Đảo mùa gió (tiếp theo) – Nhà văn Đình Kính

… Đêm ấy chúng tôi đốt lửa đi tìm Anh khắp đảo. Mênh mông những sóng, những nước thế này biết Anh ở đâu? Hú lên một tiếng như những ngày nào hò gọi nhau “đi bắt vích đi, anh Nhương ơi!”.

 

Anh sẽ hỏi: Lần ấy tàu có ra được không?

Ra được. Đó là chiếc tàu vận tải vào loại lớn nhất của quân chủng. Lớn mới vượt được sóng ra với đảo chứ. Nhưng anh đừng nóng vội, để lần lượt tôi kể anh nghe.

 

Sáng hôm ấy tôi dậy rất sớm, đã ngỡ mình dậy trước tiên, nhưng khi ra ngoài mới biết anh em đã đứng đầy trên mép đảo từ bao giờ, đang ngóng về hướng đất liền. Tiếng cậu nào đó nói to:

 

– Tối om om thế này tàu nhận ra đảo thế quái nào. Cho ít dầu đốt lên chứ ông Long.

– Gió này có mà đốt!

Ừ, gió to thật. Quá vui với chuyến tàu ra, chẳng ai nghĩ đến gió, đến bão. Giờ quản lý Long động tới mới chú ý. Những ngọn sóng bị gió bất vào bờ oành oành như pháo bắn cấp tập vậy. Nhưng lính ta kể gì! Nam tới đứng cạnh tôi từ lúc nào, cậu ta hí hửng:

– Chuyến này bét nhất em cũng có ba lá thư.

– Người yêu hả?

– Không, bạn thôi. Chúng nó đang phát rẫy trên Tây Nguyên ấy.

– Ừ, mấy tháng rồi còn gì. Chí ít cũng mỗi người được một lá.

– Có thư của anh Nhương, anh đưa cho em nhé, lần này phải bắt ông ấy khai ra bằng hết mới chịu.

Không khí trên đảo bị nén xuống trong nỗi phấp phỏng. Ai cũng bồn chồn. Biển vẫn thở hổn hển và gió phóng nhanh qua đảo với vẻ thích thú…

Khi trời đã nhờ nhờ sáng, bỗng vỡ ra tiếng hét:

– Tàu, tàu ra, anh em ơi!

Ôi, tàu, tàu thật! Một chấm đen lập lờ lúc nổi, lúc chìm đang rướn về phía đảo. Chà, cậu nào tinh mắt thật. Giỏi!

Từ những căn hầm, lính ra đổ ra, đã có nhiều cậu vẫy, gọi rối rít. Đàn chim thức dậy cũng hí hửng lượn tít mù trên đảo.

Cự ly giữa tàu và đảo mỗi lúc một gần. Tôi nhận ra số hiệu tàu, rồi nhìn rõ cả anh em mình đứng trên boong nữa. Một thủy thủ giơ cao bọc giấy, vừa chỉ vào ngực bên trái mình vừa hét. Không rõ anh ta hét gì, nhưng căn cứ vào điệu bộ thích thú của anh ta, tôi biết chàng thủy thủ muốn khoe cho mọi người mừng trước rằng bọc giấy trên tay anh ta là bọc thư đấy! Chà, nhưng sao chủ quan thế nhỉ? Gió này, sóng này khéo mà rơi tõm xuống thì coi như phèo, bao nhiêu tình cảm của anh em gói trong ấy đấy!

Có thấy con tàu chao đi đảo lại mới biết cánh thủy thủy vất vả.

Cách bờ hai trăm mét, tàu chạy chậm lại, tìm chỗ thả neo. Người trên tàu, người dưới đảo hò gọi nhau í ới dẫu chẳng ai nghe rõ lời ai. Anh Nhương kéo chiếc xuồng xuống sát mí nước. Sóng giội lên người anh ướt rượt.

Neo thả rồi! Thế là ổn! Chậm lắm cũng chỉ mười lăm phút nữa là chúng tôi được ôm lấy những sứ giả của đất liền đã chống chọi hai ngày hai đêm giữa sóng gió ra với đảo mà hỏi đủ thứ chuyện. Rồi sẽ được đọc những dòng chữ quen thuộc của người thân mà tủm tỉm cười một mình. Ai đã sống cách biệt với xung quanh một thời gian dài mới thấu hiểu hết tâm trạng của chúng tôi lúc này. Hồi hộp quá! Tôi sẽ nhận được thư ai đây?

Anh Nhương cố ghì chiếc xuồng không cho sóng đánh bật lên bờ. Thực tình tôi cũng không rõ anh định ra tàu như thế nào với sóng gió này.

Chợt ai đó “Ối” lên một tiếng đến sửng sốt.

Tôi ngẩng ra.

Trời ơi, thế này là thế nào: con tàu bứt khỏi vị trí neo, chao lắc trên sóng; ở thành tàu, đằng mũi, cái dây xích to tướng lủng lẳng như một cánh tay cụt. Rồi cả mấy dây xích to tướng ở đằng sau nữa, cũng vung vẩy trên không. Thôi rồi, chẳng nhẽ…

Mọi người lặng đi, hiểu điều gì đã xảy đến.

Mãi lúc sau, ai đó mới buột ra một tiếng:

– Sóng lớn quá đấy mà!

Không kể thêm anh cũng rõ là trong điều kiện sóng to gió cả ấy, con tàu đứt neo thì sự có mặt của nó ở nơi đây còn có nghĩa gì!

Chúng tôi bàng hoàng đứng như chôn chân trên đảo, chẳng kịp nhận ra phải làm gì nữa: niềm hy vọng sẽ nhận được chút tình cảm của đất liền vụt tan biến.

Song giây phút đó không kéo dài. Nỗi khát khao mong chờ bấy nay bị hẫng như thể một sự tự ái khiến mọi người hành động theo bản năng: cùng lúc tất cả chúng tôi chạy ào xuống mép biển mặc cho sóng phủ cả lên người. Nhiều tiếng hét, tiếng gọi lộn xộn, cuống quít:

– Tàu, tàu! Không còn cách nào khác ư?

– Cố mà quăng cái bọc thư vào đây!

– Sao, để sóng nó tuốt đi luôn hả? Cậu nào đấy?

– Đọc lên xem những ai có thư nào?

– Nam có thư không hả… hả?

– Sóng với gió cái con khỉ…

– Lân, Phạm Lân có thư của mẹ là Hoàng Thị Hợi không?

– Sao phải gào lên vậy các bố. Sóng đánh ầm ầm thế này có trời nghe. Cậu nào ở thông tin mang chiếc máy bộ đàm ra đây!

– Sáng kiến đấy, thông tin đâu?

Sóng vẫn ầm ào và gió cứ rít từng cơn át cả tiếng mọi người.

Như người có lỗi, con tàu không neo đành bồng bềnh chạy vòng quanh đảo với nỗi buồn bất lực.

Quần áo ướt sũng, Lân chạy dọc mép đảo, bóng người bé nhỏ mờ nhòe trong bụi nước. Một lúc, chừng như nhận ra hành động vô nghĩa của mình, cậu ta dừng lại ngẩn mặt nhìn theo con tàu. Đàn chim từ nãy vẫn bay theo Lân cũng sà xuống, hướng cả về phía con tàu đang vật vã trên sóng, kêu “chẹc… chẹc”.

Mấy phút sau chúng tôi không ngóng theo con tàu nữa mà chạy tới vây lấy chiếc máy bộ đàm. Cậu Khang ở bộ phận thông tin không ngớt xua xua tay:

– Các cậu từ từ, rồi tôi hỏi hết. Im đi mà nghe này, thứ tự chứ. Ai? Đọc lại, à, Hoàng Lợi có thư của em là Hoàng Nhu. Rồi! Nguyễn Ngọc Nam có thư của Nguyễn Hùng ở Công Tum. Nam đâu, nghe rõ chưa?

– Một lá thôi ư?

– Ai? Anh Nhương hả? Ừ, đọc đi. Em Hải Vân Ty Tài chính Đồng Nai mến gửi anh Phạm Văn Nhương…

– Ái chà, giấu mãi, Hải Vân là Biển Mây cơ đấy. Ông Nhương đâu, hôm nay không ăn cũng no.

– Rồi. Đọc tiếp… Xong… Hết hả?

– Còn tôi? Lân, Phạm Lân không có thư sao?

– A lô trên tàu. Nghe nhé, các anh soát lại xem Phạm Lân có thư mẹ không. Ừ… sao, thì soát lại cho kỹ một lần nữa xem nào… Ở chờ…

– Sao? Hử…

Nỗi thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt, Lân lặng lẽ ngước nhìn theo con tàu. Gió phả mạnh làm bộ quần áo ướt dính sát vào người phô những nét gầy gò của cơ thể ra, trông Lân như một bức tượng. Lân muốn nói một điều gì đó, nhưng tôi biết, lúc ấy mà Lân bật thành tiếng thì nước mắt cũng lập tức chảy theo. Lân nuốt nước bọt cố ghìm một cái gì đang trào lên ở cổ.

Tôi bóp chặt tay Lân, định an ủi một câu mà lúng túng chẳng biết nói gì. Mãi sau, khi tàu đã vòng sang phía bên kia đảo, Lân mới nói:

– Sao mẹ em  không gửi thư nhỉ?

Anh bảo tôi phải trả lời Lân thế nào?

Con tàu bịn rịn chạy quanh đảo hai vòng nữa; rồi không sao khác được, nó rúc lên những hồi còi buồn bã như những tiếng thở dài, quyến luyến từ biệt đảo, đành lòng quay mũi, hướng phía đất liền, nặng nhọc đè sóng.

Chúng tôi siết chặt lấy tay nhau, cùng đứng lặng nhìn theo cho tới lúc con tàu mờ hẳn, mất hút phía chân trời.

Tiêu chuẩn nước ngọt hạ xuống tới mức không thể hạ được nữa: mỗi người một ngày nửa ca. Cuộc sống trên đảo nhiều lúc như vậy đấy anh ạ. Chả thế mà có nhà báo ra đây đã phải kêu lên: “Một ngày ở đảo bằng ba tháng ở Trường Sơn”.

Ai đó hứng miệng nói với anh rằng: chỗ chúng tôi đẹp hệt một vườn hoa đầy san hô hồng như môi thiếu nữ và rực rỡ ánh hào quang, chiều chiều có những nàng tiên bay lượn múa ca, giập giờn mây tím, mây hồng. Đừng tin! Có chăng tâm hồn người lính chốt trên đảo thanh thảo như thần tiên, bởi họ không bận tâm tới tiện nghi, tới giá cả thị trường. Ở đây tất cả những thứ ấy, hầu như vô nghĩa. Nhưng anh đừng nghĩ chúng tôi sống theo bản năng. Chỉ có những người ý thức được một cách đầy đủ nhất ý nghĩa công việc mình làm, ý thức được đầy đủ nhất sự cần thiết phải có mình trên hòn đảo tiền tiêu này mới trụ vững nơi này được.

*

… Sau chuyến tàu phải quay trở về đất liền ấy, anh Nhương trở nên cởi mở. Mà chẳng kín mãi được, cái nút ở hũ bật ra bắt đầu từ dòng địa chỉ “Em Hải Vân Ty Tài chính Đồng Nai mến gửi anh…” rồi. anh kể với chúng tôi về cô gái ấy say sưa như lúc kể về truyền thuyết của đảo vậy.

Hải Vân không đẹp nhưng có duyên: cái miệng gọn xinh; hàm răng trắng đều. Hai người yêu nhau trong dịp anh đóng quân ở Đô Lương. Hồi ấy Hải Vân đang học lớp 9 phổ thông. Hai năm sau anh có dịp hành quân qua mảnh đất nhiều kỷ niệm của mình, nhưng éo le thay, đúng vào lúc Hải Vân ra thành phố Vinh dự thi tuyển vào đại học. Anh xin phép đơn vị mấy tiếng rồi hớt hải ra Vinh với hy vọng gặp người yêu trong ít phút. Đứng ngấp nghé ngoài phòng thi, anh nhìn rõ Hải Vân đang cặm cụi làm bài, anh không thể gọi mà cũng không nỡ gọi: sự xúc động làm người thi mất bình tĩnh.

Anh viết vội mấy dòng gửi lại bác thường trực rồi vội vã ra bến xe đuổi theo đơn vị.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh được ra Bắc với thời gian dài hơn. Chưa về quê vội, anh lên thẳng Hà Nội, vào trường đại học Kinh tế tài chính với niềm vui nho nhỏ: sự bất ngờ của người yêu. Nhưng chính anh bị hẫng, người ta cho biết toàn bộ sinh viên khóa mười có lệnh vào Nam công tác theo yêu cầu đặc biệt của Bộ Tài chính.

Chưa hết phép, anh khoác ba lô trở về đơn vị và ít lâu sau được bổ sung ra đảo.

– Nhanh thật, đã năm năm… Thế là cô ta nhận công tác ở Ty Tài chính Đồng Nai rồi đấy các tướng ạ. Lần này mà đi phép, mình sẽ tới thẳng đó.

– Và không sợ bị hụt nữa chứ.

– Đừng vội. Đứng về mặt tổ chức mà nói, cũng có thể Hải Vân được điều đi nơi khác, hiểu chưa. Cái gì chứ chuyện ấy mình có kinh nghiệm lắm.

Anh Nhương cười ha hả. Điều gì đã làm anh vui vẻ và cởi mở như vậy? Giãi bầy chuyện riêng tư của mình với chúng tôi, anh đỡ nhớ người yêu hơn chăng?

Chưa đủ, điều này ở anh làm tôi ngạc nhiên nữa.

Buổi chiều cái hôm tàu đứt neo ấy, trở về hầm anh bảo:

– Này các tướng, mình hiến cho thằng Long phuy nước ngọt của bộ phận ta nhé – Và như sợ chúng tôi còn phân vân, anh giải thích – Sống chỉ biết có mình thôi là tồi. Bộ phận ta không mèng thế, hiểu chưa. Ở trên hòn đảo nhỏ này chẳng có cái gì là của riêng ai sất.

Tự tay anh moi san hô, lôi phuy nước lên, lăn xuống bếp.

Khỏi nói niềm vui của quản lý Long lúc ấy.

– Tôi biết mà, ha… ha!… Tôi biết thế nào ông cũng sung chỗ nước đó cho đảo, thậm chí không dành riêng cho bộ phận mình một giọt nào…. Đúng hả?

Long mở rộng miệng cười. Các nếp nhăn khắc khổ trên gương mặt lúc nào cung lo lắng có dịp phô ra, in sâu hai bên đuôi mắt. Hiếm lắm mới gặp nụ cười đến là phóng khoáng ở con người quạu quạu kinh niên đó. Long chỉ vui khi nào nước đầy két, thực phẩm trong kho dư dật và những thùng phuy lặc lè dầu… Một năm được mấy dịp như thế! Thằng Nam độc mồm gọi quản lý Long là anh chàng… kiết lỵ cười. Khỉ, giễu người đến vậy là cùng!

Nói đáng tội, trên đảo không có một người căn cơ, ke đo như anh thì cuộc sống chúng tôi sẽ ra sao? Nói gì thì nói, Long là người quản lý tuyệt vời, không chê vào đâu được. Sự thiếu thốn ở đảo cũng sẽ biến bất cứ ai có trách nhiệm đảm đương cái chân quản lý thành ra khó tính như vậy cả.

*

Trong chiến tranh cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, người lính là người tự giác chịu nhiều sự hy sinh. Viết những dòng này ra, biết anh sẽ kêu lên: thật là mòn, cũ. Nhưng tôi lại muốn kể tiếp với anh bắt đầu từ cái nhận xét cũ kỹ đó.

Anh Nhương của chúng ta hy sinh rồi! Vâng, chính là người giải thích sự hiện diện của hòn đảo theo ý hiểu của mình một cách lý thú ấy đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ bốc hàng từ tàu vào đảo.

Con tàu vận tải khổng lồ ấy lại vượt biển ra với chúng tôi. Lần này thì sóng gió trên suốt ba trăm hải lý đã thua nó. Nhưng chúng tôi lại phải trả một giá đắt cho khoảng cách hai trăm mét từ tàu vào đảo. Đưa được tàu ra tới đảo, neo lại, đã khó, lấy được hàng từ tàu vào đảo còn khó hơn nhiều. Sóng to gió lớn là mối đe dọa trực tiếp của những chiếc xuồng mỏng manh…

Khi anh Nhương chèo chiếc xuồng ra nối sợi dây cáp từ tàu vào đảo để những chiếc xuồng khác lần theo mà đưa hàng vào, không phải chúng tôi không lường đến cái khả năng xấu nhất có thể xảy ra. Nhìn chiếc xuồng đu đưa, lặn hụp trên lưỡi sóng, chúng tôi lo đến thót ruột. Không ai muốn đùa giỡn với sự hung dữ của biển cả. Nhưng không anh Nhương thì cũng phải một ai đó trong số chúng tôi ở đây phải làm cái công việc mà tính mạng người ngồi trên xuồng mỏng như ngàn cân treo  sợi tóc.

Chiếc xuống nhích rất chậm chạp, sóng vờn nó như mèo vờn chuột và không muốn nó thắng một cách dễ dàng.

Những bóng áo vằn trên tàu cầm sợi dây sẵn sàng ném xuống.

Chúng tôi nín thở dõi theo chiếc xuồng. Khi nó áp được vào sát thành tàu, mọi người đã mừng. Một phút… hai phút… Sợi dây cáp đã được anh em thủy thủ kéo lên. Nhưng chưa ai kịp thở phào thì ngay lúc ấy, một đợt sóng hất tung chiếc xuồng lên và rất nhanh, quật úp nó xuống. Chúng tôi biến sắc, cùng gào thất thanh:

– Anh Nhươ…ương!

Biển dữ tợn gầm lên với vẻ thỏa mãn độc ác đã lập tức nuốt chửng chiếc xuồng vào lòng nó…

… Đêm ấy chúng tôi đốt lửa đi tìm Anh khắp đảo. Mênh mông những sóng, những nước thế này biết Anh ở đâu? Hú lên một tiếng như những ngày nào hò gọi nhau “đi bắt vích đi, anh Nhương ơi!”.

Ngày hôm sau, biết Anh không về nữa, chúng tôi vẫn đợi cơm. Không ai muốn nuốt dẫu rằng đã lâu lắm rồi trong bữa ăn mới có một bát canh nhiều nước, nhiều mì chính và nhiều cọng rau thế này (nói cọng vì rau đã úa héo, rụng hết lá trên đường ra đảo).

Nhìn lá thư Hải Vân, Anh chưa kịp đọc, nhìn túi ốc biển bao nhiều ngày Anh bỏ thì giờ ra tìm kiếm, nhớ Anh quá chừng! Cái dáng lom khom mờ nhòe trên sóng biển lúc cúi xuống chọn từng con ốc vãn kia, tiếng cười thỏa mãn khi nhặt được một vỏ ốc lạ vẫn đâu đây… Những con ốc này có phải là những hạt cườm Anh nhặt về cho người yêu đấy không? Chúng tôi sẽ kể về Anh như thế nào với Hải Vân đây, anh Nhương?

Những ngày kế đó, chúng tôi bận túi bụi, gắng hết sức vật lộn với sóng gió để chuyển từng hạt gạo, cọng rau, từng giọt dầu, giọt nước lên đảo, nhưng có lúc nào là không nghĩ tới Anh! Biết rằng giữa sóng nước mênh mông hung dữ này Anh khó trở về mà ai cũng nuôi một chút hy vọng được đón Anh tới yên nghỉ dưới chân cây cột cờ giữa đảo.

Cả ngày chuyển hàng mệt nhoài, đêm đến chúng tôi vẫn quây quần lại, nghe Nam kể về gốc tích hòn đảo. Vẫn cái giọng đều đều bắt chước giọng Anh:

– Ngày xửa, ngày xưa…

Từ ngày Anh mất, quản lý Long buồn lắm. Dẫu công việc sắp xếp kho tàng, cộng sổ sách vào dịp hàng lên này khá bận, Long siêng lui tới hầm chúng tôi hơn, tối nào cũng đến ngồi nghe chuyện. Một bữa Long bảo:

– Từ ngày Anh Nhương hy sinh, chim trên đảo đông hơn, hay là Anh cũng đã… Đêm nào tớ cũng đốt ba lon dầu để phía chái hầm, biết đâu Anh chẳng nhìn thấy mà lần về!

– Hoang thế!

– Hoang, hoang? Cậu sống thế à? – Long chồm dậy, mặt tím lại, hai mắt đỏ tía xoáy vào tôi chòng chọc. Chưa bao giờ tôi thấy anh giận dữ một cách quá đáng như vậy – Với anh ấy mà cậu nghĩ thế đấy! Hoang…! Đồ tồi!

Tôi im thít, choáng váng, biết mình lỡ lời và đã xúc phạm vào tình cảm thiêng liêng của Long, cứ ngỡ nói đùa trêu vậy thôi.

Cậu Lân không để ý đến sự bối rối của tôi, cậu ta nói:

– Ông nội Anh Nhương là người biết hết mọi chuyện cổ kim đông tây nhé!

-…

– Thế mà có dạo em lại nghĩ là… Này, chuyện Anh Nhương kể có thật đấy! Sao, anh không tin à?

– Mình tin chứ!

*

Một tuần lễ sau, tàu rời đảo.

Mấy bữa trước anh Khỏa đã báo cho Lân biết quyết định của đảo trưởng: để Lân theo tàu về đất liền. Cu cậu mừng ra mặt, suốt ngày đi vào, đi ra; đêm đến thao thức không ngủ được, chỉ mong cho chóng tới ngày tàu nhổ neo.

… Hôm nay chúng tôi đưa Lân ra tàu. Nam mang hành lý cho Lân, hành lý của người ở đảo về chỉ là chiếc ba lô lép kẹp đựng hai bộ quần áo, cân lương khô và túi ốc biển làm quà cho người thân.

Lân lặng lẽ ôm hôn từng người, bịn rịn hết sức, nước mắt lúc nào cũng chực ứa ra. Nhớ mà!

Mọi điều cần tâm sự, đêm qua chúng tôi đã nói hết với nhau.

Dường như cũng biết ở đảo có người đi xa, những con chim tình nghĩa bay tới, sà xuống đứng quanh Lân. Lân bắt một con, vuốt ve nó rồi tung lên. Con chim bay một vòng, lại sà xuống đậu lên vai Lân, quệt mỏ vào má người chiến sĩ.

Tôi cố ghì chiếc xuồng không cho sóng dồi lên để Lân bước xuống được dễ dàng. Ôm gọn chiếc ba lô trước ngực, ngồi chắc trong xuồng rồi Lân mới nói:

– Thằng Nam bảo với em là từ ngày Anh Nhương đi xa, mây vần vũ trên đảo suốt, đó là điềm chị Hải Vân đã biết tin anh, đúng không?

– Cái thằng mồm như tép nhảy ấy, chỉ bịa chuyện. Mà vui lên chứ, sao vậy? Có được qua nhà cho bọn này gửi lời hỏi thăm mẹ nhé.

Lân không nói nữa, hai mí mắt mọng nước, mặt thần ra ngước nhìn theo những con chim vừa bay lên lượn trên đầu, kêu ồn ã. Rồi chợt cậu ta đứng dậy, quẳng ba lô lên bãi và… rất nhanh, toài người ra khỏi xuồng, chạy lại phía anh Khỏa như sợ có ai giữ lại, mếu máo:

– Em không về đất liền đâu, cho em ở lại…

Chúng tôi nhìn nhau, sững người. Anh Khỏa trở nên bối rối.

– Về đất liền chứ. Lân về đất liền bồi dưỡng một thời gian, khỏe lại ra với bọn mình mà!

Nước mắt Lân giàn giụa:

– Không… không…

Tôi làm ra bộ bình tĩnh, cố nén không để nước mắt ứa ra, quát:

– Lân!… Lạ nhỉ!

Nhưng tiếng quát của tôi như hòn sỏi ném xuống biển, Lân vẫn bíu lấy anh Khỏa, khóc tức tưởi:

– Anh thương em thì cho em ở lại với đảo… Em không thể xa các anh. Em không muốn rời đảo.

Anh Khỏa im lặng, ngước nhìn ra xa, nơi có những đợt sóng dựng cao thi nhau xô tới hằn học dập vào bờ, nơi có những con chim không sợ gió lớn, vẫn liệng cánh. Phía chân trời, những đụn mây xám đen ùn ụn kéo lên kết thành mảng, bay qua đảo.

Đảo trưởng ôm lấy vai Lân để người lính trẻ nép sát hơn nữa vào mình, rồi rất bất ngờ, anh vẫy tay ra hiệu cho thủy thủ đang đứng cả trên boong, hướng về đảo xúc động chứng kiến cuộc chia tay, hãy cho con tàu nhổ neo. Đàn chim bay vút ra lượn trên boong, quấn quít tiễn đưa con tàu rồi trở về đảo, quấn lấy chúng tôi, kêu váng lên.

… Đêm ấy, nằm cạnh tôi, Lân thao thức mãi. Tôi hỏi:

– Sao vậy?

– Em nhớ mẹ quá! Sao hôm nay nhớ thế, chắc mẹ đang nhắc tới em hả? Anh bảo đã ai giúp mẹ em lợp lại căn nhà chưa? Mẹ có trách em không?

Tôi không trả lời, chỉ siết chặt Lân vào lòng như mọi khi, nghĩ miên man…

Một lúc sau Lân thiếp đi trong giấc ngủ mà tôi cho là chập chờn. Tôi ngắm khuôn mặt trẻ trung, sạm đen gió mặn nhưng vẫn giữ được những nét thơ ngây của cậu ta, chợt nhận ra những điều từ trước tới nay tôi chưa biết tới…

Chừng nửa đêm, hắn choàng dậy, hét toáng lên:

– Anh Nhương ơi! Súng đâu, kìa, súng! Sao không bắn?

Tôi vội ôm lấy nó:

– Lân, Lân. Mình đây mà. Sao vậy?

Lân thở hổn hển, đôi mắt hốt hoảng tìm kiếm:

– Anh đấy à? Sao không bắn?

– Bắn ai? Chúng mình đang ngủ trong hầm. Cậu mơ đấy!

– Sao, em mơ thực không?

Tôi lau mồ hôi cho Lân rồi đỡ cậu ta nằm xuống.

– Cậu lại ốm mất rồi!

Lân im thin thít, nép sát vào người tôi.

Mãi tới lúc gần sáng, hắn lay tôi dậy:

– Này, em bảo cái này, anh biết em mơ gì không?

– Sao?

– Em thấy một chiếc tàu lạ rất to, đầu xù lên như đầu con cá sấu tới móc dây vào đảo, kéo đi.

– Bậy nào. Mơ gì mèng thế. Chẳng thằng nào lấy được hòn đảo này của chúng mình cả hiểu chưa.

Lân rúc vào tôi, cười rúc rích. Một lát sau lại hỏi:

– Trên chỉ định anh thay anh Nhương phụ trách bộ phận hẳn?

– Ừ! Ngủ đi mai còn ra với pháo!

Lẫn trong tiếng gió hú, tôi nghe rõ tiếng những bước chân của anh em phân đội ba đi tuần giẫm lên san hô lạo xạo. Và chốc chốc có tiếng chim kêu “chẹc… chẹc…chẹc…” như thể muốn nhắc với mọi người rằng chúng vẫn có mặt và vẫn thức với đảo…

Biển – Mùa sóng 1978

ĐK

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder