Phát súng- Truyện ngắn của Alexander Pushkin

Chúng tôi đọ súng
Baratưnxki(1)
Tôi thề sẽ bắn hắn theo đúng luật lệ quyết đấu
(một phát súng của tôi đang dành cho hắn).
Một buổi chiều tối ở doanh trại lộ thiên(2)…

 

Chúng tôi đọ súng
Baratưnxki(1)
Tôi thề sẽ bắn hắn theo đúng luật lệ quyết đấu
(một phát súng của tôi đang dành cho hắn).
Một buổi chiều tối ở doanh trại lộ thiên(2)

 

Chúng tôi đóng quân ở thị trấn X. Sinh hoạt của một sỹ quan trong quân đội thì chẳng còn ai lạ gì nữa. Buổi sáng thao diễn, tập ngựa; trưa ăn ở nhà trung đoàn trưởng hay ở quán rượu của một người Do Thái; chiều tối uống rượu và đánh bài. Ở X. không có một nhà nào mở rộng cửa, chẳng có một cô gái nào đáng để ý. Chúng tôi tụ tập ở nhà nhau, hết nhà này lại sang nhà khác; nơi đây, ngoài những bộ quân phục ra, không còn thấy gì khác nữa.
Trong chúng tôi, chỉ có một người không phải con nhà lính. Y trạc độ ba mươi lăm tuổi, vì thế mà được chúng tôi xem như một ông già. Sự từng trải đã khiến cho y có nhiều ưu thế hơn lũ chúng tôi. Hơn nữa, cái sắc thái đăm chiêu hàng ngày, cái tính tình khe khắt và lối ăn nói độc địa của y có ảnh hưởng rất mạnh tới đầu óc non trẻ của chúng tôi. Có một cái gì bí ẩn bao phủ lên cuộc đời của y. Y có vẻ là một người Nga, nhưng lại mang một cái tên phản quốc. Ngày trước y phục vụ trong kỵ binh và được xem như là một con người tốt số. Không ai biết nguyên nhân gì đã khiến y xin giải ngũ và đến trú ngụ ở cái thị trấn khốn khổ này; ở đây y sống một cuộc đời vừa nghèo nàn vừa xa xỉ. Y luôn luôn đi bộ, mặc một chiếc áo dài đen đã cũ, nhưng lại sẵn lòng thết đãi rộng rãi tất cả các sỹ quan trong trung đoàn chúng tôi. Thật ra thì bữa ăn ở nhà y thường chỉ là hai hay ba món, do một anh lính về hưu nấu, nhưng rượu sâm-banh thì cứ tha hồ rót như nước sông. Không ai biết gì về tài sản và nguồn thu nhập của anh, nhưng cũng chẳng ai dám hỏi y về những điều ấy. Y có nhiều sách, phần lớn là những sách nói về quân sự và tiểu thuyết nữa. Y vui lòng cho người ta mượn đọc và không bao giờ đòi về, nhưng những sách y mượn của người ta thì y cũng chẳng bao giờ trả lại. Công việc chính của y là tập bắn súng lục. Các bức tường trong phòng y chi chít những lỗ đạn bắn trông như tổ ong. Xa xỉ phẩm duy nhất trong gian nhà nghèo nàn của y là bộ sưu tập rất phong phú những khẩu súng lục. Nghệ thuật bắn súng của y đạt tới mức kỳ diệu, đến nỗi nếu y tỏ ý muốn bắn một quả lê đặt trên mũ cát-két của một kẻ nào đó, thì bất cứ ai trong chúng tôi cũng sẵn sàng đưa đầu ra cho y, không một chút e ngại. Chuyện trò của chúng tôi thường đả động đến những trận quyết đấu. Xinviô (đó là tên của y) không bao giờ xen vào những chuyện ấy. Nếu hỏi y đã có lần nào quyết đấu với ai chưa, thì y trả lời gọn lỏn là có, nhưng không bao giờ đi vào chi tiết, những chuyện ấy hình như làm cho y khó chịu. Chúng tôi đoán rằng trong lương tâm y chắc đã in một hình ảnh một nạn nhân bất hạnh nào đó của tài nghệ bắn súng kinh khủng ấy. Vả lại không một ai có thể nghi ngờ chút nào rằng y là một người nhát gan. Có những kẻ chỉ nhìn bề ngoài thôi cũng đủ khiến cho người ta không thể nào nghi ngờ như thế được. Một biến cố bất ngờ xảy ra khiến cho tất cả chúng tôi đều phải kinh ngạc.
Một hôm, khoảng chừng mười người trong số sỹ quan chúng tôi ăn trưa ở nhà Xinviô. Chúng tôi uống rượu như thường lệ, nghĩa là uống rất nhiều. Sau bữa ăn, chúng tôi yêu cầu chủ nhân cầm cái một canh bài. Y từ chối rất lâu, vì hầu như y không hề đánh bài bao giờ cả. Nhưng cuối cùng, y cũng bảo đem bài ra, ném lên bài năm mươi rúp và ngồi xuống chia bài. Chúng tôi xúm lại quanh y và canh bạc bắt đầu. Trong lúc đánh bài, Xinviô có một thói quen là hoàn toàn im lặng, không bao giờ cãi cọ, phàn nàn gì hết. Có một nhà con nào tính nhầm, nếu thiếu thì y sẽ chung thêm vào ngay cho đủ, nếu thừa thì y ghi ngay vào đó. Chúng tôi vốn đã quen với điều ấy, nên cứ để mặc y, chẳng ai cản trở gì. Nhưng trong chúng tôi có một sỹ quan mới thuyên chuyển đến đơn vị. Hắn cũng đánh bài và vô ý gắp thừa một góc(3), Xinviô theo thường lại cầm viên phấn ghi số tiền lại cho cân. Viên sỹ quan tưởng rằng y nhầm, bèn lên tiếng phân trần. Xinviô vẫn im lặng cầm cái. Viên sỹ quan không nén nỗi bực tức, bèn lấy bàn chải xoá những chữ ghi mà hắn cho là không đúng. Xinviô thản nhiên lấy phấn ghi lại lần nữa. Viên sỹ quan hăng tiết lên vì hơi rượu, vì canh bạc, vì tiếng cười của các bạn, cho rằng như thế là mình bị xúc phạm cay chua phát khùng lên, vơ lấy cái chân đèn bằng đồng trên bàn, ném vụt vào mặt Xinviô, may mà y nghiêng đầu tránh kịp. Chúng tôi lo lắng, Xinviô đứng dậy, tái mặt đi vì tức giận, mắt nảy lửa, y bảo: “Thưa ngài, mời ngài đi ra, và ngài hãy tạ ơn Chúa rằng việc này đã xảy ra ở đây, trong nhà tôi”.
Chúng tôi không còn nghi ngờ gì về hậu quả của việc này và đã xem người bạn mới của chúng tôi như một người chết rồi. Viên sỹ quan đi ra và nói rằng vì sự xúc phạm ấy y sẵn sàng đáp ứng lại ý muốn của chủ nhân cầm cái. Canh bài vẫn tiếp tục thêm mấy phút. Nhưng cảm thấy chủ nhân không còn tâm trí để đánh bài nữa, chúng tôi bèn lần lượt rút lui về nhà mình, vừa đi vừa bàn bạc về chỗ của viên sỹ quan sắp bị khuyết.
Hôm sau trong buổi tập ngựa, chúng tôi đang hỏi nhau xem viên trung uý ấy còn sống không thì thấy hắn dẫn xác đến. Chúng tôi bèn hỏi. Hắn trả lời rằng không nhận được tin tức gì của Xinviô cả. Chúng tôi rất ngạc nhiên, bèn kéo đến nhà Xinviô, thì thấy y đang đứng trong sân, từng phát một, bắn rất tin vào con bài át dán ở cổng. Y tiếp chúng tôi như thường lệ, và không có lấy một lời nào đả động đến việc xảy ra hôm qua. Ba ngày sau, viên trung uý vẫn cứ sống. Chúng tôi ngạc nhiên đánh dấu hỏi: chả nhẽ Xinviô lại không quyết đấu ư? Xinviô đã không quyết đấu thật. Y bằng lòng nhận một lời xin lỗi rất qua loa và giải hoà.
Việc này đã làm tổn thương rất lớn đến uy tín của y trước bọn trẻ chúng tôi. Đối với thanh niên thì điều khó tha thứ nhất là sự thiếu can đảm, chúng tôi cho rằng lòng can đảm là phẩm chất tối cao của con người và nó có thể xoá nhoà được tất cả mọi điều xấu xa. Nhưng dần dần rồi người ta cũng quên hết và Xinviô lại được nể vì như cũ.
Riêng chỉ có tôi không thể gần gũi y được nữa. Tôi bẩm sinh có một trí tưởng tượng lãng mạng; trước đó tôi lại kẻ gắn bó hơn ai hết đối với cái con người mà cuộc đời có một cái gì bí ẩn, một người mà tôi có cảm tưởng là nhân vật chính của một thiên tiểu thuyết huyền bí nào đó. Y cũng mến tôi; ít nhất là đối với tôi, y cũng bỏ lối nói độc địa thường ngày và chuyện trò hồn nhiên đủ thứ, nghe hết sức thú vị. Nhưng từ sau cái buổi tối tai hai ấy, ý nghĩ rằng danh dự của y đã bị một vết nhơ, mà y lại đành lòng bỏ qua, không chịu rửa sạch, ý nghĩ ấy cứ ám ảnh tôi, khiến tôi không thể đối xử với y như trước được. Tôi thấy xấu hổ khi nhìn y. Xinviô cũng thừa trí thông minh và kinh nghiệm để nhận thấy điều đó và đoán biết nguyên nhân. Hình như điều ấy cũng khiến cho y khổ tâm. Ít nhất thì đã hai lần, tôi thấy y có ý định muốn phân trần với tôi. Nhưng tôi tránh những trường hợp ấy; rồi Xinviô cũng tránh mặt tôi. Từ đó tôi chỉ còn gặp y những khi cùng có mặt các bạn khác, và những chuyện trò cởi mở thành thật trước kia chấm dứt hẳn.
Những kẻ sống bận rộn ở thủ đô không thể hiểu được những xúc cảm rất quen thuộc của dân ở nông thôn hay ở tỉnh lẻ như nỗi mong chờ ngày phát thư chẳng hạn. Ngày thứ ba và ngày thứ sáu, văn phòng trung đoàn chúng tôi chật ních những sỹ quan: kẻ thì đợi nhận tiền bạc, kẻ thì thư, kẻ thì báo chí. Các bưu kiện thường được mở ngay tại chỗ, những tin tức nhận được đem ra kháo với nhau, và trong văn phòng bày ra một cảnh rất náo nhiệt. Xinviô nhận thư theo địa chỉ của trung đoàn tôi và theo lệ thường vẫn có mặt ở đó. Một hôm vừa nhận được một bức thư, y vội vã bóc niêm với một vẻ sốt ruột lạ lùng. Đọc lướt qua bức thư, mắt y sáng lên long lanh. Các sỹ quan đều bận lo thư từ của mình, chẳng ai để ý. “Thưa các ngài, – Xinviô nói, – hoàn cảnh bắt buộc tôi phải rời khỏi nơi này, không trì hoãn được, tôi đi ngay đêm nay; mong rằng các ngài không từ chối một bữa ăn cuối cùng ở nhà tôi. Tôi chờ đón anh, – y quay sang tôi nói tiếp, – thế nào cũng đến nhé!” Dứt lời, y vội vã đi ngay. Chúng tôi thoả thuận với nhau là sẽ đến tụ tập ở nhà Xinviô, rồi tản mát.
Tôi đến nhà Xinviô đúng giờ đã hẹn và gặp hầu hết các sỹ quan trong trung đoàn của tôi ở đó. Tất cả đồ đạc của y đã gói ghém lại, chỉ còn trơ những bức vách trần trụi lỗ chỗ vết đạn. Chúng tôi ngồi vào bàn; chủ nhân vui vẻ lạ thường, chẳng mấy chốc niềm vui của y lây ra thành niềm vui chung. Nút chai nổ liên tiếp, cốc sủi bọt lách tách không ngừng và chúng tôi đem hết nhiệt tình chúc kẻ lên đường mạnh khoẻ, gặp mọi điều may mắn. Mãn tiệc thì đã nhá nhem tối. Mọi người cầm lấy mũ của mình, Xinviô từ giã khách, nắm lấy tay tôi và giữ lại, chính vào giữa lúc tôi sắp sửa ra về. “Tôi cần phải nói chuyện với anh”, – y khẽ bảo tôi. Tôi ở lại.
Khách đã về hết; chỉ còn lại hai người chúng tôi ngồi đối diện nhau, đốt tẩu thuốc, im lặng. Xinviô vẻ mặt tư lự, không còn dấu vết nào của cơn vui bồng bột lúc nảy. Sắc mặt tái xanh, u sầu, cặp mắt sáng long lanh, từ miệng y toả lên làn khói thuốc dày đặc, trông y như quỷ hiện hình vậy. Mấy phút trôi qua và Xinviô phá vỡ sự yên lặng.
– Có thể không bao giờ chúng ta gặp lại nhau nữa, – y nói với tôi, – trước khi chia tay tôi muốn giãi bày với anh một điều. Chắc anh cũng thấy rằng tôi vốn ít quan tâm đến dư luận kẻ khác, nhưng tôi mến anh và cảm thấy rằng tôi sẽ khổ tâm nếu phải để lại trong anh một ấn tượng thật bất công.
Y ngừng nói, nhét một nhúm thuốc nữa vào tẩu. Tôi im lặng, mắt nhìn xuống đất. Xinviô nói tiếp:
– Anh hẳn lấy làm lạ là tôi đã không bắt tên R. điên say rượu kia đền tội. Anh cũng biết rõ rằng tôi có quyền chọn vũ khí; tính mệnh của hắn đã nằm trong tay tôi, còn về phần tôi, hầu như là không có gì nguy hiểm: tôi có thể quy cho thái độ ôn hoà của tôi như sự thể tất của lượng khoan hồng, nhưng tôi không muốn nói dối. Giá tôi có thể trừng phạt R. và hoàn toàn không có chút nào nguy hiểm đến tính mệnh mình, thì nhất định tôi đã không tha.
Tôi kinh ngạc nhìn Xinviô. Lời thú nhận ấy khiến tôi hết sức bối rối. Xinviô tiếp:
– Đúng như thế, tôi không có quyền mạo hiểm trước cái chết. Sáu năm trước đây tôi đã bị một cái tát, và kẻ thù của tôi vẫn đang sống.
Óc hiếu kỳ kích thích tôi mãnh liệt.
– Anh không quyết đấu với hắn à? – tôi hỏi. – Chắc là hoàn cảnh đã khiến anh với hắn xa nhau phải không?
– Tôi đã quyết đấu với hắn, – Xinviô đáp, – và đây là kỷ niệm của cuộc quyết đấu ấy.
Xinviô rút từ trong hộp giấy ra một cái mũ vải đỏ có tua vàng và có đính lon (thứ mũ mà người Pháp vẫn gọi là bonet de police*); y chụp lên đầu: cái mũ bị một vết đạn xuyên qua phía trên cách trán khoảng độ hơn bốn xăng-ti-mét. Xinviô tiếp: – Anh cũng biết rằng trước kia tôi đã tòng ngũ trong một trung đoàn kỵ binh. Tính tôi anh cũng không lạ gì: tôi có thói cứ muốn hơn thiên hạ, lúc còn trẻ đối với tôi đó cũng là một ham mê không sao cưỡng nổi. Thời chúng tôi thì ngổ ngáo là một cái mốt: tôi là tay ngổ nhất trong đơn vị. Chúng tôi tự hào với những cơn say rượu: tôi uống rượu còn hơn cá Burtxốp(4) lừng danh, kẻ mà Đênix Đavưđốp(5) đã từng ca ngợi. Các trận quyết đấu luôn luôn xảy ra trong đơn vị: nếu không là đấu thủ thì tôi cũng là người làm chứng, không bao giờ thiếu mặt. Các bạn hữu sùng bái tôi và các viên chỉ huy của tôi (họ luôn luôn bị đổi đi nơi khác) xem tôi như là một tai ách không thể tránh khỏi.
Tôi đang thoải mái (hoặc quay cuồng) tận hưởng vinh quang của mình, thì cấp trên chuyển đến đơn vị chúng tôi một người (tôi không muốn nói tên) trẻ tuổi, giàu có và một thuộc dòng dõi danh gia thế phiệt. Thật trong đời tôi chưa gặp một kẻ nào tốt số và hào hoa đến thế! Anh hãy tưởng tượng xem: trẻ tuổi, thông minh, đẹp trai, vui tính đến điên cuồng, dũng cảm một cách vô tư, con nhà tiếng tăm lừng lẫy, tiền bạc thì hắn không bao giờ đếm mà cũng không bao giờ cạn. Anh thử nghĩ xem ấn tượng của hắn gây ra trong chúng tôi mạnh mẽ đến nhường nào. Ưu thế của tôi bị lung lay. Cảm phục tiếng tăm của tôi, hắn tìm đến kết giao; nhưng tôi tiếp hắn một cách lạnh nhạt và hắn cũng lánh xa tôi không mảy may tiếc rẻ. Tôi đâm ra thù ghét hắn. Lòng ái mộ của trung đoàn và giới phụ nữ đối với hắn đã khiến cho tôi hết sức cay cú. Tôi bèn tìm cách gây sự. Những câu châm chọc của tôi được hắn đáp lại bằng những lời lẽ mà bao giờ tôi cũng thấy là bất ngờ, sắc cạnh và nhất định là dí dỏm hơn của tôi. Hắn thì giễu cợt còn tôi thì cáu kỉnh. Thế rồi một hôm trong buổi khiêu vũ ở nhà một người điền chủ Ba Lan, thấy hắn được tất cả giới phụ nữ chú ý, nhất là nữ chủ nhân, vốn là nhân tình của tôi, tôi liền bỏ nhỏ vào tai hắn một câu sống sượng và lỗ mãng. Hắn phát khùng lên, nện cho tôi một cái tát. Chúng tôi vồ lấy gươm. Các cô, các bà sợ hãi ngất đi. Người ta can chúng tôi ra và ngay đêm ấy chúng tôi hẹn quyết đấu.
Trời vừa hửng sáng. Tôi đã đứng ở chỗ hẹn với ba nguời làm chứng. Tôi hết sức sốt ruột chờ địch thủ đến. Mặt trời lên, nắng xuân toả ấm. Tôi nhìn thấy hắn từ đằng xa. Hắn đi bộ, mặc quân phục, có đeo gươm, kèm theo một người làm chứng. Chúng tôi tiến đến gặp hắn. Hắn tới gần, tay cầm một chiếc mũ lưỡi trai đựng đầy những quả anh đào. Những người làm chứng đo hai mươi bước làm cự ly giữa chúng tôi. Lẽ ra tôi bắn trước, nhưng làn sóng căm giận trong tôi mãnh liệt đến nỗi tôi không còn tin ở mức chính xác của bàn tay mình nữa và để có thì giờ để trấn tĩnh, tôi nhường hắn bắn trước; đối thủ của tôi không chịu. Chúng tôi bèn bắt thăm, hắn rút được số thứ nhất: xưa nay hắn vẫn là đứa tốt số. Hắn đưa súng lên và bắn trệch. Viên đạn xuyên qua mũ của tôi. Đến lượt tôi bắn. Thế là sinh mệnh của hắn nằm gọn trong tay tôi. Tôi hau háu nhìn hắn, cố tìm cho ra bóng dáng của một nỗi lo âu… Hắn đứng trước mũi súng, chọn trong mũ những quả anh đào chín, ăn và phun hạt ra, hạt bắn tới tận chân tôi. Sự bình thản của hắn khiến tôi tức đến phát điên lên. Tôi thầm nghĩ: tước sinh mệnh của hắn có lợi gì cho tôi, một khi mà chính hắn cũng chẳng tha thiết gì với cái sinh mệnh ấy? Một ý nghĩ độc ác thoáng hiện ra trong óc tôi; tôi hạ súng xuống bảo hắn: “Tôi thấy ngài như đang nghĩ về cái chết, mời ngài cứ về ăn sáng. Tôi không muốn làm phiền ngài”. – “Không, ngài có làm phiền tôi tí nào đâu, – hắn đáp, – mời ngài cứ bắn, vả lại ngài muốn thế nào cũng được, phát súng của ngài tuỳ ngài sử dụng. Và tôi luôn luôn sẵn sàng chiều ý ngài”. Tôi quay lại những người làm chứng, phân trần rằng giờ đây tôi chưa muốn bắn và cuộc quyết đấu kết thúc.
Tôi xin giải ngũ và lánh về chốn này. Từ đó đến nay, không ngày nào tôi không nghĩ đến việc báo oán. Giờ phút phục thù hôm nay đã đến…
Xinviô rút trong túi bức thư vừa nhận được sáng nay và đưa cho tôi xem. Một kẻ nào đó (hình như là một người đại diện của y) ở Mátxcơva viết thư về cho y viết rằng có một nhân vật cụ thể sắp thành hôn với một thiếu nữ trẻ và xinh đẹp.
– Anh cũng đoán được, – Xinviô nói, – nhân vật cụ thể đó là ai rồi? Tôi đi Mátxcơva đây. Thử xem trước ngày cưới, hắn có đón cái chết một cách dửng dưng như hắn đã đón thuở ấy với những quả anh đào nữa không!
Dứt lời, Xinviô đứng dậy, ném phịch cái mũ xuống sàn rồi đi đi lại lại trong phòng giống như một con hổ trong chuồng. Tôi ngồi yên nghe Xinviô lòng hồi hộp vì những cảm giác kỳ dị và trái ngược.
Người hầu vào báo là ngựa đã sẵn sàng. Xinviô xiết chặt tay tôi. Chúng ta ôm hôn nhau. Y ngồi lên xe. Trên xe đã chất hai chiếc va-li, một chiếc đựng những khẩu súng lục và một chiếc đựng đồ đạc của y. Chúng tôi từ biệt nhau một lần nữa và chiếc xe ngựa phóng đi.

– o O o –


Mấy năm trôi qua, và công việc nhà bắt buộc tôi phải dọn về ở tại một trại ấp khốn khổ thuộc huyện N. Trong khi chăm lo công việc gia đình, tôi vẫn không khỏi âm thầm luyến tiếc quãng đời ồn ào vô tư trước kia. Tôi khổ nhất là phải lủi thủi một mình một bóng vào những buổi tối mùa thu và mùa đông buồn tẻ. Trước bữa ăn trưa, tôi còn có thể giết thì giờ bằng cách này hay cách khác: nói chuyện với viên thôn trưởng, đi xem người làm, đáo qua những bộ phận mới xây dựng; nhưng khi bóng tối trùm xuống thì tôi thật không biết làm gì nữa. Số sách ít ỏi tìm được dưới tủ và trong kho thì tôi đã thuộc lòng như cháo. Tất cả những chuyện mà mụ quản gia Kirilốpna có thể nhớ được thì mụ đã kể đi kể lại cho tôi nghe mãi. Những bài ca của các cô thôn nữ chỉ làm cho tôi thêm buồn. Tôi định uống rượu, nhưng uống rượu thì nhức đầu. Nhưng cũng xin thú thật rằng tôi cũng sợ phải biến thành một tay uống rượu giải sầu hay một con ma men như người ta vẫn thường thấy khá nhiều ở trong huyện tôi. Tôi cũng chẳng có bạn láng giềng nào gần gũi, trừ hai hoặc ba con ma men mà câu chuyện chung quy phần lớn chỉ là tiếng nấc và tiếng thở dài. Thà cô đơn còn hơn.
Cách nhà tôi bốn véc-xta là trại ấp giàu có của nữ bá tước B., nhưng chỉ có mình viên quản lý ở đó, còn nữ bá tước chỉ về thăm trang trại một lần vào năm bà mới lấy chồng và ở lại đó chừng một tháng. Nhưng mùa sang xuân thứ hai trong cuộc đời ẩn vật của tôi thì tôi nghe nói rằng đến mùa hè, nữ bá tước và ông chồng sẽ về trại ấp. Quả nhiên sang đầu tháng Sáu thì họ về.
Việc một kẻ láng giềng giàu có về làng đối với dân ở thôn quê là một biến cố quan trọng. Các nhà địa chủ và gia thuộc của họ bàn luận về việc ấy từ hai tháng trước và cho đến ba năm sau vẫn còn nhắc lại. Về phần tôi, thú thật rằng cái tin có một người phụ nữ láng giềng trẻ đẹp về quê đối với tôi có một tác động rất mạnh. Tôi nóng lòng sốt ruột muốn được gặp mặt, và vì thế ngay chủ nhật đầu tiên, sau khi họ về, xong bữa ăn trưa là tôi đi ngay đến ấp trại để xin báo với các vị ấy rằng tôi là một kẻ láng giềng gần gũi và một kẻ nô bộc trung thành xin ra mắt.
Người hầu đưa thư vào phòng khách của bá tước và đi báo tin. Gian phòng rộng rãi, trang hoàng cực kỳ sang trọng. Dọc tường dựng những tủ đựng đầy sách; trên mỗi tủ có một pho tượng bán thân bằng đồng; phía trên cái lò sưởi bằng cẩm thạch treo một tấm gương soi lớn, sàn phủ nệm xanh, trên nệm có trải thảm. Ở trong cái xó xỉnh nghèo nàn này, đã lâu tôi không nhìn thấy những cảnh giàu có và không còn quen với những cái sang trọng, cho nên tôi bỗng đâm ra rụt rè và đợi bá tước với vẻ nhút nhát sợ sệt, giống như một người ở tỉnh lẻ có được cầu xin phải lên kinh đô đang chờ đợi một vị thượng thư. Cửa mở, và một người đàn ông trạc ba mươi hai tuổi, dung mạo khôi ngô bước vào. Bá tước tiến lại gần tôi, vẻ niềm nở và thân mật. Tôi cố gắng trấn tĩnh và đã toan tự giới thiệu, thì bá tước đã đỡ lời. Chúng tôi cùng ngồi. Lối chuyện trò thoải mái và khả ái của bá tước chẳng mấy chốc đã đánh tan được sự rụt rè vụng dại của tôi. Tôi vừa trở lại bình tĩnh tự nhiên, thì bỗng bá tước phu nhân bước vào và tôi lại đâm ra bối rối hơn trước bội phần. Qủa thực phu nhân là một trang tuyệt sắc. Bá tước giới thiệu tôi với vợ; tôi muốn làm ra vẻ tự nhiên, nhưng càng cố giữ cho mình tự nhiên bao nhiêu, tôi càng cảm thấy mình vụng về bấy nhiêu. Muốn để tôi đủ thì giờ trấn tĩnh và quen dần với buổi gặp mặt ban đầu mới mẻ, họ bèn quay lại nói chuyện với nhau, xử sự cùng tôi như với một bạn láng giềng tốt, không khách sáo câu nệ. Trong khi đó, tôi bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, ngắm nghía các quyển sách và các bức tranh. Về hội hoạ, tôi không phải là tay sành sỏi, nhưng có một bức tranh đã khiến tôi chú ý. Bức tranh vẽ một phong cảnh nào đó ở Thụy Sĩ. Nhưng cái khiến tôi chú ý không phải là những nét vẽ mà lại là một điều khác: bức tranh đã bị hai viên đạn bắn chồng lên nhau.
– Thật là một phát súng tài tình! – tôi nói to và quay lại phía bá tước.
– Vâng, – bá tước đáp, – thật là một phát súng tuyệt diệu! – Và nói tiếp: – Ông bạn bắn giỏi chứ?
– Cũng không đến nỗi kém! – Tôi đáp, và sung sướng vì thấy câu chuyện rốt cuộc đã động chạm đến một vấn đề tôi rất quen thuộc. – Cách ba mươi bước, tôi không bắn trệch một con bài, tất nhiên là với một khẩu súng đã quen tay!
– Thật không? – Nữ bá tước hỏi vẻ mặt rất chăm chú. – Còn anh, anh bạn của em, cách ba mươi bước anh có bắn trúng được một con bài không?
– Hôm nào chúng ta thử xem, – bá tước trả lời, – trước kia tôi bắn cũng khá, nhưng đã bốn năm rồi, tay tôi không còn cầm đến súng.
– Ồ, – tôi nhấn mạnh, – nếu vậy thì tôi cam đoan rằng cách hai mươi bước thì ngài cũng chẳng bắn trúng được một con bài: với súng lục phải tập luyện hàng ngày kia đấy. Về điều này, tôi đã có kinh nghiệm. Trong trung đoàn chúng tôi thì tôi được xếp vào hàng những tay bắn cừ nhất. Nhưng có lần trọn một tháng tôi không cầm đến súng, vì súng tôi đem đi chữa, đến hôm tôi tập lại, ngài đoán thử xem sự thể như thế nào? Lần đầu tôi bắn trệch bốn phát liền một cái chai để cách có hai mươi lăm bước. Trong đơn vị chúng tôi có một đại uý kỵ binh hóm hỉnh, hay bông đùa. Hôm ấy y tình cờ có mặt ở đấy và bảo tôi: “Này ông bạn, tôi thấy hình như tay bạn kiêng nể cái chai lắm thì phải!” Không nên, thưa ngài, thật không nên lơ là tập luyện, nếu không, thế nào cũng ngượng tay. Tôi đã được gặp một tay thiện xạ cừ khôi; y tập bắn hàng ngày, ít nhất là ba phát trước mỗi bữa ăn. Đối với y thì bắn súng cũng thành lệ như uống hớp rượu lót dạ vậy.
Bá tước và phu nhân rất hài lòng vì tôi đã bắt chuyện.
– Nhưng y bắn như thế nào? – Bá tước hỏi tôi.
– Thưa ngài như thế này, y thấy một con ruồi đậu trên bức tường, phu nhân cười ư? Thật đấy mà, y thấy một con ruồi đậu trên bức tường, y liền gọi: “Cudơma, súng!” Cudơma mang lại cho y một khẩu súng đã nạp đạn. Y đoành một phát và con ruồi bị cắm sâu vào tường!
– Thật là kỳ diệu! – Bá tước nói. – Thế tên y là gì?
– Thưa ngài, Xinviô!
– Xinviô à! – Bá tước kêu lên, giật bắn người, vụt đứng dậy, – ông biết Xinviô?
– Sao lại không biết, chúng tôi là chỗ quen thân, y được trung đoàn chúng tôi xem như người anh, người bạn. Nhưng đã năm năm rồi, tôi không được tin tức gì của y cả. Nhưng sao ngài lại biết y?
– Tôi biết chứ, biết rất rõ. Y có kể cho ông nghe… nhưng thôi… tôi chắc là không. Y có kể cho ông nghe một sự việc rất ly kỳ không?
– Có phải chuyện cái tát không; thưa ngài có phải chuyện y bị một người nào đó tát trong một buổi khiêu vũ không?
– Thế y có kể cho ông biết tên người ấy không?
– Thưa ngài, không ạ, y không nói. A, thưa ngài, – tôi đoán ra sự thật, liền nói tiếp, – xin lỗi ngài… tôi không biết có phải chính ngài là…
Bá tước đáp với vẻ xúc động lạ thường:
– Chính tôi đấy! Và bức tranh bị đạn kia là kỷ niệm lần gặp gỡ cuối cùng giữa chúng tôi…
– Trời, anh yêu quý ơi, – phu nhân nói, – em van anh, đừng kể, em khiếp lắm.
Bá tước bảo:
– Không, tôi sẽ kể hết, ông khách đây đã biết tôi xúc phạm đến bạn ông ấy thế nào, vậy ông ấy cần biết là Xinviô đã trả thù lại tôi như thế nào chứ.
Bá tước mời tôi ngồi xuống một chiếc ghế bành và tôi nghe câu chuyện sau đây, óc hiếu kỳ bị kích động mãnh liệt.
– Năm năm trước đây tôi cưới vợ. Tháng đầu tiên, tháng trăng mật, tôi sống ở đây, trong trại ấp này. Chính nhà này là nơi tôi đã được sống những giây phút tươi đẹp nhất của đời mình, và cũng là nơi ghi lại một trong những kỷ niệm nặng nề nhất.
Một buổi chiều nọ, chúng tôi cưỡi ngựa cùng đi chơi. Nhưng con ngựa của nhà tôi không hiểu sao đâm ra trái chứng trở nết. Nhà tôi sợ bèn giao ngựa cho tôi dắt và đi bộ về. Tôi về trước. Đến sân tôi thấy một cỗ xe của khách bộ hành; gia nhân cho tôi biết trong phòng khách có một người đang đợi. Người ấy không có nói tên, chỉ bảo là đợi tôi có việc. Tôi vào phòng khách và thấy trong bóng tối, có một người mình đầy bụi bậm, râu ria xồm xoàm, đang đứng cạnh lò sưởi. Tôi tiến lại gần cố gắng nhớ lại nét mặt của y. “Ngài không nhớ ra tôi ư, ngài bá tước?” – Y nói, giọng run lên. “Xinviô!” – Tôi kêu lên, và thú thực tôi cảm thấy tóc trên đầu bỗng dựng ngược trở lên. “Vâng, đúng thế, – y tiếp, – còn một phát súng phần tôi; hôm nay tôi đến cho súng nhả đạn. Ngài sẵn sàng chứ?” Y rút trong túi bên ra một khẩu súng. Tôi đếm mười hai bước và đến đứng ở chỗ kia, trong góc ấy, yêu cầu y bắn nhanh lên, trước khi vợ tôi về đến nhà. Y chần chừ, y đòi thắp đèn. Người ta đốt nến lên. Tôi khoá cửa, ra lệnh không ai được vào, và một lần nữa yêu cầu y nổ súng. Y rút khẩu súng ra và đưa lên nhắm… Tôi đếm từng giây… Tôi nghĩ đến nàng… Một phút khủng khiếp trôi qua! Xinviô hạ tay xuống. “Ta tiếc rằng, – y nói, – khẩu súng của ta không phải nạp bằng hạt anh đào… mà chì thì nặng. Ta thấy hình như đây không phải là một trận quyết đấu mà là một vụ ám sát: ta không quen bắn một người không có vũ khí. Chúng ta hãy bắt đầu lại một lần nữa, rút thăm xem ai bắn trước”. Đầu óc tôi quay cuồng… Hình như tôi không chịu thì phải… Cuối cùng chúng tôi nạp đạn thêm một khẩu súng nữa; chúng tôi cuộn hai mảnh giấy, y bỏ vào trong mũ lưỡi trai, cái mũ đã bị tôi bắn thủng trước kia, và một lần nữa tôi lại bắt trúng số một. “Chà, bá tước thật là may mắn đến quái gỡ!” – Xinviô nói với một nụ cười chế giễu, nụ cười không bao giờ tôi quên được. Tôi không hiểu lúc ấy tôi như thế nào, làm sao y lại có thể cưỡng ép tôi làm như vậy. Nhưng tôi đã bắn, và bắn trệch vào bức tranh này (bá tước đưa tay chỉ bức tranh bị đạn, mặt ỏ? bừng như lửa, phu nhân thì mặt nhợt nhạt, trắng hơn chiếc khăn mùi-soa đang cầm nơi tay và tôi thì không thể kìm nổi một tiếng kêu vụt thốt lên.)
– Tôi đã bắn, – bá tước nói tiếp, – và lạy chúa, tôi đã bắn trượt; lúc ấy Xinviô (giờ phút này trông y thật khủng khiếp), Xinviô bắt đầu nhắm vào tôi. Bỗng cửa mở toang, Masa chạy vào thét lên, xông đến ôm chầm lấy cổ tôi. Sự có mặt của nàng khiến dũng khí hoàn toàn trở lại với tôi. “Em yêu quý, – tôi bảo nàng, – em không thấy rằng chúng tôi đang đùa với nhau ư? Sao em lại khiếp sợ! Thôi em hãy đi uống cốc nước, rồi trở lại đây với chúng tôi; anh sẽ giới thiệu với em người bạn cũ, một anh bạn chí thân”. Masa vẫn chưa tin, nàng quay sang phía Xinviô hỏi: “Ngài hãy nói đi, có phải đúng như nhà tôi bảo không, có phải thật các người đùa với nhau không?” – “Thưa phu nhân, bá tước thì khi nào cũng đùa, – Xinviô nói với nàng, – một lần đùa, ngài đã cho tôi một cái tát, lần đùa khác ngài đã bắn tôi một phát vào mũ này, và vừa rồi đùa, ngài đã bắn hụt tôi, bây giờ đến lượt tôi đùa lại…” Dứt lời, y toan chĩa súng nhằm vào tôi… ngay trước mặt nàng! Masa quỳ sụp xuống ôm chầm lấy chân y. “Đứng lên Masa, như thế là nhục, – tôi điên tiết thét lên, – và ngươi đừng chế nhạo người đàn bà khốn khổ ấy nữa. Bắn đi, có bắn hay không?” – “Không, – Xinviô trả lời, – ta đã hài lòng, ta đã thấy vẻ bối rối và sợ hãi của ngươi; đã cưỡng ép được nhà ngươi bắn ta, với ta thế là đủ… Ngươi sẽ nhớ ta… Và ta để mặc ngươi cho lương tâm ngươi phán xét”. Rồi y đi ra, nhưng đến cửa, y dừng chân, ngoảnh lại nhìn bức tranh bị tôi bắn, nổ một phát vào đó, hầu như không cần nhắm rồi đi khuất. Vợ tôi ngã lăn ra bất tỉnh; mọi người không ai dám giữ y lại, chỉ kinh hoàng đứng nhìn theo; y ra thềm gọi xà ích và đi mất trước khi tôi có thì giờ trấn tĩnh lại”.
Bá tước im lặng. Thế là tôi đã biết được cái kết thúc của câu chuyện mà đoạn mở đầu trước kia đã khiến tôi kinh ngạc. Tôi không còn bao giờ gặp lại nhân vật ấy nữa. Người ta đồn rằng trong một cuộc dấy loạn của Alếchxanđrơ Ipxilanti, y đã chỉ huy một đơn vị Etêrixtơ(6) và tử trận ở Xculani(7).

*Mũ cảnh binh (tiếng Pháp)

PHỤ LỤC

(1) Đề từ thứ nhất trích ở trường ca “Vũ hội” (1828) của nhà thơ Nga E. A. Baratưnxki (1800-1844).
(2) Đề thừ thứ hai trích ở truyện dài “Một buổi chiều tối ở doanh trại lộ thiên” (1822) của nhà thơ Nga A. A. Bextugiép – Marlinxki (1797-1837), người đã tham gia cuộc khởi nghĩa chống Nga hoàng ngày 14 tháng Chạp năm 1825.
(3) Theo lệ đánh bài, khi nhà con gấp một góc con bài tức là đánh xấp tang, nghĩa là đặt gấp đôi số tiền lên.
(4,5) Burtxốp Alếchxanđrơ Pêtơrôvích (chết năm 1873) – một sỹ quan thuộc trung đoàn khinh kỵ Bêlôruxia, nổi tiếng ngổ ngáo, bạn của nhà thơ chiến sĩ Đênix Vaxiliêvích Đavưđốp (1784-1839), được Đavưđốp ca ngợi trong bài thơ “Bữa tiệc khinh kỵ” (1804) và hai bài thơ thù tạc (“Gửi Burtxốp”). Đavưđốp là bạn của Puskin. Năm 1812 Đavưđốp đã lãnh đạo một đơn vị quân đội đánh du kích anh dũng chiến đấu cùng với những người nông dân du kích chống lại bọn xâm lược Pháp.
(6) Etêrixtơ – một tổ chức chính trị bí mật của Hy Lạp, thành lập vào cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX và đặt ra cho mình nhiệm vụ đấu tranh để giải phóng Hy Lạp khỏi ách áp bức của Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đây muốn nói đến cuộc khởi nghĩa 1812 do Alếchxanđrơ Ipxilanti (1792-1829) lãnh đạo chống lại ách áp bức Thổ Nhĩ Kỳ.
(7)Xculani – một địa phương nhỏ ở Mônđavia, gần sông Prút. Ngày 29 tháng Sáu năm 1821 một đơn vị nhỏ các chiến sĩ Etêrixtơ đã bị đánh bại khi chiến đấu chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Pushkin (1799-1837)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder