Nhà thơ Trịnh Anh Đạt nói về bài thơ “Mẹ ơi” của mình.

Một chi tiết nhỏ của ngày tháng trong bài thơ “Mẹ ơi” xin được trình bày trước bạn bè yêu thơ, người yêu lẽ phải và đọc giả, để làm sáng tỏ vấn đề: Ai đạo thơ ai.

Vanhaiphong – Nhà thơ Trịnh Anh Đạt – Hội viên Hội NVHP là một người đặc biệt yêu những vần lục bát. Đã có một hội thảo khá quy mô về “ Thơ lục bát Trịnh Anh Đạt” tại Hải Phòng. Chỉ có điều (bỗng dưng) thi sỹ này lại phải bận lòng với hai vụ đạo thơ mình! Mới đây là vụ đạo bài thơ “Mẹ ơi” của anh. Đọc thư Trịnh Anh Đạt gửi cho BBT, chúng tôi nhận rõ những bức xúc chính đáng của một nhà thơ bị xúc phạm. Vanhaiphong.com đã đăng  bài “Lại một nghi án đạo thơ cần làm sáng tỏ”; Tuy nhiên, để bạn đọc tường minh hơn về quyền bản quyền của bài thơ này chúng tôi xin tiếp tục đăng những dòng hồi ức của anh về xuất xứ bài thơ.

Nhận lời mời của tôi, đầu tháng 5/ 2014, Nhà thơ, soạn giả Gia Dũng từ Hà Nội về Đồ Sơn thăm, kết hợp nghỉ dưỡng và hoàn thành bản thảo tuyển thơ “Đánh giặc, làm thơ mười thế kỷ”.

Lâu ngày gặp nhau, nhà thơ Gia Dũng đặc biệt quan tâm tới những sáng tác gần đây của tôi. Và anh bắt đọc đi đọc lại bài thơ “Mẹ tôi” là quà tặng dâng lên thân mẫu mình nhân dịp chuẩn bị mừng cụ thượng thọ tuổi 95. Cuộc hạnh ngộ bất ngờ ở chỗ: Soạn giả, nhà thơ Gia Dũng đang cất công đi tìm một bài thơ của những người làm thơ mặc áo lính, nhằm chốt lại “Phần II – Chúng ta đánh giặc – làm thơ” của tuyển thơ nói trên. Thật bất ngờ soạn giả lại quyết định sử dụng bài “Mẹ tôi” làm xứ mệnh lịch sử này. Như vậy tác giả mở đầu tuyển thơ là Vua Lý Công Uẩn bằng bài “Thiên chiếu dời đô”, người khép lại tuyển thơ, không ai khác, chính là thường dân làm thơ,mặc áo lính Trịnh Anh Đạt, với bài thơ “Mẹ tôi”!

Bài thơ “Mẹ tôi” hình thành tứ mùa hè 2012, khi tôi từ Hoa Kỳ trở lại quê hương, trong hành trang mang từ nước ngoài về có chiếc xe chuyên dùng cho người già và người khuyết tật. Chiếc xe thiết kế gọn, nhẹ, xếp vào, mở ra, nhanh chóng, từ 4 điểm tựa thành 2 điểm tựa, khi cần. Xe phù hợp với vóc dáng người Âu, Mỹ, bởi vậy, tôi phải nghiên cứu và hạ thấp 4 chân xe xuống cho vừa tầm đẩy của cụ. Nhìn mẹ tuổi ngoài 90 tập đi, tôi xúc động, nhớ lại thời trẻ trai ra trận, mẹ từng chặt cây tre đực, tặng con trai làm chiếc “Gậy Trường Sơn” vượt tuyến lửa lên đường cứu nước…rồi lên chùa tụng kinh, niệm phật, cầu hòn tên, mũi đạn tránh xa con trai mình…

Đến nay tôi đã cho ra mắt 2 tập thơ, do các nhà xuất bản uy tín cấp phép: NXB Hội Nhà Văn, NXB Văn Học, và tới đây là tập thơ thứ 3, với trên hai trăm bài thơ, nhưng rất hiếm có bài thơ nào ghi lại ngày tháng sáng tác. Nhưng một khi lịch sử trao xứ mệnh, tôi hồ hởi đón nhận…Được soạn giả Gia Dũng bật mí: Tuyển thơ dự kiến sẽ ra mắt đọc giả vào tháng 8/ 2014. có nghĩa là tôi được toàn quyền chọn ngày khai sinh ra tác phẩm “Mẹ tôi” của mình! Sự lựa chọn đã quá rõ ràng: Càng gần thời gian “Nộp lưu chiểu sách” càng tốt.

Năm 1972, trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị, tôi bị trọng thương, trở thành thương binh, được hưởng chế độ thương tật của nhà nước từ bấy cho đến nay. Vậy có thể ghi ngày 27 tháng 7, là “ngày thương binh, liệt sỹ” được lắm chứ. Một ngày thật ý nghĩa đối với đất nước cũng như cá nhân tôi. Nhưng nghĩ lại, thấy rằng: Thời gian này, bản thảo đang nằm trên bàn của ban biên tập, của NXB Văn Học. Không hợp lý! Vậy còn con số nào mang ý nghĩa đối với cuộc đời tôi? Ngoài mẹ, tôi nghĩ đến người phụ nữ đã gắn bó gần nửa thế kỷ, đồng cam, cộng khổ, trong mỗi niềm vui nỗi buồn của mình, đó là người vợ đảm lược của tôi: Khâu Lệ Hoa, một phụ nữ người Việt gốc Hoa, cả đời hy sinh, tận tụy vì chồng vì con, vì họ mạc nhà chồng, khi gánh vác trách nhiệm lớn lao:Chị dâu cả của dòng họ Trịnh!

Thế  là tôi quyết định lấy ngày sinh của vợ làm ngày công bố bài thơ: 14/ 5/ 2014. Trên thực tế bài thơ “Mẹ tôi” đã được gõ trên laptop và gửi cho bạn bè yêu văn chương sớm hơn nhiều. Đây là lý do tại sao trên trang web phuonglinh.vn do máy vi tính tự động lưu đăng bài là: 22: 32’ thứ 3 ngày 13/ 5/ 2014, còn dưới bài thơ “Mẹ tôi” vẫn đề: “ Hà Nam một lần về thăm mẹ 14/ 5/ 2014”! Đây có thể được xem bài thơ “Mẹ tôi” công bố trên trang phuonglinh.vn là bản gốc, đầu tiên ra mắt đọc giả. Bởi ngay sau đó bài thơ được đổi thành “Mẹ ơi” khi in trên tuyển thơ “Đánh giặc, làm thơ…” và câu bát cuối khổ số 3, đã được chính tác giả biên tập thành:” Hồn làng hóa đám mây trôi phiêu bồng…” cho thơ hơn và bám chặt tứ thơ. thay cho câu: “…Cau vườn đã đốn, không nơi nào trồng…” Còn ý này vẫn giữ hồn vía trong bài “Mẹ” (số II, số III) của tác giả Trà Thanh Lam: “Vườn cau in bóng, một thời trổ bông…”

Một chi tiết nhỏ của ngày tháng trong bài thơ “Mẹ ơi” xin được trình bày trước bạn bè yêu thơ, người yêu lẽ phải và đọc giả, để làm sáng tỏ vấn đề: Ai đạo thơ ai.

TRỊNH ANH ĐẠT

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder