Những từ tôn giáo trong thơ Trần Nhuận Minh – Ths. Nguyễn Thị Bình

 

Trong thơ Trần Nhuận Minh, các từ ngữ liên quan đến tôn giáo xuất hiện dày đặc, được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật có tính thẩm mĩ cao, thể hiện kiểu lựa chọn có tính chất cá thể trong ngôn ngữ của ông.
Khảo sát tập Bốn mùa (Nxb Văn học, in lần thứ 2, năm 2011), chúng ta thấy về số lượng, tần số xuất hiện của lớp từ ngữ liên quan đến tôn giáo là khá lớn, gồm 164 lần, trong đó có những từ xuất hiện rất nhiều lần. Đó là các từ: Đấng Mê Tơi (21 lần), Đấng Âm U (16 lần), hư vô (11 lần), mang mang (11 lần), định mệnh (8 lần), hoang vu (8 lần), mộng (7 lần), hư ảo (6 lần), huyền bí (6 lần), địa ngục (4 lần), muôn cõi (4 lần), cõi đời (4 lần), thăm thẳm (4 lần), thiên thần (4 lần), thiên đường (3 lần), quỷ sứ (3 lần), đạo trời (2 lần), muôn thẳm (2 lần), xứ người (2 lần), thiện (2 lần), ác (2 lần) giáng sinh (2 lần), vô hạn (2 lần), hữu hạn (2 lần), còn (1 lần), mất (1 lần)… Có các tổ hợp từ bắt đầu bằng các yếu tố cõi như: cõi người (6 lần), cõi đời (4 lần), cõi tự nhiên (4 lần), cõi nhân gian (3 lần), cõi vô cùng (3 lần), cõi hồng hoang (3 lần), cõi thực (2 lần), cõi thiên thần (2 lần), cõi thế gian (2 lần), cõi bất tử (2 lần)…; bắt đầu bằng yếu tố kiếp như: kiếp sau (4 lần), kiếp đọa đày (3 lần), kiếp trước (2 lần)…; bắt đầu bằng yếu tố cái như: cái Im Lặng, cái Không Thể Biết, cái Không Hề Có
Về hiệu quả, từ tập thơ Nhà thơ và hoa cỏ đến các tập Bản xônat hoang dã, 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, Trần Nhuận Minh đã từ trực cảm tinh tế của mình tiến sát đến sự minh triết phương Đông để cảm nhận chân lí. Ông thực hiện điều đó một phần qua cách sử dụng các từ ngữ liên quan đến tôn giáo. Trước hết, trong các từ ngữ vừa dẫn trên, có hai hình tượng nghệ thuật do ông sáng tạo ra trong thơ là Đấng Âm UĐấng Mê Tơi. Theo ông, Đấng Âm U bắt nguồn từ Vô minh của đạo Phật. Theo đạo Phật, Vô minh sinh ra thế giới, khởi thủy mười hai bến nhân duyên của kiếp người. Trong thơ Trần Nhuận Minh, hai từ này xuất hiện nhiều lần, mỗi lần xuất hiện chúng đều dẫn nhập một nội dung khác nhau. Chẳng hạn, Đấng Âm U là tấm gương để con người soi vào mà tu sửa mình, nhìn lại mình và tự điều chỉnh: “Mỗi ngày ta đều tự tạc lại mình/ Theo vóc hình của Đấng Âm U/ Ngự trên chín tầng mây trắng”… “ Chao ôi, ta đã gặp vua Hùng/ Đội nón lá/ Khoác áo tơi, đi cày ruộng/ Phong Châu tầm tã mưa…” (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh); Đấng Âm U là sự an ủi con người hãy tạm bằng lòng với số phận may nhờ, rủi chịu: “Hỡi Đấng Âm U / Ngự trên chín tầng mây trắng/ Người lặng lẽ và rộn ràng ban phát/ Những số phận rủi may cho cả thế gian” (45 khúc đàn bầu…); Đấng Âm U là hiện diện của phận người sinh diệt, sắc sắc không không: “Ta nghe gió rét thổi/ Qua từng đốt xương rỗng sống lưng/ Và nghe bóng tối Đấng Âm U/ Phủ cuối đời ta từng nấc một” (45 khúc đàn bầu…). Còn Đấng Mê Tơi là cách cảm nhận của nhà thơ về bản thể vũ trụ, trong khi phương Tây gọi là Thượng Đế, phương Đông gọi là Trời, Lão Tử gọi là Đạo, Phật giáo gọi là Chân Như… Đặt ra câu hỏi: “Ta là ai, thăm thẳm có ta không?” Ông lại tự trả lời: “Ta một mình với một Đấng Mê Tơi” (Bừng thức). Câu trả lời cho ta thấy, ông không chỉ cảm nhận mà còn hòa làm một với Đấng Mê Tơi, tức là khẳng định quyền năng của con người, quyền năng của nhà thơ: “Giọt rượu hồng ta vảy khắp nhân gian” (Bừng thức). Không riêng gì Trần Nhuận Minh, từ cổ chí kim đã bao người mơ ước quyền năng ấy. Ở đây, từ ta (Trần Nhuận Minh) với Đấng Mê Tơi, cho ta cặp phạm trù hữu – vô, từ đó, ông luận về có – không, thiện – ác, thánh hiền – quỷ sứ, nhà thơ – kẻ trộm, sống – chết… tất cả đều mặc nhiên tồn tại và vận hành theo mối quan hệ tương hỗ. Ông dùng cặp từ có – không của Phật giáo trong: “Ta vào chỗ không thành có/ Ta vào chỗ có thành không/ Này này/ Nhìn kĩ cá hóa chim/ Lại nhìn kĩ hơn chim hóa cá” (Bản xônat hoang dã), dùng cặp từ thiện – ác cũng của đạo Phật trong: “Cái Ác vỗ vai cái Thiện/ Cả hai cùng cười đi về tương lai” (Ngẫu hứng) là để chứng tỏ điều đó. Cũng từ cặp phạm trù hữu – vô, Trần Nhuận Minh bàn rộng ra về sự hữu hạn và vô nghĩa của kiếp người, giữa sự sống/ chết, vinh/ nhục: “Sống úp mặt xuống đất/ Chết ngửa mắt lên trời/ Giàu nghèo hay vinh nhục/ Cũng trong vòng ấy thôi” (Trăm năm trong cõi…). Ông dùng các kết hợp từ mang màu sắc tôn giáo như Cái Không Thể Biết, Cõi Vô Cùng, Chấm người mong manh, Cái Mơ hồ huyền bí… để nói về sự bất lực và hư vô của kiếp người: “Ta bàng hoàng trước cái Không Thể Biết/ Đang nhào nặn ta trong cõi Vô Cùng/ Chã nhẽ mỗi chấm người mong manh trên trái đất/ Lại là biểu hiện mơ hồ huyền bí của không trung” (Bản xônat hoang dã). Ông mượn lời Phật để nói về sứ mệnh của thơ ca: “Cõi đời là bể khổ/ Thơ ca là nỗi đau lên tiếng” (45 khúc đàn bầu…).
Trong những năm đổi mới, nhịp sống hối hả đôi khi làm cho chúng ta thờ ơ với những mất mát và thua thiệt của những con người nhỏ bé. Do đó, Trần Nhuận Minh viết những câu thơ khắc khoải, sốt ruột về những vẻ đẹp lương tri đang có nguy cơ bị lãng quên. Ông thể hiện sự thành tâm với cuộc đời, qua cách dùng từ giáng sinh của Thiên Chúa giáo trong: “Ta giáng sinh vào tâm hồn của cây/ Cho màu thu hiu hiu buồn trong lá/ Ta giáng sinh vào trí tuệ của đất/ Để đêm xuân râm ran tiếng côn trùng” (Bản xônat hoang dã).
Xét trong hành trình thơ Trần Nhuận Minh, ta thấy, lớp từ ngữ liên quan đến tôn giáo xuất hiện chủ yếu ở những tập thơ sau này. Cách dùng những từ ngữ tôn giáo có làm thay đổi về bút pháp, nhưng hằng số trong thơ Trần Nhuận Minh vẫn là cảm hứng về thế sự, về số phận con người. Ông đã tạo ra hình tượng trữ tình Đấng Âm U, Đấng Mê Tơi và dùng dày đặc các từ ngữ tôn giáo để đối thoại về kiếp nhân sinh. Trong thơ ông, hình ảnh dù có hư ảo đến kinh hoàng như tia nắng quái trong bài thơ Thăm bạn thì vẫn là tia nắng rất thật của đời, đó là tia nắng ấm áp tình người của ông: “Lòng băn khoăn không dứt/ Bỗng thèm một chén trà/ Cuối trời tia nắng quái/ Cháy kinh hoàng sau ta ”

*

Trần Nhuận Minh có đến bốn mươi năm làm thơ. Nhưng khi nhìn lại, ông coi khoảng hai mươi năm đầu, thời đổi mới, với tập thơ Nhà thơ và hoa cỏ được ông hoàn thành trong 15 năm (1986 – 2001), thơ ông chủ yếu là thơ tự sự về thân phận con người, với những hạnh phúc, hi vọng và cả những nỗi bất hạnh. Giọng tự sự, cách miêu tả hiện thực rất thực. Mỗi con người, mỗi cảnh đời, mỗi sự tình trong thơ ông đều được kể bằng thứ ngôn ngữ hội thoại hàng ngày, hết sức giản dị, nhưng đằng sau những hình ảnh thơ ấy, ông đều nhắn gửi những thông điệp sâu sắc, ám gợi người đọc về những vấn đề nhân sinh. Ở những tập thơ sau, như Bản xônat hoang dã, 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, Miền dân gian mây trắng, thơ ông lại hướng về lãng mạn và suy tưởng, nâng thơ lên cõi ảo. Không phải chỉ ảo trong đề tài, chủ đề, mà trong cả bút pháp. Ông làm một cuộc viễn du, tạm đứng ra ngoài để nhìn lại chính đời mình, để chiêm nghiệm thế sự, kiếp người. Vậy nên, thơ ông có những suy tư mang tầm triết học, có những suy tưởng khái quát về thân phận con người của hôm nay và cũng là kiếp người của mọi thời đại. Giọng tự sự miêu tả đã thành giọng trữ tình chiêm nghiệm, một phần qua cách ông sử dụng lớp từ ngữ tôn giáo trong thơ. Ông sáng tạo thành công hai hình tượng nghệ thuật: Đấng Âm UĐấng Mê Tơi để đối thoại với hư không và chính nỗi lòng mình. Cách sử dụng các từ ngữ tôn giáo, cùng với hai hình tượng nghệ thuật độc đáo ấy, làm cho thơ ông có vẻ đẹp hài hòa trong cảm xúc và nhuần thấm phong vị minh triết phương Đông./.

 

N.T.B

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder