Nhà văn Bão Vũ

Vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước ở Hải Phòng xuất hiện một kiến trúc sư…

Vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước ở Hải Phòng xuất hiện một kiến trúc sư hàng đai đẳng, tên tuổi, uy tín của ông gắn nhiều với công trình kiến trúc có quy mô đồ sộ, hiện đại thuộc vào loại đẹp của thành phố này bỗng dưng rẽ ngoặt ôm đam thêm công việc viết văn.

Dạo ấy, bạn đọc và cả bạn viết ở thành phố nơi ông sống không ít người ngạc nhiên về sự đường đột bước vào nghiệp văn của ông. Người thân quí ông thì, thì thầm quái hoặc rằng: vì sao ông phải đợi mãi tới năm mươi mùa lá rụng mới dấn thân vào nghiệp viết; cái nghiệp, cái nghề cầm chắc chỉ là nhọc nhằn, khổ ải và đầy bất trắc và cô đơn nhưng chẳng mấy hứa hẹn sẽ vinh thân, phì gia lợi lộc gì. Hay là ông có duyên phận căn số từ kiếp trước rủ rê, réo gọi, xui khiến? Người có chữ thánh hiền thì nói xa xôi: Cổ nhân đã dạy, phàm đời con người ta bước vào tuổi năm mươi; tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” là thấu tỏ cả việc giời, việc đời; mọi sự dường như đã an bài, định vị cả rồi, hà cớ gì mà ông ấy còn đổi thay xê dịch nhỉ?

Chẳng biết những lời bổng, tiếng trầm cả thanh lẫn đục kia có đến tai ông hay không, nhưng thấy ông và cái duyên văn xem ra ngày càng nồng bén lắm.  Hình như cái duyên và cả cái nghiệp văn chương nó chằm bặp quá, nó thiết buộc chặt mãi ông vào chắc chẳng cách gì dứt ra được nữa.

Bằng chứng là chỉ sau vài năm lao tâm khổ tứ viết lách, ông cho công bố hàng loạt, hàng loạt truyện ngắn trên sách báo khắp trong Nam ngoài Bắc. Ông “đẻ” mắn đến nỗi một nhà văn đất Thủ đô phải thốt ghen lên mà bảo: thằng cha kiến trúc sư ẩn cư miệt biển xa không biết nó nín từ bao giờ mà nó “đẻ mắn” thế không biết. Ông nhà văn nọ muốn nói đến tần suất xuất hiện tác phẩm của ông kiến trúc sư đất Cảng. Viết nhiều, in nhiều mà tác phẩm nào của “ông kiến trúc” cũng mê hoặc cuốn hút và găm vào tâm trí lòng dạ người ta mới ghê gớm chứ.

Rồi thì ông kiến trúc sư ấy được nhiều người trong giới văn chương gọi là “cây bút trẻ nhiều triển vọng”; được tôn vinh như “một hiện tượng văn học”. Ông thành người nổi tiếng rồi được nhập tịch vào làng văn học nước nhà.

Người có số phận may mắn trong đời phu chữ ấy tên là Bão. Họ tên đầy đủ trong giấy khai sinh là Vũ Bá Bão. Ông sinh ngày 05 tháng 10 năm 1942 ở ấp Phụng Dương, huyện An Hải, Hải Phòng. Danh xưng thường ghi trong đồ án kiến trúc sư là Vũ Bão.

Nguyên quán Vũ Bão ở thôn Sàng, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Kiến trúc sư Vũ Bão bắt đầu cho công bố ồ ạt các tác phẩm văn chương của mình năm (1991). Ngay từ khi quyết định công bố ào ạt tác phẩm văn chương đầu tiên ở tuổi 50, ông nghĩ ngay đến việc đổi tên mình, bởi trước ông, trong làng văn nước Nam đã có bậc đàn anh cao niên cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề trùng tên đó là nhà văn Vũ Bão. Vậy là kiến trúc sư Vũ Bão tự đổi tên mình lại thành Bão Vũ.

Quanh sự kiện trên văn đàn có thêm cái bút danh Bão Vũ đã nảy sinh nhiều mẩu chuyện khá là vui, nhưng nó cũng gây ra những nhầm nhọt, phiền toái cho cả hai ông Vũ Bão. Nhưng không sao, bởi mỗi ông đều được hưởng đủ những rủi may và vinh quang phận số mình.

Thực thì nhà văn Vũ Bão, tác giả của thiên tiểu thuyết Sắp cưới tên thật là Phạm Thế Hệ, sinh năm 1931 quê quán Thái Bình.

 Hồi nhà văn Vũ Bão còn chưa giã biệt thế gian, một lần tôi được nghe chính ông kể về việc tự tiện đổi tên mình đã bị cụ thân sinh rầy la quở mắng cho một trận nên thân. Ngày đó ông Phạm Thế Hệ còn rất trẻ, tham gia kháng chiến lại làm công việc viết báo nên đổi tên mình thành Vũ Bão cho thêm vẻ hùng dũng, thế thôi.

Nhớ ngày tôi chưa hạnh ngộ được làm quen gần gũi với nhà văn Bão Vũ, chỉ đọc truyện ngắn ông viết in trên sách báo, tôi rất háo hức gặp người. Ông cao hay thấp? Béo hay gầy? Sức lực ra sao mà ông viết khoẻ kinh khủng thế!

Tôi bắt đầu có cảm tình, quí phục ngưỡng mộ tác giả khi đọc các truyện ngắn: Mối tình cỏ non; Trầu têm cánh phượng; Thung lũng Ngàn Sương; Người đi chuyến xe taxi cuối ngày; Trương Chi của tôi… Rồi những năm sau là Hỗn  hương; Liễu chương đài; Vua của dải đất hoang; Ván bài Tỉ điểm tử… và nhiều, nhiều tác phẩm nữa không thể kể hết ra được.

Tôi nói mà không sợ vì quá yêu ông Bão Vũ đâm bốc đồng cực đoan rằng: đã lâu tôi mới lại được đọc áng văn đẹp đến thế. Văn Bão Vũ giàu chất trí tuệ, bay bổng, lịch lãm và sang trọng. Nhưng cũng hài hước thâm hậu, nhân hậu lắm. Văn ông sống động, biến ảo đa nghĩa, đa tầng. Các tác phẩm của ông luôn được viết trong tâm thế chủ động, giàu trường lực, đầy ắp cảm xúc, đôi lúc đẹp như thơ.

Tôi đặc biệt nể trọng cái tài tình về thủ pháp xây dựng, khắc hoạ tính cách và thái độ ứng xử đầy tâm đạo với các nhân vật cả tốt lẫn xấu trong mỗi tác phẩm của nhà văn này.

Nhưng năm gần đây tôi thường được ông tặng sách mới in của ông. Nhận được những tập sách ông cho tôi mê mải đọc. Có năm ông in đến ba tập truyện ngắn: Cánh đồng mơ mộng NXB Hải Phòng năm 1999; Biển nổi giận NXB Hải Phòng năm 1999; Mây núi thái hàng năm 1999 NXB Hội Nhà văn. Bước sang đầu thiên niên kỷ mới nhà văn Bão Vũ còn cho xuất bản một hai tác phẩm nữa.

Rồi bẵng đi đâu một hai năm ông không ra sách, thì đến cuối mùa đông năm 2005 nhà văn Bão Vũ lại trình làng tiểu thuyết “Vĩnh biệt vườn địa đàng” dày hơn 500 trang do NXB Công an nhân dân ấn hành. Và trung thu 2007, Nhà xuất bản Công an nhân dân lại vừa cho ra lò tập tiểu thuyết: Bài hát cỏ vi của Bão Vũ . Như vậy là ông đã chuyển sang viết thêm một thể loại khác; ông lại lao vào đào bới, lặn ngụp, tinh luyện, hoá giải một mê trận chữ nghĩa mới. Dám chắc cuộc hành trình dài hơi này còn nhọc nhằn, hao tổn trí lực hơn nhiều những thiên truyện ngắn ông từng viết.

Thế nhưng theo chỗ tôi biết thì đến thời điểm tôi viết bài báo này trong đống bản thảo lai cảo của nhà văn Bão Vũ vẫn còn khá nhiều tác phẩm dài ông đã hoàn thành mà chưa công bố. Ông là người kiệm lời, không thích nói trước điều gì chưa có. Nhưng tôi  thì biết. Bởi tôi tin vào năng lự, cường độ, tần suất làm việc và tài năng ông tự nguyện buộc vào cái nghiệp mình đã lựachọn.

Tôi và các bạn yêu văn chương Bão Vũ chắc sẽ có dịp được đọc, được tiếp cận nhiều tác phẩm trường thiên khác nữa của ông trong nay mai.

Kể từ ngày Bão Vũ xuất hiện và công bố tác phẩm văn chương, ông được trao khá nhiều giải thưởng. Truyện ngắn Mối tình cỏ non, Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, 1995. Trầu têm cánh phượng, Giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Người Hà Nội (1995 – 1996). Thung lũng ngàn sương, Tặng thưởng truyện ngắn hay báo Văn Nghệ, 1998. Mây núi thái hàng, tập truyện, Giải thưởng hội nhà văn Việt Nam, 2000. Ván bài tỉ điểm tử, Giải nhất Cuộc thi truyện ngắn báo văn nghệ (2004 – 2005) v.v…

Có người nói rằng giải thưởng chỉ là giải thưởng nếu ảnh hưởng, dư ba, dư âm, giá trị của tác phẩm đoạt giải chẳng đọng lại trong lòng độc giả. Điều đó đúng là đã xảy ra và thật là vô nghĩa lý.

Nhưng với nhà văn Bão Vũ thì khác. Tôi thấy cái trường hấp dẫn qua nhiều tác phẩm của ông nó hơi bị bền. Điều ấy dường như đã được xác nhận qua thời gian và cả sự yêu mến văn chương Bão Vũ qua các thế hệ bạn đọc.

Sẽ là không đầy đủ, phiến diện, thậm chí còn rất thiếu sót với nhà văn Bão Vũ nếu chỉ nói bước đường đến với văn chương của ông là một tấm thảm nhung, một chuỗi những thuận chiều may mắn mà không gặp bất cứ một gập ghềnh trở ngại nào.

Không phải vậy, nhà văn Bão Vũ dù được coi là người may mắn nhưng ông cũng không nằm ngoài logic cuộc sống và qui luật tự nhiên. Ông cũng phải nếm trải đủ bùi ngọt, cay đắng, thất bại đời người để đến với vinh quang và hạnh phúc.

Bão Vũ mê đắm văn chương và đến với văn chương từ rất sớm. Thời thiếu niên Bão Vũ đã say đọc Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam đến trắng đêm. Có lần ông viết trong tự bạch: “từng khóc trên những trang sách của A.Đô đê, G.Môpátxăng, ĐíchXken, Lỗ Tấn và coi TêsêKhốp là thần tượng. Năm 14 tuổi Bão Vũ đã đọc bản dịch bài thơ “Tế Vật” (F Frande) của Annade Noel. Năm 16 tuổi ông đã làm thơ, viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, và cả kịch thơ nữa”*. Ông không có tham vọng trở thành nhà văn mà đơn giản nghĩ rằng Nguyên Hồng 16 tuổi đã viết Bỉ Vỏ, Chế Lan Viên cũng tuổi ấy đã viết Điêu tàn sao ông lại không? Nhưng rồi hỳ hục viết ngày, viết đêm, viết như không còn biết có giời đất gì nữa nhưng mọi sự cố gắng của cậu thiếu niên Bão Vũ ngày đó chẳng đi tới đâu cả.

Và đến thời sinh viên, cả đến khi tốt nghiệp trường Kiến trúc ra nhận công tác Bão Vũ vẫn đau đáu trong giấc mộng dài phải viết văn để giải toả lòng mình. Say đọc, say viết đến nỗi anh lớp trưởng ngày ở trường Kiến trúc ngờ rằng Bão Vũ có làm điều gì mờ ám nên mới đợi mọi người ngủ rồi thức trắng đêm viết trộm viết lén như thế. Sau ngày ra trường về nhận công tác trong cơ quan kiến thiết ở một tỉnh nhỏ rồi, Bão Vũ cũng vẫn bị người phụ trách và các đồng nghiệp cùng cơ quan nghi kị, thậm chí cho Bão Vũ là một gã tiêu tư sản, “có vấn đề”. Bởi vì khi người ta nghỉ ngơi, đi chơi thì Bão Vũ  lại vụng trộm đọc sách và vụng trộm viết văn. Việc làm hiền lành, hướng thiện ấy của Bão Vũ dĩ nhiên là sau này người ta cũng hiểu được. Nhưng 40 năm trước với những người ít chữ nhưng lại nhiều đố kỵ nó cũng chẳng dễ chịu gì. Thử hình dung nếu ngày ấy kiến trúc sư Vũ Bão không có bản lĩnh mà thúc thủ, bỏ cuộc, chắc chắn không có nhà văn Bão Vũ bây giờ.

Nhưng có lẽ nó là cái duyên nghiệp đã định rồi không thể khác. Chính Bão Vũ đã nói với tôi: “Cái công việc viết văn nó chọn mình cậu ạ! Mình viết văn đơn thuần chỉ là để giải toả tâm lí, nỗi lòng thôi chứ không có ý nghĩ trở thành nhà văn đâu”.

Tôi tin ông nói thực lòng. Bởi tôi cũng vẫn hằng nghĩ: “ Cái nghiệp văn chương là duyên nợ. Trời đất và cả cuộc đời này chẳng bắt buộc ai cả, nhưng phàm con người ta ai đã bước vào là rất khó dứt bỏ. Lao tâm, khổ tứ, trằn trọc vắt mình ra để viết và nghĩ rằng mình đã trả nợ cho đời chút ít”.

Xin chúc nhà văn Bão Vũ luôn mạnh khoẻ để tiếp tục cái duyên nghiệp văn chương của mình, làm ra thật nhiều, thật nhiều tác phẩm giá trị cho cuộc đời.

Vũ Quốc Văn
Tạp chí Cửa Biển                                                  

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder