Sau khi ông mất, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân đã trao Giải thưởng Văn học cho sự nghiệp thơ của Phạm Tiến Duật với số tiền 50 triệu. Cho đến bây giờ, nhà văn Lê Lựu vẫn giữ hộ gia đình ông số tiền đó…
Sau khi ông mất, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân đã trao Giải thưởng Văn học cho sự nghiệp thơ của Phạm Tiến Duật với số tiền 50 triệu. Cho đến bây giờ, nhà văn Lê Lựu vẫn giữ hộ gia đình ông số tiền đó.
Chỉ còn mấy ngày nữa là giỗ đầu ông, nhà văn Cao Phan gặp tôi và hỏi tôi nếu có thời gian thì tham gia cùng một số nhà văn làm tổng tập cho ông. Tổng tập này sẽ do Hội nhà văn Việt Nam và Binh đoàn 559 chủ trì.
Tổng tập này có ba phần. Phần một, thơ Phạm Tiến Duật và những bài nghiên cứu về thơ ông. Phần hai, văn xuôi Phạm Tiến Duật. Và phần ba, chân dung Phạm Tiến Duật trong mắt bạn bè.
Trước khi ông mất, nhóm bạn bè do nhà văn Nguyễn Khắc Phục chủ trì đã in được tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật và tổ chức giới thiệu ở trụ sở Hội nhà văn. Đến lúc đó, tôi mới thấy tình yêu đối với thơ ca của ông và đối với con người ông của bạn đọc và bạn bè xúc động biết nhường nào.
Để in tuyển thơ của ông, Tập đoàn VINCOM tài trợ 100 triệu, tiến sỹ Nguyễn Quang A tài trợ 100 triệu, thiếu tướng nhà văn Hữu Ước 30 triệu. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị 10 triệu và nhiều bạn bè, bạn đọc khác nữa. Trước đó, bạn bè ở Tập đoàn Vosco đã bỏ tiền in tập thơ gồm những bài thơ của Phạm Tiến Duật được bạn đọc yêu thích.
Tuyển tập thơ in 2.000 bản. Gia đình ông được gần 1.000 bản. Vợ con ông đã ngày ngày lặng lẽ mang tuyển thơ đi tặng cho người thân, bạn bè và bạn đọc của ông.
Cháu Hải cũng nói gia đình cháu sẽ không sử dụng bất cứ đồng tiền tài trợ nào cho việc riêng của bất cứ ai trong gia đình nhà thơ. Mặc dù, chỉ có chị Vân và hai cháu Hải, Lâm mới có quyền thừa hưởng tất cả những gì mà nhà thơ Phạm Tiến Duật để lại.
Tôi nói với Hải hãy lưu giữ những gì ông đã viết thật cẩn thận. Hải là con trai cả, bởi thế Hải là người thay mặt gia đình hay nói cách khác thay mặt cha mình, nhà thơ Phạm Tiến Duật để lưu giữ những gì ông đã viết và toàn quyền quyết định việc sử dụng các tác phẩm của ông.
Việc lưu giữ những tác phẩm của nhà thơ Phạm Tiến Duật cho bạn đọc tôi không nói đến, nhưng việc lưu giữ những gì của cha mình sẽ làm cho những đứa con đỡ thấy cô đơn khi người cha đã vĩnh viễn rời xa.
Sau khi ông mất, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân đã trao Giải thưởng Văn học cho sự nghiệp thơ của Phạm Tiến Duật với số tiền 50 triệu. Cho đến bây giờ, nhà văn Lê Lựu vẫn giữ hộ gia đình ông số tiền đó.
Tôi bảo cháu Hải sao không đến nhận tiền Giải thưởng của cha mình cho dù số tiền ấy đâu phải là quá lớn. Bởi đó là một chút lộc của ông để lại cho các con mình. Nhưng cháu không nói gì. Tôi nghe mơ hồ có tiếng thở dài của chàng trai trẻ tuổi này. Mãi sau Hải nói với tôi : “Chúng cháu chỉ muốn bố chúng cháu thanh thản nơi suối vàng”.
Tôi hiểu điều Hải nói. Là những đứa con của nhà thơ Phạm Tiến Duật, các con ông vừa tự hào về ông, một nhà thơ danh tiếng, vừa thiệt thòi vì ông. Thiệt thòi bởi trong những năm tháng còn là người lính, ông thường xuyên vắng nhà.
Rồi khi hòa bình, bao người lính như ông trở về và lo lắng cho gia đình họ, nhưng ông vẫn lang thang trong thế giới của riêng ông. Thiệt thòi đó với những đứa con ông mới là thiệt thòi lớn nhất.
Trong một bài viết khi ông còn đang đầy hy vọng đẩy lùi được căn bệnh hiểm nghèo, tôi đã viết về một Phạm Tiến Duật đi lạc trong hòa bình. Cái gì làm cho ông cứ lang thang nhiều lúc như quên nhà quên cửa, quên vợ quên con và nhiều lúc quên cả chính bản thân mình như vậy? Cho đến khi giã từ thế gian, ông chỉ để lại cho các con ông những bài thơ in trong một tuyển tập mà chúng phải lên danh sách từng người để tặng.
Tôi đã có nhiều thời gian tiếp xúc với hai đứa con của ông từ khi chúng còn rất bé cho đến bây giờ. Và tôi thực sự tôn trọng chúng. Chúng không hề trách móc cha mình kể cả khi ông bỏ nhà ra đi khi chúng chỉ cần cái bóng của ông ngồi hút thuốc lào trong đêm in trên bức tường của căn hộ cũ kỹ và xấu xí ở Trung Tự. Nhưng tôi vẫn tin rằng không phải ông không yêu chúng hay là ông yêu bản thân ông hơn mà bởi ông đã đi lạc.
Có lẽ những năm tháng chiến tranh chính là thời đại của ông. Còn thời đại sau đó không phải là thời đại của ông. Bởi mọi chuyện đã đổi thay mà ông thì không thay đổi.
Trong suốt thời hòa bình cho đến khi ông mất, tôi có cảm giác ông vẫn mộng du trên con đường đi tìm chính bản thân mình. “Cái bản thân mình” ấy đã hiện ra thật đẹp thật lãng mạn khi ông là một người lính trong bom đạn. Nhưng ông không tìm thấy cho dù nó vẫn ở trong con người ông. Nó vẫn hiện ra trong những khoảnh khắc nào đấy nhưng vì quá ít người của thời bình chấp nhận nó và thế là ông cũng ngờ vực nó và cuối cùng lại đi qua nó.
Giờ thì mọi chuyện muộn phiền, dày vò hay đau đớn của cuộc đời ông đã được xóa bỏ. Giờ ông đã ở chốn Thiên thu. Và nếu ở nơi mây trắng nắng vàng ấy, ông có phải nghe thấy, phải nhìn thấy nhìn thấy điều gì không phải với ông và những gì ông để lại ở chốn trần gian này thì ngàn lần xin ông lượng thứ. Bởi ông ông đã từng đi qua chốn này, cái chốn mà đôi khi dục vọng làm cho con người lú lẫn.
Viết nhân Giỗ đầu nhà thơ Phạm Tiến Duật
N. Q. T
(Theo: Tiền Phong)