Thời trước cách mạng, một số nhà xuất bản tư nhân ở Hà Nội đã có nhiều đóng góp cho việc tuyên truyền lòng yêu nước, quảng bá nền văn hóa dân tộc. Mai Lĩnh là một nhà xuất bản như thế…
Thời trước cách mạng, một số nhà xuất bản tư nhân ở Hà Nội đã có nhiều đóng góp cho việc tuyên truyền lòng yêu nước, quảng bá nền văn hóa dân tộc. Mai Lĩnh là một nhà xuất bản như thế.
Thời kỳ vàng son của Nhà xuất bản Mai Lĩnh chưa được mười năm, từ năm 1936 đến 1944, nhưng đã để dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử ngành xuất bản ở nước ta.
Người khởi xướng nhà xuất bản Mai Lĩnh, là cụ Đỗ Văn Phong, quê làng Xuân Mai, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, nay thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Cụ Phong là một nhà nho gia thế bậc trung lưu, kiến thức sâu, bang giao rộng, sớm có lòng yêu nước, nên sớm tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và Đàn Thiện. Cụ từng trao đổi bàn bạc với con cháu về ý nguyện thành lập một nhà xuất bản để in sách báo nâng cao dân trí cho người dân. Cái tên Mai Lĩnh được đặt, cũng bởi lòng yêu quê hương của cụ.Cụ chọn ghép hai chữ làng Mai và núi Lĩnh nơi cố hương của mình, như để nhắc nhở con cháu đời đời không được quên quê hương xứ sở.Mặt khác, cũng là cách chơi chữ của các cụ đồ nho thâm thúy ngày ấy. Mai Lĩnh, nếu đọc ngược lại, thành Linh mãi, nghĩa là tổ tiên mãi hưng thịnh và phát tiết lâu dài. Vì hoạt động yêu nước, cụ Phong bị thực dân Pháp bắt đi đày ở Guyane, thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ. Năm 1923-1924, cụ Phong cùng một số tù nhân tổ chức đóng bè vượt ngục, băng biển, qua Ca-na-đa, sang Trung Quốc, rồi về Việt Nam. Theo một tài liệu ghi lại, trên chuyến tàu hỏa từ Vân Nam về Hải Phòng, ngồi trên toa xe lửa chạy băng qua đồng đất quê nhà, nỗi niềm thương nhớ vợ con và quê quán dâng lên, cụ gạt nước mắt để vững lòng theo nghiệp lớn. Từ Hải Phòng, theo chuyến tàu thủy Claude Chappe, cụ xuôi vào Sài Gòn, rồi xuống trú ngụ ở vùng núi Sập, Long Xuyên, một nơi tụ gặp của các chí sĩ khắp nơi từng bị tù đày biệt xứ vì hoạt động chống thực dân Pháp. Cụ Phong nhắn tin con cháu vào gặp, bàn bạc và thực hiện ý nguyện mở nhà xuất bản Mai Lĩnh để tuyên truyền lòng yêu nước và nâng cao dân trí cho dân tộc.
Con cháu gia tộc họ Đỗ quyết noi theo tâm nguyện của cụ Phong. Chả bao lâu, một trung tâm thương mại văn hóa phẩm mang tên Mai Lĩnh được mở ngay tại thị trấn Phúc Yên quê nhà.Thêm một cửa hiệu lớn buôn bán văn hóa phẩm Mai Lĩnh được mở mang tại Hải Phòng.Rồi năm 1936, mở nhà in Mai Lĩnh tại Hà Nội.Thế là Hải Phòng tuần báo được ra đời, khơi nguồn cho sự nghiệp xuất bản, báo chí của Mai Lĩnh từng bước đi vững chắc.
Thời đó, các nhà xuất bản ngoài việc in sách, hầu hết còn lo việc ra báo. Ra báo và in sách hỗ trợ, bổ túc cho nhau. Ngay số báo đầu tiên của Hải Phòngtuần báo, nhà xuất bản Mai Lĩnh đã dụng công in đẹp, giấy tốt, tập hợp được nhiều cây bút tiêu biểu, nhiều bài vở hay, chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc. Việc quảng cáo cho các cửa hàng, nhà in càng thêm thuận lợi.Năm 1938, Mai Lĩnh lại mở thêm cửa hàng tại Sài Gòn.
Mai Lĩnh sớm quy tập được các nhà báo, nhà văn xuất sắc đương thờicộng tác, như các ông Phùng Bảo Thạch, Lan Khai, Tam Lang, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Phạm Tất Đắc, Nguyễn Triệu Luật, Vũ Bằng, Phạm Cao Củng… Một loạt tác phẩm văn học có giá trị của các nhà văn tiêu biểu được xuất hiện lần đầu tại từ nhà xuất bản Mai Lĩnh. Như: Tắt đèn (Ngô Tất Tố), 1939. Làm đĩ (Vũ Trọng Phụng), 1939.Việc làng, Lều chõng (Ngô Tất Tố), 1941.Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc (Nguyễn Tuân), 1941. Nhiều sách nghiên cứu có giá trị, được ra đời từ nhà xuất bản Mai Lĩnh, như: Phê bình Nho giáocủa Trần Trọng Kim, Việt Nam văn học tập 1, tập 2. Mặc Tử. Kinh dịch (Ngô Tất Tố), 1940,1942, 1943. Nguyễn Tường Tộ, Những trang sử vẻ vang (Nguyễn Lân), 1942,1943.Nhân cách phụ nữ (Nguyễn Lương Bích), 1942.Trẻ con hát trẻ conchơi (Nguyễn Văn Vĩnh), 1943. Thượng Chi văn tập (Phạm Quỳnh), 1943. Hàng loạt truyện trinh thám ăn khách của Phạm Cao Củng, như: Bóng người áo tím,Đám cưới Kỳ Phát, Đôi hoa tai của Bà Chúa… Ngoài ra, còn hàng chục đầu sách của Phạm Cao Củng, ký bút danh Văn Tuyển, cũng được Mai Lĩnh cho ra đời.
Đương nhiên, mỗi nhà xuất bản đều có định hướng riêng cho mình. Ở giữa thời buổi các nhà xuất bản, như Đời Nay, Tân Dân, Hàn Thuyên, Lê Cường… đua nhau tranh giành các tác phẩm ăn khách, thì nhà xuất bản Mai Lĩnh vẫn vững vàng đi theo chủ trương riêng. Nếu như nhà xuất bản Đời Nay dồn sức cho việc in ấn sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhằm quảng bá, chống lễ giáo phong kiến, giải phóng phụ nữ khỏi ràng buộc khuôn mẫu gia đình phong kiến cũ; thì nhà xuất bản Mai Lĩnh lại tập trung xuất bản những cuốn sách mang tư tưởng chống chế độ thực dân và phong kiến. Theo ông Đỗ Văn Mai, người con thứ của cụ Đỗ Văn Phong, một người có công trong việc tổ chức hoạt động xuất bản của Mai Lĩnh, thì sách nhà sách Mai Lĩnh là sách chống cường quyền. Cứ ai viết chống cường quyền là Mai Lĩnh in. Nói theo cách khác, sách của Mai Lĩnh ủng hộ những người lầm than, nghèo khổ bị bóc lột. Chính vì quan điểm này, nhà xuất bản Mai Lĩnh đã nhiều lần bị các nhà cầm quyền đương thời nhắc nhở, đe dọa. Cuốn “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố vừa in ra đã bị cấm lưu hành. Cuốn “Làm đĩ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng số phận cũng tương tự, cũng bị thu hồi. Biết là phải đương đầu với nhiều sự kiểm duyệt gay gắt, nhà xuất bản Mai Lĩnh vẫn quyết giữ quan điểm “Cái gì có lợi cho dân trí, là in, là xuất bản !”.
Để có được những cuốn sách hay, giá trị, nhà xuất bản Mai Lĩnh luôn coi trọng mối quan hệ với các cộng tác viên. Mai Lĩnh có được những bản thảo tiêu biểu của nhà văn Ngô Tất Tố, bởi cụ Tố là bạn thân với người con cụ Đỗ Văn Phong. Làng quê Mai Lâm của cụ Tố cách làng Xuân Mai không xa. Nghe kể lại rằng, cụ Tố đã nhiều lần đi bộ từ làng nhỏ ven sông Đuống của mình, ngược lên làng Xuân Mai núi Lĩnh để đàm đạo với người bạn về thời cuộc và giãi bày những tác phẩm mà cụ ấp ủ định viết. Những dự định viết của cụ Tố, Mai Lĩnh xin được đón nhận hết và tuân thủ mọi thủ tục để được in sách của cụ Tố sớm nhất tại nhà sách của mình. Thấy nhà xuất bản thiện tình và là chỗ thân thuộc, cụ Ngô Tất Tố lại rủ nhà văn Vũ Trọng Phụng là bạn văn của mình, đem sách đến Mai Lĩnh in. Cứ thế, người nọ giới thiệu ngươig kia, nhà xuất bản Mai Lĩnh dần có đội ngũ cộng tác viên cự phách.
Ngay thời điểm ấy, Mai Lĩnh đã biết dành tiền tổ chức cho các nhà văn đi thực tế sáng tác. Để dễ bề cai trị, các nhà cầm quyền thời bấy giờ để tệ nạn đĩ điếm, nghiện ngập ả phù dung tràn ngập xã hội. Muốn thức tỉnh thanh niên thoát khỏi cõi u mê hủy hoại ý chí đấu tranh yêu nước, Nhà xuất bản Mai Lĩnh đã cử người đưa các nhà văn đi thâm nhập vào các ổ tệ nạn xã hội. Cụ Ngô Tất Tố, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã được đưa đi thực tế, được tai nghe mắt thấy những cảnh đời chết mòn trước các tệ nạn nhơ nhớp ấy. Rồi sau đó, Vũ Trọng Phụng đã viết được những cuốn tiểu thuyết phóng sự nổi tiếng phản ánh đời sống của một lớp người dưới đáy này. Chính những tác phẩm văn học xuất sắc phản ánh đời sống hiện thực xã hội, lên tiếng chống đối giai cấp cầm quyền là phong kiến và thực dân Pháp, đã gây tiếng vang và uy tín nhà xuất bản Mai Lĩnh ngày càng được củng cố.
Quan điểm làm ăn kinh tế của nhà xuất bản Mai Lĩnh rất rõ ràng. Để đầu tư cho ra đời những tác phẩm văn học, văn hóa có giá trị, thì phải biết củng cố kinh tế vững mạnh. Có những cuốn sách nhằm nâng cao dân trí, nhà xuất bản sẵn sàng bù lỗ. Mai Lĩnh coi trọng công việc sản xuất kinh doanh để lấy lãi nuôi lại khâu xuất bản. Ngoài việc thu lợi từ việc phát hành sách báo, Mai Lĩnh luôn chú trọng các khâu kinh doanh văn hóa phẩm kèm theo. Đó là hệ thống các cửa hàng kinh doanh giấy, bút, mực, văn phòng phẩm ở khắp Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn. Song song với việc đầu tư trang thiết bị máy móc in ấn tân tiến, để cho ra đời những ấn phẩm xuất bản tốt nhất, đẹp nhất, rẻ nhất; mặt khác, theo lời chỉ dẫn của cụ Đỗ Văn Phong, lớp con cháu còn biết đầu tư mua đất đai mở trang trại ở khắp ba miền. Không chỉ dừng lại việc canh tác ở ấp dưới, Mai Lĩnh đã mở rộng ấp trên gần chân núi Tam Đảo rộng hàng mấy trăm héc-ta chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Nhà xuất bản Mai Lĩnh còn mua đất ở Hải Phòng, mở mang nhiều héc-ta ở Chợ Lớn, Sài Gòn, thuê người chăn nuôi trồng trọt. Hàng năm, Mai Lĩnh thu lợi hàng ngàn tấn thóc, hoa màu và nhiều tấn sữa, nhiều tấn thịt gia súc. Khi có tiền, Mai Lĩnh lại càng đầu tư in, xuất bản những cuốn sách có giá trị dân trí cao.Mô hình tổ chức các ấp, trang trại của Mai Lĩnh có ý nghĩa rất lớn đối với xã hội thời đó.Công tác cứu trợ, cứu đói cho dân nghèo luôn được Mai Lĩnh quan tâm. Thời kỳ toàn quốc kháng chiến, hai ấp của Mai Lĩnh thường xuyên là nơi cư trú của người tản cư, của các cơ quan, đơn vị bộ đội dừng chân trên đường lên chiến khu Việt Bắc. Mai Lĩnh luôn nhiệt thành dành những khổ phần lương thực thực phẩm cuối cùng của mình để cho cách mạng. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhà xuất bản Mai Lĩnh sẵn sàng bỏ cả cơ nghiệp lớn tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng. Đó là sự tự nguyện hy sinh cho kháng chiến, mà không dễ một doanh nghiệp nào thực thi được.
Thời thế thay đổi, cơ nghiệp nhà xuất bản Mai Lĩnh gần như tiêu tan. Năm 1956, nhà xuất bản Mai Lĩnh ở Hải Phòng bị quy tư sản. Trang trại ở quê Xuân Mai bị quy địa chủ. Mãi sau này, nhờ chính sách sửa sai, cơ sở Mai Lĩnh Hải Phòng được xếp lại thành phần: tư sản kháng chiến. Những người cai quản trang trại Xuân Mai, được xếp lại thành phần: địa chủ kháng chiến. Vậy là công sức, tiền bạc của gần mười năm phấn đấu cho thương hiệu Mai Lĩnh nức tiếng trong giới kinh doanh xuất bản bỗng thành mây khói. May thay, thế hệ con cháu của gia tộc họ Đỗ vẫn âm thầm phấn đấu, để sống, để khẳng định, để tiếp nối hào quang rực rỡ của gia tộc, của thương hiệu Mai Lĩnh một thời. Nhiều người nay đã là những nhà khoa học, nhà quân sự, kỹ sư, nhà doanh nghiệp tài ba. Trong số con cháu dòng tộc họ Đỗ thương hiệu Mai Lĩnh, người có tên tuổi mà nhiều người biết đến, là giáo sư-tiến sỹ Đỗ Tất Lợi-một nhà khoa học chân chính, một từ điển bách khoa về cây thuốc nước nhà. Giáo sư-tiến sỹ Đỗ Tất Lợi là cháu nội của nhà nho yêu nước Đỗ Văn Phong, người khởi xướng thương hiệu Mai Lĩnh.
Trong dịp ra thăm Hà Nội vừa qua, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn (tác giả của tiểu thuyết Đứng trước biển, Cù lao Chàm nổi đình nổi đám thời đổi mới, in 1982,1985), cùng người vợ là nhà thơ Hà Phương có ngược lên làng Xuân Mai, thăm lại ngôi nhà từ đường của cụ ngoại Đỗ Văn Phong. Mẹ của Nguyễn Mạnh Tuấn gọi cụ Đỗ Văn Phong là ông nội.Thắp nén hương trước bàn thờ tổ tiên, trước anh linh người sáng lập nhà xuất bản Mai Lĩnh vàng son một thưở, vợ chồng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn thành kính khấn xin lập Công ty văn hóa Mai Lĩnh, nguyện tiếp nối ánh hào quang rực rỡ của tổ tiên. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn tâm sự, nếu trong con người anh có một nửa dòng máu của bên mẹ, nghĩa là dòng máu bên ngoại đã tiếp sức cho anh đi trên con đường sáng tạo văn chương vốn vô cùng vinh quang và nghiệt ngã.
Tháng 10-2015
V.T.T
(Nguồn Trannhuong.com)