Phong trào thơ và thơ phong trào – Việt Phương

Có thể thấy sau sự xuất hiện của các phong trào thơ, dù thơ đã khiến giới nghiên cứu tốn khá nhiều giấy mực nhưng những đóng góp của thơ, bước tiến của thơ mới chỉ thể hiện ở một bộ phận những người cầm bút. Phong trào sáng tác thơ đang nở rộ nhưng dường như thiếu những buổi tọa đàm, sinh hoạt cùng góp ý, phản biện nghiêm túc mà lại quá thừa những giới thiệu, quảng bá động viên.

Thơ đã có được chỗ đứng nhất định, ít ra là trên phương diện một hoạt động xã hội. Bởi thế mà ngày thơ dần bước vào đời sống tinh thần cùng với những ngày lễ, tết được du nhập từ nhiều nền văn hóa, tôn giáo khác nhau như Noel, Halloween, Valentine… để trở thành một ngày vui của cộng đồng. Ngày để mọi người yêu thơ có dịp đàm đạo, để những ai chưa mấy quan tâm đến thơ có thêm chút ấn tượng và hướng tiếp cận với thơ… Tuy nhiên, nếu hỏi thơ đi vào đời sống tâm hồn thực sự hay không? Đang có một phong trào sáng tác thơ hay đó chỉ là dạng thơ phong trào? Đó là một câu chuyện khá dài.

 

Từ các phong trào thơ…

Ngay sau khi vượt thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của từ chương và văn hóa trung đại, văn chương Việt đã ghi nhận sự tiên phong của thơ ở phong trào sáng tác mới mẻ của những người được tiếp thu văn tự và kiến thức Tây học. Từ sự thay đổi của văn tự đến hình thức câu văn/thơ, đến chủ thể phát ngôn và sự ảnh hưởng của ý thức hệ (tư sản), “tinh thần thời đại” (cái tôi) đã tạo ra một bầu trời mới của thi ca Việt. Hiển nhiên, trong giai đoạn sau đó, những cách tân quyết liệt, cực đoan dần bị thay thế bởi những chất liệu truyền thống và bản địa như câu lục bát (của ca dao, dân ca), của các thể thơ cũ nhưng được viết theo cách thức mới không bị gò bó bởi luật thơ… Phong trào thơ Mới trong mấy thập kỉ tồn tại đã khẳng định được sứ mệnh lịch sử của một phòng trào thi ca mới mẻ ở tất cả các bình diện và đa dạng về phong cách, đối tượng cầm bút. Trong các cuốn sách như Thi nhân Việt Nam… đã khẳng định được sức hút của thể loại với các nhà văn của thời đại qua những tâm sự, gửi gắm của họ trong sáng tác. Vượt qua tính đại chúng đơn thuần của thế hệ mà Tú Xương từng ví “quẳng bút lông đi viết bút chì”, Thơ mới đã có những đóng góp rất lớn: “Thơ mới đánh dấu bước thực sự hoà nhập thơ trữ tình Việt Nam với thế giới, là một bộ phận của thơ thế giới, không còn là thơ khu vực. Nó là chiếc cầu nối giữa thơ Đông thơ Tây, kết tinh tinh hoa của nhiều trào lưu thơ cổ điển và hiện đại của thế giới, vì thế mà nhanh chóng thay đổi theo khí hậu chung của thơ ca thế giới, mở ra hướng đi mới phù hợp với thời đại ngày nay và mai sau.” (Trần Đình Sử – Địa vị lịch sử của Phong trào thơ mới)

Kể từ khi miền Bắc được giải phóng, bước vào giai đoạn xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giải phóng miền Nam, trong đội ngũ những người lính trẻ cầm súng được học tập dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa đã hình thành thế hệ những người cầm bút trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Họ viết bằng niềm lạc quan cách mạng và sự bộc lộ nhận thức, cảm quan trước sinh mệnh dân tộc và trách nhiệm của con người công dân. Nếu như trước đây, người dân lao động cầm vũ khí chiến đấu để bảo vệ mảnh đất quê hương như những nghĩa sĩ Cần Giuộc, xả thân vì ơn vua nợ nước thì lúc này, giải phóng mảnh đất phương Nam chính là khát vọng thống nhất đất nước, giành lại toàn vẹn lãnh thổ. Phong trào thi ca ấy nghiêm túc và minh triết đến lạ bằng những suy cảm:

Chúng tôi vẫn hát sông Lô, sông Thao, Điện Biên, Tây Bắc

Thương các anh dốc đá tai mèo

Đến lượt chúng tôi dốc đá tai mèo

Mưa trơn quá chân tuồi ra khỏi dép

Dốc Pha Đin là cái dốc cuối cùng

Các anh qua để tiến về Hà Nội

Khẩu súng trường tinh vi và ngắn lại

Đường chúng tôi ra trận lại dài thêm

Có chiếc đài bốn pin, có đôi giày cao cổ

Mỗi tuổi quân chịu sáu tháng mưa rừng

Lại có những anh hùng

Đến với họ, thơ tìm ra tinh chất

Có người chỉ huy từ lứa chúng tôi lên

Góp cho đất nước nhiều vầng trán

Sống làm người chiến thắng

Cho mẹ mình, cho đời mình đỡ khổ

Còn ao ước nào hơn

Tự do và Đoàn tụ

Vào rừng lấy mật và đẵn gỗ

Thương mẹ và yêu em

Còn hạnh phúc nào hơn

Tổ quốc!

(Hữu Thỉnh – Đường tới thành phố)

Sau cuộc đổi mới văn học, cách tiếp cận thơ của người đọc có phần thay đổi và tự phân loại. Nhóm độc giả có nhu cầu đọc thơ để tìm kiếm triết lí sâu sắc lựa chọn các sáng tác được cấu trúc và tình điệu mang đậm dấu ấn phong cách. Bên cạnh đó vẫn có xu hướng coi thơ là một hình thức cấu tạo từ theo kiểu đặt vần, bộc lộ ý nghĩa với lớp nghĩa đơn giản, sử dụng từ ngữ sáo mòn và không dụng công cấu trúc lại theo một dụng ý nghệ thuật mà chúng ta quen gọi là thơ con cóc, vè hay cách gọi khác là thơ phong trào, thơ phường xã. Một hướng đi khác là phong trào thơ bút tre với hình tượng đa nghĩa giữa hình ảnh tục và ý nghĩa thanh. Tuy nhiên không phải lúc nào người viết cũng biểu đạt được những ý tứ cần biểu đạt mà sa đà vào việc gây cười, ghẹo cười đơn giản. Trong khi đó một bộ phận những người tâm huyết với thơ giai đoạn này đặt nhiều kì vọng vào việc bộc lộ những tâm sự nội tâm bằng những biểu tượng, giọng điệu ám thị và thường gây ra khó hiểu với người đọc.

… nghĩ tới thơ phong trào

Nếu xét ở mặt số lượng các tập thơ được in ấn tại các nhà xuất bản như: Văn học; Hội nhà văn; Thanh niên, Văn hóa- Thông tin, Văn hóa dân tộc… Chưa kể đến việc in dưới dạng được các hội Văn học Nghệ thuật địa phương cấp phép thì thơ đang lấn át các thể loại khác. Nếu thống kê các CLB thơ, hội thơ, tổ thơ đang sinh hoạt tại các tổ dân phố, thôn, phường, xã cũng không ít. Thơ được đọc trong các lễ mừng thọ, sinh nhật, lễ cưới hỏi, họp đồng hương… Thơ trở thành thú chơi lan rộng cùng với thú chơi sinh vật cảnh, thả diều, câu cá. Nói cách khác thơ vô hại nếu xét ở phương diện chuẩn mực xã hội. Tuy nhiên, để tìm ra một vài người làm thơ có phong cách, giọng điệu, để nhận diện sự vận động trong thi ca lại rất khó khăn. Sự rầm rộ từ những nở rộ ấy mới chỉ dừng ở mức làm mòn vẹt ngôn từ, làm cũ đi các thi ảnh, biểu tượng chứ chưa có được sáng tạo mới. Phần đông các cây bút viết theo những kiểu cách của nhau, lấy vần điệu làm định hướng và “ngại” tìm cách biểu đạt đúng với cảm xúc của mình, ngại tạo ra cách cấu tứ nghệ thuật. Một bộ phận khác (thường nằm ở những người cầm bút trẻ) lại quá “miệt mài” với những thể nghiệm thơ (chứ chưa hẳn là thơ) theo các phương pháp sáng tác được tiếp cận nhưng vẫn dở dang ở việc vừa biểu đạt bằng hình tượng vừa thuyết minh bằng lời lẽ hoặc tự ám thị bằng bằng sự thiếu mạch lạc, thống nhất trong thế giới nội tâm của mình. Bởi lẽ đó, có ý kiến kiến cho rằng thơ trẻ đang “tịnh tiến đến điểm chết” bởi sự đơn giản, sơ sài của mình. Trong khi những tác giả trẻ đã ít nhiều tự khẳng định được mình sau những cơn bão dư luận như Vi Thùy Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Phan Huyền Thư… vì những lí do nào đó đã tạm lắng xuống sau khi xuất hiện chứ không bền bỉ như các cây bút văn xuôi cùng trang lứa.

Có thể thấy sau sự xuất hiện của các phong trào thơ, dù thơ đã khiến giới nghiên cứu tốn khá nhiều giấy mực nhưng những đóng góp của thơ, bước tiến của thơ mới chỉ thể hiện ở một bộ phận những người cầm bút. Phong trào sáng tác thơ đang nở rộ nhưng dường như thiếu những buổi tọa đàm, sinh hoạt cùng góp ý, phản biện nghiêm túc mà lại quá thừa những giới thiệu, quảng bá động viên. Bản thân những người làm thơ cũng cần thay đổi những thói quen như coi thơ là một phong trào vui vẻ, coi sự rôm rả là tiêu chí lớn hơn việc nâng cao bút lực. Cũng như cần giữ thói quen đọc thơ người khác để học hỏi thay vì quá mải miết viết ra những gì mình đang hứng thú.

Việt Phương

Nguồn: Văn học quê nhà

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder