Câu chuyện muôn đời và cũng là nỗi trăn trở muôn đời của các nhà văn, nhà thơ chính là vấn đề “sáng tạo”. Sáng tạo khác với mọi người đã đành, sáng tạo khác với chính mình lại càng khó. Trong vấn đề này, nhà thơ Vũ Quần Phương có một góc nhìn riêng…
Câu chuyện muôn đời và cũng là nỗi trăn trở muôn đời của các nhà văn, nhà thơ chính là vấn đề “sáng tạo”. Sáng tạo khác với mọi người đã đành, sáng tạo khác với chính mình lại càng khó. Trong vấn đề này, nhà thơ Vũ Quần Phương có một góc nhìn riêng.
– Thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, ông nhìn nhận như thế nào về khát vọng làm mới trong văn chương của ta những năm qua?
+ Từ khi Đổi mới, khái niệm làm mới trong văn chương được mọi người hưởng ứng ào ạt. Trong thực tế, với mỗi tác giả, quyển sách sau đã phải khác quyển trước, cho nên sự làm mới vốn là cái hết sức tự nhiên. Tuy nhiên, trong văn chương đổi mới của ta, cách làm mới mạnh hơn và thể hiện rõ hơn.
Về nội dung, có những đề tài trước đây người ta không viết, người ta tránh, nhưng nay lại được đề cập. Ví như chuyện thời chiến, có những phụ nữ chồng đi B, nhưng ở nhà lại có con với ông hàng xóm. Thời trước, không ai nói chuyện đó, nhưng bây giờ, nỗi niềm thân phận như thế của phụ nữ thời chiến lại trở nên rất điển hình, được đưa vào tác phẩm. Cái mới của văn chương hôm nay là viết gần sự thật, đúng với sự thật hơn. Khác với giai đoạn viết theo những “kiêng cữ”, những quy ước chung của thời đại, ngày nay, người viết lấy đời sống làm chuẩn. “Viết đúng như cuộc đời” – đó là một tiêu chí mới.
Tuy nhiên, mặc dù hướng tới mục tiêu viết đúng như sự thật cuộc đời, nhưng chủ đề, tư tưởng toát ra từ tác phẩm vẫn hướng người đọc tới những điều tốt đẹp. Tiểu thuyết “Đất trắng” của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh từng viết về một nhân vật chiêu hồi trong chiến tranh. Nhưng đọc xong, không những người đọc không “chiêu hồi” theo, mà còn chống lại được tâm lý chiêu hồi nảy sinh trong lòng người.
Về hình thức, những cái mới đang “hơi loạn”. Các tác giả, đặc biệt người trẻ đưa vào văn chương những cái khá kỳ khu, thậm chí chữ “n” họ viết thành “l”, tức là nói ngọng đi, hoặc viết nhiều câu tục tằn, sai văn phạm. Đó cũng là một kiểu “mới”, nhưng mới theo cách đó chẳng khác gì mọi người đi bằng chân thì mình trồng cây chuối đi bằng tay, vừa vất vả vừa đi chậm, là cái mới phản tiến bộ.
Mới về hình thức là cái mới ta nên chọn lựa. Với tôi, tôi chọn nguyên tắc làm sao hình thức ngắn nhất mà lại chứa đựng nội dung dài nhất. Nhờ đó, người đọc có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng, nhưng cũng có thời giờ để suy ngẫm, thấm thía.
Nhiều bạn trẻ bây giờ trong khi đuổi theo cái mới đã cắt đứt quá khứ. Họ không muốn (hay không thể?) dính dáng tới văn chương của các cụ giai đoạn trung – cận đại. Tôi cho rằng, cái mới của văn chương hôm nay nên đúc rút được những tinh hoa của văn chương cổ. Phải đứng được trên vai các cụ thì mới mong cao thêm.
– Nhiều người nói, những đề tài trong văn chương đều là chuyện muôn thuở rồi, còn gì mới nữa đâu để nói. Ông nghĩ sao?
+ Nếu nhìn vào các đề tài, rõ ràng văn chương không nói gì mới hơn những chuyện từ ngàn xưa các cụ đã nói. Nhưng nếu gắn vào đời sống, chẳng hạn đề tài tình yêu, từ khi có loài người, đã có chuyện này, nhưng tới hôm nay, thơ viết về tình yêu vẫn tồn tại và vẫn được yêu thích. Và như thế, những bài thơ tình yêu của ngày hôm nay chỉ là “thời sự hóa một vấn đề vĩnh cửu”.
Cũng lại có một phương thức làm mới khác nữa của văn chương là “vĩnh cửu hóa một vấn đề thời sự”. Làm được thế, tôi chắc chắn bạn sẽ gặp được cái mới.
– Theo quan sát của ông, sự làm mới trong văn chương của lực lượng cầm bút hiện nay như thế nào?
+ Nếu nhìn vào tổng thể, ta sẽ thấy có những yếu tố mới. Nhưng nhìn vào từng tác giả lại chưa thấy rõ. Tức là, họ gặp cái mới, sáng tạo cái mới chỉ như một thứ “bắt được” mà chưa thật chí thú phát huy theo đường hướng của riêng mình.
Có lẽ, thời hiện đại, người viết trẻ rất năng động. Họ có khả năng làm việc ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Điều này rất khác với những người cùng thế hệ chúng tôi, các lựa chọn công việc ít hơn nhiều. Hồi đó, tuy không thật khá giả, nhưng dường như những ai theo đòi viết lách đều có sự thủy chung son sắt với nghề. Mà ở đời, cứ đi mãi thì thành đường thôi.
Với nghề văn, sự chung thủy và quyết liệt với nó nhiều khi cũng thật cần thiết. Ở đây tôi chỉ nói ở khía cạnh tình yêu văn chương, còn nếu xét ở khía cạnh lợi hại trong lập thân, lập nghiệp thì có lẽ văn chương chưa phải là phương tiện tốt.
Văn chương cần một tình yêu thật sự. Một tình yêu dám hy sinh nhiều thuận lợi khác trong đời sống.
– Với riêng ông, sự tìm tòi cái mới đã diễn ra như thế nào?
+ Trước đây, tôi chịu ảnh hưởng nhiều về vần điệu, câu cú của lớp nhà thơ đi trước (lớp thơ tiền chiến, thơ lãng mạn cách mạng, thơ kháng chiến chống Pháp), thì sau này, tôi hướng tới việc viết ngắn gọn hơn, dùng những chữ thông thường, tránh ngôn từ kiểu cách. Giai đoạn gần đây, tôi hướng tới sự “gọn”, “súc tích” trong việc làm mới hình thức. Đây cũng là vấn đề phải phấn đấu, vì nhiều khi, gọn quá lại sinh tối tăm. Phải làm sao để “gọn” nhưng vẫn “rõ”.
Tôi cũng quan tâm tới yếu tố “dễ hiểu” của ngôn từ, của ý tứ bài thơ. Phải làm sao để người đọc có thể hiểu ngay điều nhà thơ muốn nói, nhưng vẫn có những ý vị kích thích họ suy ngẫm mãi về điều đó.
Có lần, một ông nông dân đã đọc cho tôi nghe bài thơ ngắn mười mấy chữ của tôi và bảo rằng, ông đã ngẫm nghĩ về nó suốt đêm và thấy rất thích. Ông này cũng nói, ông đã sống và làm việc theo tư tưởng bài thơ này khơi gợi: “Dầu bấc cạn rồi/ Mặt trời thì vẫn ngủ/ Biết tìm đâu ra lửa/ Thì lấy đêm mà soi”.
Lại cũng có người phụ nữ gửi thư cho tôi bảo rằng, nhờ đọc bài thơ “Những người đi đường sông” của tôi mà chị đã lấy được người chồng hiện nay. Trong bài thơ đó có câu: “Sông chẳng theo ai sông tự chảy nên dòng”. Cũng như dòng sông, hai con người xa lạ vì yêu thương mà bỗng một ngày tự nên duyên chồng vợ, chẳng cần ai xúi giục.
Tôi tâm niệm, cố gắng sao trong thơ mình nói ngắn gọn mà vẫn đụng vào được nỗi lòng mỗi người. Còn để làm mới về nội dung, tôi nghĩ vào việc đời. Ở độ tuổi ngoài bảy mươi, tôi thấy rằng, những suy nghĩ về lý thuyết dễ sa vào phù phiếm, tranh luận không có kết luận. Nhưng nếu đi vào thực tiễn đời sống, ví như chỉ là chuyện ăn một cái bánh mỳ thôi thì cái bánh mỳ thời bao cấp đã khác với cái bánh mỳ của ngày hôm nay. Gắn với hiện thực cuộc sống, với những chi tiết cụ thể của nó, người viết sẽ khai phá được những vỉa tầng mới mẻ, sâu sắc riêng.
Chẳng hạn, khi tôi viết về đứa cháu: “Thằng Chí nhìn ông/ Chừng cũng thích như nhìn mèo nhìn chó”. Câu thơ thoạt nghe có vẻ lạ vì sao lại ví ông với… mèo, với chó. Nhưng quả thực, trẻ con rất thích chơi với những loài vật ấy. Và khi ông mà được chúng thích như thích mèo, chó thì cũng là “vinh quang” cho ông chứ! Tôi cho đó là cái mới vĩnh cửu trong cuộc đời mà đôi khi ta cứ tưởng cũ kỹ.
Nhìn về cuộc hôn nhân đã hơn bốn mươi năm của mình, tới giờ, tôi vẫn tiếp tục phát hiện những hạnh phúc mới hơn thuở đầu chúng tôi lấy nhau. Ngẫm về mấy thập kỷ đã qua, người vợ ấy đã chung lưng đấu cật với tôi trong bao gian khổ, dĩ vãng làm tôi thấy thương bà ấy nhiều hơn.
Và như thế, để “mới” được trong văn chương, người viết phải biết trân trọng cuộc đời mình, dành sự ngẫm nghĩ về nó. Và khi đó, ngay những tình cảm rất quen thuộc là tình cảm vợ chồng, cha con, ông cháu, dù muôn đời đã thế, nhưng đến lượt mình, mình vẫn phát hiện những điều thấm thía, có khi ứa nước mắt.
– Theo ông, làm thế nào để người viết có thể tìm được cái mới hiệu quả và bền vững trong tác phẩm?
+ Theo tôi, người viết trước hết đừng bao giờ quan liêu với trái tim mình. Với một cảm xúc lạ nảy sinh trong lòng, ta phải đi cho tới tận cùng cảm xúc ấy. Trong những điều đi qua trái tim, người viết đừng vội vàng bỏ qua điều gì đó còn lợn cợn, day dứt. Nói một cách hơi nặng nề thì người viết phải luôn tự “phản tỉnh” với chính mình.
Mỗi giọt thời gian đi qua lòng người viết đều để lại một dấu vết, một cái “ngấn” nào đó như cái ngấn canxi của nước máy để lại trong bình chứa. Không thờ ơ mà nghĩ cho thấu đáo những việc đáng nghĩ, tự nhiên sẽ có cái mới. Nói cách khác, nếu anh sống cho kỹ, những cái tưởng là cũ hóa lại có nhiều điều mới.
Nhiều người thường có thói quen tưởng rằng cái gì mình cũng đã biết đủ, biết kỹ nên không chịu đào sâu, tìm tòi thêm các mảng hiện thực đời sống xung quanh. Cũng giống như việc họ mới chỉ đào được lớp nước ở tầng bề mặt, cái đó không mới. Nhưng nếu đào sâu thêm nữa, tới lớp nước đã được lọc qua một lớp rất dày của năm tháng, nước sẽ rất trong. Và cái trong đó cũng sẽ là cái rất mới.
– Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ
T.Đ.L.