Nhuận bút cao nhất là được học trò học và biết đến tác phẩm

Vấn đề rất khó khăn là phải viết hay. Nhưng tác phẩm hay, không phải khi nào cũng nhận ra được ngay từ ban đầu. Nên ở những trường hợp ấy, tôi mong muốn sớm có một sự hỗ trợ từ phía nhà nước để các nhà văn khi in sách không bị khó khăn…

Nhuận bút luôn là chuyện “tế nhị” đối với nhà văn, vì thế câu chuyện chi trả tác quyền được sử dụng trong sách giáo khoa nhiều năm qua đã trở thành câu chuyện dài vừa có phần kết. Để biết thêm về tâm tư người cầm bút, báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn nhà thơ Trần Nhuận Minh – người từng được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, có nhiều tác phẩm trong đó 2 tập văn xuôi “Trước mùa mưa bão” và “Hòn đảo phía chân trời” được trích đăng trong Sách giáo khoa nhiều năm.

PV: Sau nhiều năm lên tiếng về việc chi trả tiền tác quyền Sách giáo khoa giữa những nhà văn có tác phẩm được sử dụng trong Sách giáo khoa với Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) đến nay đã có kết quả, nhà thơ có thể chia sẻ suy nghĩ cũng như cảm xúc của mình?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Việc các nhà văn có tác phẩm in trong sách giáo khoa, được các cháu học sinh học và biết đến tác giả, đối với tôi là may mắn, hạnh phúc, vinh dự và chính điều đó, với ý nghĩa của nó, đã là thứ nhuận bút lớn. Tôi rất trân trọng loại “nhuận bút” này. Còn nhuận bút với giá trị là tiền thì thực tình tôi không mấy bận tâm.

Thời gian trước, khi NXBGD có sách in tác phẩm của tôi, thì lần nào được in, biên tập viên mà tôi rất quí mến và trân trọng là Trần Thị Phú Bình, đều đã gửi quyển sách đó cho tôi kèm với 100.000 đồng/ bài. Và tôi nhận được đầy đủ trong nhiều năm liền. Nhưng từ khi cô Bình nghỉ thì tôi không nhận tiếp được nữa. Và tôi nghĩ cũng là phải thôi, vì tôi đã nhận nhiều lần rồi. Tôi nhớ “ngày xửa ngày xưa” nhuận bút các nhà xuất bản thường chỉ trả qua 7 lần tái bản, sau đó thì thôi, vì tác phẩm của mình đã thuộc về nhân dân rồi. Tôi cũng nghĩ thế, chả có gì sướng hơn thế cho một nhà văn, nên các bạn của Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam cứ nhắc nhở tôi, nhưng tôi đều vui vẻ mà… im lặng. Hiện nay, việc chi trả nhuận bút cho tác phẩm in trong sách giáo khoa, vẫn tiếp tục trả nữa, “rườm rà một cách tốt đẹp”, như vậy – thì tôi cũng mừng và cảm ơn NXBGD.

Tôi nghĩ rằng, với những tác giả đã mất từ rất lâu như cụ Nguyễn Du hay các tác giả khác, dù theo luật là sau khi tác giả mất 50 năm, tác phẩm trở thành tài sản văn hóa cộng đồng, thì nhà xuất bản cũng nên dành một phần nhuận bút thăm nom con cháu nhà văn, hoặc thắp nén hương tưởng niệm nhân ngày sinh, ngày mất, hay thêm vào cho việc tu sửa phần mộ của nhà thơ, nhà văn… Như thế đẹp hơn và phải đạo hơn.

PV: Nhà thơ đánh giá như thế nào về nỗ lực của Trung tâm Quyền tác giả Văn học Văn học Việt Nam (VLCC)?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Tôi rất cảm ơn VLCC. VLCC đã lo toan, có trách nhiệm và rất nhân ái với các nhà văn, nhất là các nhà văn đời sống còn có những khó khăn. Đó cũng là một giá trị tinh thần mà tôi nghĩ không đồng tiền nào có thể sánh được.

PV: Nhà thơ có thể tiết lộ số tiền mình vừa được chi trả?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Tôi được thông báo số tiền mình sẽ nhận… cũng nhỏ thôi, vì tôi đã nhận nhiều lần từ trước đó. Tôi rất trân trọng tình cảm và trách nhiệm cũng như công sức của VLCC dành cho nhà văn, trong đó có tôi. Nhưng nếu VLCC không chê và không nghĩ ngợi gì… thì tôi xin tặng lại số nhuận bút này cho các thành viên VLCC.

PV: Có ý kiến cho rằng cách thức chi trả tác quyền của NXBGD vừa rồi, tức là tính từ năm 2002 đến nay là không cao, ý kiến của nhà thơ Trần Nhuận Minh?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Đối với cá nhân tôi, được học trò học và biết đến tác phẩm của mình là nhuận bút lớn nhất, dành cho tôi, nên tôi không có ý kiến gì về cách thức tính toán hay chi trả tác quyền được sử dụng trong sách giáo khoa.

Nếu như tất cả sách giáo khoa từ lớp 1 cho đến đại học mà sử dụng tác phẩm của tôi, tôi sẽ không lấy nhuận bút. Hiện nay, tôi được biết, tác phẩm của tôi có được sử dụng ở một số trường Đại học ở Hoa Kì và Trung Quốc, tôi đều nói rõ ràng rằng, không phải thanh toán gì cho tôi cả. Nhân đây tôi xin tiết lộ thêm: Tôi đã được nhận 22 giải thưởng văn học các loại, từ năm 1988 đến nay, và tôi đã dành một phần quan trọng trong số đó, tặng lại cho các cháu học sinh ở nơi tôi sinh (Nam Sách, Hải Dương) và nơi tôi sống (Hạ Long, Quảng Ninh). Tôi không nói cụ thể về việc này, vì làm được một việc tốt, lại đem nó ra “khoe”, thì lòng tốt sẽ không còn tốt nữa.

PV: Bắt đầu từ năm học này việc chi trả tác quyền cho các nhà văn, nhà thơ sẽ được thực hiện hàng năm, như vậy có thể thấy tác quyền sách giáo khoa đã được tôn trọng. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa là số tiền hàng năm các nhà văn được nhận sẽ không nhiều. Nhà thơ có mong muốn VLCC sẽ tiếp tục đàm phán để số tiền này nhiều hơn, tương ứng với lợi nhuận hàng năm của NXBGD không?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Với tôi thì không. Trong cơ chế thì trường, nếu tác phẩm được bạn đọc đón nhận nhiều thì sẽ được tái bản nhiều… Tôi có tập thơ đã được in đến lần thứ 22, như Nhà thơ và hoa cỏ, in đến lần thứ 13 như Bản Xônat hoang dã, hai tập này, tôi đã được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt 2 năm 2007. Còn 2 tập tiếp theo là 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danhMiền dân gian mây trắng đều đã in đến lần thứ 5… Vấn đề rất khó khăn là phải viết hay. Nhưng tác phẩm hay, không phải khi nào cũng nhận ra được ngay từ ban đầu. Nên ở những trường hợp ấy, tôi mong muốn sớm có một sự hỗ trợ từ phía nhà nước để các nhà văn khi in sách không bị khó khăn…

PV: Cảm ơn nhà thơ Trần Nhuận Minh.

Hiền Nguyễn (thực hiện)

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder