Nhìn lại một “thế hệ vàng” trong văn học Việt Nam – Hoàng Hoàng

Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Các tham luận cùng các ý kiến tại hội thảo đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ với tư cách vừa là những nhà văn giàu khát vọng sáng tạo, vừa là những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu chống quân thù. Đồng thời, hội thảo cũng làm rõ những thành tựu nghệ thuật cũng như một số hạn chế nhất định của văn học thời kỳ chống Mỹ trong tiến trình văn học Việt Nam để rút ra bài học sáng tạo trong tương lai.

Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Các tham luận cùng các ý kiến tại hội thảo đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ với tư cách vừa là những nhà văn giàu khát vọng sáng tạo, vừa là những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu chống quân thù. Đồng thời, hội thảo cũng làm rõ những thành tựu nghệ thuật cũng như một số hạn chế nhất định của văn học thời kỳ chống Mỹ trong tiến trình văn học Việt Nam để rút ra bài học sáng tạo trong tương lai.

Lấy cớ bị tấn công trong sự kiện Vịnh Bắc Bộ (tháng 8-1964), đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc; sau đó một năm, Mỹ trực tiếp đưa bộ binh tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất, nhưng cũng từ thời điểm này đến ngày toàn thắng 30-4-1975, văn học Việt Nam đã xuất hiện một “thế hệ vàng” với những tác phẩm xuất sắc.

Ban tổ chức hội thảo đã khu biệt, tránh lan man khi chỉ tập trung bàn luận về đối tượng là “thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ”. Nếu nói các nhà văn sáng tác trong thời kỳ chống Mỹ thì rất rộng bởi thực tế thời kỳ chống Mỹ cùng tồn tại ba thế hệ cầm bút, bao gồm: Những nhà văn thành danh từ trước năm 1945 vẫn tiếp tục viết với nhiều tác phẩm hay, như Nguyễn Tuân có “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, Chế Lan Viên có “Những bài thơ đánh giặc”, “Những ngày nổi giận”…; thế hệ đã trải qua kháng chiến chống Pháp như: Nguyễn Đình Thi, Hồ Phương, Quang Dũng, Hữu Mai, Vũ Cao, Nguyễn Khải…; thế hệ nhà văn trưởng thành trong chống Mỹ với những tên tuổi như: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Minh Châu, Anh Đức, Lê Anh Xuân, Tô Nhuận Vỹ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh…

Không phải ngẫu nhiên lại có sự xuất hiện đông đảo của một thế hệ cầm bút tài năng (nhiều nhà văn hiện nay vẫn tiếp tục sáng tác) ở thời chống Mỹ đến như vậy. Theo nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam: Toàn bộ cuộc sống dân tộc Việt Nam trong thời đại chống Mỹ là chiến đấu và vươn lên để sống, để ngẩng cao đầu làm người với đầy đủ ý nghĩa cao đẹp của hai chữ “Con Người”. Điều này tương đồng với mục tiêu mà văn chương luôn hướng tới là các giá trị chân-thiện-mỹ. Tinh thần dám dấn thân vì lý tưởng cũng góp phần nhanh chóng hình thành thế hệ nhà văn-chiến sĩ, vừa cầm bút vừa cầm súng, nhiều nhà văn đã anh dũng hy sinh như: Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý… Ngoài năng khiếu văn chương trời cho thì tự thân các nhà văn chống Mỹ đa phần đều được đào tạo bài bản và quan trọng hơn là khả năng tự học, tự nghiền ngẫm rất đáng nể trong bối cảnh chiến tranh ác liệt.

Cũng suy nghĩ với ý kiến của nhà thơ Bằng Việt, qua ký ức của nhà văn Lê Văn Thảo và nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho rằng, khi xung phong vào chiến trường, các nhà văn được giao làm công tác tuyên truyền, giáo dục chứ không hề được gợi ý làm thơ, viết văn. Thực tế chiến trường khốc liệt, những câu chuyện cao đẹp giàu tính nhân văn, những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng đã tác động mạnh đến những người cầm bút đa phần chưa đến tuổi 30. Với tư cách là người trong cuộc, những người cầm bút đều có chung ước ao sẽ ghi lại chân thật những ngày đánh Mỹ cao cả để lan tỏa lý tưởng sống và chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc tới người đọc, để thời kỳ “đất nước có một tâm hồn, có chung khuôn mặt” (Chế Lan Viên) sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Sau khi chiến tranh kết thúc, không ít nhà nghiên cứu, bình luận văn học đã xem xét lại những thành công cũng như hạn chế của giai đoạn văn học chống Mỹ. Mặt tích cực thì đã được nói nhiều: Phản ánh trung thực cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của quân và dân ta, những câu thơ, những trang văn có sức mạnh như một sư đoàn đã cổ vũ cả một thế hệ lên đường đánh giặc… Tuy nhiên, một số ý kiến cũng chỉ ra những hạn chế đó là: Còn có tính minh họa, ít cách tân nghệ thuật độc đáo, giọng điệu ca ngợi một chiều còn nhiều…

Nếu đặt văn học thời kỳ chống Mỹ trong lịch sử hơn 10 thế kỷ văn học viết Việt Nam nói chung và dòng tác phẩm được viết với cảm hứng yêu nước nồng nàn nói riêng, thì cái được và chưa được nói trên không có gì là khó hiểu. Trước hết, quan niệm văn học là công cụ tuyên truyền thì văn học từ thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) đã là công cụ để “tải đạo”, “minh đạo”.  Và theo quy luật, bất cứ khi nào sơn hà nguy biến, văn chương sẽ lại phục vụ xã hội; kêu gọi lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm là nội dung chủ đạo chứ không theo đuổi những mục tiêu “vị nghệ thuật” thuần túy. Cho nên, cần khách quan khi đánh giá văn học thời kỳ chống Mỹ, cần nhìn nhận văn học giai đoạn này dưới góc độ giá trị lịch sử và hiệu quả phục vụ xã hội, chứ không nên đánh giá thông qua những cách tân nghệ thuật. Như nhà thơ Tố Hữu-“lá cờ đầu” của thơ ca cách mạng tự nhận xét về thơ mình: “Thơ tôi có tính biên niên sử, đọc nó nên chú ý đến thời gian và bối cảnh lịch sử của nó” (Tố Hữu-Thơ và đời, NXB Văn học, 2003, trang 236).

Hơn 50 năm sau trận huyết chiến Borodino (1812), nước Nga đã có tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” của văn hào Lép Tôn-xtôi. Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng văn học Việt Nam vẫn chưa có tác phẩm lớn viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng vĩ đại của dân tộc ta. Trách nhiệm sáng tạo nói trên đang đặt lên vai các nhà văn đương đại chưa bao giờ biết đến bom rơi đạn nổ. Những nhà văn hôm nay chắc chắn hiểu biết nhiều về nghệ thuật viết văn mới mẻ, sẽ không mắc phải những nhược điểm của người đi trước; nhưng trở ngại đối với họ là thiếu vốn sống khi cuộc chiến ngày càng lùi xa. Việc đọc lại, nghiền ngẫm lại những tác phẩm văn chương thời chống Mỹ của những nhà văn-chiến sĩ cách đây nửa thế kỷ, hy vọng sẽ giúp các nhà văn nuôi dưỡng cảm hứng để sáng tạo những tác phẩm xuất sắc, xứng tầm với cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder