Nhà thơ Hoài Khánh (Hội Nhà văn Hải Phòng) không chỉ được biết đến “nhà thơ thiếu nhi”, mà thời gian gần đây, nhiều người biết đến ông là “nhà thơ của sách giáo khoa”. Bởi lẽ, trong 150 tác phẩm về thơ thiếu nhi, nhà thơ Hoài Khánh có đến 6 tác phẩm được tuyển chọn in trong các giáo khoa tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học trên cả nước.
Sách giáo khoa vốn là tuyển tập của những tuyển tập khi tiêu chí chọn tác phẩm khá khắt khe, không chỉ về chất lượng nghệ thuật mà còn bảo đảm tính giáo dục, thẩm mỹ, nhân văn và phù hợp lứa tuổi học sinh. Trong số các nhà thơ của Hải Phòng, nhà thơ Hoài Khánh sáng tác nhiều bài thơ về đề tài thiếu nhi và các tác phẩm của ông đi cùng năm tháng của nhiều thế hệ học trò.
Trong số 6 bài thơ của nhà thơ Hoài Khánh được chọn vào sách giáo khoa, bài thơ “Đồng hồ báo thức” là tác phẩm quen thuộc với học sinh tiểu học. Từ năm 2004 đến năm 2022, bài thơ được in trong sách Tiếng việt lớp 3 tập 2 và được giảng dạy trên toàn quốc. Đến năm 2022, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giảng dạy mới, bài thơ tiếp tục được đưa vào sách Tiếng Việt lớp 2 tập 1 của Bộ sách Cánh Diều. “Đồng hồ báo thức” vẻn vẹn 8 câu với 2 khổ, vần điệu khá ngắn ngọn, dùng nhiều từ ngữ vui nhộn, nên học sinh dễ thuộc, dễ nhớ và được các thầy cô thường chọn để luyện viết chính tả cho học sinh. Nhà thơ Hoài Khánh sáng tác bài thơ vào năm 1988 khi ông 25 tuổi chập chững bước vào con đường sáng tác thơ. Lúc đầu bài thơ có tên “Bé kim giây”, nên các bạn thơ gọi vui Hoài Khánh là “bé kim giây”. Đó cũng là tên của tập thơ đầu tay vào năm 1991 của nhà thơ Hoài Khánh.
Không dừng lại ở 1 tác phẩm được in trong sách giáo khoa , thời gian gần đây , nhà thơ Hoài Khánh liên tục có các tác phẩm được chọn vào các bộ sách giáo khoa theo chương trình giảng dạy mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho học sinh tiểu học. Tại sách Tiếng Việt lớp 3 tập 2 của Bộ sách Cánh Diều in 2 tác phẩm của nhà thơ Hoài Khánh là “Bên ô cửa đá” và “Chú Hải quân”. Bài thơ “Bên ô cửa đá” sáng tác về thiếu nhi dân tộc miền núi, mở ra trước mắt trẻ thơ không gian, thế giới rộng mở. Sau này, bài thơ được đưa vào tập thơ của nhà thơ Hoài Khánh mang tên “Địu chữ qua cổng trời” xuất bản năm 2019. Bài thơ “Chú Hải quân” ngợi ca chú Hải quân canh giữ biển đảo quê hương trong thời bình và được in trong tập thơ “Đồng hồ báo thức” năm 2020. Nhà thơ còn có tác phẩm “Mỗi lần cầm sách giáo khoa” được đưa vào sách Tiếng Việt lớp 4 tập 1 của “Bộ sách Cánh Diều”. Bài thơ truyền cảm hứng, tình yêu và ý thức giữ gìn sách trong học sinh từ dòng ký ức của người lớn.
Chưa hết , trong bộ sách “Chân trời sáng tạo” dành cho học sinh tiểu học, nhà thơ Hoài Khánh có bài thơ “Giữa lòng biển xanh” về tình yêu thế giới biển, môi trường biển in trong sách Tiếng Việt lớp 3 tập 2 và bài thơ “Xuân trên đảo Bạch Long Vĩ” về tình yêu biển đảo trong sách Tiếng Việt lớp 4 tập 1. Lại nhớ nhận xét của nhà thơ Mai Văn Phấn “Thơ Hoài Khánh luôn hướng đến thiếu nhi, thể hiện rõ trong lựa chọn giọng điệu, đề tài, thể loại… Trong những câu thơ đó, trẻ em được nhìn thấy khoảng trời trong veo, được chơi với vạn vật trong thế giới mơ mộng và huyền thoại”. Nhận xét đủ giải thích vì sao nhà thơ Hoài Khánh có nhiều tác phẩm đi vào sách giáo khoa.
Trong 40 năm sáng tác thơ, nhà thơ Hoài Khánh có 150 bài thơ về chủ đề thiếu nhi.Chia sẻ với báo Hải Phòng nhà thơ “bé kim giây” bày tỏ: “Lần đầu được chọn bài thơ “Đồng hồ báo thức” vào sách giáo khoa, tôi rất vui, coi đây là phần thưởng lớn nhất trong nhiều giải thưởng ở thời điểm đấy. Sau này khi tiếp tục được chọn đưa thơ vào sách giáo khoa, tôi tự hào vì được ghi nhận, có chỗ đứng sau 40 năm làm thơ cho thiếu nhi vì không có nhà thơ nào cũng được vinh dự này”. Những bài thơ được đi vào các thế hệ học trò sẽ tiếp thêm động lực để nhà thơ Hoài Khánh “nhả tơ” những sáng tác dành tặng thiếu nhi thành phố và cả nước.