GS Nguyễn Huệ Chi, sinh ngày 4 tháng 7 năm 1938, là nhà nghiên cứu Văn học Việt Nam cổ, trung và cận đại; nguyên trưởng phòng Văn học Việt Nam cổ cận đại của Viện Văn học; nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Văn học thuộc Viện KHXH Việt Nam, là hội viên Hội NVVN từ 1984. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi còn được biết đến với các bút danh Phương Tri, Huệ Chi, Cánh Hồng, Hy Tuệ.
Trong bài mở đầu cho chuyên mục “Văn Việt hải ngoại” chúng tôi xin trân trọng giới thiệu trích lược bài luận của GS nguyễn Huệ Chi về dòng văn học Việt Nam hải ngoại giai đoạn 1975 -2000. Bài viết này có tên đầy đủ là “Thử tìm một lối tiếp cận văn sử học về Hai mươi nhăm năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-2000”.
Ở phần “Danh xưng”, tác giả dùng lý luận và minh chứng để cắt nghĩa tên của dòng văn học này, nhưng dường như tác giả khẳng định đây vẫn là một bộ phận không thể tách rời của dòng Văn học Việt Nam nói chung. Ông viết: “ Picasso, dù xây dựng toàn bộ sự nghiệp hội họa ở Paris, nhưng đối với quốc tế, ông vẫn là họa sĩ Tây Ban Nha. Xem như thế, nguồn gốc quan trọng nhường nào. Nabokov đi lưu vong, mang theo linh hồn và văn hóa Nga trên đất Mỹ, Pháp, rồi Thụy Sĩ… nhưng ông không được ghi nhận như nhà văn Nga mà là nhà văn Mỹ, gốc Nga, bởi vì tác phẩm của ông, phần lớn viết bằng tiếng Mỹ. Do đó, ngôn ngữ thiết yếu đến đâu. Nguồn gốc và ngôn ngữ là hai yếu tố xác định “quốc tịch” nghệ thuật, dù biết rằng nghệ thuật không có và không cần quốc tịch. Riêng đối với văn chương, thì ngôn ngữ là yếu tố xác định. Những phần tử như địa lý, chính trị,… chỉ là những tiết tố có thể có ảnh hưởng đến bản chất nghệ thuật và tư tưởng của tác giả”.
Cấu tạo của bài luận gồm các phần dưới đây ngoài phần đặt vấn đề (không đặt tít phụ): Danh xưng/ Văn học Việt Nam hải ngoại được hình thành ở thời điểm nào? Tâm thức hòa hợp dân tộc và xây dựng đời sống mới/ Cái chết của Vũ Hoàng Chương/ Người Việt viết tiếng Việt/ Phân định các giai đoạn văn học (Thời kỳ phôi thai từ 1975 đến 1981- Thời kỳ phát triển từ 1982 đến 1990 -Thời kỳ hòa hợp từ 1991 đến 2000).
Để phù hợp với tình hình thực tại của trang Website, chúng tôi chỉ xin trích đăng một phần của bài luận này (Phân định các giai đoạn văn học) với hy vọng giúp bạn đọc hình dung được quá trình phát sinh phát triển của văn học hải ngoại Việt Nam. Nội dung đầy đủ có thể truy cập trên google với cụm từ khóa đã giới thiệu ở trên.
Nhà thơ Nguyễn Đình Minh
(Giới thiệu)
Phân định các giai đoạn văn học
Sau 11 năm tù, được trả về đoàn tụ với gia đình ngày 11/2/1991, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đến Mỹ cuối tháng 2 năm 1995 theo diện ODP. Tháng 6 năm 1997, trên báo Hợp Lưu số 35, Nguyễn Mạnh Trinh hỏi: “Trong văn chương, anh có nghĩ có biên giới giữa những người cầm bút Việt Nam ở trong nước và ở hải ngoại? Hoặc giữa những người ở miền Nam và ở miền Bắc?” Doãn Quốc Sỹ trả lời: “Văn chương Việt Nam là văn chương Việt Nam! Đơn thuần chỉ có vậy! Những người Việt miền Bắc, người Việt miền Nam, người Việt quốc nội, người Việt hải ngoại phản ánh những gì xẩy ra qua lăng kính cá tính văn chương của từng người. Cả nền văn chương Việt Nam nói chung do đó mà có được sắc thái lung linh phong phú. Tôi hiểu biên giới trong câu trên là như vậy.”
Câu trả lời của Doãn Quốc Sỹ thầm ngụ ý nghĩa: Không một biên giới nào có thể ngăn chặn sự hợp sóng, giao trào giữa những luồng tư tưởng khác nhau, xuất phát từ những môi trường đào tạo khác nhau, nơi con người.
Cũng mong rằng sau này, dù rất lâu về sau, khi người đọc trong nước có điều kiện tiếp nhận những thông tin khách quan về động lực thúc đẩy và điều kiện hình thành của nền văn học Việt ngoài nước, sẽ hiểu được những hoài bão, mất mát, ngay cả những cực đoan, thái quá, trong lòng người di tản. Cảm thông những trắng tang, biến đổi trong nhau hơn là hôm nay: mọi sự dường như đang còn dựa trên những hố sâu ngăn cách, mà những cá nhân, những thế lực, thế quyền nổi chìm của đôi bên, vẫn còn gây ô nhiễm tâm trường tình cảm của con người, trong một cuộc chiến tranh lạnh vô hồn, dị dạng, không ai có thể hình dung được chân dung đích thực.
Sau biến cố 75, người Việt rời nước ra đi, có một nhu cầu cần được thỏa mãn: Phần lớn chưa đọc được ngoại ngữ, vậy phải có cái gì để “đọc”. Đó là một nhu cầu có tính “vật chất” tin tức, thông báo hơn là văn chương. Nhưng vì “tin tức, thông báo” trở thành quý hiếm, xa nhòa , giữa cộng đồng trong nước và cộng đồng di tản, cho nên nó đã trở thành một ảo ảnh, biến thành một thực tại văn học. Với những người vượt biên, vượt biển, trong giai đoạn thứ hai, nhu cầu thông tin về kinh nghiệm và thực tại khốc liệt mà mình đã trải qua, nhen nhúm như một đốm lửa thiêu đốt các trang trắng trong lòng người: Nơi các nhà văn, nhu cầu ấy trở nên cấp thiết. Các bản thảo của Nhật Tiến, Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, Hà Thúc Sinh, Tạ Tỵ… đều xuất phát từ các trại tỵ nạn. Nơi họ, ảnh ảo và ảnh thật giao nhau để tạo thành các tác phẩm thời sự văn học. Do đó mà văn học Việt Nam hải ngoại mang hai tính chất cơ bản: Ảo ảnh xa nhớ quê hương và thực tại kinh hoàng của những tử, sinh, tuyệt, đoạn. Nền văn học ấy gắn liền, thoát thai từ nhiều bi kịch mà thuyền nhân là rường mối hàng đầu.
Theo thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn, trong khoảng 30/4/75 có khoảng 130 000 người bỏ nước ra đi. Có thể nói những người này “phụ trách” mảng văn học hải ngoại thời kỳ phôi thai. Thời kỳ phát triển, phần lớn do những người đi sau, tức là những thuyền nhân đảm trách. Thảm cảnh thuyền nhân dàn trải trong nhiều năm. Năm 75, sau ngày 30/4 có 377 người vượt biển. Năm 76 có 5619 người. Và 77: 15 675 người. Cao nhất là năm 79 với 205 489 người.
Những người vượt biển tràn lên bờ các quốc gia láng giềng, gây khủng hoảng trong nội tình Đông Nam Á. Nhiều nước áp dụng những biện pháp gay gắt đối với người tỵ nạn: Ngăn chặn và xua đuổi. Không cho thuyền nhân dạt vào bờ. Chơi vơi ngoài khơi, thuyền hỏng máy, thiếu lương thực, tầu bè quốc tế lờ đi không cứu vớt. Số người tỵ nạn vong thân không biết là bao nhiêu. Nhiều ước lượng khác nhau, thay đổi từ 30% đến 50%.
Trong tình cảnh bi thảm ấy, một hội nghị quốc tế được thành lập tại Genève mùa hè năm 1979. Liên Hiệp Quốc triệu tập 72 nước, trong đó có Việt Nam, để bàn về vấn đề thuyền nhân. Chính quyền Việt Nam hứa sẽ ngăn chặn các vụ vượt biển. Các quốc gia Đông Nam Á chịu cho người tỵ nạn tạm trú trong khi chờ đợi một nước thứ ba tiếp nhận vĩnh viễn. Các nước Tây phương chia nhau tiếp đón người Việt di tản, do đó mọi việc tạm thời được giải quyết.
Nhưng cũng trong năm 79 này, một thảm cảnh khác được phơi bầy với dư luận thế giới: Sự hoành hành của cướp biển trên vịnh Thái Lan. Một số nhà văn, nhà báo như Nhật Tiến, Dương Phục, Vũ Thanh Thủy đã trải qua những ngày kinh hoàng trên đảo Kra, bị cướp biển hành hung, cầm tù. Thoát được, Nhật Tiến, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã báo động thảm kịch thuyền nhân với dư luận thế giới.
Theo thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, năm 1981 có 455 thuyền Việt Nam tới Thái Lan thì 352 thuyền bị cướp, tỷ lệ 77%. Số người bị cưỡng hiếp là 599 người. Số người bị bắt cóc là 243 người.
Từ 1980, chương trình ra đi có trật tự theo tinh thần thỏa ước Genève hè 79, được áp dụng. Nhiều gia đình được đoàn tụ theo ngả chính thức. Vì thế số thuyền nhân giảm dần nhưng vẫn còn kéo dài trong nhiều năm. Đến những năm 94-95, khi hầu hết các quốc gia trên thế giới không chịu tiếp nhận người Việt nữa, vấn đề thuyền nhân mới thật sự chấm dứt.
Tính đến giữa năm 82, số người Việt rời nước theo các ngả thủy bộ, tổng cộng khoảng 900 000 người. Chính cộng đồng mới này đã tăng cường và phát triển văn học hải ngoại với những ký ức chiến tranh, cải tạo, vượt biên… và đã thúc đẩy một lớp nhà văn mới bước vào sáng tác.
Để phân chia từng thời kỳ văn học, chúng ta có thể dựa trên nhiều yếu tố then chốt: như mốc các đợt di dân, như thời điểm các nhà văn miền Nam xuất ngoại, như sự khai sinh các tờ báo văn học, các nhà xuất bản ra đời, hay sự phát triển kỹ nghệ điện toán với bộ chữ Việt… Kết hợp những yếu tố này, chúng ta có thể phân đoạn 25 năm qua thành ba thời kỳ:
Thời kỳ phôi thai từ 1975 đến 1981. Những tờ báo chủ yếu chuyên chở sinh hoạt văn học trong thời kỳ đầu là các tờ Đất Mới, Hồn Việt và Văn Học Nghệ Thuật. Về mặt xuất bản, cơ sở Người Việt (ra đời trước báo Người Việt) hoạt động từ năm 1976 ở Mỹ. Ở Paris, nhà Lá Bối xuất hiện tháng 11/76. Đó là những nhà xuất bản chủ trương in sách mới. Đồng thời, cơ sở Đại Nam, cũng thuộc những nhà xuất bản ra đời sớm nhất, hoạt động từ tháng 7/76 và sau đó, Sống Mới, Xuân Thu là những nhà chủ trương in lại sách cũ miền Nam và văn học tiền chiến. Trong thời kỳ này, sách báo còn bán ở các tiệm chạp phô.
Về mặt sáng tác: Minh Đức Hoài Trinh có thơ trên Hồn Việt Nam. Võ Phiến có những tạp bút, tạp ghi, tùy bút, in thành tập Thư Gửi Bạn (Người Việt xuất bản năm 76), Ly Hương, in chung với Lê Tất Điều (Người Việt, 77), tiểu thuyết Nguyên Vẹn (Người Việt, 78) và Lại Thư Gửi Bạn, (Người Việt, 79). Lê Tất Điều có hồi ký Ngưng Bắn Ngày Thứ 492 (in năm …), Đóng Cửa Trần Gian (…) và Thơ Cao Tần (1978).
Tập san Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến và Lê Tất Điều ra được 13 số (từ tháng 4/78 đến tháng 9/79) thì đình bản vì thiếu phương tiện.
Cuốn bút ký chiến tranh xuất hiện sớm nhất có thể là Ngẩng Mặt Nhìn Trăng Sáng của Hoàng Khởi Phong, viết chung với Hoàng Chính Nghĩa (Lê Bi), do Bố Cái in năm 1977.
Năm 1979, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa ở Montréal xuất bản cuốn Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa của Nguyễn Khắc Ngữ.
Năm 1980, Võ Đình cho Lá Bối in tập truyện ngắn Xứ Sấm Sét.
Năm 1981 Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển in tập tài liệu Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan của Nhật Tiến, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy và nhà xuất bản Nghiên Cứu Sử Địa ở Montréal in cuốn hồi ức Việt Nam Những Ngày Lịch Sử của Nguyễn Tường Bách.
Đó là đại cương những tác phẩm tiêu biểu xuất hiện trong thời kỳ đầu.
*
Thời kỳ phát triển từ 1981 đến 1990. Đây là một thời kỳ vô cùng phong phú về mặt báo chí cũng như tác phẩm văn học, sẽ được khảo sát chi tiết ở các chương sau.
Sinh hoạt báo chí khởi sắc với sự hiện diện của Mai Thảo và tạp chí Văn, số ra mắt tháng 7 năm 1982. Mai Thảo nhập cuộc với một thôi thúc: “Hợp nhập trường kỳ vào đại thể quê hương. Vào vận nạn đất nước”, ông xem đó là con đường đi của văn học hải ngoại. Nói cách khác, Mai Thảo chủ trương văn học phải đi sát với hoàn cảnh lịch sử và gắn bó với khổ đau của con người.
Đến tháng 5/85, Võ Phiến và Lê Tất Điều cho tục bản tờ Văn Học Nghệ Thuật bộ mới, cũng chỉ ra được 8 số thì đình bản, vì Võ Phiến phải mổ tim. Tờ báo được trao lại cho Nguyễn Mộng Giác, đổi tên là Văn Học từ tháng 2 năm 86. Văn Học đã giữ vai trò chủ chốt trong giai đoạn phát triển, khám phá những tài năng mới.
Ở Canada, tháng 9 năm 1984, nhóm Nguyên Hương – Nguyễn Hữu Nghĩa chủ trương tờ Làng Văn. Làng Văn cũng đã đắc lực trong việc phát triển văn học hải ngoại những năm 85-88.
Thời điểm báo chí thịnh hành nhất là những năm 84-85, có tới khoảng 600 tờ khác nhau. Rồi tụt xuống khoảng 300 tờ vào năm 87 và còn lại khoảng 90 tờ những năm 90.
Tháng 5/89, cơ sở Người Việt phát hành tạp chí Thế Kỷ 21, nguyệt san chính trị, thời sự, văn học. Rồi tháng 4 năm 1990, Viên Linh cho tục bản tờ Thời Tập, đã ra đời ở Sàigòn trước 75. Thời Tập cầm cự được 11 số, đến tháng 4 năm 91 thì đình bản.
Về mặt xuất bản, nhà Văn Nghệ của ông Võ Thắng Tiết với bức thư tâm huyết gửi độc giả, xuất hiện tháng 10 năm 1985, in tác phẩm đầu: Đời Viết Văn Của Tôi của Nguyễn Hiến Lê. Văn Nghệ đã có những đóng góp lớn lao cho văn học hải ngoại. Dường như tất cả mọi yếu tố đều quy tụ trong giai đoạn hai thứ này để tiến tới sự phát triển: Lớp người vượt biển với những nhà văn, nhà thơ mang nặng tâm tư và ký ức, kinh nghiệm sống trong nước sau 75; sự phát triển kỹ nghệ tin học; khát vọng xây dựng một nền văn học tự do… Đó là những lý do và đồng thời cũng là những động cơ thúc đẩy sáng tác. Và chính trong giai đoạn này, người viết ở ngoài nước đã có cơ hội vẽ nên những thăng trầm của lịch sử nội chiến, của cuộc sống tù đầy, cải tạo, cùng thảm cảnh thuyền nhân và những ngày sống trên đất mới.
Nhưng giai đoạn thứ hai này không chỉ có những đóng góp tích cực. Bộ mặt tiêu cực của nó là vạch nên một thực tại đen tối về đất nước, thúc đẩy những phong trào chống cộng quá khích. Nhiều phần tử, chưa từng sống dưới kinh nghiệm cộng sản, lợi dụng để “hư cấu” ra một xã hội mà hận thù là chủ thể của môi trường.
Thời kỳ hòa hợp từ năm 1991 đến 2000. Hòa hợp trong nhiều khía cạnh: Hòa hợp dân tộc lẫn hòa hợp và mở rộng địa lý văn học: Từ tâm điểm ở Mỹ, chu vi văn học mở rộng sang thế giới Đông Âu và Việt Nam…
1989 – bức tường Bá Linh sụp đổ kéo theo sự sụp đổ gần như toàn diện của thế giới cộng sản Đông Âu. Tâm cảm người di tản cũng bước sang một giai đoạn mới: Chờ đợi và hy vọng một sự thay đổi chính trị ở Việt Nam. Tính chất “đoạn tuyệt” với quê hương không còn nữa mà mở ra một cầu nối, một niềm tin về sự trở về. Một số những tờ báo mới xuất hiện, với những người viết muốn tìm một hướng đi khác: Họ muốn xóa bỏ hận thù, tìm con đường hòa hợp dân tộc.
Về nguyên thủy, nhà văn Nhật Tiến là người đầu tiên cổ động và phát huy chủ trương hòa hợp dân tộc ngay từ 1985. Nhân dịp ra mắt tập truyện ngắn Một Thời Đang Qua của Nhật Tiến và tập nhạc Thấm Thoát Mười Năm của Phạm Duy tại Washington ngày 11/10/85; trong bài phát biểu, Nhật Tiến đặt vấn đề:
“Trong một lá thư gửi từ quốc nội, một văn hữu có hỏi tôi một câu ngụ ý rằng “Ở hải ngoại các anh đã thực sự có tự do cầm bút hay không?” và Nhật Tiến đã trả lời: “Tôi thấy rõ người cầm bút ở đây chưa thực sự có tự do cầm bút.” Để minh chứng cho điều mình nói, Nhật Tiến đã mô tả những giới hạn của cộng đồng hải ngoại, bị chi phối bởi những thành kiến, những quan điểm chống Cộng hẹp hòi mà không nhìn đến thực tại của quê hương. Ông viết: “Sự giao thông đi lại giữa hai miền Nam Bắc đã soi sáng một vấn đề mà trước đó ít ai nhận ra: Đó là tuyệt đại đa số nhân dân miền Bắc, dù đã bị nhào nặn trong lò của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, thì con người đích thực của họ vẫn còn tồn tại.” Từ chủ điểm nhìn nhận lại mình và nhìn nhận lại nhau, Nhật Tiến nhấn mạnh: “Người cầm bút lưu vong phải tự giải phóng mình để tìm lại chân trời tự do sáng tạo”, can đảm nói lên thực tại quê hương mà không ngại sự chụp mũ, hoặc sa vào vòng “bè phái tâng bốc thù tạc”.
Đường lối “hòa hợp dân tộc” còn được xướng lên từ một tờ báo chính trị tại Pháp, tờ Thông Luận do Nguyễn Gia Kiểng chủ trương, ra mắt vào tháng 1/1988. Thông Luận chủ trương “phá rào”, muốn trở thành “diễn đàn của nhiều lập trường khác nhau”, muốn phá bỏ những “cấm kỵ” của một cộng đồng mang nặng tâm sự quá khứ, thắt chặt mình trong biên giới chính trị một chiều. Chủ trương của Thông Luận được nhiều người hưởng ứng nhưng cũng gây nhiều chống đối gay gắt về phía những cá nhân, tổ chức chống cộng cực đoan.
Khi biến cố Đông Âu bùng nổ, khuynh hướng “hòa hợp dân tộc” dường như chiếm ưu thế, văn học hải ngoại chuyển mình, muốn đoạn tang với quá khứ để bước vào một giai đoạn mới. Những người đi tiên phong trong lãnh vực này là nhóm Hợp Lưu, do Khánh Trường chủ trương, với Phan Tấn Hải, Lê Bi, Nhật Tiến, Phạm Việt Cường, Hoàng Khởi Phong, Đỗ Mạnh Trinh, Đỗ Khiêm… Rất đông nhà văn, nhà thơ hưởng ứng phong trào. Chủ trương của tờ báo được Khánh Trường xác định trong lá thư tòa soạn, số đầu, ra ngày 1/10/1991: “Hợp Lưu sẽ là diễn đàn phổ biến tất cả các tác phẩm của anh em văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, những tác phẩm nói lên được khát vọng chung của dân tộc, tấn công mạnh mẽ vào thành trì lạc hậu, tha hóa, chia rẽ, lầm than, đói nghèo, vong thân cũng như phô diễn được cái đẹp, cái hay của ngôn ngữ Việt.”
Trước khi Hợp Lưu ra đời, nhóm Thân Trọng Mẫn đã cho in Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương, một tuyển tập khá đồ sộ, dầy 797 trang, gồm những bài viết và sáng tác ở trong nước trong thời kỳ cao điểm “phản kháng” 1986-1989. Đây là một cố gắng lớn để thực hiện sự giao lưu “trong – ngoài” giữa những người cầm bút tranh đấu cho tự do và sự thật.
Cùng thời điểm 1/10/91, ban biên tập nguyệt san Đoàn Kết ở Paris với Nguyễn Ngọc Giao, Hà Dương Tường, Trần Hải Hạc, tuyên bố trả lại Đoàn Kết cho Hội Việt Kiều và thành lập tờ Diễn Đàn, chủ trương ly khai với chính quyền Hà Nội.
Khuynh hướng của Hợp Lưu tuy bị đả kích khá gay gắt, nhưng đã có ảnh hưởng sâu xa đến số đông thầm lặng và đã gây được một phong trào hòa hợp dân tộc thực sự. Cùng hướng với Hợp Lưu, một số các tờ báo khác ra đời: Tháng 6/1992, nhóm Trân Sa, Tư Đồ Tuệ, Hà Trọng Vũ ở Toronto, Canada, xuất bản tạp chí Trăm Con. Nhưng Trăm Con cũng chỉ sống được 14 số rồi phải đình bản vào tháng 9/1993. Tháng giêng năm 94 có tờ Đối Thoại do nhóm Nguyễn Hương, Lê Bi, Thân Trọng Mẫn, Trương Vũ, Nhật Tiến, Lê Thứ, Đỗ Hữu Tài… chủ trương. Tờ báo tuyên bố “chúng tôi muốn đối thoại” và “công nhận sự tồn tại của người khác”, tìm một hành trình dân chủ, không “phủ nhận bất cứ một khuynh hướng chính trị nào”. Nhưng Đối Thoại cũng chỉ sống được vài số; sau số 5, tháng 4/95 thì ngừng hẳn. Dù chỉ hoạt động được hơn một năm, Đối Thoại đã có ảnh hưởng khá lớn trong giới trí thức trong và ngoài nước, cùng một chủ trương đấu tranh cho dân chủ bằng ngòi bút.
Mùa thu năm 94, Tạp Chí Thơ số 1 ra đời, 4 tháng một lần với nhóm Khế Iêm, Đỗ Khiêm, Phan Tấn Hải, Chân Phương, Nguyễn Hoàng Nam, Trầm Phục Khắc… mong mỏi tìm một hướng đi mới cho thơ. Tháng 11/96, Viên Linh cho tục bản nguyệt san Khởi Hành, đã xuất hiện trong nước trước 75. Khởi Hành là tờ báo văn học của những người ra đi theo diện HO, như lời tuyên bố của Viên Linh. Khởi Hành quy tụ những nhà văn đã thành danh trong nước trước 75, phần lớn đã trải qua nhiều năm cải tạo. Những bài viết của họ đậm nét hồi ức sinh hoạt văn học miền Nam, hoặc phản ánh đời sống lao tù của văn nghệ sĩ sau 75. Đầu năm 1998, tạp chí Việt, một năm hai kỳ, do Nguyễn Hưng Quốc chủ trương, phát hành tại Úc. Nhiều tờ báo khác xuất hiện tại Đông Âu.
Những biến đổi chính trị trên thế giới góp phần mở rộng môi trường báo chí hải ngoại, tạo ra một diện mạo văn học, thời kỳ thứ ba, khác hẳn hai thời kỳ trước: Những nhà văn xuất thân từ những quá khứ chính trị khác nhau, cùng có mặt trên diễn đàn văn học hải ngoại.
——————————————————————–
*Nguồn: Thụy Khuê
*Tiêu đề bài này do biên tập đặt lại