Mà không hay biết/Chim sơn ca vẫn hót cả cho số phận mình”.
Ông nói rằng, mình thủy chung với thơ ca, nếu không chung thủy, tận tâm, hết mình với thơ thì khó có thành công. Mối tình với nàng thơ yêu thương, sóng gió dập dìu khiến ông không có thời gian để mắt tới văn xuôi. Tên thật của Nguyễn Hoa là Nguyễn Hoa Kỳ.
Vì cái tên nên sự khởi đầu trên bước đường văn chương của ông gặp không ít khó khăn, cho đến khi người biên tập của một tờ báo đã “cứu” ông bằng cách bỏ tên “Kỳ”, chỉ để lại Nguyễn Hoa.
Trong ngàn bài thơ của ông, hẳn có bài hay, bài chưa hay nhưng đã là đứa con mang nặng đẻ đau, ông xót: “Người ta quăng thơ tôi vào sọt giấy/Và kèm theo một cái bĩu môi/Còn trên tay tôi run rẩy xin đỡ những đứa con mồ côi”.
Ở tuổi này, với công việc này, liệu thơ Nguyễn Hoa có còn bị…ném sọt giấy? Hóa ra “những đứa con” do Trưởng ban tổ chức hội viên, UV BCH Hội nhà văn Việt Nam sinh ra đôi khi cũng mồ côi, không nơi nương tựa: “Cũng có tờ báo không in thơ tôi chứ”.
Đến giờ ông đã tiếp nhận sự thật một cách dễ chịu hơn: “Tôi thấy việc họ bỏ thơ tôi cũng bình thường. Chắc do bài thơ đó chưa hay hoặc chưa hợp gu người ta. Tôi không giận chỉ nghĩ mình phải vươn lên, để thấy rằng kể cả người ta không in thơ mình cơ mà thơ mình vẫn tồn tại”.
Anh khẳng định, để có chỗ đứng trong Hội Nhà văn, ngoài nhân cách, phải trau dồi năng lực của người viết. Mới rồi, ông ra tập “Máy bay đang bay và những bài thơ khác”. Tập thơ hay, dở thuộc quyền của người thưởng thức nhưng rõ ràng nó đánh dấu sự nỗ lực không bị lãng quên của Nguyễn Hoa.
Tình yêu và thuyết tương đối
Như bao nhiêu thi sĩ khác, Nguyễn Hoa cũng viết về tình yêu. Ông tự tin thơ tình của mình không kém cạnh: “Ngoài cửa sổ phòng tôi bông hồng nở/Tôi muốn hái tặng em nhưng không nỡ/ Làm trống đi một chấm đỏ của trời xanh”.
Khi viết bài thơ này thi nhân bị ám ảnh bởi Thuyết tương đối của Anhxtanh: “Bài thơ chứa đựng tâm thế nhân văn lớn. Thiên nhiên là sự hài hòa tuyệt đối, con người đừng tham gia bấu véo những thứ đẹp đẽ đó. Tình yêu là đẹp nhất, muốn hái bông hoa tặng người yêu là quá đẹp nhưng sẽ là nhân văn hơn, nếu anh không ngắt bông hoa làm mất đi chấm đỏ của trời xanh”.
Nghe ông giảng giải về thơ mình, tôi cảm thấy ngưỡng mộ sự cao cả nhưng nếu ai đó định tán tôi bằng những câu thơ tình kiểu này tôi quyết không “đổ”. (Và nếu tất cả đàn ông trên thế gian này mỗi khi định tặng hoa chị em lại nghĩ đến Anhxtanh thì đúng là một thiệt thòi cho phái yếu và… những người kinh doanh hoa).
Dẫu sao tôi vẫn thích người quê Nguyễn Bính với sự ích kỷ đến tận cùng hơn: “Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai/ Đừng hôn dù thấy cánh hoa tươi/Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ/Đừng tắm chiều nay biển lắm người”. Đã yêu thì sao còn để ý tới Thuyết tương đối làm gì? Trái tim thi sĩ thường dễ rung rinh, Nguyễn Hoa hình như có làm thơ khoe.
Đại ý: Tôi muốn (hay tôi có?) nhân tình khắp thế gian. Nhưng chẳng ai tin đó là sự thật. Ông muốn vui chút thôi. Tuy nhiên, phải nhận rằng cái sự làm thơ tình yêu gắn với Thuyết tương đối (hay những gì cao cả khác) cũng giúp ông đi vào địa hạt lắm người cày xới này, vẫn có thể tạo cho mình bản sắc riêng.
Đọc những dòng thơ tình “tử tế” chắc ngờ ngợ phải của Nguyễn Hoa? Như thế cũng là thành công với ông rồi: “Tôi quan niệm về thơ rất giản dị. Thơ phải nói được chính bản thân mình, tức là thơ phải có cái tôi, đọc phải nhận ra được, nếu chỉ là màu sắc chữ nghĩa ồn ào thì không kể”.
Thơ tình yêu chỉ là mảng nhỏ trong khối tài sản của Nguyễn Hoa: “Tôi là người yêu Tổ quốc. Tôi làm nhiều bài thơ về Tổ quốc. Và chắc chắn tôi là người chân thành, tôi từng viết: “Tôi có lòng chân thành không biết sợ
H.D
Nguồn TP online