Giáo viên chúng tôi cứ tưởng rằng đi chấm thi THPT quốc gia thế nào cũng có dịp được rung đùi vuốt râu, hứng khởi đọc những câu văn, đoạn văn hay của học trò cho nhau nghe để thỏa lòng đam mê “cái nghiệp”, cái nghề mà mình đã lựa chọn.
Chấm văn hay làm toán?
Thế mà ai ngờ mới đi chấm thi môn văn có mấy ngày, tôi đã xây xẩm mặt mày, mọi mộng tưởng vỡ tan tành. Mỗi bài thi có 2 giám khảo, trung bình mỗi giám khảo phải 25 lần ghi điểm vào bài làm của thí sinh hoặc vào phiếu cho điểm – mà lại toàn phải ghi bằng số thập phân, nếu lỡ chỗ nào ghi thiếu thì ngay lập tức sẽ được gọi lên gặp ban thư ký sửa lại.
Suốt quá trình chấm, thần kinh chúng tôi luôn phải căng như dây đàn. Tay – mắt phải kết hợp hết sức nhịp nhàng ăn ý. Mắt nhìn, tay ghi, không được phép lơ là, chỉ cần một chút lơ đễnh ghi nhầm ô là “chết” ngay. Ghi điểm thành phần đã khổ sở lại còn phải làm phép cộng của chữ số thập phân. Đúng là tá hỏa tam tinh! Mỗi bài có tới 4 lần cộng điểm như thế. Giáo viên luôn lo ngay ngáy vì sợ cộng sai, mà sai thật, sai nhiều nữa là khác. Để khỏi sai, mỗi số phải cộng đi cộng lại hai, ba lần.
Cái phép cộng trừ ấy còn ám ảnh tôi vào cả giấc ngủ, đến nằm mơ cũng thấy. Chấm một bài thi chẳng thấy văn chương chữ nghĩa đâu cả, chỉ thấy tất cả giám khảo đều lẩm bẩm tính toán cộng trừ bao nhiêu lần 0,25 điểm. Chấm văn mà cứ giống y như làm toán!
Chính vì vậy mà tốc độ chấm có sự chênh lệch khác biệt. Giám khảo kỹ thuật làm tính nhanh mỗi ngày chấm được 160 bài, còn giám khảo làm phép tính chậm sửa lui sửa tới chỉ được 40 bài/ngày. Có những giám khảo để cho chắc ăn phải mang máy tính theo, vừa đọc, cho điểm vừa bấm số, y như học sinh đang giải toán.
Ngày trước, chấm văn là chấm hồn vía của bài văn, là đánh giá năng lực cảm thụ của thí sinh. Đâu như bây giờ, chấm một bài văn phải “bằm”, phải “vằm” tới hơn 20 chục lần thế này, chỉ còn đếm ý và tính ý. Giám khảo giỏi là giám khảo có kỹ năng đếm nhanh nhất và cộng trừ thuần thục nhất chứ không phải đi tìm những ý mới lạ, những sáng tạo độc đáo. Nếu chấm thêm khoảng vài chục ngày nữa, có lẽ các giám khảo sẽ trở thành robot.
Việc chấm thi đang triệt tiêu yếu tố cảm xúc câu văn, chữ nghĩa. Giám khảo chấm chỉ lo bị sót ý của đáp án, mất đi cái nhìn tổng thể toàn cục. Cũng khó cho thí sinh vì với một đề văn như vậy, các em đâu có cảm xúc mà thể hiện. Người viết và người chấm cùng chung một nỗi niềm: khô, khó, khổ. Đọng lại sau mỗi bài chấm của thí sinh chỉ là những con số thập phân.
Thành tích của đổi mới thi cử?
Tổng một bài thi môn văn có tới hơn 20 lần cho điểm và có những điểm dễ đến mức dường như là cho không. Thí sinh cứ việc thảnh thơi nhặt điểm nhẹ nhàng, vừa ngủ gật vừa làm bài vẫn dư sức đậu tốt nghiệp.
Ví dụ, với những câu bảo đảm cấu trúc bài nghị luận, xác định đúng vấn đề nghị luận, 100% thí sinh đều có điểm. Có những câu chỉ cần nêu đúng 2 từ: so sánh, lo ngại, thể thơ là đã có điểm, dễ hơn cả bài tập tiếng Việt của học sinh lớp 5. Thật sự thì thí sinh có muốn điểm liệt cũng không được. Thi cử kiểu này, thí sinh sẽ ảo tưởng về mình rằng không cần học vẫn đậu tú tài. Không thể nào hiểu được ngày xưa cụ Tú Xương học cho nát sách là thế, lều chõng bao phen đi thi mà vẫn bị rớt… Con cháu ngày nay giỏi hơn cha ông?
Một kỳ thi có nhiều đối tượng nên đề thi đã dụng ý đánh đồng cá mè một lứa? Điểm thi phổ biến từ 6 đến 7. Đó là điểm quá cao đối với môn văn. Người ra đề sợ học sinh rớt tốt nghiệp? Thực tế, thí sinh cứ việc kê cao gối ngủ ngon lành, không rớt đâu mà lo, cứ chờ ngày công bố điểm!
Có phải đây là mục đích, là “thành tích” của việc đổi mới thi cử? Nếu đổi mới như thế này thì chúng ta học theo cách đi của… con tôm rồi, vẫn không thoát được lối nhai văn nhả chữ đã đành lại còn giết chết yếu tố cảm xúc. Nếu thi văn mà chỉ trả lời 2 từ cũng đã có điểm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho thi trắc nghiệm phần đọc hiểu và robot máy sẽ chấm chính xác hơn, cũng đỡ tốn kém hơn nhiều!
(*) Tác giả là một giáo viên THPT tại TP HCM( Nguồn NLD)