Nhà văn Hàn Quốc Kim Young Ha: Không quan tâm Nobel văn học

Trong số các nhà văn đương đại Hàn Quốc vươn ra quốc tế, Kim Young Ha (Kim Anh Hạ, sinh 1968) là một tên tuổi rất quan trọng. Không phải vì tác phẩm bán rất chạy trong nước, được gần 10 giải thưởng, liên tục dịch ra nhiều thứ tiếng (16 ngôn ngữ), mà vì anh đã rất kiên trì với sứ mệnh văn học, với cố gắng mang lại tiếng nói mới mẻ, đầy tính phản biện.

Trong số các nhà văn đương đại Hàn Quốc vươn ra quốc tế, Kim Young Ha (Kim Anh Hạ, sinh 1968) là một tên tuổi rất quan trọng. Không phải vì tác phẩm bán rất chạy trong nước, được gần 10 giải thưởng, liên tục dịch ra nhiều thứ tiếng (16 ngôn ngữ), mà vì anh đã rất kiên trì với sứ mệnh văn học, với cố gắng mang lại tiếng nói mới mẻ, đầy tính phản biện.

Ngoài Điều gì xảy ra ai biết? (NXB Trẻ), tiếng Việt đã có bản dịch Tôi có quyền hủy hoại bản thân (NXB Lao động) và Chơi Quiz show (NXB Trẻ) của Kim Young Ha. Nhà văn này dành cho Thethaovanhoa.vn cuộc trò chuyện ngay khi đặt chân đến TP.HCM.

Văn học kéo ta ra khỏi hoang tưởng

* Xin được hỏi thẳng, anh có vẻ là tác giả đang được “o bế” của Hàn Quốc, thế hiện nay chính phủ đang hỗ trợ gì cho hoạt động văn học của anh?

– Tôi chẳng nhớ là đã nhận sự chi viện nào từ chính phủ Hàn Quốc. Có điều là chính phủ đang tài trợ cho việc biên dịch tác phẩm văn học. Việc dịch tác phẩm nước khác và xuất bản, đối với một nhà xuất bản nhiều khi là mạo hiểm, hành động của chính phủ là một cách giúp giảm bớt những nguy hiểm đó.

Chúng ta đang xem điện ảnh hay phim truyền hình, rồi nghe nhạc đại chúng để biết về văn hóa nước khác, thì tiểu thuyết ở một khía cạnh nào đó cũng đang thực hiện vai trò như vậy. Như tôi đã nói, khi xem phim truyền hình Hàn Quốc thì sẽ thấy Seoul hay đất nước Hàn Quốc đáng mơ ước, nhưng văn chương thì luôn đặt một cự ly nhất định đối với những hoang tưởng ấy. Ở khía cạnh này, có thể thấy rằng việc tài trợ biên dịch, chỉ cần làm tốt là được, nó sẽ trở thành một hành động có ý nghĩa phản tỉnh.

* Vậy theo anh thì tình hình dịch thuật hiện nay đã cho thấy diện mạo chung của văn học Hàn Quốc chưa?

– Một cách không có tính toán chính trị và không thiên kiến, Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc đã chọn được nhiều tác phẩm đa dạng để tài trợ biên dịch, tôi đánh giá cao điều này. Riêng những tiểu thuyết của tôi thì đã được dịch ra 16 ngôn ngữ và giới thiệu tôi đến giao lưu ở một số nước. Tôi hy vọng là thông qua các tác phẩm của mình hay của đồng nghiệp, người đọc sẽ thoải mái mà thoát ra khỏi những hoang tưởng hay những thiên kiến về đất nước Hàn Quốc. Đặc biệt, tôi mong rằng những tác phẩm văn học sẽ tạo cơ hội để chúng ta nhìn cụ thể và chi tiết hơn vào da thịt Hàn Quốc, một đất nước vốn dĩ được nhìn bằng ống kính chính trị hoặc được đo bằng thước đo hiện tượng văn hóa đại chúng Hàn lưu.

Mơ viết văn đến phút giây cuối cùng

* Tác phẩm liên tục được chuyển dịch, vậy có khi nào anh ý thức phải viết thế nào cho độc giả nước ngoài đồng cảm không?

– Những phần nội dung mà độc giả trong nước (đọc bằng ngôn ngữ sáng tác của nhà văn) không thể nào phát hiện ra, hay không hề chú ý đến, thì độc giả nước ngoài lại hay chú ý. Độc giả nước ngoài thường có khuynh hướng này. Liên quan đến điều này, nhà văn Milan Kundera nói rằng, thông qua biên dịch, tác phẩm sẽ được tái phát hiện. Riêng tôi, tôi thành thật mong muốn bạn đọc ở nước ngoài đọc sách của tôi theo một cách khác, theo cách mà tôi hay độc giả nước chúng tôi không thể thấy, hoặc không thể nghĩ đến được. Thật tình mà nói, khi một tác phẩm nào đó được dịch ra ngôn ngữ khác thì không còn là của tôi nữa, mà tác phẩm ấy đã trở thành một phần trong nền văn hóa nơi đất nước của ngôn ngữ dịch. Vì vậy, tôi chưa bao giờ ý thức điều này để sáng tác.

* Nhà thơ Ko Un (sinh 1933, Hàn Quốc) từng nhiều lần lọt vào danh sách ứng cử giải Nobel văn học. Cá nhân anh cũng được nhắc đến như là một ứng viên sáng giá trong tương lai gần, vậy anh có mơ đến giải thưởng này không?

– Tôi không biết các tác giả khác thế nào chứ riêng tôi thì không có giấc mơ đó. Giải Nobel văn học xét cho cùng cũng chỉ là một giải thưởng trong hằng hà sa số các giải thưởng, mà đã là giải thưởng thì luôn là một cơ chế chẳng liên quan nhiều lắm đến bản thân sự sáng tạo văn học.

Tôi bỏ quản trị kinh doanh, thám tử tư, giảng viên đại học… để đến với việc viết văn. Vì vậy tôi chỉ mơ được viết dài lâu, được những độc giả giỏi chọn đọc tác phẩm mình, được họ đọc liên tục, đó là vinh dự cao nhất đối với một nhà văn. Tôi ước mơ có thể viết được những tác phẩm hay cho đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời.

 

Văn Bảy – Anh Thư (thực hiện)

Nguồn: Báo Thể thao văn hóa

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder