Những đứa trẻ chơi trước cửa đền – Thi Hoàng

Mang con mắt trẻ nhỏ, cách xuất xử trẻ nhỏ để nhìn nhận đời sống, cùng với cách tạo lập hệ ngôn ngữ nhằm đạt tới một không gian nghệ thuật thơ bình dị, bình thường hóa đời sống, trần thực và đồng nhất hóa điều thiêng, cõi xa rộng, cao lớn trong một vẻ Đẹp hồn nhiên, thiên nhiên nơi tâm hồn, thị giác con trẻ, là một dụng công, một thành công đáng quý cho một dạng thi pháp thơ, mang tên gọi: Thi Hoàng.

 

Ông từ giữ đền ơi xin ông đấy
Chấp với bọn trẻ ranh rửng mỡ làm gì
Thế là ông cười rồi ông nhỉ
Cho chúng nó chơi đừng đuổi chúng đi.

Này thằng Tâm con nhà bố Tầm
Trước cửa đền xin đừng giồng cây chuối
Lại còn hét như giặc cái
Con bé cái Nhân con bà Nhẫn kia.

Những mắt cười vê tít lại cứ như sợi chỉ
Gạch sân đền ấm lên ửng má
Tiếng trẻ con non màu lá mạ
Vệt mồ hôi tươi mưởi quệt ngang mày.

Thật tuyệt vời thằng cháu ông Đương
Ngón tay cái rất to cho được vào lỗ mũi
Ra đây nhảy dây, ra đây trốn đuổi
Chúng như là hạt mẩy dưới hoàng hôn.

Hoa mẫu đơn cũng tưng bừng í ới
Khói hương bài thơm tỉ tê lân la
Cây vun tán lên vun xôi đóng oản
Gió liu riu cho thấm tháp chan hòa.

Chợt ngẫm thấy trẻ em là giỏi nhất
Làm được buôie chiều rất giống ban mai
Thánh cũng hân hoan …đố ai biết được
Ngài ở trong kia hay ở ngoài này.

1999

Rút trong tập “Bóng ai gió tạt”, tặng thưởng giải A của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam năm 2001.

Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI:

Bài thơ Những đứa trẻ chơi trước cửa đền dựng một không gian thờ phụng huyền bí linh thiêng bên không gian chơi trò của trẻ nhỏ. Sự tương ứng, tương linh của hai đối tượng thánh thần và trẻ nhỏ ở đây, quả thực là một cặp hình ảnh đẹp, thật nhiều tương hợp, nó có sức đối đãi, đối thoại với nhau nhằm phản ảnh về bản chất của nhau.

Sân đền, sân đình là một khoảng không gian chung, đủ rộng cho những đứa trẻ nhỏ ở chốn làng quê sớm chiều ra tụ hội, chơi trò và chúng đã chơi đủ trò, đủ hóa nên một đời sống sinh động: Chơi ô ăn quan, chơi bi, chơi đáo, chơi nhảy dây, nhảy cò, chơi đánh chuyền, thả diều, đá bóng, dung dăng dung dẻ, nu na nu nống, xỉa đỉa ba ba, đuổi bắt, trốn tìm, chơi cờ chơi quạt, hát đúm hát đối v.v.. Dòng chảy của văn hóa dân gian Việt trưởng thành từ đấy. Những đứa trẻ chơi trước cửa đền là nét thơ nhằm họa lại một buổi chiều nơi sân đền với trẻ nhỏ và những trò chơi dân gian của chúng. Không gian và ngôn ngữ thơ được dựng sinh động, thơ thới, tươi trẻ: “Những mắt cười vê tít lại cứ như sợi chỉ/ Gạch sân đền ấm lên ửng má/ Tiếng trẻ con non màu lá mạ/ Giọt mồ hôi tươi mưởi quệt ngang mày…” Và:

Hoa mẫu đơn cũng tưng bừng í ới

Khói hương bài thơm tỉ tê lân la

Cây vun tán lên đơm xôi đóng oản

Gió liu diu cho thấm tháp chan hòa

Một thành công trong cách tìm ngôn ngữ biểu cảm mới với những liên tưởng hình ảnh trong thơ Thi Hoàng là cách dùng những từ láy, từ kép, chủ yếu là phép sử dụng tính từ ở bài thơ này qua những cụm từ: Mắt cười vê tít, gạch ấm lên ửng má, tiếng trẻ màu lá mạ, mồ hôi tươi mưởi, tỉ tê lân la… Cách so ví, so sánh này đã cho phép nhà thơ tạo lập nên những hình ảnh thị giác thi liệu khá riêng biệt. Và thành công đó, đặc biệt được phô diễn ở khổ kết: “Chợt ngẫm thấy trẻ con là giỏi nhất/ Làm được buổi chiều rất giống ban mai/ Thánh cũng hân hoan. Đố ai biết được/ Ngài ở trong kia hay ở ngoài này” thật bất ngờ, thú vị.

Mang con mắt trẻ nhỏ, cách xuất xử trẻ nhỏ để nhìn nhận đời sống, cùng với cách tạo lập hệ ngôn ngữ nhằm đạt tới một không gian nghệ thuật thơ bình dị, bình thường hóa đời sống, trần thực và đồng nhất hóa điều thiêng, cõi xa rộng, cao lớn trong một vẻ Đẹp hồn nhiên, thiên nhiên nơi tâm hồn, thị giác con trẻ, là một dụng công, một thành công đáng quý cho một dạng thi pháp thơ, mang tên gọi: Thi Hoàng.

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder