Sự xuất hiện trở lại khá rầm rộ của tiểu thuyết lịch sử nói riêng và văn xuôi hư cấu lịch sử nói chung trong văn học thời kỳ đổi mới đã tạo nên hứng thú tranh luận đa chiều, mặt khác gây ra không ít bối rối cho các nhà nghiên cứu phê bình. Những quan điểm bất đồng về mối quan hệ sự thật – hư cấu trong tự sự lịch sử như: quyền hư cấu của nhà văn đến đâu, mức độ chân thực và hư cấu ra sao,… tiếp tục tạo nên các cuộc đối thoại gay gắt, mặc dù nhu cầu nội tại của nhà văn trong hành trình tự đổi mới và sự tiếp cận nhiều lý thuyết mới về văn xuôi hư cấu lịch sử (historical fiction)(1) khiến cho tư duy lịch sử cũng như quan niệm về thể loại đã có nhiều chuyển biến theo hướng cởi mở hơn. Qua những cuộc tranh luận về tác phẩm văn xuôi hư cấu lịch sử sau đổi mới, khởi đầu từ Nguyễn Huy Thiệp cho đến những tác phẩm gần đây, bài viết này muốn nhìn nhận lại những vấn đề đã được giới phê bình đào xới, hướng tới tìm hiểu sự vận động trong tư duy về lịch sử hiện nay.
Cùng với những bước chuyển của đời sống văn học, văn xuôi lịch sử đã khẳng định vị thế nổi bật bằng hàng loạt tác phẩm đáng chú ý và tương ứng với đó là nhiều cách tiếp cận lịch sử khác nhau. Bên cạnh những nhà văn gắn bó tên tuổi với tiểu thuyết lịch sử như Thái Vũ, Hà Ân, Nguyễn Xuân Khánh, có nhiều tác giả công phu đi sâu vào đề tài lịch sử bằng những bộ tiểu thuyết trường thiên như Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng Giác, Vũ Ngọc Đĩnh… Dấu ấn của tiểu thuyết lịch sử trong nền văn học đương đại còn được tô đậm bằng các tác phẩm được trao giải thưởng văn học hàng năm như: Vằng vặc saoKhuê (Hoàng Công Khanh), Con ngựa Mãn Châu, Hội thề (Nguyễn Quang Thân), Hồ Quý Ly, Mẫuthượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), An lạc dưới trời (Nguyễn Xuân Hưng),Minh sư (Thái Bá Lợi)… Tuy nhiên, văn xuôi hư cấu lịch sử cũng là một trong những khu vực tạo nên sóng gió dư luận nhiều nhất. Kể từ sau hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp với bộ ba truyện ngắn viết về lịch sử (Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết) những cuộc tranh luận nảy lửa vẫn diễn ra khi chạm đến mối quan hệ sự thật – hư cấu trong hàng loạt tác phẩm: Rồng đá (Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai), Trở về Lệ Chi Viên(Nguyễn Thúy Ái), Tây Sơn bi hùng truyện (Võ Đình Danh), Sóng chìm (Đình Kính), Minh sư (Thái Bá Lợi), và nổi bật nhất là Hội thề (Nguyễn Quang Thân) và Dị hương (Sương Nguyệt Minh).
Văn xuôi hư cấu lịch sử là những tác phẩm mang tính hư cấu dựa trên nền lịch sử(2), chính vì vậy những cuộc tranh luận thường xuất phát từ hai điểm cơ bản: a – mức độ chân thực so với sự thật lịch sử (chính sử) và b – sự vênh lệch so với nhận thức/ quan điểm chung của cộng đồng. (Nhiều người không thật thỏa mãn khi các cuộc tranh luận về sáng tác lịch sử thường ít để ý đến chất lượng văn chương của tác phẩm mà chỉ xăm soi đối chiếu các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm với những chi tiết lịch sử, nhân vật lịch sử, tức là đặt tính lịch sử cao hơn tính văn chương). Thực ra, hư cấu lịch sử vốn là một thách thức không nhỏ với nhà văn bởi vì chạm vào lịch sử tức là đối diện với sự thật, cái đã xảy ra, được nhiều người biết đến, đòi hỏi nhà văn vốn kiến thức phong phú. Đồng thời nó cũng đòi hỏi sự từng trải và bản lĩnh nghệ thuật bởi qua thời gian, lịch sử được tích tụ lại trong văn hóa, gắn với tâm thức dân tộc, cộng đồng. Do vậy, để hư cấu lịch sử nhuần nhuyễn nhà văn phải am tường lịch sử. Hơn thế nữa, khác với sử gia, nhà văn tái tạo lịch sử bằng chất liệu nghệ thuật để khám phá cái có thể xảy ra với kiến giải của cá nhân. Khám phá và lý giải lịch sử bằng cái nhìn của cá nhân nên lịch sử trong quan niệm của nhà văn sẽ không trùng khớp với quan niệm của cộng đồng và không tránh khỏi sự “sai lệch tất yếu”. Nhìn lại những tranh luận về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (3), các ý kiến phê phán cho rằng nhà văn “thiếu hiểu biết lịch sử” nên không chính xác trong những cứ liệu, chẳng hạn nhân vật Đặng Phú Lân không có tên trong lịch sử, không gian quá hiện đại trong truyện Nguyễn Thị Lộ,v.v… là đánh giá mức độ chân thực lịch sử trong tác phẩm. Các nhà phê bình đã đối chiếu truyện của Nguyễn Huy Thiệp với nguồn sử liệu (chính sử) và tư tưởng chính thống để truy tìm những sai lệch của nhà văn (sự đối chiếu này liên quan đến lối tư duy khá quen thuộc của phê bình văn học một thời: đó là thói quen tìm hiểu tác phẩm phản ánh điều gì, ám chỉ điều gì, và có sát với hiện thực hay không, có phản ánh lịch sử chân thực hay không). Từ sau hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp, tính chân thực lịch sử vẫn là yếu tố châm ngòi các cuộc tranh luận. Chẳng hạn, truyện ngắn Trở về Lệ Chi Viên(Nguyễn Thúy Ái) bị phê phán đã xúc phạm danh nhân Nguyễn Trãi và bà nữ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ vì những miêu tả sex trần trụi, sự sai lệch thời gian và tình tiết cốt truyện so với những điều được ghi trong sử sách. Dư luận cũng phản ứng với Tây Sơn bi hùng truyện do những hư cấu “làm méo mó” hình ảnh vị tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Trong các cuộc tranh luận gần đây, mức độ chính xác của chi tiết, sự kiện lịch sử và chủ đề tư tưởng trong các tác phẩm được trao giải thưởng như Sóng chìm, Hội thề, Dị hương đều được đưa ra mổ xẻ. Tính từ hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp đến nay đã hơn hai chục năm nhưng những vấn đề được đặt ra trong các cuộc tranh luận vẫn xoay quanh hai điểm như đã nói ở trên. Cách nhà văn hư cấu nhân vật lịch sử với những chi tiết thể hiện con người trần tục, bản năng vẫn bị phê phán. Thực tế là ở thời điểm hiện nay, trong văn học, sự thể hiện con người tự nhiên, bản năng đã trở nên bình thường (thậm chí dư thừa), đối với lịch sử và nhân vật lịch sử thì vẫn rất “nhạy cảm”.
Từ những cuộc tranh luận về tác phẩm văn xuôi lịch sử có thể thấy những vấn đề liên quan đến tư duy về lịch sử hiện nay. Vẫn còn tồn tại cách đọc đánh đồng lịch sử với văn học, coi văn học là phản ánh hiện thực (xã hội, lịch sử) một cách đơn giản (theo kiểu minh họa). Cùng với đó là tư duy phân lập, quy nhân vật lịch sử thành hai cực đối lập: thiện – ác, chính – tà, tốt – xấu. Nhưng lịch sử không đơn giản chỉ được phân định rạch ròi, và bản thân mỗi con người lại càng không đơn giản như thế. Tấm bia không đề chữ trên lăng mộ Võ Tắc Thiên là minh họa thể hiện rõ nhất tinh thần ấy, lịch sử hãy để hậu thế tự phán xét. Đó cũng là hình ảnh gợi nhiều suy tư bởi lịch sử là khoảng trống hàm chứa nhiều bí ẩn để nhà văn khai thác, chứ không phải là quá khứ bất biến và những xác chết. Nhà văn viết về lịch sử là để trải nghiệm lịch sử theo cách riêng của mình. Mỗi tác phẩm văn học bao giờ cũng có phương diện nghĩa và biểu nghĩa, độc giả đọc văn bản để thấy được ý nghĩa tác phẩm xuyên qua bề mặt chữ nghĩa. Nhưng cũng chính vì thế có rất nhiều cách đọc, cách hiểu tác phẩm. Khi viết về lịch sử, nhà văn vấp phải một cộng đồng tiếp nhận có một hệ quy chiếu và quy ước ngầm, đó là tri thức về lịch sử, dữ kiện lịch sử đã tồn tại trong cộng đồng đó, chẳng hạn khi nhắc đến Nguyễn Huệ, Gia Long người đọc hẳn sẵn có một hình dung, cốt truyện nào đó với một chút hiểu biết (hay một định kiến) về các nhân vật lịch sử, thời đại lịch sử, thay vì một sự trống không, một khoảng trắng trước nhân vật hư cấu. Bởi vậy việc nảy sinh cách đọc đối chiếu và thái độ phản ứng là bình thường, nhưng không phải người đọc nào cũng ý thức được việc “đọc văn phải khác với đọc sử” (Lại Nguyên Ân). Vấn đề mà các cuộc tranh luận về truyện lịch sử không chỉ dừng ở đó. Những cách đọc khác nhau đối với tác phẩm còn liên quan tới “tính lịch sử của văn bản”. Mỗi cách đọc tác phẩm văn xuôi hư cấu lịch sử đều có thể gợi mở một hướng giải mã tác phẩm, nhưng không có nghĩa là đưa sử liệu đối chiếu xem nhà văn đúng hay sai. Đó là quan niệm hạ thấp vai trò của nhà văn, coi ông ta là người minh họa lịch sử, còn tác phẩm chỉ đơn thuần là phản ánh hiện thực lịch sử. Điều quan trọng với người đọc là nhận biết khả năng hư cấu lịch sử trong tác phẩm ra sao, tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ như thế nào.
Quan niệm tiểu thuyết lịch sử là sự phản ánh chân thực các sự kiện nhân vật lịch sử trong quá khứ đã được tiếp nối bằng đối thoại với lịch sử, siêu hư cấu lịch sử, giả lịch sử. Các nhà văn Việt Nam đương đại đã thể hiện những suy nghĩ trăn trở về thể loại với các hướng thử nghiệm như: a- tiểu thuyết lịch sử kiểu truyền thống (Thái Vũ, Hoàng Quốc Hải, Hoàng Công Khanh), b- tiểu thuyết hóa lịch sử với những kiểu loại/hình thức đa dạng: tân lịch sử (Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly, Võ Thị Hảo với Giàn thiêu), pha trộn dã sử và kiếm hiệp (Vũ Ngọc Đĩnh với Hào kiệt Lam Sơn, Bắn rụng mặt trời, Mười hai sứ quân, Hàn Thế Dũng với Lê Lợi, Bà Triệu), tiểu thuyết chương hồi (Lê Đình Danh với Tây Sơn bi hùng truyện). Tuy nhiên ở ta vẫn chưa có các siêu hư cấu lịch sử, những tác phẩm công khai xác nhận tính ngụy tạo lịch sử, hư cấu lịch sử nhằm phản kháng lại cách đọc truyền thống mà ở đó người đọc tin tưởng vào những giá trị vốn có hay niềm tin đã được hoạch định sẵn. Từ những cuộc tranh luận về tự sự hư cấu lịch sử, vấn đề đặt ra là, mặc dù có những cách đọc khác nhau, diễn giải tác phẩm theo quan điểm riêng và thị hiếu thẩm mỹ không đồng nhất nhưng người đọc văn bản hư cấu lịch sử cần tỉnh táo để thưởng thức tác phẩm văn chương chứ không phải thẩm định tính đúng sai của lịch sử. Điều này đã được nhà phê bình Lại Nguyên Ân đề cập đến khá kỹ trong cuộc tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp và cho đến nay luận điểm “đọc văn phải khác với đọc sử” vẫn còn nguyên giá trị. Thứ hai, đó là sự cần thiết đổi mới tư duy lịch sử khi tiếp cận tác phẩm văn học viết về lịch sử. Mỗi dân tộc đều tích lũy được những “hằng số lịch sử”, những giá trị bất biến trong chiều sâu văn hóa. Nhưng để khám phá những hằng số lịch sử đó có thể được tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau, nhất là sự linh hoạt trong tư duy về lịch sử. Tác giả Greg Dening nói, “lịch sử không phải quá khứ, đó là ý thức về quá khứ được sử dụng cho những mục đích hiện tại”. Trong công trình Tiểu thuyết lịch sử, Lukacs cho rằng Walter Scotts là nhà tiểu thuyết đầu tiên nhận thấy lịch sử không chỉ là cái khung nền thuận lợi cho tự sự đương đại mà còn là bối cảnh văn hóa xã hội đặc biệt. Thuật ngữ siêu lịch sử (metahistory) mà Hayden White đề cập đến cho thấy rất rõ cảm quan hậu hiện đại: lịch sử là tự sự chứ không chỉ là bản tường thuật sự thật lịch sử. Các nhà nghiên cứu theo hướng chủ nghĩa tân lịch sử cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa văn bản và lịch sử bao gồm hai mặt: tính văn bản của lịch sử và tính lịch sử của văn bản. Theo H. White, lịch sử là một thứ truyện kể thông qua diễn ngôn của nhà sử học, việc tái hiện, liên kết và lý giải lịch sử bằng ngôn ngữ đã hàm chứa trong đó tính chủ quan cho nên bản thân cái gọi là “sự thật lịch sử” cũng trở nên đầy hoài nghi, đúng hơn nó là một sự tưởng tượng về lịch sử (historical imagination). Mặc dù quan niệm của H. White vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng có thể thấy tinh thần hậu hiện đại đó được thể hiện trong nhiều tác phẩm tự sự hư cấu lịch sử hậu hiện đại như Trăm năm cô đơn (G. Market), Tên của đóa hồng (Umberto Eco), Người tình của trung úy Pháp (John Fowles), v.v… Đây là những tác phẩm siêu hư cấu tự phản tỉnh bằng sự tuyên bố về tính mơ hồ của sự chân thực lịch sử. Trong văn học Việt Nam những năm gần đây đã xuất hiện những tác phẩm cho thấy sự mẫn cảm nghệ thuật của nhà văn thể hiện cảm quan lịch sử mới mẻ với ý thức đối thoại và tranh biện. Sự đồng hiện quá khứ – hiện tại trong Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), sự ẩn giấu lịch sử trong chiếc áo huyền kỳ của dã sử trong Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), hay cách tạo nên giả thiết lịch sử như ở Minh sư (Thái Bá Lợi) là những dấu ấn thể hiện tư duy về lịch sử cởi mở, nhạy bén trong văn học Việt Nam hiện nay. Lịch sử trong quan niệm của tác gia tiểu thuyết không chỉ là những diễn biến sự kiện, không chỉ là sự thực quá khư mà lịch sử là những mảnh vỡ, đứt gãy, mang màu sắc dã sử, ngẫu nhiên và ngoại biên. Nhìn sang nền văn học Trung Quốc vốn có bề dày truyền thống sử ký và tiểu thuyết lịch sử, trong bối cảnh đương đại mỗi nhà văn cũng không ngừng tìm kiếm những lối tiếp cận lịch sử theo hướng tiểu thuyết tân lịch sử, “khôi phục lại tính hư cấu của văn học và lấy danh nghĩa của văn học để phủ định tính hợp lý của lịch sử” với những cây bút tiên phong như Mã Nguyên, Dư Hoa, Tô Đồng, Mạc Ngôn,… Ở ta hiện nay rất cần hướng đến tư duy lịch sử thoáng rộng và cởi mở để tiếp cận giải mã tác phẩm một cách tích cực hơn.
Trở lại với những tranh luận về văn xuôi lịch sử, một điều dễ nhận thấy là khi đọc và phê bình tác phẩm hư cấu lịch sử, chúng ta thường bị cuốn vào lịch sử nên ít quan tâm đến tính văn chương của nó, trong khi đây mới chính là yếu tố làm nên giá trị lâu bền. Bởi vậy, văn hóa tranh luận cũng cần được đặt ra một cách nghiêm túc, sự đối thoại, góp ý, va chạm các quan điểm sẽ hữu ích hơn nếu tránh những suy diễn quy chụp, tuy nhiên đây lại là vấn đề mà chúng tôi sẽ bàn đến trong một dịp khác.
Chú thích
(1) Historical fiction là tác phẩm kể một câu chuyện về quá khứ, có thể là một cuốn sách, bộ phim, kịch,…trong đó nhân vật lịch sử thường có xu hướng được hư cấu. Ở phạm vi hẹp hơn, nó cũng tương đương với tiểu thuyết lịch sử (historical novel). Chúng tôi dùng thuật ngữ này với cách hiểu là những tác phẩm văn học hư cấu lịch sử (bao gồm cả truyện ngắn và tiểu thuyết)
(2) Và ngay tại đây đã nảy sinh những bất đồng: lịch sử là lịch sử nào, chính sử hay dã sử, của nhân vật nắm giữ vận mệnh lịch sử với biến cố trọng đại hay đời sống nhân dân và những nhân vật vô danh…
(3) Cho đến nay đã có khá nhiều ý kiến tổng kết khá kỹ lưỡng về cuộc tranh luận này. Xem thêm Nguyễn Hải Hà và Nguyễn Thị Bình trong Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Văn hóa thông tin, 2001)