Những nỗ lực cách tân của văn xuôi Việt Nam đương đại – Hương Mai

Có thể nói về cái thực thông qua cái ảo, nói cái hữu lí thông qua cái phi lí, cùng với đó là các thủ pháp đa dạng, giàu hiệu quả: kì ảo, huyễn tưởng, huyền thoại, giễu nhại, trào lộng. Sự đa thanh trong giọng điệu, những chuyển đổi cơ bản trong nghệ thuật trần thuật đã thực sự tạo được những hiệu quả nghệ thuật tích cực.

(Tham luận tại Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam

do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 2 – 3/3/2015)

Từ sau chiến thắng lịch sử 1975, đặc biệt từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (1986), trong bối cảnh đổi mới mạnh mẽ, toàn diện của đất nước, nền văn học Việt Nam đã có những chuyển đổi rõ rệt, ngày càng sâu sắc và toàn diện, theo xu hướng dân chủ hóa, nhân đạo hóa và hiện thực hóa. Trong sự chuyển đổi chung của cả nền văn học, với sự năng động và ưu thế riêng, văn xuôi đã có những sự bứt phá và đạt được những thành tựu nghệ thuật nổi trội so với các thể loại văn học khác. Sự đổi mới văn xuôi bắt đầu từ sự thức tỉnh ý thức cá nhân của người cầm bút với những quan niệm mới về nhà văn, từ sự đổi mới quan niệm về hiện thực, về con người đến những chuyển đổi trong thi pháp thể loại. Trên cơ sở đó, văn xuôi đương đại Việt Nam đã sáng tạo, kết tinh được những giá trị thẩm mĩ mới, đích thực. Đặt trong bối cảnh chung của văn học Việt Nam đương đại, trong mối tương quan so sánh với văn học giai đoạn trước 1975 (nằm trong sự chi phối của quy luật chiến tranh) và trên cơ sở khảo sát những chặng mốc cụ thể, những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn xuôi đương đại Việt Nam, tham luận của chúng tôi tập trung vào một số dấu hiệu đổi mới cơ bản của văn xuôi Việt Nam đương đại.

1. Được sáng tác trong bối cảnh một đất nước luôn luôn phải chống trả với nạn ngoại xâm, song hành trong hai nhiệm vụ xây dựng đất nước và giữ nước, truyền thống sâu xa của văn học Việt Nam là “văn dĩ tải đạo” và văn chương đuổi giặc. Văn học coi trọng chức năng giáo dục – tác động vào đạo đức xã hội. Người nghệ sĩ luôn trong tư cách người chiến sĩ. Trong không khí dân chủ, cởi mở của đời sống xã hội, từ sâu xa trong ý thức các nhà văn đã có những chuyển đổi đáng kể.
Nguyên Ngọc đề nghị phải “phát huy đầy đủ chức năng xã hội của văn học nghệ thuật”, khắc phục tình trạng văn nghệ chỉ làm nhiệm vụ “minh họa chính trị” dẫn đến “chức năng phản ánh bị hiểu một cách thô thiển”; khắc phục thói quen “chỉ nói một chiều”, phải tìm “một ngôn ngữ nghệ thuật khác”. Nguyễn Khải nhìn nhận lại “cái thời lãng mạn” và khát khao phải viết về cái hôm nay “ngổn ngang, bề bộn”, “đầy rẫy những biến động”, viết “theo một cách khác”. Lê Lựu gọi các sáng tác trước Thời xa vắng của mình là “văn học sự vụ” và tự khẳng định “không thể viết như cũ được nữa”. Sau bao âm thầm, khắc khoải, Nguyễn Minh Châu mạnh dạn tự phủ định mình, lặng lẽ “tự thay máu”, đổi mới cách viết. Ông đề nghị: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”; kiên quyết giã từ “tấm chăn mịn màng minh họa một chiều”, giã từ lối viết minh họa chỉ quen với việc “cài hoa, kết lá, vờn mây” cho những khuôn khổ đã có sẵn. Nguyễn Minh Châu luôn trăn trở, giằng xé trong bi kịch đánh mất mình của những nhà văn trung thực, tài năng, tâm huyết và đau nỗi đau của một thế hệ cầm bút, ở đó “nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng”. Ông quyết tâm làm mới lại mình với thái độ chân thành, cởi mở để xây dựng một giai đoạn văn học mới, văn học phải thâm nhập sâu “vào vương quốc của tình đời”, phải “đào sâu cho đến đáy cùng cái thật chứa đầy bí ẩn, đầy nỗi niềm nguồn cơn của con người”. Thay vì phản ánh số phận của cá nhân khuất chìm trong số phận của cộng đồng, văn học phải lấy số phận cá nhân làm khởi điểm, làm mục tiêu hướng tới, đồng thời cũng là trung tâm lăng kính nghệ thuật. Khi trình bày những số phận con người, phải cố gắng khám phá chiều sâu của tâm lí, tính cách cũng như tầm khái quát xã hội của nó. Những trăn trở của Nguyễn Minh Châu cũng là trăn trở và quyết tâm đổi mới chung của cả giới văn nghệ sĩ Việt Nam đương thời. Dù không phát biểu trực tiếp như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu… nhưng gián tiếp qua sáng tác, nhiều nhà văn lớp trước đã tự đổi mới sâu sắc như: Vũ Tú Nam với Sống với thời gian hai chiều; Nguyễn Kiên với Đáy nước, Thuế làm người sang trọng; Tô Hoài với Cát bụi chân ai, Chiều chiều; Đỗ Chu với Mảnh vườn xưa hoang vắng; Nguyễn Quang Sáng với Con mèo của Foujita; Ma Văn Kháng với Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Heo may gió lộng, Trăng soi sân nhỏ; Lê Minh Khuê với Bi kịch nhỏ… Xuất hiện trong cao trào đổi mới, thế hệ nhà văn mới vừa là sản phẩm của thời đại vừa góp phần đáng kể tạo nên sự đổi mới tư duy và thành tựu của văn học đổi mới. Một số cây bút thuộc thế hệ này như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh Thái… đã tạo được những “đột biến” trong đời sống văn học. Sáng tác của họ đã đem lại cho văn xuôi cả cái “mới” và cái “lạ”. Ở đó, văn chương thực sự là tiếng nói của ý thức cá nhân với tinh thần thẩm mĩ mới, trong tinh thần và yêu cầu đổi mới của thời đại.
Nhìn như vậy có thể thấy, dấu hiệu chuyển đổi cơ bản đầu tiên của văn xuôi đương đại Việt Nam là sự đổi mới trong quan niệm về nhà văn gắn với những chuyển đổi về bản chất, chức năng của văn học. Từ chỗ hiện diện như người chiến sĩ, nhà văn đã dần ý thức sâu sắc về vai trò “người nghệ sĩ – nhà tư tưởng”, nhập cuộc bằng cả nhiệt tình, ý thức công dân và tư tưởng riêng của mình.

2. Sự đổi mới quan niệm về hiện thực gắn với nhu cầu được “nói thật” – một nhu cầu khẩn thiết của xã hội, được khơi dậy từ công cuộc “đổi mới”, “cải tổ” của Đảng Cộng sản Việt Nam với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Là bộ phận đặc biệt nhạy cảm của văn hóa tư tưởng, văn học sớm ý thức về nhu cầu đổi mới. Ngay từ những tác phẩm được viết trước Đổi mới (1986) như Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh), Gặp gỡ cuối năm, Cách mạng, Khoảnh khắc đang sống (Nguyễn Khải), Hai người trở lại trung đoàn (Thái Bá Lợi), Miền cháy, Những người đi từ trong rừng ra (Nguyễn Minh Châu), Năm 1975 họ đã sống như thế (Nguyễn Trí Huân)… đến những tiểu thuyết “cập nhật” những vấn đề thời sự đời sống của Nguyễn Mạnh Tuấn như Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển, Cù lao Tràm… đã có thể thấy những dấu hiệu khởi đầu của sự đổi mới này: sự nới rộng phạm vi được phản ánh, sự bổ sung những mảng hiện thực mới mà văn học trước 1975 còn né tránh như những mặt trái, mặt tiêu cực của hiện thực, cái xấu, cái ác trong đời sống. Ở đó, hiện thực được nhìn nhận, phản ánh không giản đơn, xuôi chiều mà được phân tích, mổ xẻ ở một chiều sâu mới. Càng ngày cảm hứng “nhìn thẳng vào sự thật” càng phát triển, trở thành dòng chủ đạo của văn xuôi đương đại Việt Nam. Từ những truyện ngắn mang tính thể nghiệm của Nguyễn Minh Châu như Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Chiếc thuyền ngoài xa, Một lần đối chứng… đến các tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Thời xa vắng của Lê Lựu, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người của Nguyễn Khải và hàng loạt tác phẩm ra đời từ sau 1986 như các tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Phố, Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh)… và các truyện ngắn Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam, Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh… đã xuất hiện một cách nhìn hiện thực mới. Đó không phải là hiện thực “dâng sẵn, đón chờ” như trước, mà là hiện thực đa dạng, nhiều chiều, ẩn chứa biết bao điều phức tạp, đòi hỏi nhà văn phải “suy ngẫm”, “nghiền ngẫm”, phải đi sâu khám phá – thứ hiện thực “chưa hoàn kết” theo quan niệm của M.Bakhtin. Từ “phản ánh hiện thực” đến “nghiền ngẫm hiện thực” là một sự chuyển đổi đáng kể của văn xuôi đổi mới. Ở đó, vai trò chủ thể của nhà văn được đề cao. Người cầm bút có thể thoát khỏi sự ràng buộc của “chủ nghĩa đề tài”, chủ động lựa chọn hiện thực, suy ngẫm và lí giải, khám phá một cách năng động hiện thực.
Chính sự đổi mới quan niệm về hiện thực đã mở rộng biên độ, đem lại cho văn xuôi nhiều nội dung phong phú, mới mẻ. Hiện thực đời sống không chỉ thu gọn trong những biến cố lịch sử và đời sống cộng đồng mà rộng hơn, sâu hơn, “đời” hơn là cái thường nhật với bao mối quan hệ chằng chịt, chìm ẩn trong những mối quan hệ xã hội, cộng đồng và cá nhân. Và bởi thế, cái nhìn thế sự – đời tư thực sự giữ vai trò cốt yếu trong cảm quan nghệ thuật của nhà văn. Ví như trước đây, chiến tranh được nhìn nhận và phản ánh chủ yếu qua những chiến công hiển hách của dân tộc, của con người thì giờ đây, với Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh nhìn chiến tranh từ phần khuất chìm, suy ngẫm về chiến tranh từ số phận của con người và phản ánh chiến tranh bằng những “nghịch lí”, trái với những “thuận lí” vốn rất quen thuộc của tư duy văn học một thời. Nhờ thế đã đem lại cho người đọc một cái nhìn mới, đa chiều, sâu sắc về chiến tranh. Các tác phẩm viết về chiến tranh của Nguyễn Minh Châu, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trí Huân… không còn trôi trong cảm hứng ngợi ca mà giàu chất suy tư, lí giải khi được chiêm nghiệm từ thân phận con người. Văn xuôi không ngần ngại trước những vấn đề gai góc, thậm chí những vấn đề kiêng kị trước đó như cải cách ruộng đất, đời sống bản năng tính dục, phê phán những ngộ nhận và bệnh cuồng tín, tệ quan liêu tham nhũng, sự tha hóa xuống cấp về đạo đức, đạo lí. Bên cái hữu lí có cái phi lí; bên cái hiển hiện có cái ẩn chìm, khuất lấp; bên cõi thực có cả cõi ảo, cõi tâm linh… Chính ở những “vùng thẩm mĩ” mới mẻ này văn xuôi đã kết tinh những tác phẩm được công luận khẳng định.

3. Những chuyển đổi của văn xuôi sau 1975 gắn với những đổi mới sâu sắc trong quan niệm nghệ thuật về con người. Nhận xét về các nhân vật trong sáng tác trước 1975 của Nguyễn Minh Châu, nhà nghiên cứu Niculin (Nga) cho rằng: Nhân vật của Nguyễn Minh Châu luôn được “tắm rửa sạch sẽ”, được “bao bọc trong một bầu không khí vô trùng”. Đó cũng có thể coi là nhận xét chung về nhân vật của văn xuôi Việt Nam trước 1975, kiểu “nhân vật sử thi”. Theo cách nói của Bakhtin, đó là con người luôn “khoác bộ áo xã hội”, luôn “trùng khít với địa vị xã hội của mình”, “con người đơn giản, dễ hiểu, đẹp đến mức hoàn hảo, thánh thiện”… Khảo sát trong văn xuôi Việt Nam đương đại, có thể nhận thấy sự chuyển đổi rõ rệt, sâu sắc từ con người lịch sử, con người cộng đồng đến con người cá nhân “đầy những nỗi niềm nguồn cơn”, đầy phức tạp và bí ẩn. Lấy con người làm điểm quy chiếu lịch sử, cảm hứng nghiên cứu đa diện về con người ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong sáng tác văn xuôi. Sống với thời gian hai chiều (Vũ Tú Nam) là sự tự phán xét của lương tâm trước hai chiều thời gian: quá khứ và hiện tại. Bức tranh của Nguyễn Minh Châu là con người trong sự đối diện với “tòa án lương tâm” của chính mình; và sau đó trong hàng loạt truyện ngắn của ông như Hạnh, Cơn giông, Sắm vai, Chiếc thuyền ngoài xa, Dấu vết nghề nghiệp, Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam… là những cuộc đối chứng về “tính chất kì lạ của con người” với những phức tạp của đời sống, những giằng xé nội tâm khiến con người nhiều lúc như phân thân, biến dạng.
Cùng với sự phức tạp là sự bí ẩn. Con người là một “tiểu vũ trụ” đầy bí ẩn, với những đột biến tâm lí, tính cách, những hành động bất ngờ khó có thể đoán định trước. Các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu, Những bài học nông thôn, Chút thoáng Xuân Hương, Kiếm sắc, Vàng lửa…), của Triệu Bôn (Một phút và nửa đời người), của Nguyễn Bản (Ánh trăng), của Ma Văn Kháng (Chọn chồng, Thanh minh trời trong sáng…) đều hiện lên như một “tiểu vũ trụ” đầy bí ẩn trong cuộc đời “đầy ẩn mật”. Sự hiện diện của những con người phức tạp và bí ẩn như nó vốn có, không thần thánh hóa, lí tưởng hóa ấy mang ý nghĩa một sự đối thoại với quan niệm về con người còn giản đơn, phiến diện, duy ý chí một thời. Đó là cách nhìn và phản ánh con người phổ biến trong sáng tác của hàng loạt cây bút văn xuôi Việt Nam đương đại: từ Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Kiên, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân… đến Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Dương Hướng, Đào Thắng, Mạc Can, Nguyễn Bắc Sơn… rồi Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Phạm Hoa, Quý Thể, Hòa Vang, Võ Thị Hảo, Y Ban, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà… và lớp cây bút trẻ Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú… Ở đó, con người được khám phá trên nhiều bình diện: con người xã hội, con người tự nhiên (bản năng) và con người tâm linh. Con người xã hội vốn là dạng phổ biến trong văn xuôi trước 1975. Tuy nhiên, ở thời Đổi mới, khi miêu tả con người xã hội, nhà văn không chỉ hướng tới thể hiện những sự kiện, biến cố xã hội, không còn bị gò theo tiêu chí phân tuyến xấu – tốt, thiện – ác mà đã là những con người đa diện, phức tạp “đa đoan”. Nhà văn đặt con người trong những hoàn cảnh cụ thể, soi chiếu vào thế giới nội tâm để thấy con người trong các mối quan hệ xã hội chằng chịt, trong sự chi phối nhiều chiều của hoàn cảnh. Giang Minh Sài trong Thời xa vắng của Lê Lựu; Hoan, Khiêm trong Ngược dòng nước lũ của Ma Văn Kháng; Anh Khải trong Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải; Bối trong Ba người khác của Tô Hoài… và nhiều nhân vật của văn xuôi đương đại đều được thể hiện từ “tọa độ” mới đó.
Con người tự nhiên vốn là một bình diện quan trọng, nhưng vì quan niệm còn phiến diện về con người, văn xuôi một thời có phần e ngại, né tránh. Văn xuôi đổi mới quan tâm nhiều đến con người tự nhiên, khám phá con người tự nhiên từ nhiều góc độ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc quan tâm đến con người trong tính toàn vẹn của nó, khẳng định bản năng tự nhiên như một “lực sống” của con người (theo cách diễn đạt của Freud), khiến con người hiện diện trong văn học đầy đặn và sống động hơn.
Con người tâm linh cũng là phương diện nhiều cây bút văn xuôi đổi mới quan tâm. Khám phá bí ẩn của tâm linh là con đường hữu hiệu giúp nhà văn khám phá được chiều sâu vô tận bí ẩn trong tâm hồn con người. Con người tâm linh đã hiện diện khá phổ biến trong văn xuôi đương đại, đặc biệt trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Người sông mê của Châu Diên, Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh…
Chính từ sự đổi mới cơ bản trong quan niệm nghệ thuật về con người, thế giới nhân vật trong văn xuôi đương đại phong phú, gần gũi và giàu sức ám ảnh đối với người đọc với nhiều kiểu loại nhân vật mới: nhân vật tự ý thức, nhân vật cô đơn, nhân vật bi kịch, nhân vật tha hóa và bị tha hóa, nhân vật dị biệt – những dạng nhân vật chưa từng hoặc rất ít xuất hiện trong văn xuôi trước 1975.

4. Cùng với những chuyển đổi trong tư duy nghệ thuật, nội dung cảm hứng là những đổi mới đáng kể trong phương thức thể hiện hiện thực bằng nhiều cách thức khác nhau. Có thể nói về cái thực thông qua cái ảo, nói cái hữu lí thông qua cái phi lí, cùng với đó là các thủ pháp đa dạng, giàu hiệu quả: kì ảo, huyễn tưởng, huyền thoại, giễu nhại, trào lộng. Sự đa thanh trong giọng điệu, những chuyển đổi cơ bản trong nghệ thuật trần thuật đã thực sự tạo được những hiệu quả nghệ thuật tích cực. Từ những năm cuối của thế kỉ XX, đặc biệt những năm đầu của thế kỉ XXI, trong xu thế giao lưu hội nhập và tiếp nhận văn học thế giới, đã có thể thấy trong văn xuôi Việt Nam những dấu ấn của văn học hậu hiện đại, đặc biệt trong các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương (Ngồi, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kì thủy…), của Thuận (T. mất tích, Paris 11 tháng 8, Chinatown…), của Tạ Duy Anh (Đi tìm nhân vật, Giã biệt bóng tối), của Nguyễn Danh Lam (Giữa dòng chảy lạc, Giữa vòng vây trần gian)… Nhìn như vậy có thể nói, từ “viết cái gì” đến “viết thế nào” là một bước chuyển đáng kể của văn xuôi đương đại Việt Nam.
Trở lên, chúng tôi mới chỉ đề cập một cách rất khái lược một số dấu hiệu chuyển đổi cơ bản của văn xuôi Việt Nam đương đại. Nhận diện những chuyển đổi cơ bản như trên, chúng tôi không tuyệt đối hóa mà muốn nói tới quá trình chuyển đổi tự nhiên (có kế thừa và đổi mới) như một tất yếu của sự phát triển văn học phù hợp với những đòi hỏi của thời đại, của công chúng, sự phát triển của xã hội và bản thân nền văn học                                                   
M.H

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder