Nhà văn Mai Vui

Từ lâu, nhiều người quen gọi ông là Mai Vui… NHÀ VĂN MAI VUI – TRANG SÁCH VÀ CUỘC ĐỜI

Nhà văn Cao Năm


Từ lâu, nhiều người vẫn quen gọi ông là Mai Vui, ngay cả những người cùng xóm phố mấy chục năm ở ngõ phụ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cũng gọi ông như thế. Nhưng thực, tên ông không phải thế. Trong hồ sơ, lý lịch và huân huy chương đều ghi rõ tên ông là Đỗ Hùng Quang, sinh ngày 29/11/1926, quê thôn Phương Điếm, thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Còn Mai Vui là tên ông lấy họ (Mai) và tên (Vui) của bà vợ hiền thục, quê xã Lạng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, bỏ chữ “thị”, đặt làm tên bút danh ngay từ khi ông viết tác phẩm đầu tiên, tiểu thuyết “Quãng đời niên thiếu” (nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 1958) năm ông mới 22 tuổi.

Ai đọc tiểu thuyết “Quãng đời niên thiếu” hẳn thấy mỗi trang sách là một trang đời, đúng với nghĩa của từ này, bởi ở đây in đậm đời sống lam lũ của chú bé Ngẫu (tên của Mai Vui ngày còn ở làng). Sinh ra tại Cẩm Phả mỏ (tỉnh Quảng Ninh), từ năm lên tám, chín tuổi bé Ngẫu đã phải ra đường nhặt than vương vãi; lên mười tuổi mới xin được cái thẻ làm phu đội than lấy ngày 8 xu. Nhưng cái khổ cực vẫn luôn đeo bán, năm Ngẫu mười hai tuổi thì bố bị xe than cán vào chân; cả nhà dắt díu nhau về quê chữa thuốc nam cho ông. Vậy là chỉ hơn chục năm trời ra mỏ, nhà bé Ngẫu khi rời Gia Lộc ra Cẩm Phả có bảy người (chưa đẻ bé Ngẫu, tức Mai Vui), thì khi quay về quê chỉ còn năm (anh cả bỏ đi đồn điền cao su Nam kỳ, chị gái và đứa em dưới chị mất ở mỏ). Năm ấy Ngẫu mười hai tuổi. Về quê ít lâu, may có người quen làm bánh đậu xanh Rồng Vàng trên thị xã Hải Dương, cho lên làm thuê. Nhưng một lần bị con nhà chủ đánh, Ngẫu ù té chạy, không may ngã vào chảo nước nước sôi làm đậu, thế là phải về quê chữa thuốc nam. May vừa khỏi bỏng, thì có phong trào thanh thiếu niên luyện tập tuyên truyền, kẻ vẽ và hộ khẩu hiệu. Rồi vệ quốc quân về làng, thế là theo làm liên lạc đại đội 71, khi chưa đầy 16 tuổi (năm 1946). Tôi đọc tiểu thuyết “Quãng đời niên thiếu”, rồi nghe nhà văn Mai Vui kể chuyện đời mình, thấy chuyện trong sách và ngoài đời dường như không khác nhau bao nhiêu. Cả đến cái tên gọi Đỗ Ngẫu của ông, thì như anh Bình, con cả nhà văn nói với tôi, chú nhớ về quê thì hỏi tên bố cháu là Đỗ Ngẫu, người làng mới biết; chứ hỏi Đỗ Hùng Quang hay Mai Vui người ta không biết đâu.

Quay lại tiểu thuyết “Quãng đời niên thiếú”. Có lần nhà văn Mai Vui nói với tôi, sau hòa bình lập lại (1954) được ít lâu, do vết thương vào đầu trận đánh đồi C2 trong chiến dịch Điện Biên Phủ tái phát, ông được đi điều dưỡng ở Quảng Yên, nằm cùng phòng với Văn Linh, khi ấy Văn Linh đang viết tiểu thuyết “Mùa hoa dẻ”. Những lúc rỗi, Văn Linh lại hỏi chuyện Mai Vui, hồi ấy vẫn gọi theo tên khi ông đi bộ đội đặt là Đỗ Hùng Quang. Từ những câu chuyện Hùng Quang kể cho Văn Linh nghe về gia đình mình, bố mẹ nghèo, lại đông con, những năm người, nên phải dắt díu nhau ra Cẩm Phả làm phu, rồi số phận những người phu mỏ… Văn Linh nghe, và “thúc giục” (từ của Mai Vui) Hùng Quang viết đi, viết cuộc đời của anh và mẹ cha, anh em nhà anh đi. Rồi Văn Linh bày cho Hùng Quang cách viết. Nhưng thực, cũng còn phân vân, Mai Vui thực lòng bảo tôi thế. Cũng đúng, vì khi ấy, ông mới văn hóa lớp ba, nhờ vào sự cần cù, chịu khó học “nỏm”, chứ thực học chỉ được ba tháng, nhưng lại là học chính trị để về làm tiểu đội trưởng, chứ học chữ chỉ là “thêm nếm”. Dẫu sao những gì tác giả “Mùa hoa dẻ” gợi mở, khuyến khích cũng kích thích rất nhiều, nếu không muốn nói là quyết định đến con đường viết văn của Đỗ Hùng Quang (Mai Vui). Sau đợt điều dưỡng, ông về Bộ Tư lệnh Quân khu Tả ngạn, đóng tại Hải Phòng, và chỉ trong 20 ngày dồn sức viết ngày, viết đêm là xong tiểu thuyết “Quãng đời niên thiếu”. Và để ghi nhớ một tình yêu đắm say, chung thủy của cô vợ xinh đẹp, hiền thục và đảm đang, Đỗ Hùng Quang ghi ngay hai chữ Mai Vui lên trang đầu tác phẩm đầu tay, và từ đấy, Mai Vui trở thành tên gọi, dễ còn nhiểu người biết hơn cả tên chính thức của ông. Còn “Quãng đời niên thiếu”, sau khi ông mang bản thảo lên Hà Nội, đưa tận tay Văn Linh, thì chỉ chừng ba tháng sau, nhà xuất bản Lao động đã cho ra mắt bạn đọc tác phẩm đầu tay của Mai Vui viết về một anh con nhà nghèo, ra mỏ nhặt than, rồi nhờ có cách mạng mà trưởng thành anh “bộ đội Cụ Hồ”.

Nếu tiểu thuyết “Quãng đời niên thiếu” là cuộc đời của bé Ngẫu-Mai Vui hồi nhỏ, thì tiểu thuyết “Người chiến sĩ Điện Biên năm ấy” (nhà xuất bản Quân đội nhân dân-2003), hay còn có tên “Chuyện nhỏ ở Điện Biên Phủ” (trong “Mai Vui-Tác phẩm chọn lọc”-nhà xuất bản Hội nhà văn-2009), lại là cuộc đời Đỗ Hùng Quang-Mai Vui trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với vai trò chính trị viên đại đại 253, thuộc sư đoàn 316, mà ai đọc “Chuyện nhỏ ở Điện Biên Phủ” với nhân vật chính Mạnh Thà, chính trị viên trưởng đại đội, bị thương vào đầu vẫn tự băng vết thương, không cho ai biết, để tiếp tục chỉ huy bẻ gẫy hết đợt này đến đợt khác quân địch liều chết xông vào chiếm đường hào hòng chiếm cứ điểm đồi C2. Những ai đã đọc tiểu thuyết này, rồi lại nhìn bức ảnh lịch sử: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác Hồ cho 6 chiến sĩ tiêu biểu cho 5 sư đoàn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, có thể nhận ra Đỗ Hùng Quang-Mai Vui đứng ngay đầu hàng thứ hai.

Với nhà văn nào tôi chưa biết, nhưng với nhà văn, đại tá Mai Vui thì trang sách chính là cuộc đời ông và những người thân, đồng đội được tái hiện lại; hay nói cách khác, trang sách là phiên bản cuộc đời ông và những người đồng đội. Nói những người đồng đội, vì ngoài tiểu thuyết “Quãng đời niên thiếu” và tập truyện viết cho thiếu nhi “Con gà mái lông sẻ”, tập tranh truyện thiếu nhi “Chú bé Hóc Môn”, trong 50 năm cầm bút, từ khi viết tác phẩm đầu tay “Quãng đời niên thiếu” năm 1957, đến khi ông viết xong phần đầu tiểu thuyết “Giành Giật” (cũng về Điện Biên Phủ) đưa tôi đánh máy hộ, rồi dừng không viết được nữa, đành bỏ giở cuốn tiểu thuyết, nếu không chúng ta sẽ được đọc một tiểu thuyết không chỉ viết về sự ác liệt trog chiến đấu, mà còn cả những chuyện cảm động, đầy tính nhân văn, giữa những người lính trong chiến đấu một mất một còn ở chiến trường ác liệt Điện Biên Phủ, mùa hè cách đây 59 năm. 50 năm cầm bút, với 20 đầu sách, mà hầu hết là về đồng đội-những người lính, với đủ thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, bút ký, ghi chép, truyện cho người lớn, truyện cho thiếu nhi, lại còn viết cả kịch bản phim truyền hình, với một người học rộng, văn hóa cao đã là một thành công đáng kể, với một người khởi nghiệp từ văn hóa lớp ba như Mai Vui thì quả là một kỳ tích.  Để đi tới kỳ tích đó, nhà văn, đại tá Mai Vui có lần bộc bạch: “Trong bước đường viết văn của tôi, tôi biết được khả năng hạn chế của mình, nên tôi xác định cách làm việc là: kiên trì, chịu khó học tập cái hay của bất cứ bậc đàn anh, hay anh chị em trẻ có tài, có tác phẩm thành công. Nỗ lực viết, lấy cần cù bù thông minh. Cách làm việc đó đã giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn, thử thách về hoàn cảnh và đời sống mấy mươi năm qua, để sống hết mình, sống chết cho những trang viết”. Quả là như thế, “sống hết mình, sống chết cho những trang viết”, và bằng chúng là phía đầu bên trái của ông một vết đạn bắn vào trong trận chiến giữ đồi C2 luôn tái phải, làm ông nhiều lần phải đi điều trị não trên Bệnh viện trung ương quân đội 108, và đến lần điều trị này, kéo dài suốt từ ngày 22/2 đến 23/9/2013 thì ông không thể vượt qua được nữa.

Nếu không gần ông, hiểu ông, khó ai có thể tin một người ít học như ông lại kiên trì, cần mẫn viết văn suốt nửa thế kỷ với 20 đầu sách, trong khi vẫn làm tổng biên tập báo Quân Bạch Đằng, rồi Quân khu Ba mấy chục năm trời. Ở Mai Vui, cuộc đời và trang sách-trang sách và cuộc đời, hầu như không có sự cách biệt, ông luôn lấy phương châm sống rồi hẵng viết, chứ đừng viết cái mình chưa sống, chưa biết, chưa nghe thấy. Cũng vì thế, những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, dù khi đã vị trí lãnh đạo báo Quân Bạch Đằng, ông vẫn xin đi chiến trường, có đợt hằng mấy tháng, và sau mỗi đợt đi lại ra đời một, hai tập sách viết về đồng đội ngoài chiến trường, như các tập truyện, ký “Từ một góc Tà Cơn”, “Những chiến công”, “Truyện kể về người anh hùng”, “Những trận đánh nẩy lửa”… Còn với Tây Bắc-Điện Biên thì ông có tới 2 trong số 3 tiểu thuyết trong đời viết văn là dành viết về cái nơi ông đã sống và chiến đầu hơn 4 năm trời, từ 1951 đến sau chiến thắng Điện Biên, với “Đường vào Tây Bắc” và “Người chiến sĩ Điện Biên năm ấy”, (còn có tên “Chuyện nhỏ ở Điện Biên Phủ”). Đọc Mai Vui như thấy con người ngoài đời và nhân vật tác phẩm hoà làm một, và đấy là nét riêng đặc sắc làm nên  phong cách Mai Vui chân thực và nhân ái. Đúng như nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Đọc Mai Vui chúng ta luôn luôn gặp những nhân vật, những con người quen thuộc trên đường kháng chiến”. Dường như trong trang viết của ông không có ranh giới, khoảng cách giữa con người thực ngoài đời với nhân vật trong tác phẩm. Vì thế, đọc ông có thể thấy toát nên niềm khát vọng sống trong hòa bình, độc lập, tự do và vì nó, có thể sẵn sàng hy sinh cả máu xương để giành và giữ lấy. Ông là một trong những nhà văn đã có những đóng góp vào nền văn học cách mạng và kháng chiến, mà dẫu hôm nay nhà văn, đại tá Mai Vui đã đi xa, nhưng những tác phẩm của ông viết về Tây Bắc- Điện Biên Phủ những năm tháng chống Pháp vẫn để lại ấn tượng đẹp với bạn đọc yêu mến anh “bộ đội Cụ Hồ’.

C.N

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder