Nhà văn nên biết lắng nghe – Nguyễn Hòa (Hồng Thanh Quang thực hiện)

Trước tiên tôi muốn anh đánh giá giùm tôi quan niệm: nhìn chung, sức mạnh của đội ngũ là ở tính tương đồng, nhưng trong sáng tạo nghệ thuật, thành tựu thực sự lớn nhiều khi lại ở sự khác biệt trong cá tính sáng tạo. Vì vậy, đánh giá những người cầm bút, cần phải xuất phát từ những cách tiếp cận hết sức cá thể hóa… Anh nghĩ sao ạ?..

Trước tiên tôi muốn anh đánh giá giùm tôi quan niệm: nhìn chung, sức mạnh của đội ngũ là ở tính tương đồng, nhưng trong sáng tạo nghệ thuật, thành tựu thực sự lớn nhiều khi lại ở sự khác biệt trong cá tính sáng tạo. Vì vậy, đánh giá những người cầm bút, cần phải xuất phát từ những cách tiếp cận hết sức cá thể hóa… Anh nghĩ sao ạ?

Tôi đọc Trần Nhã Thụy, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư,… Đọc Chúa đất của Đỗ Bích Thúy, tôi gặp các trang văn đẹp, sâu lắng hơn thời chị viết Sau những mùa trăng, Ngải đắng ở trên núi,… Đọc Ga ký ức của Phong Điệp, tôi thấy chị tự làm mới mình bằng một ý tưởng văn chương vừa hiển hiện, vừa khiến người như tôi phải “tìm sau trang sách” mà ngẫm ngợi; đọc xong tiểu thuyết này, anh Ma Văn Kháng nói với tôi: “Cô bé ấy có tư duy tiểu thuyết”… Từ sáng tác của họ, tôi dự cảm về một thế hệ nhà văn đang “chín” dần.

Hồng Thanh Quang: Trước tiên tôi muốn anh đánh giá giùm tôi quan niệm: nhìn chung, sức mạnh của đội ngũ là ở tính tương đồng, nhưng trong sáng tạo nghệ thuật, thành tựu thực sự lớn nhiều khi lại ở sự khác biệt trong cá tính sáng tạo. Vì vậy, đánh giá những người cầm bút, cần phải xuất phát từ những cách tiếp cận hết sức cá thể hóa… Anh nghĩ sao ạ?

Nguyễn Hòa: Về nguyên tắc thì mỗi người cầm bút đều là một cá tính sáng tạo độc lập. Cá tính ấy là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố trực tiếp liên quan nhà văn, như: tài năng, tri thức, sự trải nghiệm, không gian sinh thành và tích hợp đưa tới sự ra đời con người văn hóa của nhà văn, quan niệm và ý thức về hoạt động sáng tạo, xu hướng và động năng tinh thần, rồi nữa là lớp tuổi, nghề nghiệp xuất thân, giới tính,… Tác phẩm là kết quả của việc nhà văn huy động các yếu tố tổng hòa nên cá tính sáng tạo của mình, đánh giá nhà văn là đánh giá thông qua tác phẩm.

Thời gian gần đây, có lẽ nhân sự kiện mang tính thời sự là tổng kết 30 năm đổi mới và kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 – 2016) nên đã xuất hiện một số hoạt động hướng theo chủ đề “điểm danh” thế hệ nhà văn sau 1975, và không ít tham luận đã đi sâu phân tích các đặc thù của thế hệ này… Tuy nhiên, tôi lại muốn hỏi anh rằng, liệu nhà văn nói riêng và nghệ sĩ sáng tạo nói chung, có nên phân chia theo thế hệ hay không? Có ý kiến cho rằng, chỉ có những cá thể nhà văn chứ rất khó có cả một thế hệ nhà văn như một tập hợp đội ngũ… Anh nghĩ sao về quan niệm này?

– Để phân loại thế hệ nhà văn, lâu nay chúng ta vẫn thường dựa trên một số tiêu chí, như về lớp tuổi (7x, 8x), về giai đoạn lịch sử (tiền chiến, chống Pháp, chống Mỹ,…). Thấy gọi “thế hệ nhà văn sau 1975” tôi ngỡ là đề cập các nhà văn sinh sau năm 1975, sau thì biết đó là khái niệm chỉ các nhà văn “chủ yếu là 5x – 6x. Và, thế hệ này chỉ thực sự bước lên văn đàn từ sau 1975”.

Theo tiêu chí này, có lẽ “thế hệ nhà văn sau 1945” sẽ không có Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Trần Mai Ninh,… vì đó là những tác giả “thực sự bước lên văn đàn” từ trước năm 1945!

Dù phân loại nhà văn theo thế hệ chỉ có nghĩa tương đối, thì vẫn có ý nghĩa nhất định, vì giúp có một cái nhìn toàn cảnh, hiểu văn học Việt Nam “thống nhất trong đa dạng” ra sao. Hơn nữa, cùng trưởng thành trong một bối cảnh lịch sử, cùng bắt đầu viết văn trong một thời kỳ,… cá tính sáng tạo có thể khác nhau thì các nhà văn cùng thế hệ vẫn có thể có một số nét tương đồng. Vấn đề là vừa “gọi ra” được nét tương đồng, vừa khẳng định được thành tựu riêng của mỗi người.

Anh từng công tác nhiều năm ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Theo những gì tôi biết, tại số 4 Lý Nam Đế từng có hai nhà văn cùng đều là bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và về sau đều trở thành lãnh đạo tạp chí và đều được phong quân hàm Thiếu tướng. Hai ông tướng hiếm hoi và cho tới nay vẫn là “duy nhất” ở Văn nghệ Quân đội. Đó là nhà văn Dũng Hà và nhà văn Hồ Phương. Nhìn nhận từ quan điểm thế hệ và của một người làm công tác phê bình văn học, anh có thể đánh giá thế nào về hai nhà văn lão thành đó?

– Thú thực tôi ít thích đọc văn của Hồ Phương, vì hơi rườm chữ. Tôi thích Dũng Hà hơn, có lẽ bị hấp dẫn từ khi đọc tiểu thuyết Sao mai. Hồi ấy tôi còn rất trẻ, hình như lại có chút “khí phách” của một chú lính Hà Nội “ra đi đầu không ngoảnh lại” nên đọc rất thú. Về sau gặp và làm quen với anh, tôi vẫn giữ nguyên sự kính trọng.

Giờ anh Dũng Hà đã đi xa, tôi vẫn không quên chữ “mình” anh vẫn dùng để gọi tôi khi trò chuyện. Hy vọng ngày nào đó tiểu thuyết Sông cạn được in đầy đủ để có điều kiện đánh giá Dũng Hà trọn vẹn hơn. Nhìn chung theo tôi, Hồ Phương và Dũng Hà đều có dáng dấp trí thức, các anh đọc nhiều, coi văn chương là “nghiệp” và ý thức nghiêm túc về điều đó.

Anh có nhận ra được đặc điểm gì chung của thế hệ “Điện Biên Phủ” ấy sau khi nghiên cứu các sáng tác chủ yếu của các gương mặt nổi bật như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Xuân Thiều,…? Thực sự có phải trong các nhà văn này luôn tồn tại một cách sâu kín những khát vọng không nhỏ nào đó mà vì nhiệm vụ chính trị, họ đã phải kìm nén trong một thời gian dài? Và vì thế, khi có cơ hội, một vài người trong số họ đã để bộc lộ những khát vọng đó ra? Và chúng ta, những người đi sau, cần phải hiểu những hành động như thế như một sự phát triển tự nhiên và hoàn chỉnh chứ không phải là một sự thay đổi quan niệm sáng tác? Những gì mà các nhà văn lớn thể hiện trong những giai đoạn khác nhau của đời họ có thể rất khác biệt, thậm chí thoạt nhìn như thể có mâu thuẫn đến trái ngược, nhưng thực ra lại vẫn là một sự nhất quán trong nhận thức về một thực tại có quá nhiều biến chuyển. Có phải vậy không, thưa anh?

– Cuộc đời vốn không đơn giản, ngay cả khi hài lòng thì con người vẫn phải đối diện với vô vàn hay – dở, tốt – xấu, đúng – sai, lương thiện – bất lương, quân tử – tiểu nhân, hạnh phúc – bất hạnh… Nếu cuộc đời mỹ mãn thì Đạo giáo không đề cập tới “tam bành” (ba yếu tố xúi bẩy con người làm điều xấu), và Phật giáo chẳng cần cảnh báo về “tam độc” (tham – sân – si). Hẳn là vì thế con người mới ao ước về vườn Eden, Niết-bàn (Nirvana), mơ về “thời Nghiêu – Thuấn”! Sống trong cuộc đời, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải,… không thể không nhận ra điều đó, nhưng các ông khác nhiều người ở chỗ là nhận ra bằng tài năng, sự mẫn cảm, rồi suy ngẫm cần phải làm gì.

Vào lúc các ông sung sức nhất, văn chương lại đặt trước yêu cầu phải làm tất cả để hướng tới độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nên các ông ghìm nén, chưa triển khai các dự án văn chương các ông nung nấu. Khi điều kiện cho phép, các ông bắt tay vào công việc đã chuẩn bị từ trước, và thành công. Tôi không tin các ông thay đổi quan niệm sáng tác, như Nguyễn Minh Châu chẳng hạn, Cỏ lau, Phiên chợ Giát, Khách ở quê ra… là những nét vẽ đẹp, hoàn chỉnh bức tranh về một tài năng văn chương.

Về thế hệ các nhà văn trưởng thành trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đội ngũ từng là nòng cốt trong không chỉ một thập niên ở cuối thế kỷ XX tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh có nhận ra được nhiều điểm chung ở họ hay không? Hoặc giả, họ khác nhau nhiều hơn chung và khoảng thời gian cùng phục vụ quân đội trong một giai đoạn không thể xóa nhòa đi cá tính sáng tạo riêng của từng người?

– Làm việc tại Văn nghệ Quân đội, tôi có điều kiện được tiếp xúc, tìm hiểu nhiều nhà văn. Đó là nhà văn – chiến sĩ thực thụ, phần lớn trưởng thành từ đơn vị cơ sở nên chất lính rất rõ. Đa số các anh sống chân thành, tốt bụng, cá tính rất đậm nét nhưng hồn nhiên. Tôi từng chứng kiến vài cuộc tranh luận tưởng là sẽ không nhìn được nhau, vậy mà đến chiều thấy các anh cùng hồ hởi ra bãi bia ở Đường Thành! Tôi quý các anh đến bây giờ, một phần nhờ những điều như vậy.

Thực tế cho thấy, có những tên tuổi đã được tôn vinh lên đỉnh cao nhất cách đây một hai chục năm nhưng bây giờ đọc lại, ta lại thấy những điểm chưa mạnh của họ rõ hơn là những điểm mạnh. Thời gian rất khắc nghiệt trong việc định chuẩn cho tương lai… Theo đánh giá của anh, ở thời điểm hiện nay, những nhà văn, nhà thơ nào thuộc thế hệ chống Mỹ vẫn có ảnh hưởng mạnh tới độc giả? Vì sao?

– Trong lịch sử văn học, số tác phẩm sống xuyên thời gian là không nhiều. Đó là những tác phẩm bên các giá trị có ý nghĩa trường tồn, còn mang chứa các “khoảng trắng” tương tự như ánh sáng trắng nhưng lại là “hỗn hợp của mọi ánh sáng đơn sắc, trong đó có bảy màu cơ bản: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím”. “Khoảng trắng” hấp dẫn, lôi cuốn, thách đố các thế hệ người đọc; mỗi thế hệ đọc xong lại suy ngẫm, khẳng định, khám phá ý nghĩa mới, thậm chí tranh luận, như hàng trăm năm qua người Việt Nam vẫn đọc, khám phá Truyện Kiều.

Có thể cực đoan nhưng tôi vẫn nhất quán với giải thích của tôi về tình trạng nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng nay ít người đọc, vì: một số tác phẩm là chuyện kể có lớp lang, được tác giả lấp đầy vấn đề hiện thực, mọi sự rành mạch tới mức đọc xong ít cần suy ngẫm; một số tác phẩm đáp ứng đề tài thời sự, bức xúc nhất thời, giúp bạn đọc và báo chí “xả supap” một thời gian, khi đề tài thời sự, nỗi bức xúc mới xuất hiện thì tác phẩm khác thay thế. Hai kiểu tác phẩm ấy đưa tới điều anh cho rằng “lại thấy những điểm chưa mạnh của họ rõ hơn là những điểm mạnh”, có lẽ vì anh cũng như tôi, cùng hy vọng và hướng đến giá trị mới hơn, có tầm vóc hơn.

Anh vẫn quan tâm tới những sáng tác mới của những tác giả nào trong “thế hệ Trường Sơn”?

– Tôi vẫn quan tâm đọc và hy vọng ở các anh. Năm trước tôi đọc Đỉnh máu của Nguyễn Bảo, vừa rồi đọc Mưa đỏ của Chu Lai…

Một nền văn học thú vị là ở những cá tính và những tác phẩm có chất lượng và khác nhau đến khác biệt. Nhìn từ góc độ này, anh đánh giá thế nào về sáng tác của những cây bút xuất hiện sau năm 1975?

– Sau năm 1975, bối cảnh lịch sử thay đổi làm cho tâm thế, điều kiện, quan niệm xã hội,… cũng khác trước. Các nhà văn xuất hiện sau 1975 đông đảo hơn, sáng tác phong phú và đa dạng hơn, khát khao khám phá, tìm tòi để đổi mới văn học mạnh mẽ hơn. Từ góc nhìn riêng, tôi thấy ít có tác giả thực sự vượt trội. Một số “điểm sáng” lóe lên nhưng chưa cho thấy sự nghiệp văn chương đầy đặn, dài hơi. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh,… trong văn xuôi, hay Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn,… trong thơ là những “điểm sáng” như vậy. Tôi không có nhiều ấn tượng với một số tác phẩm được báo chí và một số nhà phê bình ca ngợi là “cách tân, hiện đại”.

Khi trình độ và khả năng tư duy của nhiều người trong chúng ta còn bì bõm trong tình trạng nông nghiệp – tiền hiện đại thì khó có được trình độ, khả năng tư duy hiện đại. Vả lại, viết văn mà hầu như chỉ chú ý đến đề tài, hầu như chỉ quan tâm tới cốt truyện sẽ chỉ đưa tới sáng tạo về hình thức (đó là nếu có), còn tư tưởng và ý tưởng sáng tạo vẫn là thách đố, không dễ có.

Về điều này, nên lưu ý tới tâm sự của Thuận, chị nói: “Tôi không bao giờ xây dựng sẵn một cốt truyện sẵn rồi “đắp” câu từ vào thành một tác phẩm hoàn thiện cả. Tôi muốn thử sức tưởng tượng của mình đến đâu. Thường tôi chỉ có một ý tưởng lóe lên trong đầu và tôi viết. Trong khi viết, tôi sẽ nảy ra những ý tiếp theo”. Và tôi nghĩ, viết văn là như vậy.

Về những cây bút đang thực sự trẻ ở giai đoạn hiện này thì anh có ý kiến gì? Những tác giả nào được anh đánh giá cao?

– Chúng ta vẫn gọi họ là thế hệ 7x, 8x, như thế họ xuất hiện sớm nhất cũng từ năm 1990 trở lại đây. Họ lợi thế hơn thế hệ trước về học vấn, tiếp xúc xã hội, tiếp xúc nhân loại, in ấn, phát hành,… và báo chí tạo cơ hội giúp họ nổi tiếng. Tôi nghĩ, các lợi thế này như “con dao hai lưỡi”, có thể giúp nhà văn sáng tác, được ca ngợi; đồng thời có thể dẫn tới dễ dãi, hoặc cao ngạo, sớm thỏa mãn. Lại xin dẫn ý kiến của Thuận: “Nếu cần danh vọng, cần tiền tài thì không nên viết văn, viết thơ… Nếu muốn làm nên một tác phẩm thì phải bỏ sức cá nhân mình vào đó”. Tôi vẫn đọc các nhà văn 7x, 8x. Tôi nhận thấy một số người khá thông minh, nhưng hình như ít người tự ý thức trang bị một “phông” văn hóa vừa rộng, vừa sâu? Mà thiếu nền tảng này thì người viết khó đi xa, dễ viết bằng “trí thông minh” (ý của Sương Nguyệt Minh), ít chú tâm trui rèn tài năng.

Tôi đọc Trần Nhã Thụy, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư,… Đọc Chúa đất của Đỗ Bích Thúy, tôi gặp các trang văn đẹp, sâu lắng hơn thời chị viết Sau những mùa trăng, Ngải đắng ở trên núi,… Đọc Ga ký ức của Phong Điệp, tôi thấy chị tự làm mới mình bằng một ý tưởng văn chương vừa hiển hiện, vừa khiến người như tôi phải “tìm sau trang sách” mà ngẫm ngợi; đọc xong tiểu thuyết này, anh Ma Văn Kháng nói với tôi: “Cô bé ấy có tư duy tiểu thuyết”… Từ sáng tác của họ, tôi dự cảm về một thế hệ nhà văn đang “chín” dần.

Có ý kiến cho rằng, trong những giai đoạn trước, mặc dù có vẻ như các nhà văn được “cột” chặt chẽ trong những đội ngũ mang tính hành chính nhưng bản sắc của những cây bút lớn vẫn được thể hiện rất độc đáo và mạnh mẽ. Còn hiện nay, nhìn đội ngũ những người viết rất phong phú và đa diện nhưng sáng tác lại có vẻ như không được ấn tượng, giàu có như so với các giai đoạn trước? Anh nghĩ thế nào về đánh giá đó?

– Tôi nghĩ căn nguyên của tình trạng là từ chất lượng các yếu tố tạo nên cá tính sáng tạo của nhà văn như đề cập ở phần đầu. Việc đứng trong đội ngũ nào đó, phải hoàn thành nhiệm vụ cụ thể nào đó,… là yêu cầu xã hội – nghề nghiệp. Còn dù sao thì nhà văn vẫn là chủ thể sáng tạo độc lập. Tài năng, tri thức, sự trải nghiệm, con người văn hóa, quan niệm, ý thức về hoạt động sáng tạo, xu hướng, động năng tinh thần,… là các yếu tố thuộc về cá nhân nhà văn, xã hội hoặc đội ngũ đều không quyết định được. Đọc tác phẩm của Nguyễn Đình Thi, Ma Văn Kháng, Nguyễn Xuân Khánh,… tôi thấy họ rất nghiêm túc trong việc bồi bổ và nâng cao năng lực của chính mình.

Mấy năm trước, đọc bộ sách Từ chiến trường khu 5 là nhật ký và ghi chép văn học của Phan Tứ, tôi thực sự kinh ngạc, qua đó tôi hiểu vì sao ông viết được Mẫn và tôi – cuốn tiểu thuyết tôi coi là hay nhất về đề tài chiến tranh. Lười đọc, lười đi, lười tiếp xúc, lười suy nghĩ và trăn trở, chạy theo đề tài “thời thượng”, viết như để giải tỏa bức xúc của người đọc, ngất ngây với vài lời ca ngợi trên báo chí,… thì tài năng đến đâu cũng cùn mòn, làm sao có được tác phẩm đỉnh cao. Ngay việc đọc nhiều sách cũng chưa chắc đã hay nếu chỉ đọc để “biết” không đọc để “hiểu”, còn đọc thiếu hệ thống, nhặt vài “mảnh vỡ” rồi làm ầm ĩ là “hiện đại” thì lâu nữa mới có tác phẩm sáng giá.

Có ý kiến nay đã “hội nhập” rất thành công vào cái “phông” chung của sáng tác văn học nước nhà. Họ hoàn toàn không bó buộc mình trong các thể tài quân nhân nữa mà ở không ít người, thành công đáng kể của họ lại ở những thể tài mang tính dân sự nhiều hơn. Theo anh, thế là tín hiệu gì?

– Là nhà văn, họ có quyền viết về mọi đề tài, mọi vấn đề xã hội – con người mà họ thấy cần viết. Nhưng có lẽ tôi bị ám ảnh bởi khái niệm nhà văn – chiến sĩ nên vẫn quan tâm đến bộ quân phục nhà văn khoác trên mình, và nghĩ: chúng ta sống trong hòa bình nhưng chuyện chiến tranh, hình ảnh những cuộc chiến tranh vẫn hằn in trên bàn thờ liệt sĩ nhiều gia đình, trên các nghĩa trang liệt sĩ bạt ngàn bia mộ, trên các vùng đất đầy bom mìn, chất độc da cam,… Rồi người lính trong thời bình. Tôi đã đến một số đồn biên phòng xa xôi hẻo lánh, ra Trường Sa, đến một số đơn vị làm nhiệm vụ kinh tế – quốc phòng. Tôi hiểu cuộc sống người lính hôm nay khác trước, nhưng hy sinh của họ không khác nhiều lớp cha anh. Nếu không đau đáu với sự hy sinh, nỗi đau, cái giá mà người lính phải trả trong cả thời chiến lẫn thời bình thì dẫu có là nhà văn mặc áo lính vẫn rất khó có thể viết nên tác phẩm ít ra là “đọc được”.

Có ý kiến cho rằng, thời nay đã khác thời chiến tranh, nên không thể và không nên duy trì đội ngũ nhà văn theo địa chỉ đơn vị công tác. Anh nghĩ sao ạ?

– Nhà văn được tập hợp, tổ chức trong một đơn vị công tác cũng có cái hay, vì được tạo điều kiện làm việc, lương tháng bảo đảm, nhưng dễ tạo tâm lý ỷ lại. Nhưng tổ chức nào cũng có mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ,… riêng, chắc chắn là trên đời này, không có tổ chức nào được lập ra để tập hợp một số nhà văn vào cùng đơn vị công tác, rồi muốn viết gì thì viết. Tôi nghĩ khi nhà văn được tạo điều kiện làm việc thì chí ít cũng nên “hoàn trả” một cách tương xứng.

Thực tế cho thấy, ở các giai đoạn tình hình xã hội càng có nhiều diễn biến phức tạp thì sáng tác càng dễ có cơ hội cho ra đời các “đỉnh cao”. Chúng ta đang sống không chỉ một thập niên nay trong những điều kiện phát triển hết sức phức tạp và rất nhiều sự kiện. Tại sao lại ít hoặc có thể là hầu như chưa có những “đỉnh cao” văn học? Vì chúng ta thiếu tài năng đủ tầm, hay do những nguyên nhân gì khác nữa?

– Chúng ta sống trong một thời kỳ mà hình như chuyện hỉ – nộ – ái – ố – ai – lạc – dục trong nhân quần như thời Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao,… đang lặp lại, và được phóng chiếu với quy mô kinh hoàng, vừa đau lòng, vừa bi hài. Câu hỏi của anh làm tôi nhớ Nam Cao viết trong Đôi mắt: “Phụng nó còn sống đến lúc này phải biết!”, và “Nhiều người còn sống sờ sờ kia, oán thằng Phụng lắm. Chúng nhìn thấy hình ảnh chúng ở Nghị Hách, Xuân Tóc Đỏ,…” mà Nguyễn Tuân viết trong Một đêm họp đưa ma Phụng. Văn tài như của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Xuân Diệu, Huy Cận… không phải đời nào cũng có. Thời đại mới có công chúng mới với nhu cầu mới là hiển nhiên, song văn chương có đáp ứng được hay không là chuyện khác.

Vô vàn sự kiện, vấn đề, hiện tượng xã hội – con người muôn hình, muôn vẻ đầy phức tạp đang bày ra trước mắt nhà văn, đòi hỏi nhà văn khám phá, phát hiện, sáng tạo… nhưng hình như cả tài năng nghệ thuật lẫn tầm vóc trí tuệ của nhiều nhà văn Việt Nam còn yếu, nên tác phẩm đỉnh cao như vẫn là “ước mơ ở phía chân trời”? Về phần mình, tôi không tin vào các tác giả sáng sáng café, trưa trưa bãi bia, tối tối gật gù bên chai Hennessy XO lại có thể làm được điều như Nguyễn Huy Thiệp viết: “ngập trong bùn sục tung lên” để “thoát thành bướm và hoa”.

Càng không tin các nhà văn hằng ngày lướt web tìm “chất liệu cuộc sống” để sáng tác. Tài năng chưa có gì ghê gớm lại thỏa mãn với một vài thành tựu được báo chí phong tặng, thì khó có thể đi trên con đường văn chương dài dằng dặc luôn đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực không ngừng.

Ở bất cứ đâu và trong bất cứ thời kỳ nào trong quá khứ thì mâu thuẫn giữa người sáng tác với người phê bình luôn tồn tại, thậm chí có khi gay gắt. Có giai thoại về việc nhà văn Nguyễn Tuân (?) từng nói đùa rằng, nếu ông qua đời thì phải chôn sống cùng ông một nhà phê bình. Anh có nghĩ rằng hiện nay, mâu thuẫn này dường như đã bị xóa nhòa bởi quá nhiều bài phê bình tác phẩm mang tính chào hàng trên các phương tiện truyền thông. Và tình hình như thế thực ra có hại cho sáng tác hơn là có lợi?

– Sáng tác và phê bình là bạn đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau. Hành xử có phần cao ngạo của một vài nhà phê bình và thói quen không thích lắng nghe của một số nhà văn đã đẩy tới mâu thuẫn giả tạo giữa sáng tác và phê bình. Không rõ Nguyễn Tuân thực sự nói như vậy không, nếu có thì không nên trách ông, mà trách nhà phê bình đã hành xử thế nào để ông hiểu nhầm. Về phần mình, tôi coi phê bình không định hướng sáng tác, mà là phân tích và đưa ra những chỉ báo để nhà văn tham vấn. Khi nhà phê bình ca ngợi, tôn vinh thành tựu văn chương chưa đến độ, gán cho tác phẩm các giá trị mà nó không có,… là biến người viết phê bình thành người viết “tụng ca”, và làm hại văn học!

Nếu thực sự có tư duy hiện đại, nhà phê bình cần đọc một cách khách quan, từ đó khám phá, luận giải, chỉ ra cả hay và dở, thành công và thất bại,… của tác phẩm, không sử dụng phê bình làm công cụ “đánh đấm”; còn nhà văn thì nên lắng nghe, như Tuân Tử nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”. Bị chê một tý đã nổi khùng, rồi xông lên facebook mạt sát người chê mình om xòm thì làm sao “lớn lên” được!

Xin cảm ơn anh!

H. T. Q

(Nguồn: Tinh hoa Việt)

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder