Phía ngoài cổng – Truyện dài cho thiếu nhi của Ngọc Châu

Chương 5:

Ông Tây

Chính nhờ biết một ít tiếng Anh mà Mèn và Trũi đã quen  “ông Tây’ một cách tình cờ. Chương này viết về chuyện ấy đấy.

Đất thì lạ, đường thì xa

Chả ai quen, toàn người ta

Lưỡi em  hỏi điều không biết

Phải nghe nhiều tai ù  ra

Xuất hành dù rằng khoái chí

Chẳng dễ đâu chuyện xông pha…

Xuống đến sân ga rồi Mèn ta mới thấy choáng. Đã thế Trũi lại cứ bám chặt lấy tay nó. Cu cậu sợ lạc. Chính nó cũng đang sợ lạc vì không ngờ ga Hàng Cỏ lại có đến mấy lối ra và người ta đang tản theo nhiều phía. Hai đứa đi theo đoàn người này vài buớc rồi lại vội vàng chạy theo toán người khác. Trông hai “nhà du hành” lúc này không khác gì hai con còng gió bị quăng ra giữa bãi cát trên bờ biển. Thấy động nên những con vốn ngụ cư ở đó nhốn nháo tụt  gấp xuống hang. Hai con mới đuợc quăng ra cũng rất muốn xuống một chiếc hang trống nào đó. Nhưng lại sợ dưới đó đã có chủ, lớ ngớ chui xuống chúng giã cho ốm đòn, nên cứ hoang mang chạy đi chạy lại giữa bãi cát đã trở nên trống trải.

Hai đứa hoang mang là phải, vì ngay khi chỉ có một cổng ra như ở ga Hải Phòng, thì việc hỏi đuờng đến phố Bạch Mai cũng không phải chuyện dễ ợt. Phố ấy có nhà bà cô thằng Hoan (nếu nó không bị lú như nhớ chuyện con Mèo thành của con Cáo), chúng định đến đấy chơi vài ngày rồi sẽ hỏi đường đến nhà chú là em ruột của bố Thăng, nhưng bây giờ làm thế nào để đến đuợc nhà bà cô thằng Hoan nhỉ? Ngay nhà chú mình Thăng ta cũng chưa bao giờ đến, vì chú ấy mới từ Hải Phòng chuyển lên đây ba năm nay. Như thế có phải là liều không nhỉ? Có điều khi còn học cấp một, ít đứa bé nào nghĩ dài dài đến việc sẽ ra sao khi chúng rủ nhau làm chuyện gì thích thích, sờ sợ cả. Nếu  biết nghĩ như vậy thì các bà Mụ đã không phải vặn vẹo đôi tay bất lực, và bố mẹ đã không phải chịu những cú hẫng tim như khi chúng ngồi lên vòng đu lần đầu, quay theo phương đứng.

Đi chu du không phải ngon xơi như lúc ngồi ở nhà mà nghĩ đâu nhé. Lúc ngồi ở nhà, hai đứa cũng đã tính là xuống tàu thì hỏi thăm đường người ta rồi hai đứa cùng đi bộ. Xa cũng cứ đi bộ, đi từ trưa đến tối thì cũng phải đến. Đã là Mèn với Trũi thì không được sợ khó khăn, huống hồ mỗi chiếc túi đều đã có hai chiếc bánh mì với một chai nuớc mang đi từ nhà. Nhưng bây giờ tự dưng cậu chàng đầu têu phát hoảng, chợt nghĩ nếu có ai đó chỉ đuờng sai cho chúng nó thì sẽ làm sao. Đi mãi rồi mới biết là phố Bạch Mai không phải huớng này, nó ở hướng nguợc lại thì làm thế nào? Bọn trẻ con ở phố đôi khi cũng thích đùa nhả với nhau như vậy!

Thấy người ta đã ra gần hết, cánh cổng gần đấy nhất đã bắt đầu đóng lại, Thăng vội kéo tay thằng Hoan chạy ra theo cổng đó. Bác nhân viên nhà ga mặc đồng phục xanh đứng ở cổng nhìn hai đứa với vẻ nghi ngờ, nhưng thấy hai chiếc vé trong tay chúng nên bác ta chặn lại cánh cổng đang đà khép vào, để cho hai thằng bé ra ngoài.

Chưa kịp hỏi ai thì người ta đã xúm vào hỏi hai đứa:

– Hai cậu cả ơi, về đâu đấy? Lên xích-lô này đi. – Một người đội chiếc mũ cối gọi giật chúng lại, tay chỉ vào chỗ mấy chiếc xích-lô ngổn ngang cách chúng khoảng chục mét.

– Xe này, xe này cơ mà, lên đây. Đi đâu? – Đó là một bác đội nón.

– Có một bà vừa đón chúng mày ở đây không thấy. Bà ấy bảo cứ lên xe, tao chở về nhà rồi lấy tiền sau. Về đâu? Phố nào? Số nhà bao nhiêu? – Một tay thanh niên khác đội chiếc mũ tai bèo bạc phếch cũng sấn đến.

Cuống cà kê, Hoan ta há mồm   “Bạch…Bạch…” nhưng Thăng đã giật tay nó “Không đi xích-lô, tiền đâu!” rồi kéo tay thằng bạn, hối hối hả hả tìm cách  len ra khỏi đám người vừa rối rít vừa hùng hổ ấy.

Hai đứa chưa chắc đã dễ dàng thoát đuợc sự săn đón, khiến chúng phải  xoay tít mù như con gụ ra khỏi giây vừa bập xuống nền đất cứng. Ngay đến người nhớn còn thấy đầu mình ong ong khi bị tra tấn như vậy. May làm sao lại có một ông Tây xuất hiện khiến hai đứa bị loại ra khỏi cuộc chơi, nhanh như khi thằng Toan thấy có một đứa bé với cuộn nịt cao su tung tẩy trên tay tiến lại, trong khi số vòng cao su ít ỏi của hai đứa  đã cầm cự mãi mà chưa chuyển hết sang đống nịt, vứt tung toé trên đất của nó.

Ngày ấy “ông Tây” còn là của hiếm ở ngoài đuờng phố, nên ngay cả Mèn và Trũi vừa thoát đuợc cuộc hỏi cung của các vị xế-lô cũng tò mò quay đầu nhìn lại.

– Ông Tây, ông Tây, xích-lô hở, đi đâu?

– Tây ơi, xe đây, xe “gút” nhất đây, đi đâu?

– Mít-xờ-tơ, mít-xờ-tơ! Lên đây, nội thành chỉ một con ngan nằm (năm ngàn) thôi.

Còn nhốn nháo và náo nhiệt hơn lúc họ xúm quanh Thăng và Hoan. Ông Tây rõ ràng là lúng túng hơn cả hai thằng bé. Chắc không phải ông ta không có tiền như hai đứa -Thăng nghĩ vậy – Hẳn là ông ấy không biết nên đi xe nào khi mà ai cũng mời chào, thậm chí tranh cướp nhau. Người Tây họ lịch sự  và không muốn mất lòng ai. Thăng biết vậy vì đã vài lần nó đuợc gặp mấy ông EC đến thăm lớp học ngoại ngữ buổi tối do bác Vân đại diện cơ quan mời đến. Có lần nó đã nói “Good afternoon!” (Chào buổi chiều) với “How are you ?” (Ông có khoẻ không ạ?) với một ông EC và được ông ta bắt tay, nói với nó những câu rất thân ái, nhã nhặn mặc dù nó không hiểu rõ nội dung cho lắm, chỉ đoán qua nụ cười của ông ta vậy thôi.

Ông Tây giải thích gì đó khá dài (tất nhiên là bằng tiếng Tây rồi), khiến mấy bác xích-lô ngẩn mặt ra mặc dù người nào cũng lôi chiếc xe mình lại gần, có người còn nâng đít xe lên cao để dễ dàng đón ông ta buớc lên. Thăng chỉ nghe đuợc mấy từ trong một câu ông ta nhắc đi nhắc lại, đó là những từ nó hay gặp trong các quyển truyện tranh bác Vân cho muợn …”from Sweden” và “I want go to bach…may… street…”

– Ông ấy người Thụy  Điển, ông ấy muốn quay lại phố… – Thăng lẩm bẩm trong khi mấy bác xích-lô và cả ông Tây cứ lúng túng như gà nói chuyện với vịt, cứ vẫy cánh, lắc mỏ để cục cục – tác tác với cạc cạc – cạc cạc! – Nhưng nó chợt nghĩ “không phải quay lại… ông ấy muốn đến phố gì ấy nhỉ? Bach…may.. street? Ô, chẳng nhẽ ông ấy cũng muốn đến phố Bạch Mai như nó và thằng Hoan?

Cu cậu tự dưng nổi máu hào hiệp. Thực ra hai đứa đang muốn thoát xa đám xe xích-lô, nhưng máu hiệp nghĩa của Dế Mèn vốn có trong người, nên cu cậu tiến  mấy bước lại chỗ ông Tây và hỏi một cách ngắc ngứ:

– Are you from Sweden? Do you… do you…want… Bạch Mai Street? (ông là người Thuỵ Điển? Ông muốn… muốn… phố Bạch Mai à?). Cu cậu cũng không tin tưởng lắm về câu hỏi của mình, chỉ sợ nói sai. Vậy nên cậu đỏ mặt lặp lại lần nữa.

Trong khi đám xích-lô đang ngơ ngác thì ông Tây hồ hởi tiến lại nắm tay nó nói một thôi một hồi. Không biết Dế Mèn ngượng nghịu như thế nào lúc được mấy cô Nhà Trò rối rít xưng tụng, lúc này cậu Mèn nhà ta quả thật cuống cà kê vì những lời rõ ràng là khen ngợi của ông Tây, nhưng cũng chẳng hiểu đuợc gì ngoài mấy từ good, very good… (tốt, rất tốt...). May là cuối cùng tất cả cũng biết đuợc rằng ông Tây và hai đứa cùng muốn đến phố Bạch Mai.

Khi ông Tây dặm buớc chân lên một chiếc xích-lô, cu Thăng cũng khôn ngoan hỏi giá. Bác xích-lô đội mũ cối đưa năm ngón tay ra hiệu, Thăng hỏi “năm ngàn à ?”, bác ta gật đầu. Khốn nỗi nó chẳng biết năm ngàn thì tiếng Anh nói ra sao nên lại đưa năm ngón tay ra hiệu cho ông ta. Ông Tây bảo “OK!” rồi định kéo cả nó và thằng Hoan lên xe, nhưng anh chàng đội mũ tai bèo bạc phếch đã nhanh nhảu vừa  ngăn không cho hai đứa lên, vừa hạ mũi chiếc xe của mình sát đất ra hiệu bảo chúng phải đi xe ấy. Ông Tây tiếp tục “OK” nhưng cu Thăng ngập ngừng không muốn buớc lên xe. Nó sợ nếu phải  trả năm ngàn thì gần như đã dốc hết quĩ của cả hai đứa.

– Chạy bộ theo một đoạn rồi vừa đi vừa hỏi mày ạ – Cu cậu thì thầm với thằng bạn nhưng ngay lúc đó Trũi bị đẩy phắt lên chiếc xe ấy, rồi Mèn cũng bị kéo lên theo với câu nói “Không sợ, tao giả tiền cho!”.

Đúng là có chuyện thần thoại vừa xảy ra: vừa kéo vừa đẩy hai đứa hoá ra chính là đứa mặc áo thun cũ có in hình con ngựa hoang ở lưng – anh cu “chôm chỉa” lúc truớc đã bị người ta đạp từ trên xe hoả xuống sân ga mà chẳng hề hấn gì. Mèn và Trũi bị hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nên cả hai đều mồm chữ O mắt chữ A .

Không ngạc nhiên sao đuợc khi rõ ràng nó đã bị đạp xuống sân ga Hải Dương, cho dù các bà Mụ có đỡ lưng để cu cậu khỏi bị ngã dập mặt, như các bà đã từng đỡ cho hai đứa khỏi rơi từ giường xuống đất hồi chúng mới học bò (chuyện này chúng nhớ nằm lòng vì mẹ đứa nào cũng kể lại không chỉ một lần mà thôi) thì các bà cũng không đủ phép thuật để cho nó bay lên đây, không cần đi tàu hoả! Vậy sao bây giờ nó lại có mặt ở đây để đẩy chúng lên xe xích lô rất là đột ngột?

“Chôm chỉa” cười khì với cả hai đứa đang bị giữ ngồi ở hai bên sườn nó “Không lo, đã có ông Tây giả tiền cho cánh ta. Mà nếu thằng Tây không giả thì cánh tớ cũng có tiền đây nhá, nhưng chỉ trả bằng một góc của Tây thôi đấy!”. Nói rồi nó rút túi ra một tờ năm nghìn thật, mới coong, đưa lên hoa hoa vào mũi “Mũ tai bèo” đang gò lưng khởi động để  theo cho kịp chiếc xe truớc đã bắt đầu lăn ngon trớn. Trên xe đó ông Tây đang nói vào cái hộp gì nhỏ nhỏ, như người gọi điện thoại nhưng không thấy có ống nghe. Thế nên mặc dù chưa hiểu ất giáp ra sao, cả Mèn và Trũi đành yên phận ngồi trên xe cùng với nó như ba ông đồ rau ngất ngưởng.

“Chôm chỉa” nhét tiền vào túi rồi bắt đầu diễn hề liên tục với những người đi lại bằng xe đạp trên đuờng “Ê, tránh cho xe to rẽ phải nào!”; “Nước sôi, nuớc sôi đây, đi gọn vào nào”; “Tránh đuờng, tránh đuờng, xe Nguyên thủ đây”; “Này, bà béo ơi! Dạt ra không quẹt vào xe tớ thì bẹp đầu ba con gà trong lồng bây giờ!”; ” Ấy ông khốt ơi, xuống nghĩa trang Văn Điển không cần quặt nhanh thế đâu!”. Nó liên tục vẫy tay sinh-nhan, chụm vào mồm để làm loa quát với lên đằng truớc, rồi ngọ ngoạy như con sâu đông-tây-nam-bắc, mà thỉnh thoảng bắt được Thăng ta vẫn bóp bụng cho nó ngó ngoáy truớc mũi con Cun, trêu tức con chó đang bị xích.

– Có ngồi yên không ông hoi! Làm mất dấu thằng Tây bây giờ. Gớm, hoa cả mắt! – Nhịn không đuợc, “Mũ tai bèo” phải quát lên để lập lại trật tự.

“Chôm chỉa” không diễn hề nữa, nhưng lại xoay ra trò ứng tác đồng dao với giọng khàn khàn vịt đực của một ông hoi đang vỡ giọng.

Ông Tẩy ông Tây.

                    Từ đâu đến đây

                    Cho tớ cái này

                    Tớ cho cái ấy

                    Ông Tẩy ông Tây

                    Đến đây rất hay…

Đến lượt Mèn và Trũi cựa quậy vì bắt đầu sốt ruột với đoạn đuờng xa. Chúng cảnh giác với nhân vật thứ ba lại bất ngờ trở thành bạn đồng hành, nên chỉ mong cho chóng đến nơi. Nhân vật như thế này không thấy bác Tô Hoài nhắc nhở gì đến trong cuốn truyện. Thằng Hoan thì đang nắm khư khư trong tay mẩu giấy có ghi số nhà với số ngõ của bà cô nó. Có lẽ lúc vừa dùng thòng lọng tóc bắt đuợc con chuồn chuồn Chúa, nó cũng không sợ bị sổng bằng sợ mẩu giấy đó bay đi mất lúc này.

(còn tiếp)

N.C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder