Những miền nhớ trong thơ Đinh Thường – Bùi Việt Thắng

Tôi chưa đọc được nhiều thơ Đinh Thường, mới chỉ một tập Chiều qua thung nhớ. Nhưng có một niềm tin về đồng nghiệp của mình trên con đường thiên lý thơ. Tin tác giả là người chung thủy với Nàng Thơ. Tin  thành công phía trước của tác giả. Trên tinh thần “có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ”, tôi tin nhiều độc giả khác có chung tâm thế như tôi trong cách tiếp nhận thơ của tác giả Đinh Thường.

VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Bùi Việt Thắng về tập thơ “Chiều qua thung nhớ” của nhà thơ Đinh Thường.

Tôi chưa đọc được nhiều thơ Đinh Thường, mới chỉ một tập Chiều qua thung nhớ. Nhưng có một niềm tin về đồng nghiệp của mình trên con đường thiên lý thơ. Tin tác giả là người chung thủy với Nàng Thơ. Tin  thành công phía trước của tác giả. Trên tinh thần “có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ”, tôi tin nhiều độc giả khác có chung tâm thế như tôi trong cách tiếp nhận thơ của tác giả Đinh Thường.

VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Bùi Việt Thắng về tập thơ Chiều qua thung nhớ của nhà thơ Đinh Thường.

 

Cầm bút viết thơ là từ nhu cầu nội tâm muốn được trải lòng với đời, với người. Và hơn hết muốn được cảm thông và chia sẻ, muốn tìm tri âm, tri kỉ. Chiều qua thung nhớ, tập thơ mới của tác giả Đinh Thường, nếu có thể nói, giống như một cột mốc ghi dấu chặng đường sáng tác của ông. Lần đầu tiên đọc thơ Đinh Thường trọn vẹn một tập, trong tôi đọng lại khá nhiều ấn tượng.

Ấn tượng về sự trải nghiệm trong thơ Đinh Thường tôi đặt lên hàng đầu qua 54 bài thơ. Phải nói ngay rằng có những tài năng thơ ca chói sáng ngay từ nhỏ tuổi, người ta hay gọi là “thần đồng”, kiểu như Trần Đăng Khoa. Nhưng trong đa số trường hợp thì sự trải nghiệm cùng với tuổi tác bồi đắp phù sa màu mỡ cho thơ. Tôi riêng thích bài thơ Sắc trạng nguyên vườn chị “Tháng mười hoa trạng nguyên đốt đuốc/Góc vườn hờ hững tiếng chim/Chị cào gió trộn vào nắng sớm/Thoa má hồng xa lắc chân mây…”. Có cái gì đó cô đơn đến rợn ngợp trong hình ảnh “chị cào gió trộn vào nắng sớm”. Đọc tiếp thì hiểu thêm, mà hơn cả hiểu là đồng cảm và chia sẻ với chị, vì dẫu cho gồng mình lên thì “Đắp điếm muôn màu đâu xóa được đắng cay”. Là vì người còn người mất, là vì “Người ngã xuống làm rạng danh núi sông này” nhưng chỉ mình chị chịu nỗi đau mất mát không gì có thể bù đắp được. Phải chăng là “hồng nhan bạc mệnh”? Có lẽ thế vì chị tự “Thoa má hồng xa lắc phía chân mây”. Một người non nớt trường đời không viết được như thế. Sự trải nghiệm trong thơ Đinh Thường có thể nhận ra qua một số bài thơ khác tôi cho là đứng được như Mùa hoa cau của mẹ, Chiều qua thung nhớ, Nỗi nhớ quê xưa,…

Đinh Thường trong thơ có một miền nhớ riêng nằm gọn trong ký ức của một người ngoài đời xông pha, biết cách lắng nghe và lưu giữ những kỉ niệm của những nơi mình qua như câu thơ của Chế Lan Viên “Khi ta đến chỉ là nới đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Bài thơ Yên Bái yêu thương là một ví dụ. Những câu thơ  cứ như tuôn trào tự nhiên “Chiều Yên Bái, tôi tìm em qua cơn mưa mùa hạ/Phố hẹn hò…hun hút tính bằng cây/Làn da con gái sáng như trăng ngà mở lối/Rượu mời say bởi ánh mắt, bàn tay”. Miền nhớ của Đinh Thường, tôi nghĩ, gắn nhiều với vùng sơn cước, gắn với những điểm cao biên cương Tổ quốc, gắn với những địa danh nổi tiếng đáng đến trong cả nước. Ở đó có chiều cao và tầm rộng của nhãn giới, ở đó có sự phóng khoáng của tâm hồn. Thăm lại điểm cao, Đêm xuân trên chốt biên phòng, Đường lên Tây Bắc, Yên Bái yêu thương chứa trọn một miền nhớ, miền lưu giữ những ký ức khó quên của tác giả. Dĩ nhiên “miền nhớ” trong thơ Đinh Thường cũng mở ra qua Tây Hồ, ta với mùa thu, Chữ tâm vằng vặc trên đầu, Chiều ngã ba Đồng Lộc, Nước mắt thành Hồ, Hòn Dấu yêu thương, Về Côn Sơn, Một thoáng Cổ Rồng. Đọc và biết những chuyến đi đã in dấu chân tác giả qua nhiều miền đất nước. Nguyễn Tuân đã từng nói, đại ý, công việc của nhà văn là “đi, đọc, viết”. Tôi nghĩ phần I (Vọng biển) thể hiện sức đi, sức nghĩ và sức viết của tác giả Đinh Thường. Ở phần này tác giả phơi mở tâm hồn mình trong một không gian rộng và một thời gian dài. Vì thế thơ có cái vẻ khoáng đạt.

Trong tập thơ có phần II: Tôi kể chuyện tôi. Thoạt tiên khi đọc phần này tôi kì vọng cảm nhận được cá tính cũng như sắc màu cảm xúc riêng của tác giả. Và quả không sai khi nhận ngay ra chân dung tác giả “Thi nhân một chút hão huyền/Góc trang danh phận mấy miền đa đoan/Ngẩn ngơ như bị ma làm/Câu thơ rút ruột xênh xang dâng đời/Chợ tình ngày tháng rong chơi/Góc bồ chữ nghĩa lụy người chân quê/Hồn thương đắm đuối đi về/Hoa tàn luyến nhớ ủ ê tứ vần”. Đã là chân dung tự họa thì phải chân thành mới gợi hứng độc giả. Và quả thật là chân thành khi tác giả viết “Ấy là tôi kể chuyện tôi/Huyên thuyên ngộ nhận gửi nơi tâm tình/ Thẩn thơ, thơ thẩn …vẫn xinh/Dưng không tôi tự trói mình nộp em!?” (Tôi kể chuyện tôi). Đã là “tôi kể chuyện tôi” có nghĩa là phải rút ruột mình ra mà viết. Nhưng trong trường hợp này xin lưu ý độc giả là chữ “huyên thuyên” được dùng ở đây không bao hàm nghĩa xấu như người ta vẫn thường nói. Phải chăng là sự bồng bột, sôi nổi quá mức của một kẻ đa tình, đa đoan, đa sự?

Tôi chú ý đến bài Nghĩ về thơ bởi muốn tìm ở đó một quan niệm, cao hơn có thể là một “tuyên ngôn thơ” chăng?. Tác giả thừa nhận “Làm thơ là đam mê thường nhật của tôi”. Bước đầu làm thơ có thể “Có những điều vần vè nặn ra từ óc/và ngộ nhận/ Nhưng tuyệt nhiên đó không phải là thơ”. Bao giờ “Nghĩ về thơ… biết sợ” thì đạt tới “ngộ”. Những câu thơ sau thuyết phục độc giả “Rồi một ngày em đến/Tôi quả quyết/em là một tác phẩm toàn bích về thơ/Chỉ có điều/tôi không thể gọi ra được tất cả bằng ngôn từ”. Như cổ nhân nói “biết mình biết ta” là tốt, là dấu hiệu trưởng thành, chín chắn. Tôi nghĩ chính tác giả Đinh Thường cũng tự biết không phải tất cả những gì mình đã viết ra đều là thơ hay. Nhưng viết một cách chân thành đến mức gan ruột thì không ai có thể phủ nhận khi đọc thơ Đinh Thường.

Tác giả Đinh Thường trong tập thơ mới nhất Chiều qua thung nhớ tỏ ra thích “chơi” lục bát. Có đến 22 bài trên tổng số 54 bài được viết theo thể thơ lục bát (chiếm khoảng 40%). Lục bát của Đinh Thường chưa có bài nào thật hay để so đọ với người khác,  nhưng viết nhiều thơ bằng lục bát chắc phải nói lên một điều gì đó đáng chú ý. Lục bát dễ viết nhưng khó thành công. Tôi chợt nhớ tới nhà thơ Nguyễn Duy được nhà phê bình Chu Văn Sơn tấn phong là “Thi sĩ thảo dân”. Mà đã là thảo dân thì phải biết “chơi” và “chơi hay” lục bát. Trong số 22 bài lục bát của Đinh Thường trong tập Chiều qua thung nhớ, tôi riêng thích một bài Người ngang qua ngõ. Thích là bởi tôi đã trải qua cảnh huống và tâm trạng đó ở tuổi thành niên. Thu vàng thì không có gì lạ nhưng cách cảm thì có sắc màu riêng “Thu vàng gieo quẻ trước sân/Rủi may ngõ vắng tần ngần em qua”. Hóa ra trong cuộc đời có cái may, cái rủi. Mà người Việt mình thì hay trông nhờ vào may, rủi. Hay là tình duyên thường may rủi? Có thể là như thế! Cái người vừa lướt qua ngõ vắng ấy đã làm cho “Tay tôi ôm khối bùa mê/Bẫy người chẳng được lại ghê chính mình/Trái tim còn chút rung rinh/Liệm mùa chôn chặt, đóng đinh giữ lời”. Cái người vô tình hay hữu ý qua ngang ngõ ấy là ai? Là người gieo vào trái tim kẻ si tình một mộng vỡ “Người đi qua ngõ xa xôi/Hắt hiu gió rút rỗng trời heo may/Tôi mang mộng tưởng đi đày/Quên câu thần chú vấp ngày đông ken”.

Trong tập thơ Chiều qua thung nhớ của Đinh Thường có một số bài viết về thế sự: Bất tử bởi lòng dân, Cảm nghĩ về Nguyên Hồng, Ánh mắt người điên, Nghĩ về thân phận một người con gái, Vô tình – hữu tình, Tiếng guốc đêm, Chuyện người bán hạt dẻ,…Tính thời sự trong thơ rất rõ vì “Thơ nào cũng là thơ thời sự” như đại thi hào Gớt đã xác tín. Nhưng công bằng mà nói mảng thơ này chưa thành công. Nhà thơ có ý đồ triết lý về đời sống thông qua những cảnh ngộ, những số phận. Nhưng triết lí phải hài hòa với chất sống, nếu không sẽ khập khiễng. Viết thơ triết lý khác nào “vượt Vũ Môn”. Vì thế phải ý thức được sở trường sở đoản của mình khi viết.

Tôi chưa đọc được nhiều thơ Đinh Thường, mới chỉ một tập Chiều qua thung nhớ. Nhưng có một niềm tin về đồng nghiệp của mình trên con đường thiên lý thơ. Tin tác giả là người chung thủy với Nàng Thơ. Tin  thành công phía trước của tác giả. Trên tinh thần “có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ”, tôi tin nhiều độc giả khác có chung tâm thế như tôi trong cách tiếp nhận thơ của tác giả Đinh Thường.

B.V.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder