Năm năm sau khi về dưỡng lão, Vương công tạ thế. Rồi hai người con ông, trong ba người còn lại, cũng theo ông tất tưởi về trời. Duy sống sót có một người, người ấy lại giở mù giở điếc. Thế cũng đã là tốt lắm, vì trong tộc đảng, nhờ trời, còn có kẻ đứng đầu…
Năm năm sau khi về dưỡng lão, Vương công tạ thế. Rồi hai người con ông, trong ba người còn lại, cũng theo ông tất tưởi về trời. Duy sống sót có một người, người ấy lại giở mù giở điếc. Thế cũng đã là tốt lắm, vì trong tộc đảng, nhờ trời, còn có kẻ đứng đầu.
Lời nguyền rủa của vợ tên tướng giặc độc đinh kia, hình như nhằm phải giờ thiêng, hóa thành linh ứng.
Trong gia đình Vương Tổng đốc, từ ngày ông kết án xử tử Hoàng Sinh Mẫn, bỗng xảy ra lắm tai nạn dị kỳ. Nào Vương công bị tai bay vạ gió bất thường, có kẻ vu cáo ngài phản nghịch nên phải mất quan về làm ruộng. May nhờ chút sản nghiệp to lớn gom góp được trong khi hành chính, Vương công tậu nhà, tậu cửa, sống một đời không danh giá nhưng không đến nỗi nghèo nàn. Chỉ giận nỗi mấy người con ông, tự nhiên không bệnh tật gì, mà ngã quay ra chết đến quá nửa, chỉ còn lại có ba người sống sót, thì toàn là những kẻ vô tài. Song le, phúc nhà họ Vương chưa đến độ kém vẻ thịnh cường, hóa nên trong gia đình cháu chắt đầy đàn, cười đùa vui vẻ.
Năm năm sau khi về dưỡng lão, Vương công tạ thế. Rồi hai người con ông, trong ba người còn lại, cũng theo ông tất tưởi về trời. Duy sống sót có một người, người ấy lại giở mù giở điếc. Thế cũng đã là tốt lắm, vì trong tộc đảng, nhờ trời, còn có kẻ đứng đầu. Xót nỗi ông trưởng tộc ấy, đã bị tàn tật đau khổ vì nỗi kém nghe, kém thấy, lại còn chịu sự báo phục của tiền oan nghiệt chướng một cách tối sâu xa thâm thúy, tựa hồ kết quả sự tàn nhẫn của phụ thân ông, Vương Tổng đốc, hoàn toàn rơi xuống đầu ông. Một mình ông đã chôn không biết bao nhiêu là con, là cháu. Chúng nó chết dần, chết mòn, chết hết, cứ nhớn lên là chết, hễ đứa nào nhớn đến mười tám tuổi là tự nhiên không tật bệnh, cũng tự hủy mình một cách thảm thương. Sự hủy mình đó lạ lắm.
Đàn con cháu ấy, đẻ ra đều nuôi được hết, đứa nào cũng khôi ngô, tuấn tú và thông minh. Trước năm mười tám tuổi, chúng nó đều sống vui vẻ tự nhiên như người thường, nhưng hễ đến khi đúng tuần hai chín, là đứa nào cũng trải qua một thời kỳ vớ vẩn như điên, như sảng, rồi, ngăn cấm gìn giữ thế nào cũng không được, chúng đều tìm ao, tìm hồ, nhẩy xuống trẫm mình. Hình như có ma thiêng dun dủi chúng nó, làm mờ mắt chúng đi, khiến có đứa bị gìn giữ quá nhảy cả xuống bể nước trong sân, hoặc úp mặt vào chậu thau mà chết ngạt.
Bao nhiêu con cháu họ Vương đều rủ rê nhau đi tìm Tử thần trong những trường hợp cực kỳ thê thảm, khiến ông tộc trưởng đêm ngày lo lắng lập đàn cúng tế, mời thầy trừ tà, mà cũng chẳng ăn thua. Ông biết mối tiền oan kia còn cố kết chưa tan, nên ông lại tìm cách bảo tồn nòi giống một cách lạ lùng hơn nữa. Ông mua một lúc đến mười người thiếp, ăn ở với họ ít ngày, rồi đuổi về cả. Trong mấy người thiếp, chỉ có một ả thụ thai sinh được một con giai; đứa con ấy phải sai người lén tìm đến ăn cắp đi rồi đem giấu thật xa, nuôi quá hai mươi nhăm tuổi mới cho về nhà. Thằng con có phúc đó bây giờ là Vương Thái công. Thái công sống độc đinh cô quả, trong khi bao nhiêu anh, bao nhiêu em, bao nhiêu chú bác, lần lượt bị oan hồn đến dìu dắt, kéo lôi về chốn Tuyền đài.
Đến lượt Thái công, mười năm sau khi phụ thân ông từ bỏ cõi đời, ông mới về quê nhận điền sản và nhà cửa. Rồi ông bán hết sạch, di cư sang một nơi khác ở vùng trên. Ông mua tất cả non ba chục xử nữ để làm hầu thiếp và nô tỳ, ông gieo mầm sinh dục cho tất cả ba mươi thiếu phụ đó. Thế mà số ông hiếm vẫn hoàn hiếm, ba mươi người vợ chỉ có ba người sinh nở mà thôi. Thái công được có hai trai, một gái. Các vợ chửa, ông cho đi ở mỗi người một ngả, khi nào các con khôn lớn mới được trở về. Bởi thế, hai đứa con trai không bao giờ được gần kề bố cả, chỉ có riêng Liễu là phận gái thì được mẹ đem về nhà nuôi nấng mà thôi. Thái công tin rằng oan hồn không bắt con gái làm gì, vì con gái không phải là người có thể dùng được để bảo tồn gia tộc. Nhớn lên, nó lấy chồng họ khác, không thuộc về họ Vương nữa, lẽ tất nhiên ma không hại nó làm gì. Tuy vậy, Thái công vẫn trông nom săn sóc đến Liễu, đồng thời ông phái người đi lại trông nom rất cẩn thận đến hai đứa con giai sống mỗi đứa ở một phương xa lạ,
Có lẽ những tin đi tin về khiến cho oan hồn theo dõi mà biết, hoặc có lẽ Số mệnh khắc nghiệt xui khiến họ Vương đến ngày phải tuyệt diệt để giải hết nghiệt chướng đã gây từ thuở trước, nên hai người con giai kia, mặc dầu mẹ đã hết cách ngăn ngừa gìn giữ, cứ đúng mười tám tuổi cũng đâm ra điên dại, vẩn vơ. Rồi, một đêm, theo gương của các chú bác ngày xưa, chúng lừa lúc trong nhà phẳng lặng ngủ yên, trốn ra ngoài nhảy xuống các ao đầm tự tử.
Thế là hết. Dòng họ Vương đến đây dứt hẳn, chỉ sót lại có một mụn con gái còn thơ. Mụn con gái ấy, Liễu nhi, vì thế được Thái công quý mến như vàng như ngọc. Thái công chọi mãi với oan hồn mà vẫn thấy mình đại bại, ông dần dà đâm ra yếu nhược, tin rằng cố trái với mệnh số cũng vô ích, đành dằn lòng vui cùng đứa con gái nhỏ mà thôi. Ông không muốn tốn công tốn sức đẻ con giai nữa làm gì, biết trước rằng có sinh cũng không nuôi được.
Vương Thái công đã chắc chắn tin có oan trái, nên càng không muốn làm hại những thê thiếp, ông cho họ về hết cả, chỉ giữ lại vài người hầu hạ mà thôi. Ông lại nhất quyết không nghĩ đến con giai, tình nguyện sống cô độc, mang tội bất hiếu, không mong ở sự bảo tồn nòi giống nữa. Ông tin một cách tuyệt vọng và đau đớn rằng ông và Liễu sẽ là những người cuối cùng trong gia tộc mà gia tộc ông, theo nghiệp số, đã đến ngày suy diệt hẳn rồi. Cho nên ông không muốn phí ngày giờ nghĩ ngợi lo lắng làm gì cho mệt. Ông chỉ cố nuôi Liễu cho thành người, gả chồng cho Liễu, và bắt người chồng ấy sau này, chống gậy cho ông. Thế là ông sẽ mãn nguyện.
Thấm thoát Liễu đã đến năm mười tám tuổi. Vương Thái công, tuy trong bụng đinh ninh rằng Liễu sẽ thoát khỏi tay độc ác của nghiệt báo, nhưng ông vẫn bắt em về nhà, không cho đi học nữa. Qua khỏi năm vận hạn, qua khỏi năm mười tám, bấy giờ ông mới đỡ lo. Ông tự nghĩ:
– Miễn là nó đi được bước này cho vững! Thế là ta không sợ nữa. Họa chăng ta không đến nỗi một mình cực nhục, đã không con giai lại mất cả con gái, thì kiếp sống thừa nào có vui gì! Em Liễu nay mai lấy chồng, đổi họ, đổi dòng, chắc các dây oan nghiệt phải thấy ngày đoạn tuyệt!
Vương Thái công sống trong một bầu hy vọng nồng nàn chan chứa. Ông rất hả hê khi thấy trong nửa năm trời, từ lúc bắt đầu mười tám tuổi, Liễu vẫn bình an vui vẻ như thường. Ngờ đâu bỗng có một ngày, mà ngày ấy mở cuộc cho một thời tai nạn liên miên, phá tan hẳn hạnh phúc độc nhất mà Thái công tưởng sẽ an nhàn được hưởng!
Ngày ấy vào khoảng trung tuần tháng sáu, Liễu đương tự nhiên, đâm ra mê sảng, ốm nằm liệt giường. Trong chả bao lâu, khuôn mặt xinh đẹp của em đã hóa ra hốc hác tiều tụy, da thì nhợt nhạt, xám bủng, mắt thì quầng tím thâm bầm. Thân gái tơ phút chốc xác như ve, làn tóc đậm đà đen mượt như huyền cũng tơi tả rụng đi như lá mùa thu bị gió tỉa dần tan tác.
Thái công đêm ngày lo nghĩ, nào đón thầy, nào cân thuốc, nhưng công ông như công dã tràng xe cát, hoàn toàn vô dụng trước mãnh lực thiêng liêng của Tử thần chờ đợi từ lâu. Liễu không hề ăn chút cơm nào, chỉ đòi uống nước. Thái công trông thấy trong sự thèm khát của Liễu cái điềm báo ứng rõ rệt của nghiệt chướng, ông biết rõ sự nguy cấp đã đến, bèn không quản gì căn bệnh của con gái, đem vực Liễu lên xe, cùng ông đi trốn ở phương Nam. Ông vào tỉnh thành Quảng Đông lánh nạn. Thuê một tòa nhà đường hoàng lộng lẫy, ông để Liễu ở trong. Người nhà đông đúc theo cả đoàn, chỗ nào cũng đứng túc trực giữ gìn thân thể Liễu. Liễu bị nhốt trong một căn phòng rộng rãi, có then sắt, có khóa đồng, trong phòng dùng năm con nữ tì săn sóc, ngoài phòng cắt sáu tên kiện nhi lần lượt trông coi, cấm không được để Liễu đi ra vườn, sợ bị ma dun dủi ra hồ sen phía sau nhà tự tử.
Thay nhà ở hình như có công hiệu, Liễu tự nhiên khỏi, lại vui đùa, ăn uống như thường. Một tháng sau, da mặt lại hồng hào, hình dung lại tươi tốt. Rằm tháng bảy, trong nhà Thái công mời các tăng ni và pháp sư đến lập đàn tràng để cúng giải oan cho các vong linh kẻ thù được siêu linh tĩnh độ. Cúng xong, Liễu thấy trong mình khỏe khoắn, ăn uống có điều ngon lành, tâm thần có chiều phấn khởi, Liễu tựa hồ mất hẳn tính hay buồn rầu chán nản, chơi đùa hát xướng rất vui nhà. Nhưng, như thế được mươi hôm, thì, một tối, Liễu ngả xuống ngủ rất say, rồi ngủ luôn ba bốn hôm không tỉnh. Tay chân vẫn ấm áp, người vẫn nóng, tâm vẫn đập, mũi vẫn thở, Liễu không phải chết, chỉ là bị mê vùi trong một giấc mộng rất dài thôi. Người nhà nối tiếp nhau thức suốt bốn năm đêm để canh thân thể Liễu. Liễu say mê mệt như thế đúng bảy ngày không trở dậy. Thái công lo ngại vô cùng. Ông dặn người nhà phải hết sức giữ gìn tiểu thư, song họ khó nhọc đã lâu nên ai nấy đều mệt nhoài ra cả. Họ lại cho rằng Liễu ngủ say như thế có tỉnh cũng còn khó, không e ngại gì; họ khóa chặt cửa phòng ngủ của Liễu, rồi nằm cả ở ngoài đánh giấc.
Đêm hôm ấy là một đêm thu giá lạnh; vừng trăng non như lưỡi liềm le lói chiếu một áng bạch quang phờ phạc, tỏ mờ. Một vẻ êm đềm bay lượn trong không gian, mà chỉ có tiếng dế than ti tỉ, tiếng gió đập vi vút, hơi người thở phì phào làm cho chốc chốc hơi rung động. Ngoài ra, cảnh vật như cũng nặng nề ngủ một giấc say sưa lặng lẽ, dưới muôn ngàn con mắt lấp lánh của vũ trụ, trông nom Tạo hóa trong buổi đêm dài.
Bỗng đâu, xé rách đám không trung tịch mịch, một tiếng cú kêu ghê rợn rúc lên như báo trước có sự thảm thiết sắp xảy ra. Quả nhiên, tiếp theo, một tiếng hét như tiếng ai bị móc gan xé ruột, một thứ tiếng đau đớn bi đát không tài nào tả xiết, cũng họa dịp với tiếng cú rúc mà bay tỏa khắp vùng, tựa hồ như còi hiệu của “Thần Chết” lúc tạt qua vùng nhân thế.
Rồi lại im, lại tối; mảnh trăng khuya điềm nhiên lửng lơ treo ẻo lả trên cành.
Sáng hôm sau, Vương Thái công hốt hoảng tất tưởi chạy ra hồ sen, thì chỉ còn được thấy xác em Liễu nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Trong gian phòng của Liễu, trên đầu giường, gia nhân tìm được một lá thơ, không biết từ đâu đưa đến:
“Thưa cha,
“Con ngủ luôn hồi lâu, đi chơi sang một cõi khác, mới biết mình không thể nào sống thêm được nữa. Theo định số, giờ chết của con đã đến nơi rồi. Vậy nên nguệch ngoạc mấy hàng này để từ giã cha, và nhân tiện để nói rõ cha nghe ẩn tình trong đời con, mà mãi nay con mới biết.
“Con kiếp trước sinh ra làm vợ một tên tướng cướp họ Hoàng. Tên tướng cướp bị ông tứ đại nhà ta giết chết, làm cho họ nó tuyệt tự. Vợ nó có nguyện rằng sau này sẽ báo thù lại, làm cho họ Vương cũng chịu nỗi đau đớn dứt nòi giống như họ Hoàng. Người đàn bà ấy nguyện xong thì đâm đầu xuống ao tự tử. Lời nguyền ấy đúng phải giờ thiêng nên hóa ra một sức mạnh vô địch. Kẻ tự tử kia lại chết giữa lúc còn niên thiếu, hóa nên hồn oan thiêng một cách lạ thường. Những người trong họ nhà ta đều bị hồn oan ấy dun dủi cho nhẩy xuống nước mà chết cả. Báo đến mấy đời rồi, lời nguyền tuy vẫn còn nghiệm nhưng các hồn bất đắc kỳ tử cũng nguôi nguôi. Trong lúc trả thù, đáng nhẽ họ Vương chỉ phải chịu có một phần nghiệt chướng; song le vợ chồng họ Hoàng hăng hái quá, trút trên đầu họ Vương những nỗi oan khốc quá nặng nề, đòi nợ quá nhiều, nên hết ba đời, lại phải đầu thai vào họ Vương để trả nợ lại. Bởi thế, con sinh làm Liễu nhi mà Hoàng Sinh Mẫn thì tái sinh làm cha đó! Trước kia là chồng vợ, ngày nay là cha con. Vợ chồng Hoàng Sinh Mẫn làm khổ họ Vương thái quá, nên lại phải xuống trần gian chịu hộ những nỗi đau đớn cho dòng họ ấy một phần. Trên trần nhìn thì khác cả, dưới âm trông đời người chỉ thấy toàn quả báo mà thôi.
“Kiếp này con cũng muốn ở lại cho cha vui lòng mà không được. Lời nguyền thuở trước của con lại buộc vào cổ con. Ngày nay oan nghiệt đã tuyệt rồi, cả hai họ thù oán nhau cũng đã dứt rồi, thì mối thù oán kia tự nhiên phải tiêu tán hẳn. Cha còn phải ở lại trên đời chịu đau khổ thêm ít nữa, vì trước kia cha quá tàn nhẫn với họ Vương, nên bây giờ phải gánh hộ họ Vương một phần thương tâm cho công bằng.
“Trời là đấng chí công chí minh, ta có ra ngoài cõi thế, nhìn vào phàm trần, mới trông thấy lắm điều chí lý mà khi làm người, ta không bao giờ tưởng tượng được.
“Nay tuyệt bút
Liễu bái”
Phổ thông bán nguyệt san,
số 39, 16.7.1939