Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và một giải Nhất thơ không bao giờ được trao


“Tôi lấy một cái tên khác, chẳng ai biết, để gửi thơ dự thi chỉ để xem thái độ của Ban Giám khảo thế nào. Nhưng sau bài thơ “Câu hỏi trước dòng sông” được trao giải Nhất, tôi đã không dám nhận vì chẳng phải tên mình…”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

“Tôi lấy một cái tên khác, chẳng ai biết, để gửi thơ dự thi chỉ để xem thái độ của Ban Giám khảo thế nào. Nhưng sau bài thơ “Câu hỏi trước dòng sông” được trao giải Nhất, tôi đã không dám nhận vì chẳng phải tên mình…”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Tôi nhớ năm 1995, Hội Nhà văn và Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuộc thi thơ về người phụ nữ. Tôi đã viết 2 bài thơ dự thi với bút danh Nguyễn Hoàng Lê (bút danh trong thẻ nhà báo của tôi).
Tại sao tôi lại dùng bút danh? Có gì ẩn khuất ở đây không? Thưa các bạn, không có gì ẩn khuất cả. Thực ra tôi chỉ muốn giấu tên mình đi và dự thi với một cái tên mà chẳng ai biết để xem thái độ của Ban Giám khảo thế nào. Lúc đó, tôi 38 tuổi, còn trẻ và hành động đó có thể là rất “trẻ con” chăng?
Gửi thơ dự thi xong, tôi cũng chẳng nhớ đến cuộc thi nữa. Nhưng một hôm ngồi trên cùng xe đi công tác với nhà thơ Hữu Thỉnh, lúc đó là Tổng biên tập Báo Văn Nghệ và là Chủ tịch hội đồng chung khảo cuộc thi.
Nhà thơ Hữu Thỉnh say sưa nói về Giải nhất của cuộc thi được trao cho bài thơ “Câu hỏi trước dòng sông”. Nghe vậy, tôi giật mình vì đó chính là bài thơ của tôi. Nhà thơ Hữu Thỉnh nói với tôi: “Chú nên đọc bài thơ ấy. Đó mới là đổi mới”. Rồi ông kể cho tôi nghe “hành trình” bài thơ ấy đi tới giải Nhất.
Khi đọc chung khảo, nhà thơ Hữu Thỉnh yêu cầu ban sơ khảo cho ông đọc thêm một số bài thơ không được vào chung khảo. Và ông đã đọc bài thơ Câu hỏi trước dòng sông trong đống thơ dự thi lai cảo ấy.
Ông thấy đó chính là giải Nhất cuộc thi. Hôm sau, ông đã thuyết trình trước Hội đồng chung khảo gồm những nhà thơ danh tiếng: Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Nguyễn Đức Mậu, Phan Thị Thanh Nhàn… về bài thơ ấy. Cuối cùng, Hội đồng chung khảo đã bỏ phiếu trao giải Nhất cho bài thơ này.
Bài thơ viết về một người phụ nữ làng Chùa của  tôi đợi chồng là người lính trong mười năm, rồi nhận được giấy báo tử. Nhiều năm sau đó chị mới đi lấy chồng bên kia sông thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ.
Lấy chồng bao nhiêu năm nhưng chị vẫn không sinh nở được. Khi mẹ tôi còn sống, tôi đã từng nghe mẹ thở dài và như kêu lên: “Ông trời có mắt sao không nhìn thấy cảnh đời của người ta mà cho người ta một mụn con”.
Một hôm, nhà thơ Vương Thừa Việt, làm ở Báo Phụ Nữ Việt Nam và là thành viên Ban tổ chức cuộc thi thơ đã vào Hà Đông tìm tác giả Nguyễn Hoàng Lê. Vì tôi có ghi ở dưới bài thơ dự thi tên tuổi và địa chỉ của tác giả là Tập thể Bệnh viện Hà Tây. Nhưng nhà thơ Vương Thừa Việt đã không tìm thấy tác giả.
Ông đã gặp nhà thơ Nguyễn Thị Mai lúc đó đang làm việc ở Hội Phụ nữ Hà Tây để hỏi xem có biết tác giả Nguyễn Hoàng Lê không. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai tất nhiên là không thể biết. Chị nói nhà thơ Vương Thừa Việt nên đến hỏi tôi vì cho rằng tôi biết nhiều tác giả trẻ. Tôi đã nói với nhà thơ Vương Thừa Việt rằng: “Nguyễn Hoàng Lê đang đi xuất khẩu lao động ở Nga”. Tôi đã nói dối ông.
Cuối cùng, tôi cũng nói với nhà thơ Hữu Thỉnh sự thật Nguyễn Hoàng Lê là ai. Nhà thơ Hữu Thỉnh yêu cầu tôi viết giấy xác nhận gửi cho Hội đồng chung khảo. Tôi đã viết giấy xác nhận cùng với lời xin lỗi Hội đồng chung khảo. Nhưng Hội đồng chung khảo “giận” quá nên không cho tôi nhận giải.
Trong cuộc hội thảo về thơ tôi mấy năm trước do Viện văn học tổ chức, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Vẫn còn một giải Nhất cuộc thi thơ chưa được trao. Đó là giải Nhất của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều”.
Nghĩ về chuyện đó tôi rất vui và vẫn ân hận vì đã hành động như thế cho dù chỉ dùng một bút danh. Và bây giờ sau 20 năm, tôi kể lại chuyện này để thực thi một sự công bằng: Công bằng cho bài thơ, công bằng cho người chấm và công bằng cho chính tôi. Tôi xin được đăng lại nguyên văn bài thơ:

 

CÂU HỎI TRƯỚC DÒNG SÔNG

Em trở về bến cũ chiều nay
Ngô quá tuổi giấu buồn trong bẹ lá
Bầy sáo ngà thuở ấy có còn bay
Có còn nhớ ngày chị đi tái giá

Chị tái giá sau mười năm chờ đợi
Một nửa giường tiếng mọt đục u mê
Chị tái giá sau mười năm khóc vụng
Trong cơn mơ tiếng trẻ gọi vang nhà

Em tiễn chị chân vùi trong bến nước
Chị lên đò bóng đắm đáy sông sâu
Chị tái giá nên lòng sông thắt lại
Đỡ mênh mang cho chị bớt lâu đò

Về bên ấy tóc chị bay biền biệt
Cỏ may già khâu áo dọc hoàng hôn
Sóng vẫn vỗ hai mạn đò nức nở
Mây vẫn bay tan tác ở lưng trời

Em trở lại chiều nay trên bến cũ
Hỏi sông sâu một câu hỏi sóng òa
Quê chồng mới mà sao cây chậm quả
Sông vội vàng tránh mặt chảy về xa.

N.Q.T


(Nguồn vanvn.net)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder