Có lúc, giữa thật đông người mà bỗng thấy mình như vô hình. Khi ấy, tôi nhớ những khóm lau trắng muốt như bông, cô đơn lãng tử và dửng dưng với trần gian ở giữa bãi sông Hồng. Bông lau quét lên trời chiều nhịp thời gian chầm chậm. Điều đó gợi tôi nhớ vẻ mặt bình thản của một người từng trải qua vô vàn kiếp nạn trần gian. Sẽ chẳng còn điều gì khiến người ấy có vẻ hốt hoảng nữa. Chiếc xe máy đi như bơi trong sương trên cầu Long Biên. Tóc tôi bện vào sương ướt đẫm. Nhịp cầu loang loáng trôi qua. Từng đám lau dính bết im lặng chứng kiến dòng nước sông cuộn xiết. Lời dặn phải giữ sức khỏe để sống rồi mới làm được những gì mình muốn mềm như lau, lặn vào tâm hồn. Người nào thương ta mới dặn ta như thế. Nhìn phất phơ lau trắng nhớ quê xa, tóc mẹ cũng xổ tràn trong nắng màu lau.
Tôi nhớ cồn cào một Hà Nội trầm tư, mưa bay lất phất. Một cái ngõ nhỏ đầy lá rụng. Tôi từng đuổi theo những chiếc lá ấy, mộng mơ về một tương lai xa. Chú tôi ngồi đọc sách bên cây si rủ bóng, và khẽ bảo, cháu cứ chơi đùa hết cỡ đi, sau này lớn lên, những vô tư cũng bay đâu hết, muốn vô tư cũng khó. Khi ấy tôi không hiểu, chỉ thấy thích thú lắm khi chú đèo tôi bằng xe đạp ra công viên chơi. Dọc đường từ Nghĩa Đô ra dốc Bưởi, qua đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), vòng vòng quanh hồ Tây, hai chú cháu nói đủ thứ chuyện. Chú mới học bên Đức về nên có nhiều chuyện hay để kể. Chú buồn hẳn khi nói về mối tình có nguy cơ dang dở của mình. Tôi nghe có vẻ lơ đãng vì không hiểu tình yêu là gì, mãi sau này, khi nắm tay người yêu đi dọc mấy con phố Hà Nội suốt đêm, khao khát yêu thương nhau đến nhất định phải làm đám cưới tôi mới thấy thương chú mình hồi ấy. Không vợ con, không tài sản, chú ra đi hệt như mấy sợi lau bứt khỏi cây bay vèo lên trời xanh, mất hút. Sự biến mất ấy mãi cào vào lòng tôi và người thân những đau xót. Nhưng kỷ niệm lại như lau mềm ấm quấn lấy ký ức người thân. Lần nào về thăm bà, tôi dường như đều thấy chú lặng lẽ mỉm cười bên gian bếp cũ. Tôi tin đấy không phải là ảo ảnh, bởi lẽ, chú đang sống dài lâu trong lòng tôi. Tôi cũng không ngờ sau mỗi lần mất mát, hay biến cố nào đó, những cây lau mọc dần lên, trổ bông thành một thảm dài trong tâm hồn tôi. Xào xạc nhưng bình thản.
Lau làm tôi nhớ bao phận đời phụ nữ nổi chìm chốn quê nghèo. Các cô các chị quanh năm sấp ngửa làm đủ thứ việc nhà nông, sấp ngửa sinh con rồi nuôi nó lớn lên. Tóc bạc, da sạm đen cũng không bận tâm. Bảo khi nào thì các cô các chị sống cho mình? Bao giờ? Chả ai trả lời. Các chị bảo, chỉ đẹp nhất ngày cưới mình thôi, dù sau đó là rửa bát, dọn nhà thôi rồi. Hoặc đám cưới con cháu họ hàng, diện manh áo mới nói cười rổn rảng. Hôm trước về quê, tôi gặp chị họ con nhà bác nhổ cỏ ở bờ sông. Một mình ngắm nghía chụp ảnh hoa gạo mãi cũng chán, gọi chị lên ngắm cùng, chị chối đây đẩy. Chị bảo, ôi giời ơi, cơm chẳng đủ ăn, hơi đâu ra ngắm hoa gạo như dì. Cứ nhìn ngó, dân làng tưởng mình làm sao. Tôi vặc lại, ơ hay, giờ đâu ai thiếu cơm, ngày xưa em và chị mê hoa nhất mà, thấy cây gạo đẹp thế này mà chị không nhìn được sao? Ngồi nói chuyện một hồi mới rõ, chị không dám làm điều gì khác với mọi người, chị không dám đứng ngắm hoa vì chị sợ bị bàn tán, bình phẩm, bởi chốn quê nghèo này, đấy là điều khác thường. Thế mới hay, sống là mình đâu có dễ. Cả đời các chị sống cho người khác, vì người khác, chỉ sợ người khác không hài lòng về mình. Cũng gặp ở nhiều nơi lắm, ai khác biệt với số đông, ai dám sống theo kiểu của mình là bị cô lập, bị để ý và gán cho đủ thứ tội. Tâm lí đám đông chi phối cả những thứ cần phải riêng, cần phải là duy nhất. Thế nên nhiều khi cả một tập thể ngoan ngoãn nghe lời, có một cá nhân phản biện, hoặc bất đồng ý kiến là lập tức, cá nhân đó bị xô dạt, bị vùi dập cho tơi tả. Chị tôi bằng lòng quên đi chút khao khát của mình để sống giống mọi người là điều dễ hiểu. Tôi hơi lo lắng, nếu không có trẻ con và những người còn yêu hoa gạo, chắc cây sẽ bị đốn đi mất.
Loanh quanh thế nào hai chị em lại đi dọc bờ sông, ngồi bên khóm lau ngay ghềnh đá. Chị bảo, nhiều người qua đây hay cắt bông lau về cắm trong nhà lắm. Tôi sẽ không làm thế. Bởi lau chỉ đẹp thật sự khi ở ngoài hoang dã, giữa nắng gió mà thôi. Lau cắm trong nhà nhìn tồi tội, như người quân tử bị giam cầm vậy. Thân lau đó mà hồn lau bay ngoài kia. Ngồi bên lau mà tôi lại nhớ lau mới lạ. Những bông muốt trắng quét qua quét lại trong gió chẳng cúi đầu luôn khiến tôi nghĩ về tự do, trân trọng tự nhiên. Tự do ít nhất là trong đầu óc mình và sống thật tự nhiên, không màu mè, che đậy … có lẽ là điều con người luôn mong muốn.
Xin cảm ơn lau trắng cho tôi biết rằng, hạnh phúc nhiều khi chỉ là có một người im lặng ngồi bên, nghe ta kể lể. Mùa lau nở trắng sườn đồi rồi tàn phai giữa thiên nhiên gợi lên sự vô thường của kiếp sống nhân gian. Từ đấy mà ngẫm về vô minh và giác ngộ. Nhớ lau…
1/4/2018
NTMP