Những số phận đặc biệt ở Sân thơ trẻ

Nguyễn Việt Anh.

Có lẽ, chưa năm nào Sân thơ trẻ tại Ngày thơ Việt Nam lại xuất hiện cùng lúc nhiều số phận người làm thơ đặc biệt đến thế. Trong số họ, có người bị khiếm thị, người từng mắc chứng động kinh, người trải qua tuổi thơ đổ vỡ, người dựa vào thơ sau những nỗi nhọc nhằn… Dù Ngày thơ lần thứ 14 đã qua đi nhưng dư âm vẫn còn đọng lại chính bởi những con người ấy đã “vịn câu thơ mà đứng dậy” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Có lẽ, chưa năm nào Sân thơ trẻ tại Ngày thơ Việt Nam lại xuất hiện cùng lúc nhiều số phận người làm thơ đặc biệt đến thế. Trong số họ, có người bị khiếm thị, người từng mắc chứng động kinh, người trải qua tuổi thơ đổ vỡ, người dựa vào thơ sau những nỗi nhọc nhằn… Dù Ngày thơ lần thứ 14 đã qua đi nhưng dư âm vẫn còn đọng lại chính bởi những con người ấy đã “vịn câu thơ mà đứng dậy” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Ngô Gia Thiên An.
Ngô Gia Thiên An.

Ngô Gia Thiên An: Bố mẹ em đang trong bệnh viện

Là người trẻ nhất xuất hiện trên sân khấu Sân thơ trẻ, tác giả Ngô Gia Thiên An năm nay đang học lớp 11 và từng ra mắt tập thơ “Những ngôi sao lấp lánh” vào năm 12 tuổi. Khác với những sự kiện trước đây luôn có mẹ đi cùng, lần này cô gái nhỏ một mình đến dự Ngày thơ Việt Nam. Hỏi ra mới biết mẹ em – nhà thơ Trang Thanh – đang phải chăm sóc người cha thứ hai của em trong bệnh viện. “Bố mẹ em đang trong bệnh viện”, em vừa nói, vừa cố giấu đôi mắt rơm rớm nước.

Tuổi thơ chứng kiến cuộc chia tay đầy day dứt của bố mẹ, rồi lặng lẽ ôm chặt lấy mẹ khi biết mẹ quyết định “góp gạo thổi cơm chung” với nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Thiên An lặng lẽ đón nhận những đổi thay, mất mát về mình. Mẹ vất vả chăm sóc cha mắc bệnh ung thư phổi ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, sau giờ học ở trường, Thiên An vẫn thay mẹ chăm em trai mới 3 tuổi, thu xếp nhà cửa, cơm nước…

Thơ của Thiên An có phần già dặn, nhiều trăn trở: “Con phải làm gì khi thế giới quá thông minh trong suy diễn làm đau lòng người khác?/ Người ta chạy nháo nhác trốn căn bệnh ung thư xã hội/ Có lẽ con nên biến thành kẻ ngu ngơ?”… Ngoài đời, tác giả trẻ này khá rụt rè. Trước rừng ống kính, máy ghi âm từ các nhà báo, em chỉ cười trừ và trả lời rất hồn nhiên.

Ngô Gia Thiên An là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm bút “Nhiệt Đới” của NXB Kim Đồng. Năm 2011, tác giả trẻ này đã xuất sắc ẵm giải A về thơ của cuộc thi “Cây bút Tuổi hồng” do Hội đồng Đội Trung ương, Báo Thiếu niên Tiền phong và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

Nguyễn Việt Anh: Bao năm “thức cùng bóng tối”

Nguyễn Việt Anh.
Nguyễn Việt Anh.

Sinh ra trong một gia đình người Hà Nội gốc có “của ăn của để” được cả gia đình “nâng như nâng trứng” nhưng khi học lớp 7, trong một lần đùa nghịch bị bạn xô ngã, đập đầu vào bàn học, Nguyễn Việt Anh bị ảnh hưởng dây thần kinh thị giác dẫn đến thoái hóa võng mạc, giác mạc dần bị bong và không thể phục hồi. Thương con, bố mẹ anh đã bán một căn nhà ở phố Cửa Đông và những chiếc xe máy để lấy tiền đưa con ra nước ngoài chữa trị, song mọi nỗ lực đều vô vọng.

Biến động nối tiếp buồn đau dẫn đến cảnh bố mẹ anh đường ai, nấy đi. Việt Anh ở cùng bố và ông bà nội. Sau chuỗi ngày tuyệt vọng, anh quyết định đi học chữ nổi, học nghề bấm huyệt châm cứu và chẳng bao lâu đã có thể kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Nghề bấm huyệt cũng “se duyên” cho anh gặp, kết hôn với một cô gái trẻ. Họ có hai đứa con một trai, một gái thông minh, khỏe mạnh.

Rồi bi kịch gia đình lại tiếp diễn lúc Việt Anh không còn đủ sức khỏe để làm việc và công việc của vợ cũng bấp bênh. Hôn nhân tan vỡ, anh để vợ ra đi, một mình bế bồng hai con nhỏ. “Có những đêm dài tôi thức trắng, hai tay bế hai đứa con bị ốm mà chẳng biết phải làm thế nào khi trước mắt mình là cả màn đêm. Lúc ấy, không thể đánh thức bố hay ông bà nội, tôi thường tự tay làm tất cả, pha sữa cho con uống, chườm mát cho con, thay tã bỉm, quần áo, giặt giũ, phơi phóng, sấy là…”, anh tâm sự. Căn nhà anh đang ở trên phố Hàng Bồ vốn đã vắng, nay còn vắng hơn sau khi người cha mất vì bệnh ung thư. Mỗi lần đọc sách, làm thơ, anh đều nhờ bà nội đọc và chép lại.

Xuất hiện từ Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội tổ chức vào tháng 9/2015, tác giả thơ khiếm thị sinh năm 1982 Nguyễn Việt Anh đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người viết lẫn độc giả. Mỗi khi lên sân khấu đọc thơ, anh luôn phải có người dìu. Nhưng trước thi ca, Việt Anh như trở lại với đúng chân dung của mình qua phong thái đầy tự tin, ấm áp.

Nỗi niềm của “tiến sĩ rác”

Ngọc Lê Ninh.
Ngọc Lê Ninh.

Trước khi đứng trên sân khấu Ngày thơ Việt Nam, TS Lê Ngọc Ninh từng lặn lội cả chục năm trời hết chở nước sông Tô Lịch, lại cặm cụi lần mò vào những vùng đồi núi tỉnh Vĩnh Phúc tìm nguyên liệu xử lý nước thải. Mọi người yêu quý đặt cho anh biệt danh “tiến sĩ rác”, trong khi Lê Ngọc Ninh thừa nhận không ít lần vợ chồng anh xích mích chỉ vì những can nước “khủng khiếp” bốc mùi khó chịu, vương vãi khắp nhà. Hai vợ chồng dạy học nhưng hiếm khi nào vợ anh nhận được đồng lương của chồng, vì hễ hỏi đến lương là ngay lập tức anh gãi đầu, gãi tai: “Anh chi cho… nghiên cứu khoa học hết rồi!”.

Hỏi TS Lê Ngọc Ninh, công tác chuyên môn đã đủ mệt anh còn làm thơ làm gì, anh chỉ cười: “Thì cái nghiệp mình nó vậy, biết làm sao được”. Anh kể, ngay cả ngày Tết, có khi anh cũng “rước rác” về nhà và vợ lắm khi còn phải “chạy tiền” cho chồng nghiên cứu. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, anh sở hữu nhiều giải thưởng về sáng tạo khoa học như: Giải thưởng Vifotec Việt Nam lần thứ 10, Bằng khen của các Bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ…

Nói về “tiến sĩ rác”, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm hồi tưởng: “Tôi nhớ ngày anh ấy ra trường, giọng buồn buồn: Em yêu thơ lắm, nhưng cuộc sống nghèo quá nên phải dứt áo thơ ra đi, lao vào cuộc sống đời thường anh ạ. Rồi một ngày, Ninh đột ngột xuất hiện trước mặt tôi và cho biết đã có khả năng in một tập thơ và lấy bút danh là Ngọc Lê Ninh. Tôi vui và cảm động vô cùng”.

Đào Quốc Minh – chàng trai từng mắc chứng động kinh

 Đào Quốc Minh (ảnh nhân vật cung cấp).

Đào Quốc Minh (ảnh nhân vật cung cấp).

Nhiều độc giả biết đến nhà thơ trẻ sinh năm 1986 này với một “hồ sơ” sáng giá: Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015, tốt nghiệp xuất sắc thạc sĩ kinh tế… nhưng ít ai biết rằng khi còn là học sinh lớp 12, Đào Quốc Minh đã bị tai nạn giao thông, mấy năm liền mắc chứng động kinh, gần như mất trí nhớ. Điều bất ngờ là sau khi được chữa trị, anh bỗng “trở chứng”… làm thơ.

“Người ta xin lỗi con rồi, bố mẹ tha cho họ đi, đừng đuổi theo nữa” – đó là lời vân vỉ khẩn thiết của Minh với gia đình khi biết tài xế xe tải nổ máy, bỏ lại mình trên hè phố. Trong tình trạng sức khỏe, thần kinh không bình thường, Minh suýt trượt tốt nghiệp THPT. Chính gia đình anh cũng không ngờ, Minh đã nỗ lực đèn sách để đỗ vào ĐH Ngoại thương. Ngày nhận giấy báo nhập học cũng là lúc anh bị những cơn động kinh hành hạ và cánh cửa giảng đường gần như đã khép lại trước trang bệnh án ghi rõ: Bị động kinh vùng thái dương ở thể thực tổn chấn thương.

Trong cơn đau đầu, co giật, Minh hành xác mình, đập phá lung tung, thậm chí đánh cả người thân khiến bố phải xin nghỉ việc không lương ở Bộ Công thương ở nhà trông nom con và đưa đi khắp nơi chữa bệnh. Bây giờ, thơ ca đã mở ra cho Đào Quốc Minh một con đường mới, ngoài những “đứa con tinh thần”, anh hào hứng khoe với chúng tôi: “Từ ngày lấy vợ, tớ ổn hơn trước, con trai tớ cũng được gần 2 tuổi rồi đấy”.

Tính đến nay, gia tài thơ của Đào Quốc Minh là 5 tập. Tập mới nhất có tên “Những người vũ công Memphis” dày gần 600 trang. Thời học THPT, Đào Quốc Minh từng được gia đình định hướng về các môn tự nhiên. Nhiều năm liền anh đoạt giải Nhất, Nhì trong các cuộc thi học sinh giỏi môn Toán, Vật lý cấp thành phố.

Thùy Phương/Báo Gia đình & Xã hội

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder