Nhớ cánh đào xuân – Bài và ảnh Kazemi Tuyết Mai (Nhật Bản)

Tôi làm dâu ở đất nước Mặt trời mọc khá lâu, đã có hai mặt con. Song mỗi dịp xuân về lại nhớ nhà, nhớ quê ở Việt Nam khôn xiết.

Nhà tôi dựng trên quả đồi, trước nhà là Đầm Miêng (hồ nước), hồ mang nhiều dấu ấn lịch sử, nơi diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Lý Bí (503 – 548 sau công nguyên), chống quân xâm lược nhà Lương (Trung Quốc). Đó là vị Hoàng đế đầu tiên của nước Vạn Xuân.

Thời ấu thơ của tôi là những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ hai mươi… chưa hề có điện thoại di động hay Internet như hiện nay. Do vậy, tôi được biết về lịch sử Đầm Miêng quê nhà qua lời kể của bố tôi nhà văn, nhà giáo Nguyễn Anh Đào, từng dạy môn lịch sử cấp 2 nhiều năm. Song bố tôi hồi ấy lại luôn công tác xa nhà. Theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, những thầy giáo trẻ như bố tôi hồi ấy đều tình nguyện xung phong lên miền núi để gieo ánh sáng văn hóa cho con em các dân tộc vùng cao xa xôi.

Bố tôi dạy học ở Lào Cai suốt mấy chục năm trời. Mỗi lần về thăm nhà bố thường giúp đỡ mẹ tôi công việc đồng áng. Những buổi ra đồng, tôi cùng bố đi trên bờ hồ Miêng. Trong làn gió nhẹ thoảng như mơ hồ thổi đến từ thẳm sâu của lịch sử… lời bố kể về lịch sử oai hùng của Đầm Miêng quê hương như càng thêm thiêng liêng thấm vào trái tim non trẻ của tôi…

Sau năm 1975 đất nước Việt Nam thống nhất hoàn toàn, Bắc Nam liền một dải, non sông đã sạch bóng quân thù. Song nền kinh tế nước nhà hồi ấy vẫn còn vận hành theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Do vậy, về mặt vật chất vô cùng kham khổ, ăn không đủ no, áo không đủ mặc. Đồng lương cán bộ công nhân viên nhà nước không đủ nuôi sống bản thân. Ai ai cũng đều lo đi tăng gia sản xuất thêm để có cái ăn. Bố tôi dạy học ở miền núi cao, mỗi khi về quê ăn Tết phải dành dụm đồng lương ít ỏi, mua được tấm vé tàu từ Lào Cai về Vĩnh Phúc lại càng khó khăn gấp bội phần.Tôi nhớ có lần bố về quê ăn Tết, bố đã mang theo một cành đào to từ Lào Cai. Ôi cành đào của miền biên cương xa xôi…vượt qua hàng trăm cây số trập trùng đèo dốc và bụi đường về xuôi, đã nở sáng cả gian nhà bình dị của chúng tôi ven Đầm Miêng xao động mơ màng và thẳm sâu như lịch sử thiêng liêng.

Gia đình tôi có một nếp riêng. Cứ vào dịp giao thừa, khi mà lời chúc Tết của vị chủ tịch nước vang lên trên sóng Đài phát thanh tiếng Việt Nam cũng là lúc bố tôi giục các con mở sách vở ra học bài.Mẹ tôi bảo: Hồi chưa sinh các con, cứ mỗi khi giao thừa về bố cùng mẹ cũng đều mở sách ra cùng ngâm ngợi những vần thơ hay về quê hương đất nước trong ánh sáng chập chờn mờ tỏ của ngọn đèn dầu.

Ngọn đèn ấy của Đầm Miêng đã soi sáng bước đường bố đi lên miền cao gieo cái chữ vào tâm hồn các em thơ ở miền biên cương thân yêu. Cũng ngọn đèn ấy đã soi sáng bước đường đi giàu chất ba đảm đang của mẹ trong thời bình mà vượt qua bao vất vả, nuôi dạy chúng tôi nên người.Hồi ấy, đêm giao thừa tôi mở sách học bài bên cành đào thắm đỏ của bố mang về từ biên cương xa ngái, nhìn ra cửa sổ là Đầm Miêng vời vợi. Những ngôi sao lung linh sáng trên mặt hồ gieo vào lòng tôi những ước mơ cao vời khó nói nên lời. Có lẽ nhờ những đêm thiêng liêng như vậy chăng, mà mấy anh chị em nhà tôi đều học hành tấn tới. Sau này, hầu như ai cũng thành đạt trong đời, xứng đáng với lòng mong mỏi của mẹ cha yêu quý.

Đêm nay một mình tôi trên đất nước Nhật Bản xa xôi, trong không khí đón xuân về, tôi như thấy mình nhỏ lại thành cô bé Lọ Lem bên Đầm Miêng năm xưa. Tôi lại giở trang sách nhỏ… để học bài dưới tán hoa đào mà nhìn ra Đầm Miêng. Tự nhiên nước mắt cứ trào ra nóng hổi và tôi bất giác thốt lên “Bố ơi !”.Vâng, bố đã đi rất xa, bố về với tổ tiên mấy năm rồi.

Nhìn những ánh sao long lanh trên Đầm Miêng lúc giao thừa, tôi cứ nghĩ trong đó có bố tôi, các cụ tổ họ nhà tôi… cùng các anh hùng thời xưa chống giặc ở chốn này… để chúng ta có cuộc sống thanh bình như hôm nay…Cành đào của bố tôi trong tâm tưởng nở bung đỏ thắm bên Đầm Miêng mênh mang…

Kazemi Tuyết Mai.

Japan

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder