Bát cháo hành không chỉ là bát cháo hành, nó đã chan hòa vào trong ấy cả một khối tình trắng trong ngây dại tự nguyện dâng hiến. Chính nhờ đó mà Chí phèo có những phút tỉnh với giấc mơ rất đỗi con người..Quả là Thị Nở đã trở thành thứ “Nhân dược” cứu sống, thức tỉnh tâm hồn của một con quỷ dữ.
Vanhaiphong- Trong thơ Quang Huy, Thị Nở với vẻ đẹp nguyên sơ tự nhiên với tình yêu thánh thiện đã tạo ra sức mạnh vượt trội sức mạnh của xã hội khi cả làng Vũ Đại bó tay. Đó là sức mạnh cải biến cái xấu, cái ác thành thiên lương.
Xin trân trọng giới thiệu.
Quang Huy
Nỗi niềm Thị Nở
Người ta cứ bảo dở hơi
Chấp chi miệng thế lắm lời thị phi
Dở hơi nào dở hơi gì
Váy em sắn lệch nhiều khi cũng tình
Làng này khối kẻ sợ anh
Rượu be với chiếc mảnh sành cầm tay
Sợ anh chửi đổng suốt ngày
Chỉ mình em biết anh say rất hiền
Anh không nhà cửa bạc tiền
Không ưa luồn cúi không yên phận nghèo
Cái tên mơ mộng Chí Phèo
Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao
Quần anh ống thấp ống cao
Làm em hồn vía nao nao đêm ngày
Khen cho con Tạo khéo tay
Nồi này thì úp vung này chứ sao
Đêm nay trời ở rất cao
Sương thì đãm quá trăng sao lại nhoà
Người ta mặc kệ người ta
Chỉ em rất thật đàn bà với anh
Thôi rồi đắt lắm tiết trinh
Hồn em nhập bát cháo hành nghìn năm.
Đã in Báo Văn nghệ, 1992 và tuyển chọn trong tập “100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX”
Nàng thơ Thị Nở: bát “nhân dược”của Chí Phèo – Lời bình Nguyễn Đình Minh
Đây là nguyên bản bức chân dung mà Nam Cao “vẽ” Thị Nở: “ một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn . Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công : nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lấn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi; có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra”. Tả như vậy thì hết bình luận! Tưởng như Thị Nở không còn một tí ti gì về cái nhan sắc bên ngoài để mà tạm chấp nhận, thì trong ánh nhìn lóe sáng, Quang Huy đã phát hiện một nét duyên khá bất ngờ:
Dở hơi nào dở hơi gì
Váy em sắn lệch nhiều khi cũng tình
Đó là cái vẻ đẹp từ “duyên”. Trong miền yêu, đàn ông nhiều khi gục ngã trước phái đẹp không phải vì cô ta là hoa hậu, nhiều khi chỉ vì một ánh nhìn, một nét môi thậm chí một làn hương tóc. Khi dựng hình ảnh “váy em xắn lệch” chính là thi sĩ đã chỉ ra cái điểm “ bắt chết đối phương” ở Thị Nở. Nếu đa cảm, đa tình và giàu sức tưởng tượng một chút có thể hình dung ra một cô thôn nữ với bắp trân trần thả rông đi trên cỏ mướt, đêm trăng… váy vén lả lơi phóng túng… chỉ thế cũng đủ sức cám dỗ rồi.
Trái đất có ngày và đêm. Muôn loài muôn vật đều có hai mặt, triết học viết mỗi sự vật hiện tượng đều chứa trong nó hai mặt đối lập; vấn đề là nhìn thấy từng mặt hay không, nhất là nhìn vào con người, loài động vật cao cấp có tài che dấu bí mật lòng mình, mà đến khi chết,có nhiều điều vẫn quyết chôn theo. Quang Huy đã thành công ở điều này, anh nhìn thấy vẻ đẹp thánh thiện ẩn dấu bên trong cái hình hài xấu tai, xấu hại của Thị Nở, và dùng ngôn từ thơ chắp cánh cho nó. Cái đẹp mà thi sĩ nói đến là vẻ đẹp thiên phú, cái ruột thơm lừng của củ ấu gai này. Đó là cảm nhận tinh tế.
Đọc “Chí Phèo”, thấy Chí hiện lên trong tác phẩm là kẻ mất cả nhân hình lẫn nhân tính. Nam Cao miêu tả: “ Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết!”. Chí xuất hiện đồng thời với tiếng chửi “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời…Rồi hắn chửi đời… Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại”. Xã hội làng Vũ Đại xa lánh, coi hắn như con hủi, như kẻ lạc loài, còn trái tim của Thị Nở lại cảm nhận Chí theo hướng đối nghịch với cả làng xã: “Chỉ mình em biết anh say rất hiền”. Có thể nói cái nhìn của Thị Nở đã xuyên thấm qua vỏ bọc hình gài gớm ghiếc của Chí để cảm được cái thiện lương chất người còn lại. Ngay cả cái tên Chí Phèo đồng nghĩa với rạch mặt ăn vạ cũng được trái tim Thị phủ tràn lớp sóng yêu thương:
Cái tên mơ mộng Chí Phèo
Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao
Và bao bọc bằng tâm trạng lắng lo tới liêu xiêu hồn vía, Dường như chỉ có trái tim người đàn bà khi đã cháy vì yêu mới nghiêng ngả vậy:
Quần anh ống thấp ống cao
Làm em hồn vía nao nao đêm ngày
Và rồi cũng chỉ có Thị Nở với trái tim đầy độ yêu say mới thấy một Chí Phèo giống như một người hùng: Một mình, một chai rượu chấp cả làng Vũ Đại, dằn mặt những kẻ thống trị như Bá Kiến, không sợ thế lực kẻ mạnh hung hãn như Đội Tảo…
Thật tuyệt vời khi nhà thơ nhìn hành động đập đầu, rạch mặt ăn vạ của Chí, qua khúc xạ trái tim Thị Nở thành ra hành động của con người đầy chí khí cao ngạo và tự trọng;
:Anh không nhà cửa bạc tiền
Không ưa luồn cúi không yên phận nghèo
Với xã hội, Chí như loài quỷ dữ, như một đống tro tàn nguội lạnh, Nhưng Thị Nở với lòng yêu mẫn cảm trời ban cho người đàn bà, vẫn tìm thấy trong cái đống tro tàn ấy ánh than hồng sót lại. Và Thị đã thổi nó lên cháy thành ngọn lửa ấm áp nhân ái; nên khác với hành động của cả làng, Thị nở tìm đến với Chí bằng sự chân thật tự nhiên. Có một chút gì đó bản năng giống loài nhưng lại rất rõ cái thiên chức chỉ có ở người đàn bà: yêu thương và dâng hiến, dâng hiến triệt để, hết mình:
Người ta mặc kệ người ta
Chỉ em rất thật đàn bà với anh
Thôi rồi đắt lắm tiết trinh
Hồn em nhập bát cháo hành nghìn năm.
Bát cháo hành không chỉ là bát cháo hành, nó đã chan hòa vào trong ấy cả một khối tình trắng trong ngây dại tự nguyện dâng hiến, mà Quang Huy gọi là hồn nhập! Chính nhờ đó mà Chí Phèo có những phút tỉnh hiếm hoi trpng chuỗi ngày chìm trong men rượu – với giấc mơ rất đỗi con người hiện về: “Hắn nao nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cầy thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.Quả là Thị Nở đã trở thành thứ “Nhân dược” cứu sống, thức tỉnh tâm hồn của một con quỷ dữ.
Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao đã quá nổi tiếng được xếp vào hàng kinh điển; Chọn một đề tài từ truyện và viết bằng thơ là một diều vô cùng khó khăn nhưng Quang Huy đã thành công. Anh đã chọn chất liệu thơ từ chùm tia sáng long lanh nơi trái tim Thị Nở để mà dựng dậy các hình tượng ngôn từ, lập ý, dựng cấu tứ.
Và một Thị Nở, một nàng thơ đã hiện dậy với vẻ đẹp nguyên sơ tự nhiên với tình yêu thánh thiện đã tạo ra sức mạnh vượt trội sức mạnh của xã hội khi cả làng Vũ Đại bó tay. Đó là sức mạnh cải biến cái xấu, cái ác thành thiên lương.
Hải Phòng tháng giêng, niên Bính Thân
Nguyễn Đình Minh