Ngày Valentine (tên tiếng Anh là Valentine’s Day) còn được gọi là ngày lễ tình yêu, ngày lễ tình nhân. Nó được đặt tên theo Thánh Valentine – một trong những vị Thánh tử vì đạo Kitô giáo đầu tiên. Ngày nay, Ngày Valentine chẳng những trở nên phổ biến trên toàn thế giới mà nó còn vượt qua ý nghĩa ban đầu. Chẳng có gì bất hợp lý khi người ta xem công việc ưa thích hay những người mà mình mến mộ như một tình yêu.
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Vi Thùy Linh.
Đó là những buổi sáng được một mình trong phòng viết. Bên tôi là F.Chopin, chính xác là nhạc Chopin, phát ra từ chiếc Iphone 5 cũ. Kể từ khi “gặp” Chopin ở Ba Lan, tôi đã bị mê hoặc. Và không một âm nhạc nào khác hợp với tôi, kích thích cảm xúc của tôi hơn được nghe nhạc Chopin.
1. Gọi là buổi sáng, nhưng thường thì sớm nhất 10 giờ, tôi mới được ngồi vào bàn làm việc. Mỗi sáng, sau khi đưa các con lần lượt đến trường, tôi về ăn sáng, sắp xếp việc nhà rồi mới cho mình được viết – một lao động nặng, mệt, chất chứa cảm hứng, lý tưởng sống của tôi. Tôi đòi hỏi bản thân phải nuôi dưỡng tâm hồn giàu có, nhân văn để thực hiện sứ mệnh sự nghiệp đến cùng. Những trang viết là cuộc đời, khát vọng của tôi, nơi tôi sống, nhiều phần đời mà tôi đã thấy, mong muốn, biết bao tin yêu của bạn bè, đồng nghiệp, độc giả gửi gắm.
Tôi ấn tượng với Chu Lai – nhà văn tuổi 74 vẫn sục sôi đi và viết. Ông cho rằng, nhà văn chuyên nghiệp không chờ cảm hứng mà phải gọi cảm hứng đến – nhiệm vụ thường nhật buổi sáng nhưng luôn phải mới. Dù bộn bề ngổn ngang đủ thứ trách nhiệm, nghĩa vụ đợi làm, lo toan đến đâu, thì vẫn phải nuôi giữ tinh thần lãng mạn, trong sáng trong một lối sống tử tế, ý thức nạp kiến văn sâu sắc mới mong viết hay, lâu bền. Nhà thơ Ý Nhi có bài thơ đại ý rằng: Bà làm thơ như người nấu ăn, ít lương thực, thực phẩm mà phải lo xoay sở sao cho có món ăn ngon, bày đẹp. Lương thực ấy là từ vựng, ý tưởng hay đề tài vốn sống?
Tôi lại khác. Đầy lương thực nhưng ít thời gian để chế biến nhiều món ăn như ý. Những nữ nghệ sĩ (các lĩnh vực) tuyên bố: Chọn chồng con là hạnh phúc, tạm dừng hoặc hy sinh hẳn hoạt động nghệ thuật, theo tôi là do cạn vốn, hết đam mê nghề hoặc cả hai. Người phụ nữ làm nghệ thuật, nhất là văn chương vất vả hơn nhiều phụ nữ làm công việc khác, vì bộ não thường phải lao tâm khổ tứ, lao động văn chương đặc thù đòi hỏi lắm công phu trong khi thang bậc nhuận bút lạc hậu so với thời giá, gần như “dưới đáy”, “cuối hàng” so với các loại hình nghệ thuật khác. “Bi kịch” của tôi là khao khát sáng tác, rất thèm được viết mà lại ít thời gian.
Những lúc mỏi mệt, cần hồi tâm trở lại, tôi nghe Chopin. Sự dịu dàng vời vợi thánh khiết trong âm nhạc ông chạm từng vi mạch tâm hồn. Tôi thực sự chú ý đến Chopin khi được dịch giả Phan Huy Đường đưa đến một nhà hàng đẹp, đầy ánh sáng và sắc xanh cây lá, ở trung tâm Paris. Nước tràn trên mái kính phía tiền cảnh gây cảm giác được tắm trong dòng chảy pha lê của âm nhạc lần nữa. Nhà hàng đẹp, món ăn ngon, chưa phải lý do khiến tôi chú ý. Tôi quan tâm ngồi với ai, cuộc gặp lưu lại ý nghĩa gì.
Phan Huy Đường, mê Jean Paul Satre và triết học hiện sinh, đã có công chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Việt Nam (trong đó có truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp sang tiếng Pháp), quả là một nhà văn hóa. Thông tin sâu, sự hiểu biết của ông là bậc thầy của “guide tour” hướng dẫn viên du lịch, vì ông thẩm thấu tri thức bằng trí tuệ mẫn cảm của người yêu cái đẹp. Chính Phan Huy Đường đưa tôi đến Père Lachaise, thăm mộ Chopin và nhiều danh nhân.
Dạo bước trong nghĩa trang cổ kính đẹp như công viên văn hóa bảo lưu những thiên tài an nghỉ, chúng tôi lặng mình trước Chopin. Tỏa sáng sự nghiệp ở Paris, ông hằng sống trong nỗi nhớ Ba Lan và muốn trái tim được trở về quê mẹ, theo đúng nghĩa đen. Những nỗi đau đớn, bất hạnh của ông, của quê hương, được diễn tả trong âm nhạc chủ yếu tập trung vào piano, là những giấc mơ thanh cao và thăng hoa vô tận. Nhà hàng mà tôi được dùng bữa trưa ấy, là nơi Chopin đã cùng ăn với người tình – nữ văn sĩ George Sand.
Mối tình không lâu, nhưng dấu ấn của họ trong cuộc đời nhau là một trang đẹp của lịch sử nghệ thuật Pháp, thế giới, có ích cho nhân loại, hậu thế.
2. Chính nhờ sức mạnh siêu thường từ những vỗ về tinh tế, thầm kín của âm nhạc Chopin mà tôi đã có những buổi sáng sống trong không gian – thế giới nghệ thuật của mình. Sinh ra, lớn lên, trưởng thành, gắn bó với Hà Nội, sinh hai người con tại Thủ đô, hầu hết tác phẩm của tôi đều viết tại đây. Tôi luôn tập trung cao độ khi viết, nhờ âm nhạc Chopin. Át đi tạp âm người xe ồn ào buổi sáng từ chợ tự phát ngõ nhà tôi (hơn 20 năm nay). Át vài tạp cảm để “dọn” sạch tinh thần, dâng hiến những dòng viết tận tâm. Bừng tỏa niềm tin, hưng phấn khi mường tượng về không gian nhà Chopin, để mong gặp lại, để vững tin sống – viết tử tế, sẽ có sức sống dài vượt hữu hạn cuộc đời sinh học, Chopin vẫn sống, dù trái tim thực thể ngừng đập ở tuổi 39, thì nhịp điệu Chopin vẫn ấm áp và mát lành trong nhịp sống thời đại công nghệ 4.0 lắm đổi thay chóng mặt. Nhân loại vẫn cần Chopin, nhạc viết cho piano được chơi nhiều nhất là của Chopin. Chị gái ông đã mang trái tim F.Chopin về Ba Lan, đặt trong cột trụ giữa nhà thờ Cơ đốc – Holy Cross – tại quảng trường Krakovskie Przedmiescie, trên văn bia khắc một câu trong kinh Phúc âm của thánh Mathieu: “Ở đâu có báu vật của bạn, thì trái tim bạn ở đó”.
Tôi đã có một buổi sáng quý hiếm mà bất cứ người yêu nhạc, chơi nhạc nào đều mơ được có, là buổi sáng – trưa tại ngôi nhà thơ ấu của Chopin. Để rồi từ đó, ấn tượng, cảm xúc được bảo lưu, nhân mãi như một bảo bối của tâm hồn. Những buổi sáng tại nhà tôi, Cầu Giấy, phía Tây Hà Nội đều “dẫn nguồn” nối tới nhà Chopin ở phía Tây ngoại ô Warszawa. Không chỉ là nhạc Chopin, tôi như thấy ông bên tôi, chơi dương cầm cho tôi, một cách bảo vệ, nâng đỡ tuyệt vời cho những tâm hồn nhạy cảm và hằng cất cánh.
Bao người nhớ F.Chopin, nghe nhạc ông mỗi ngày khiến sức sống của nhạc sĩ tỏa khắp hành tinh, truyền cảm hứng cho nhân loại. Trái tim thiên tài F. Chopin vẫn thức trong nhà thờ Holy Cross. Đây là nhà thờ xây từ thế kỉ 15, qua những lần sửa đổi, đến đầu thế kỷ 18, thì mang cấu trúc gần như hiện nay. Năm 1882, một dấu ấn lớn với Holy Cross, khi túi đựng di cốt trái tim của F. Chopin được đặt giữa giáo đường. Ba Lan là quốc gia hầu hết nhân dân theo đạo Thiên chúa, bởi thế người Ba Lan hiền hòa, nhân ái, yêu âm nhạc. Ai đã được chôn cất, mai táng trong giáo đường, người đó được coi như một vị thánh. F.Chopin là thế!
Nhà thờ này không xa nhà cũ của F.Chopin, đối diện trường Đại học Warsaw, trên cùng đại lộ Krakowskie Predmiescie nổi tiếng.
3. Tôi đã đi trên đại lộ này, cũng như những ngả đường cổ kính qua thành cổ Ba Lan (chỉ còn một phần, cùng hào nước). Cây thông tím khổng lồ trên quảng trường ánh sáng mà tôi dạo bước, không chỉ đến Noel mới lộng lẫy. Ánh sáng, sự hiện diện thường gây trầm trồ của nó, cho bất cứ ai chiêm ngưỡng đều phải dừng bước và tĩnh tâm.
Là đường của những nhà thờ, ở đây tập trung số lượng nhà thờ nhiều và đẹp nhất Thủ đô. Phố có nhiều đài tưởng niệm và gần đó là Dinh Tổng thống. Ngăn con đường tới sân dinh chỉ là vành đai xích nên vẫn dễ dàng ngắm tiền cảnh – sảnh dinh. Hai người lính cảnh vệ cao to đứng gác trong đêm lạnh ngoài trời. Như Champs Elysées ở Paris, đại lộ danh giá Krakowskie Predmiescie đón nhiều vua, tổng thống, nhân vật quan trọng trên thế giới và những minh tinh quốc tế đã đi qua.
Tôi vô cùng hào hứng và quý giá những chuyến thăm quan ít người, là cơ hội du khảo văn hóa sâu, không phải kiểu “check-in” để chụp ảnh hàng loạt, đánh dấu bản đồ nơi mình đã đến.
Kỷ niệm tuyệt đẹp thời tuổi trẻ của tôi lần đầu tới Ba Lan, được chị Nguyễn Kim Dung – doanh nhân mang hai quốc tịch Việt Nam-Ba Lan, sống tại Warsawa hơn 30 năm tạo dựng. Chị Dung còn cha mẹ già sống trên phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội. Chị sang đây lao động xuất khẩu, rồi ở lại gây dựng cơ đồ, đưa em ruột, cháu ruột sang làm ăn. Chị Dung là một phụ nữ nhiệt huyết, có uy tín trong cộng đồng người Việt. Tư gia của chị như một “tiểu sứ quán” Việt Nam tại Warsawa bởi lòng hào hiệp, mến khách, chu toàn, tình yêu nghệ thuật. Chị đã tiếp đón, giúp đỡ nhiều trí thức, nghệ sĩ, diễn viên khi sang công tác Ba Lan. Chị Dung đã giúp nữ họa sĩ Văn Dương Thành, tôi và một số người khác. Ai nhớ chị, ai trở lại, ai còn giữ liên lạc… Chị thoáng buồn, nhưng lại cười ngay, tính cách rất “nam tính Lương Sơn Bạc” trượng nghĩa.
Chị thiết kế cuộc thăm nhà thơ ấu của Chopin. Chúng tôi rời nhà buổi sáng, đầy tuyết bám trên những cây hồng nụ mím, đi về phía tây Thủ đô. Đấy là một vùng quê yên ả, cũng là điểm hẹn âm nhạc, nơi người ta có thể thấy một Ba Lan quá khứ. Những cánh đồng trên miền đất thấp Mazovian trông cải bắp, tỏi, khoai tây. Một vài thửa ruộng để trống. Nhà cửa thưa thớt. Ba Lan ít dân, mà dân lại hiền lành. Những căn nhà gỗ giữa các vườn hoa, cánh đồng thật bình yên. Như đường đến một “cảnh giới khác”, với khác chính sự thanh bình này nuôi dưỡng tâm hồn Chopin- thần đồng âm nhạc từ ấu nhi, cùng người mẹ Ba Lan tuyệt vời và ba chị em gái.
Chopin sống nửa sau cuộc đời ngắn ngủi ở Paris – gần 20 năm. Ông lên đường đúng Lễ Thanh minh trong truyền thống công giáo 2.11.1830 và đến Paris Thu 1831 khi 21 tuổi. “Thế giới, đẹp nhất trên đời!” – ông nói.
________
* Ảnh trong bài: Nghe nhạc Chopin bên tượng đài Chopin tại Công viên Hoàng gia thủ đô Warszawa, Ba Lan.
V.T.L