Những bông huệ trắng – Vi Thị Kim Bình


Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Những bông huệ trắng” của nhà văn Vi Thị Kim Bình in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Những bông huệ trắng” của nhà văn Vi Thị Kim Bình in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.


Nhà văn Vi Thị Kim Bình

VI THỊ KIM BÌNH

HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: VI THỊ KIM BÌNH. SINH NGÀY 27 THÁNG 9 NĂM 1941. QUÊ QUÁN: HỒNG PHONG, CAO LỘC, LẠNG SƠN. DÂN TỘC: TÀY. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: 26B NGÕ 2 ĐƯỜNG ĐÈO GIANG, PHƯỜNG CHI LĂNG, LẠNG SƠN. VÀO HỘI NĂM 1988. TỐT NGHIỆP Y SĨ TRƯỜNG CÁN BỘ Y TẾ TRUNG ƯƠNG 1961. TỪ ĐÓ CÔNG TÁC TẠI BỆNH VIỆN BẮC SƠN, HỮU LŨNG VÀ BỆNH VIỆN TỈNH THUỘC SỞ Y TẾ LẠNG SƠN CHO ĐẾN KHI NGHỈ HƯU 1988.

 

NHỮNG BÔNG HUỆ TRẮNG
Kính tặng bệnh viện I. Nam Hà

Trên đường phố tiếng các cô gái nói cười rộn lên. Những cô gái mềm mại, duyên dáng trong chiếc áo màu tím Huế, màu cỏ úa và màu xanh lá cây. Phía tây, mặt trời đã trốn khỏi đỉnh núi: chỉ còn lại một đám mây hồng nhạt. Gió thổi nhẹ. Những chùm hoa phượng màu đỏ lắc lư như vẫy chào các cô gái.

Bỗng còi báo động rú lên. Máy bay Mỹ xoẹt đến. Súng của bộ đội và tự vệ thành phố bắn lên rần rật. Bọn giặc Mỹ điên cuồng, hốt hoảng, chúng trút bừa bom đạn xuống thành phố, rồi bỏ chạy.

Anh Đức – công nhân nhà máy điện, bị thương nặng. Anh lịm đi, nằm cạnh hai hố bom sâu hoắm. Đất cát phủ lên người, toàn thân anh đau nhức nhối. Đầu anh nặng chịch, miệng khô đắng, bụng rát như cháy bỏng, mắt nhắm nghiền. Anh cố mở mắt để nhìn khoảng trời thành phố gắn bó với anh từ tấm bé một lần cuối. Nhưng anh không tài nào mở mắt ra được, dù chỉ cố giương đôi mi mắt lên một chút. Anh thoáng có ý nghĩ: “Thế là mình chết, mình phải từ bỏ chiếc máy và vợ con thân yêu”. Nhưng rồi, anh tự nhủ: “Mình chết, vợ con mình chắc chắn sẽ trả thù cho mình”. Nghĩ thế, anh thấy cái chết đến nhẹ nhàng, thanh thản.

Ngay lúc đó có một bàn tay mềm và mát đặt lên bên trái ngực anh. Anh nghe thấy giọng nói ấm, nhẹ, nhưng xa xăm của một cô gái như reo lên mừng rỡ: “Còn sống”. Vẫn người con gái ấy nắm chặt lấy hai vai anh lắc mạnh:

– Đồng chí! Đồng chí còn tỉnh chứ?

Không thấy anh cựa quậy, tưởng anh chết, cô vội banh hai mi mắt anh lên. Nhưng không, anh vẫn còn sống. Qua ánh sáng của bên mắt hé mở, anh nhìn thấy khuôn mặt rất trẻ của cô, những giọt mồ hôi chảy thành dòng trên trán, trên má cô. Bên thái dương, những sợi tóc mai dính bết mồ hôi và đất. Vừa băng cho anh, cô vừa nói giọng hổn hển, nhưng nhẹ:

– Đồng chí chịu khó một chút nhé! Sắp xong rồi!

Phút chốc anh đã nằm trong bệnh viện. Các thầy thuốc ngồi vây quanh giường anh. Bác sĩ Tâm có đôi mắt sâu, hàng mi dài và cong, lúc nào cũng như cười. Nhưng, lúc này đôi mắt chị xịu xuống lạnh lùng, trầm tĩnh. Chị nhìn như xoáy vào tận đáy mắt các bạn đồng nghiệp, mọi người cùng im lặng nhìn lại chị, chờ sự quyết định của chị. Lát sau, chị thở một hơi thật sâu, đứng dậy nói:

– Đưa đồng chí ấy lên bàn mổ!

Đêm xuống. Thành phố ngập trong một màu tím. Những bóng đèn bị che kín, không lọt một tia sáng ra ngoài. Chị y tá ra đóng cửa sổ phòng mổ. Một đoàn xe kéo pháo đi qua, chị đứng lặng nhìn theo; đoàn xe mò mẫm, bò trong đêm tối. Bộ đội kéo pháo ra trận địa. Trận địa của các anh là những ụ pháo được khoác một tấm áo choàng của cỏ cây hoa lá. Còn ở đây, trong căn phòng nhỏ hẹp này, chúng tôi, những người thầy thuốc cũng đang chiến đấu. Trận địa của chúng tôi không một nòng súng, không một cành lá ngụy trang. Trận địa của chúng tôi là chiếc bàn mổ, nhỏ bé, trắng tinh. Chiếc xe cuối cùng đi khuất, chị khép chặt hai cánh cửa, rồi quay vào xoay lại chiếc đèn mổ. Chị y sĩ phụ trách gây mê báo cáo:

– Nạn nhân đã “ngủ” tốt.

Mỗi người thầy thuốc đều thấy tim mình đập mạnh hơn, gấp hơn. Ngoài sự chú ý tới phần việc của mình, đôi mắt họ vẫn đuổi theo từng động tác nhỏ trên tay người phẫu thuật.

Bác sĩ Tâm thận trọng kéo lên từng đoạn ruột, khúc ruột phồng lên, xẹp xuống theo nhịp thở của Đức.

Đèn vụt tắt. Lại báo động. Máy bay Mỹ ào tới. Bom làm rung cả chiếc bàn mổ. Đất đá rơi đồm độp xuống mái nhà. Ngói, cửa kính, vỡ kêu xào xạc quanh nhà. Qua một ô cửa kính vỡ, mọi người nhìn rõ những tia nhằng nhịt, vệt to, nhỏ, vệt lên cao, vệt dưới thấp chớp chới bay lên. Trong bóng tối. Tâm rờ tay đặt lên ruột nạn nhân xem nạn nhân còn thở không, một tay cầm những chiếc “panh” cặp chặt mạch máu.

– Đèn măng-sông đâu?

– Đèn pin, đèn pin cũng được.

Tiếng lao nhao chưa dứt thì pháo địch thả sáng cả thành phố. Một cái kim rơi cũng nhìn thấy.

Bác sĩ Tâm nói như cướp lấy thời gian:

– Mở tung cửa sổ ra.

Lợi dụng ánh sáng của địch, kíp mổ tiếp tục làm việc. Tiếng máy bay gầm rú. Gió xào xạc. Một làn gió lướt nhẹ trên trán, trên gáy và lan tỏa khắp người họ. Mùi hoa dạ hương thơm nhẹ lọt vào phòng. Những đêm thường trực, người thầy thuốc nào mà chẳng quen với mùi hoa dạ hương từ vườn hoa bệnh viện đưa tới. Thế nhưng, sao đêm nay hoa dạ hướng đối với họ nó lại gắn bó, thân yêu đến thế. Hương thơm dịu ngọt như thấm vào từng thớ thịt, mạch máu và thấm vào các tế bào thần kinh đang căng thẳng của họ.

– Hoa dạ hương thơm quá! – Chị y tá không nén nổi xúc động, bỗng nói to.

Những cặp mắt vội liếc nhìn chị. Hoa dạ hương như cùng trực và chiến đấu với mọi người.

Bên cạnh chiếc bàn mổ, ngang với cánh tay nạn nhân, trên cao, chai huyết thanh rỏ giọt đều đều, lặng lẽ. Chị y tá ngực căng sữa. Sữa chảy ướt thấm cả hai bên vạt áo. Chị y tá biết con chị giờ này đang đói. Đôi tay gày guộc của mẹ chị chắc đang mỏi dừ vì thằng bé vật vã tìm sữa mẹ.

Đèn lại sáng. Đài chỉ huy truyền tin chiến thắng. Bác sĩ Tâm chân mỏi đến cứng lại. Cả ngày nay chị mổ sáu ca như thế này. Đầu óc căng thẳng và mệt mỏi. Nghe tin thành phố hạ được năm máy bay Mỹ, chị khỏe hẳn, quên hết mệt. Tay chị thoăn thoắt khâu kín thành bụng lại.

Chị y tá cập rập, lắp bắp nói:

– Báo cáo, huyết áp tụt, tối đa còn…

Tâm bình tĩnh tháo găng, banh hai mí mắt nạn nhân xem. Niêm mạc mắt nhợt nhạt. Chị chỉ định:

– Truyền máu!

Chị Minh, y sĩ truyền máu, được mời đến.

Lấy máu ở đâu bây giờ? Ngày hôm nay chiến đấu liên tục: điện thành phố tắt nhiều lần, máu để trong tủ lạnh hỏng cả. Bây giờ lấy máu ở đâu? Những thanh niên được đăng ký nhóm máu sẵn, mọi ngày khi cần, gọi một tiếng là họ đến ngay. Thế nhưng…

Y sĩ Ngà đẩy cửa bước vào:

– Xong chưa? – Chị sốt ruột hỏi.

– Xong, nhưng không có máu – Minh trả lời.

– Máu à? Máu đây chứ đâu – Ngà nói vội.

Mắt Minh sáng lên nhìn Ngà nửa mừng, nửa ngờ vực:

– Thật không? Cậu lấy đâu ra?

– Đây máu đây. Hai ba trăm phân khối, được tất. Nhóm “O” chính cống đây.

Minh lắng nghe nhịp thở đều đều của Ngà và tiếng máu chảy xè xè qua ống dẫn từ tay Ngà vào lọ. Minh vừa nhìn bạn vừa nhìn lọ máu, chốc chốc lại hỏi:

– Có làm sao không. Ngà?

– Yên trí, cứ lấy đi.

“Cả ngày nay Ngà có được nghỉ chút nào đâu. Thậm chí đến bữa ăn Ngà cũng phải bỏ dở. Thế mà bây giờ Ngà lại cho máu. Ba trăm phân khối chứ có ít đâu. Nó mà choáng…”

Ngà nằm trên giường nhìn chiếc đèn, không ai động đến mà sao nó lại lắc lư, lúc mờ lúc tỏ. Da tay Ngà nổi gai. Chị bắt đầu thấy rét. Ngà cố cắn chặt răng để khỏi bật run. Ngoài kia, các chiến sĩ, các chiến sĩ không chỉ mất mồ hôi và máu, mà còn hy sinh cả tính mệnh nữa. Mình mất vài trăm phân khối máu có là bao. Ừ, nhưng sao lại gọi là “mất” được? Máu mình có đổ ra đất đâu mà bảo là “mất”. Không, máu mình không “mất” mà vẫn còn nguyên vẹn, chảy đều trong mạch máu người công nhân điện. Ngà nhắm mắt lại, cố chịu đựng. Thấy Minh rút kim ra, Ngà vội hỏi:

– Sao cậu lại rút ra? Đủ chưa?

– Đủ rồi! – Minh cười nhìn Ngà.

– Thật không?

Minh giơ lọ máu cho Ngà nhìn thấy. Chị lắc lắc, máu sóng sánh đỏ tươi trong lọ thủy tinh.

Cô Mai, hộ lý, cầm cốc sữa đến bên Ngà như săn sóc một bệnh nhân. Cô nói:

– Chị uống đi rồi nằm nghỉ đã.

Ngà cầm cốc sữa đang bốc hơi, thổi, uống một ngụm, đặt cốc sữa xuống bàn rồi lại nằm vật ra giường. Chị nằm im, mắt lim dim nhìn lên trần nhà. Nghe thấy tiếng ô tô nổ máy ở sân, chị chợt hỏi:

– Xe đi đâu đấy, Mai?

– Chắc lại có cấp cứu, chị ạ!

Ngà bật dậy chạy ra sân, nhẩy vội lên xe. Mai cầm cốc sữa chạy theo gọi với:

– Chị Ngà! Chị Ngà! Chị Ngà…

Mọi người trên xe xôn xao định nhấc Ngà đặt xuống sân không cho Ngà đi cấp cứu thì xe đã chuyển bánh. Mai ái ngại nhìn theo xe rồi lại nhìn cốc sữa trên tay, chép miệng:

– Chị ấy chưa kịp…

Tâm xem lại nạn nhân một lần nữa, nhắc y sĩ:

– Truyền hết máu hãy đưa nạn nhân xuống giường, Minh nhé!

Rồi Tâm lặng lẽ tới khung cửa sổ, kéo tấm rèm sang một bên. Thành phố lại yên tĩnh lạ lùng. Tâm đứng trong căn phòng no gió ngắm trời, đếm từng ngôi sao. Ngàn vạn ngôi sao nhấp nháy như chia vui cùng người thầy thuốc. Tiếng hát trong trẻo của một cô gái nào đó từ phòng bên vọng lại: “Giữ lấy đất trời của quê hương ta…” Tiếng hát như một lời động viên, một hồi kèn thúc trận, giục mọi người bước lên trận địa…

Tâm lắng nghe và khe khẽ hát theo. Mùi thuốc, mùi cồn, mùi ê-te hăng hắc xen lẫn với mùi máu tanh nồng. Mùi thuốc của bom đạn khét lẹt vẫn không át được mùi hoa dạ hương nhẹ nhàng, thoang thoảng.

*

Mười ngày sau, Đức tập đi. Anh lần lần với từng chiếc cọc màn dọc theo buồng bệnh. Anh cố đi tìm cô gái hôm xưa đã cứu anh. Anh nhìn chằm chằm từng cô gái mặc áo choàng trắng trong bệnh viện. Bệnh viện này có rất nhiều cô. Cô thì có giọng nói dịu dàng dỗ dành bệnh nhân uống sữa, ăn cơm. Cô thì tai đeo ống nghe, nghiêm trang lắng nghe từng nhịp tim, tiếng thở của bệnh nhân. Cô đang tiêm thuốc, cô thì đang lau nhà, ở ngoài sát với bờ rào dâm bụt, có mấy cô ngồi giặt cạnh máy nước. Tất cả các cô đều rất trẻ, làm thoăn thoắt, đi thoăn thoắt, cô nào cũng hao hao giống cô đã cứu anh.

Mai bê phích nước đi qua, thấy Đức đứng tần ngần, nói:

– Em dìu anh về nhé?

Đức ngập ngừng một lát rồi đánh liều hỏi:

– Cách đây mười hôm, những cô nào đã ra cấp cứu ở khu vực nhà máy điện, hả cô?

Mai ngước mắt nhìn ra xa. Bỗng cô quay lại, hai bím tóc đuôi sam của cô lắc lắc:

– Chịu, anh ạ. Chúng em đều ra tất. Bây giờ anh hỏi những ai thì em không nhớ.

Đức đi theo Mai một lúc lâu, rồi bước ra hành lang. Tay anh vịn trên lan can. Anh nhìn về phía mặt trời đang mọc. Anh tự an ủi mình bằng ý nghĩ: “Tại sao mình cứ phải tìm đến cô gái hôm xưa? Không, không phải riêng cô ta mà tất cả thầy thuốc ở đây đã cứu sống mình”. Anh men xuống bậc cửa, đến một khóm huệ. Hoa huệ thơm ngan ngát, trắng muốt như tấm áo choàng của người thầy thuốc. Những bông huệ thon thả mảnh khảnh, nhưng dịu dàng và vững vàng như các cô gái ở đây. Ngắm kỹ từng bông huệ rồi anh ngắt một bông và tập tễnh bước đi.

Mai đến bên anh:

– Mỗi ngày đi một quãng ngắn thôi. Em đưa anh về nghỉ nhé!

Đức không nói, nhìn xoáy vào mắt Mai như tìm một cái gì, rồi anh đưa bông huệ cho Mai. Mãi sau, khó khăn lắm anh mới nói được một câu:

– Cô Mai ạ! Tôi sắp được ra viện. Nhờ có các cô mà tôi sống đến hôm nay…

Mai nhìn anh, cười hóm hỉnh nhưng chân thật:

– Không hoàn toàn như vậy đâu anh ạ! Anh sống được là nhờ nghị lực phi thường của anh đấy. Anh có biết không, bom bi của giặc Mỹ đã xuyên thủng năm đoạn ruột của anh. Ngay cả chúng em cũng không tin là anh có thể sống được. Nhưng bây giờ… chúng em đều công nhận rằng: giặc Mỹ không thể thắng được chúng ta vì chúng ta có một nghị lực phi thường.

Biết anh còn muốn đi nữa, Mai dìu anh đi quanh vườn hoa. Gió và nắng ban mai nhẹ nhàng lay động như trân trọng, nâng niu, sưởi ấm cho những bông hoa mới nở.


Thành phố dệt
Hè 1966
V.T.K.B

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder