Bộ Văn Kiện Của Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam, Trong Nội Dung Dự Thảo Có Đề Cập Vấn Đề Bỏ Tổ Chức Liên Chi Hội Để Tập Trung Xây Dựng Các Chi Hội Nhà Văn Cơ Sở. Hướng Đi Đã Đúng, Nhưng Việc Làm Thế Nào Để Các Chi Hội Phát Triển Vững Mạnh Như Những “Vệ Tinh” Xung Quanh Hội Trung Ương Thì Là Cả Một Câu Chuyện Dài.
Những bất cập trong hoạt động của các chi hội
Sau hơn 60 năm xây dựng, đội ngũ nhà văn Việt Nam đã trưởng thành với quy mô trên một nghìn người. Những năm gần đây việc gia tăng số lượng hội viên trong mỗi năm kết nạp và định hướng ưu tiên vùng miền đã làm cho số lượng hội viên ở mỗi tỉnh tăng mạnh. Với quy định chỉ cần 3 hội viên có thể thành lập được một chi hội thì hầu hết các tỉnh thành phố toàn quốc đều có thể có một chi hội độc lập. Vấn đề đặt ra là tăng trưởng quy mô phải gắn liền với tăng trưởng chất lượng mới là mục tiêu cần đặt ra; Nếu không gắn bó hai yếu tố này hữu cơ với nhau thì chắc chắn không tránh khỏi bệnh hình thức thậm chí còn có thể dẫn đến suy yếu hội.
Thực trạng hoạt động của các chi hội cơ sở đã hình thành từ trước năm 2020 cho thấy còn quá nhiều bất cập. Với tư cách là chi nhánh của một tổ chức xã hội lớn tầm cỡ quốc gia, nhưng lại đặt ở một địa phương, Chi hội thành một tổ chức khá đơn độc. Đó là một nhóm người cầm bút vì yêu nghề mà hợp lại với nhau, vì nghiệp mà dùng tâm can mình để viết. Sự hoạt động của một chi hội không có một cơ chế minh bạch được trao, nhiệm vụ, nghĩa vụ, quyền lợi cũng không sáng rõ. Chúng ta đều biết rằng để quản lý một tổ chức với mục tiêu tạo sản phẩm chuyên môn cao có 3 yếu tố then chốt: Nhân lực, vật lực và tài lực. Hãy xác định 3 yếu tố này ở một chi hội hiện tại sẽ thấy nó thiếu hụt nghiêm trọng đặc biệt 2 yếu tố là cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động. Các chi hội tự tìm kiếm nguồn lực mà hoạt động và trong bối cảnh văn hóa đọc xuống cấp, sự ảnh hưởng bởi mặt trái cơ chế thị trường thì hoạt động xã hội hóa kinh phí từ cộng đồng gần như bế tắc. Và chính do là bộ phận của Hội Nhà văn Việt Nam, nên các tỉnh/thành phố ít hoặc không quan tâm, bởi trách nhiệm của họ là quan tâm đến Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật trực thuộc, chịu sự quản lý của họ. Nhà văn tham gia làm hội viên, nhưng làm việc đơn độc ít được quan tâm tới nhiều lĩnh vực như hoàn cảnh đời sống, tạo môi trường bồi dưỡng chuyên môn, đánh giá chất lượng sáng tác, hỗ trợ sáng tác… từ Hội Nhà văn Việt Nam. Chính vì vậy trừ một số chi hội tập trung tại các thành phố lớn, hoặc có nguồn tài trợ thì các chi hội còn lại hoạt động rất kém chất lượng, rất ít những hoạt động chuyên môn có quy mô và chất lượng được tổ chức ở một chi hội. Cán bộ lãnh đạo hội dẫu có ý tưởng hay, kế hoạch tốt về chuyên môn nhưng bị trói tay vì nguồn lực kinh phí khan hiếm. Các cá nhân nhà văn không mặn mà tham gia vì tìm thấy ở chi hội rất ít giá trị và lợi ích, và chi hội tồn tại như một tổ chức “hữu danh”.
Chi hội cần được trao một cơ chế hoạt động
Để Chi hội cơ sở thực sự vững mạnh với tư cách là đơn vị vệ tinh của Hội Nhà văn Việt Nam, phát huy thế mạnh địa phương, vùng miền… cần quy định rõ: nhiệm vụ, nghĩa vụ của Chi hội. Đặc biệt xây dựng và trao cơ chế của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cho hoạt động của Chi hội bao gồm: quyền quản lý nhân lực, trang bị cơ sở vật chất, cấp kinh phí hoạt động, xác định vai trò chuyên môn trong mối quan hệ giữa Ban Chấp hành Chi hội và Ban Chấp hành cũng như các Ban công tác của Hội Nhà văn Việt Nam để ra các quyết định liên quan như kết nạp hội viên, trao giải văn học, chọn cử đại biểu tham dự trại viết, thống nhất các đề xuất mà các Chi hội trình Ban Chấp hành… Trong hoạt động quản lý, tránh việc các Chi hội hoạt động tự phát đơn độc, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nên tăng cường công tác giao ban lãnh đạo với các Chi hội để lắng nghe ý kiến từ cơ sở, lấy đó làm căn cứ điều chỉnh kế hoạch hoạt động thường niên. Mặt khác nên có thông tin mang tính “Đề cương công tác” từng quý để định hướng hoạt động cho các Chi hội; Bên cạnh đó tạo điều kiện để có các cuộc giao lưu giữa các Chi hội, kết nối giữa các nhà văn ở các vùng miền thông qua nhiều hình thức, tọa đàm đề tài, trại viết….
Mặt khác với mục tiêu giúp các Chi hội tăng cường vị thế và thu hút nguồn lực từ chính quyền và xã hội hóa, Ban Chấp hành khóa X cần có những hoạt động làm cầu nối giữa các Chi hội với Đảng chính quyền tỉnh/thành phố để tranh thủ sự ủng hộ nhiều mặt của địa phương; Hoặc tổ chức Hội nghị với lãnh đạo Đảng bộ, UBND, HĐND các tỉnh/thành phố để thống nhất công tác quản lý các nhà văn tại địa phương, đồng thời xây dựng các chương trình hỗ trợ từ địa phương cho Chi hội cũng như thu nhận các yêu cầu, nhận đơn đặt hàng và các hợp đồng văn học mà địa phương đề nghị.
Tất nhiên để chi hội địa phương phát triển trong bối cảnh khó khăn nhiều chiều hiện nay, một yêu cầu tối quan trọng là bản thân mỗi Chi hội phải phát huy được nội lực của mình theo tinh thần không trông chờ, không ỷ lại. Sự chủ động tích cực trong lãnh đạo quản lý và tâm huyết của các nhà văn trong các Chi hội toàn quốc, một khi được phối hợp và gắn kết đồng thuận với chương trình của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra một sự đổi mới, trước hết là về công tác tổ chức phát triển Hội.
______
*Trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng.
(Nguồn Văn nghệ số 44/2020)