Sa Pa – một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng. Có không ít tác giả viết về Sa Pa, nhưng đối với nhà thơ Đoàn Hữu Nam – bài thơ “Sa Pa” là một cách nhìn nhận riêng của anh.
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài cảm nhận của tác giả Nguyễn Văn Tông:
Sa Pa – một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng. Có không ít tác giả viết về Sa Pa, nhưng đối với nhà thơ Đoàn Hữu Nam – bài thơ “Sa Pa” là một cách nhìn nhận riêng của anh.
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài cảm nhận của tác giả Nguyễn Văn Tông:
PHÍA SAU MÌNH XA LẠ VỚI SA PA
(Về bài thơ Sa Pa của Đoàn Hữu Nam)
SA PA
Rời ồn ã ta tìm về khuất nẻo
Gặp mơ màng sương trắng, nắng lương vương
Lòe xòe váy, lòe xòe mua cùng bán
Giấu giấu khoe khoe rối cả mắt cả lòng
Ừ thì gió! Gió kề cà lãng đãng
Ừ thì trăng! Trăng khoe tỏ khoe mờ
Ta vẫn thấy lửa bùng trong kẽ đá
Thấy ấm nồng, hể hả giữa mù sương
Ừ thì phố! Bồng bềnh chênh chao phố
Ừ thì cây! Cây trầm mặc bao đời
Trong tĩnh lặng vẫn ồn áo, ríu rít
Hanh hao quanh ngày vẫn sũng ướt bờ môi
Ta chợt thấy lòng ta như áo cũ
Bợt bạt màu, nhàu nhĩ, tuột đường may
Ta chợt tiếc những tháng ngày quên cháy
Để dành xanh, chôn bất chợt giữa đồng
Và ta thấy những vòng quay hối hả
Phía sau mình xa lạ với Sa Pa.
Đoàn Hữu Nam
Sa Pa đẹp. Sa Pa mộng mơ. Sa Pa thơ và nhạc. Sa Pa si tình đến nao lòng… Sa Pa – Miền đất bất cứ ai đến cũng đều có cảm hứng, muốn kể, muốn viết, muốn chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Văn, thơ, ca khúc, ảnh… các nghệ sĩ sáng tác về Sa Pa rất nhiều, trong đó có Đoàn Hữu Nam. Trong chùm thơ viết về Sa Pa, về núi Hoàng Liên với đỉnh Phan Si Păng hùng vĩ (có 4 bài đã được phổ nhạc), thì bài thơ “Sa Pa” là một cách nhìn nhận riêng của nhà thơ.
Sa Pa – thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng cả nước và thế giới đối với Đoàn Hữu Nam không còn xa lạ từ lâu rồi. Anh có rất nhiều kỷ niệm bồng bềnh trong man mác buồn, sâu lắng trong thương nhớ và nợ nần trong sáng tạo. Mọi nẻo đường đến với Sa Pa, hiện thực và tâm thức, Đoàn Hữu Nam như thuộc lòng, ấy vậy, mà anh vẫn thấy còn một Sa Pa chưa khám phá, vì thế, anh đi tìm: “Rời ồn ã ta tìm về khuất nẻo” và anh đã nhận ra một Sa Pa “mơ màng trong sương trắng, nắng lương vương”. Sa Pa mơ màng, lãng đãng sương buông thì nhiều tác giả đã nói hộ cảm giác bao người, nhưng Sa Pa “nắng lương vương” là một phát hiện mới. Ai đã đến Sa Pa vào ngày nắng phớt vàng, nhẹ nhõm, mới cảm nhận đầy đủ cái “lương vương” của nắng vùng ôn đới. Nắng đấy, nhưng không le lói, rừng rực như nơi khác, không đậm, không nhạt nhòa mà nó nhẹ nhàng như những sợi tơ vô hình vương vấn trong sương mù khắp nẻo, cứ rưng rức không sao quên được. Nắng trong “Sa Pa” của Đoàn Hữu Nam không cụ thể như nắng của tác giả Sơn Thủy trong “Một chiều Sa Pa”: “Ai giăng sợi nắng ngọc ngà/ Để em ngơ ngẩn vân hoa áo chàm”, mà nắng của anh là cái nắng“lương vương” của tâm trạng con người với Sa Pa. Trong khi Đoàn Hữu Nam “tìm về khuất nẻo/ Gặp mơ màng sương trắng, nắng lương vương”, thì một thực tại “ồn ã” đang diễn ra, phá vỡ sự tĩnh lặng trầm tư của không gian mà những ai muốn tìm về miền ký ức: “…Lòe xòe váy, lòe xòe mua cùng bán/ Giấu giấu, khoe khoe rối cả mắt cả lòng…” . Những điệp từ được lặp lại làm tăng thêm sự ồn ào, náo nhiệt xuất hiện ở một phố chợ miền núi đã có từ nhiều năm nay. Nơi ấy, con người từ nhiều vùng miền của đất nước, từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, chen vai thích cánh đến để vãn cảnh du lịch. Nơi ấy, với trang phục truyền thống của nhiều dân tộc, nhiều xứ sở đan xen tạo nên bức tranh đa sắc màu sinh động, hữu tình: Lòe xòe váy thổ cẩm của phụ nữ bản địa, của phụ nữ thập phương và lòe xòe váy được trưng bày giới thiệu sản phẩm trong các sạp hàng may mặc, tạo nên khung cảnh “lòe xòe mua cùng bán”, hai cái “lòe xòe” ở hai ngữ cảnh khác nhau: “Lòe xòe váy” là lòe xòe trang phục, “lòe xòe mua và bán” là lòe xòe của những lời ghẹo trêu đáng yêu, tạo nên một quang cảnh “ồn ã”, khác xa với một Sa Pa tĩnh lặng ngày trước. Và cái “Giấu giấu, khoe khoe” làm cho du khách “rối cả mắt cả lòng” một sự “quấn áo chen chân” của vùng đất du lịch nổi tiếng luôn là điểm đến của bao người luôn muốn khám phá và thưởng ngoạn. Khoe của Đoàn Hữu Nam khác hẳn với cái khoe lãng mạn của Đồng Bác Kế trong “Chợ tình Sa Pa”: “Chợ tình nét đẹp Sa Pa/ Khoe khăn, khoe váy, khoe ta với mình”. Sự phô trương “khoe khoe” gắn với “giấu giấu” trong thơ Đoàn Hữu Nam đầy dụng ý. Giấu để khoe và khoe để giấu, tác giả liên tiếp sử dụng các điệp từ để tạo nên “tình trạng” nửa kín, nửa hở thật tế nhị. Đối ngược với cảnh “ồn ã” “lòe xòe mua cùng bán” của con người nơi phố chợ, thiên nhiên vẫn vô tư bình thản, chẳng cần vội vã: “Gió kề cà lãng đãng…Trăng khoe tỏ khoe mờ”, còn cây thì vẫn “trầm mặc bao đời” chẳng day dứt, băn khoăn, chỉ có phố “bồng bềnh chênh chao”, đó là sự bồng bềnh, chênh chao theo thời cuộc của phố phường đô thị thời kinh tế thị trường là lẽ đương nhiên. Nhưng với tác giả: Gió, trăng, cây… có mặt trong thơ như một sự đã rồi, từ bao đời vẫn thế: “Ừ thì gió!… Ừ thì trăng!… Ừ thì cây!…” nhưng đó là thiên nhiên, là tĩnh vật, còn con người “giấu giấu, khoe khoe, lòe xòe mua cùng bán” đến “rối cả mắt cả lòng”. Mặc kệ, con người với xã hội phức tạp, gió và trăng ở trên cao vẫn điềm tĩnh “kề cà lãng đãng” “khoe tỏ, khoe mờ” giữ phong thái, hình hài muôn thuở của mình, cây vẫn “trầm mặc bao đời” không bị xô đẩy theo dòng cuộc. Chẳng sao, đó là sự tồn tại đương nhiên của cuộc sống gắn liền với sự thay đổi lối sống của con người. Một chút thôi, cũng là sự khác lạ của một nơi được coi là xứ sở của sương mù. Sự “khuất nẻo” của Sa Pa bắt đầu từ những cái khác lạ đó. Để làm bật lên “xa lạ với Sa Pa”, Đoàn Hữu Nam đã thể hiện giải pháp rất mới lạ, đó là đưa vào thơ lối nói tự nhiên của dân dã quê mùa: Ừ thì… như một sự chấp nhận bắt buộc, không thể khác được, nhưng rồi nhà thơ đột ngột đảo mạch: Ừ thì… là thế, nhưng “Sao vẫn thấy lửa bùng trong kẽ đá/ Thấy ấm nồng, hể hả giữa mù sương” và ”Trong tĩnh lặng vẫn ồn ào, ríu rít/ Hanh hao quanh ngày vẫn sũng ướt bờ môi”. Một cách thể hiện khác biệt, một sự cảm xúc đảo chiều như gieo vào người đọc những cảm nhận bùng cháy ngạc nhiên. Gió kề cà lững thững, trăng khi tỏ, khi mờ mà sao lòng người “lửa bùng trong kẽ đá để “thấy ấm nồng” và “hể hả giữa mù sương”. Người ta thường nói “lạnh như đá”, nhưng với nhà thơ, đá có hồn của đá. Đá có hồn nên dân gian thường nói “đá đổ mồ hôi”, nhưng đá của Đoàn Hữu Nam không ẩm ướt mà lại khô cháy thành ngọn lửa. Không khí cuồng nhiệt của sự sống đương đại tạo nên bất ngờ “lửa bùng trong kẽ đá”. Lạ lẫm, tác giả tự hỏi: “Sao vẫn thấy…” đá cháy hay lòng người bùng cháy bởi sự sống vẫn mặc nhiên trôi trong dòng đời lo toan để nhận “hể hả giữa mù sương” của Sa Pa “mơ màng sương trắng, nắng lương vương”. Ngỡ ngàng đến kỳ lạ, lời thơ đang đơn giản, mộc mạc bỗng ngoặt sang cấu tứ khác để đưa người đọc cảm nhận theo thần thái của tứ thơ dẫn dắt. Ngọn lửa bùng lên trong kẽ đá ấy đã đốt lòng ai đang hiu hắt cùng gió, cùng trăng “giữa biển sương mờ” để tự huyễn hoặc mình “thấy ấm nồng” trong niềm vui gượng gạo ngụp lặn vào khoảng “ồn ào ríu rít” giữa tĩnh lặng của không gian. Nắng, gió và cả trăng nữa, trong cái bâng khuâng của lãng đãng, của lương vương, của tỏ mờ để chấp nhận sự “hanh hao quanh ngày”. Hanh hao của Đoàn Hữu Nam đâu phải là sự khô hanh, hao gầy bởi thời tiết, mà là sự hanh hao trong cảm giác của người đi tìm cái xa lạ đang “khuất nẻo” đâu đó giữa chốn “bồng lai tiên cảnh” ở “nơi gặp gỡ đất trời”. Và anh cảm nhận được nó đang hiện hữu đâu đây, ăm ắp dâng tràn “sũng ướt bờ môi”, cụm từ ẩn dụ đa nghĩa để người đọc liên tưởng với cảnh, với người và cả với mình. Liệu có mâu thuẫn khi “hanh hao quanh ngày” mà lại “sũng ướt bờ môi”, giữa khô và ướt? Hanh hao trong khát vọng và sũng ướt của tình người, của sự ước muốn nhiều hơn thế. Như người choàng tỉnh sau những mông mơ dài, đang “thấy ấm nồng, hể hả giữa mù sương”, nhà thơ nhìn lại mình và nhận ra rằng “Ta chợt thấy lòng ta như áo cũ/ Bợt bạt màu, nhàu nhĩ, tuột đường may”. Thật xót xa! Giữa bộn bề mới lạ, cuộc sống đang hòa nhập rộn ràng, tác giả cảm thấy mình thiếu tự tin trong dấn thân vào con đường đi của riêng mình. Tấm “áo lòng” ấy đã cùng tác giả vượt qua bao năm tháng thăng trầm của cuộc đời đến nỗi “bợt bạt màu, nhầu nhĩ, tuột đường may”. Một “tấm áo” không còn gì cũ hơn. Có những cái cũ đem lại niềm kiêu hãnh, nhưng có nhiều cái cũ lại khắc khoải trong sự tiếc nuối những tháng ngày đã qua: “Ta chợt tiếc những tháng ngày quên cháy/ Để dành xanh, chôn bất chợt giữa đồng”. Thời đào hoa đã qua, ngoảnh lại thấy mình lãng phí quá nhiều những gì cuộc đời hiến tặng, để rồi “Ta chợt tiếc những tháng ngày quên cháy”. Một sự luyến tiếc muộn màng. Mải mê săn tìm cảm xúc mà quên cảm giác của mình với những khát vọng của tình yêu đôi lứa, dành tuổi trẻ và trí tuệ cho sáng tạo mà bỏ đi bản năng con người, quên đi dòng chảy của dục vọng trong huyết mạch để bây giờ “Chợt tiếc” bởi “để dành xanh” không trở lại theo quy luật của cuộc đời con người. Tiếc nuối và chôn đi dĩ vãng một thời để trở lại với thực tại: “Và ta thấy những vòng quay hối hả” của cuộc sống cứ bám đuổi không nguôi.
Không như các bài thơ khác thể hiện “thuận chèo, mát mái” theo dòng cảm xúc, Đoàn Hữu Nam dùng phép đảo chiều để biến hóa cảm xúc của mình thành góc cạnh có độ dài, rộng khác nhau. Nghịch cảnh diễn ra trong thơ: Thiên nhiên thì “mơ màng” “lãng đãng” “lương vương”…, xã hội thì “ồn ào, ríu rít” “rối cả mắt cả lòng”, lòng mình thì “bợt bạt, nhàu nhĩ, tuột đường may” để “chợt tiếc những tháng ngày quên cháy” và để rồi “chôn” nó vào ký ức, trở lại với thực tại “những vòng quay hối hả”… nhà thơ gửi lại “ồn ã” phía sau để trôi theo dòng cảm hứng tự nhiên nhưng đầy sáng tạo của mình đến với những mới lạ của Sa Pa. Đó chẳng phải là những “khuất nẻo” của cảnh sắc và tình người được Đoàn Hữu Nam nhận ra “phía sau mình xa lạ với Sa Pa”.
Nguyễn Văn Tông
Hội viên Hội VH – NT tỉnh Lào Cai
Địa chỉ: 282 Đ.Hoàng Liên, P.Kim Tân, T.P.Lào Cai