Nào ngờ, tôi lại được gặp nó. Nơi quán nước giải khát bên bờ hồ sinh thái này. Ngờ ngợ, tôi hỏi. Gương mặt xạm đen ngước lên: ” Quê cháu thành phố Hoa phượng đỏ”.” Trời ơi! Tế Tế…” Tôi vừa thốt lên. Nó đã choàng ôm lấy tôi” Bác Chỉnh! Bác Chỉnh…”
Là bạn thân với bố từ thời học cấp ba. Nhà gần nhau. Chủ nhật thường rủ cùng đi chợ Sắt. Khi chiều muộn, cùng đạp xe ra ngồi hóng mát bên bờ sông Cấm. Mỗi lần sang chơi nhà, ” cậu ấm” Tế lại lon ton chạy đến ôm lấy chân. Bế bồng mình hôn hít vào đôi má phính của nó. Nay còn đâu đôi má phính ngày nào. Chợt Tế ôm lấy tôi, gạt nước mắt. Dẫn người bác lội ngược dòng thời gian. Trở về những năm tháng với bao niềm vui nỗi buồn của nó.
Người lái xe kéo Tế lên ca bin. Sức vóc nhỏ bé, nó ngồi lọt thỏm. Ánh chiều cũng vừa lặn khuất, sau rặng núi mờ xanh. Một hành trình của người lái xe sắp bắt đầu. Tế cũng theo hành trình ấy của bác tài. Như cánh chim phiêu dạt. Rồi một đêm, xe tới đất Huế. Tế được bác tài bế bổng thả xuống lề đường, còn buông lời động viên “Chúc thiên thần mạnh giỏi!”. Một hành trình vật lộn cuộc sống bắt đầu. Chiếc xe tải cũ bèm, bụi bạc lại hăm hở lao đi. Trong choáng ngợp ánh điện phố phường.
Bàn chân Tế lạc tới đường phố, có nhiều cây phượng già. Có cây nghiêng nghiêng như bị mưa bão quất lay bầm dập lâu rồi. Tiếng ve ran ran đốt cháy trưa hè. Những chùm phượng thắp lửa. Cùng tán lá lưa thưa, nhè nhẹ rung trước gió. Ơi, sao giống cây phượng hai thân ở cổng trường cũ. Độ này chắc thày trò đã nghỉ hè. Sân trường vắng hoe vắng hoắt. Đôi mắt quầng thâm của Tế lại lăn ra những giọt nước trong suốt. Mỗi khi bắt gặp màu đỏ ấy, lại như có cây kim xuyên vào tim. Nỗi buồn da diết cứ dựng dậy ký ức. Tế đành chào tạm biệt nơi đây. Những ngày tiếp theo, con người bé bỏng, vất vưởng ấy đi đâu về đâu.
Bàn chân lạ lẫm trên những con phố thành phố Hồ Chí Minh. Hỏi người đàn bà bán cháo lươn chợ Bàn Cờ, xin việc làm. Tay bà như đang múa, miệng tươi như hoa đón khách. Lướt ánh mắt, bà chỉ tay:” Uả, thiếu chi người đang ngồi chơi hoài kia. Mà thằng nhỏ này lại nhằm nhò vào cái thùng cháo mà hỏi, nghen…” Nhìn cái khăn rằn đẵm mồ hôi nơi cổ. Chẳng chấp trách bà ta làm gì. Chắc vì vội kiếm đôi đồng nuôi con nhỏ. Biết đâu bà ta còn chắt chiu, nuôi cả người chồng đang rượu chè, nghiện hút.
Chợt có tiếng gọi:” Báo!”. Một bàn tay vẫy vẫy, qua khung cửa sổ hút Tế vào nhà. Ông cười:” Ta mua tất tần tật. Nào mi tánh tiền”. Một xấp nhiều loại báo, nhảy vọt khỏi bàn tay, nằm nếp na trên bàn. Rồi ông hỏi tên, tuổi. Ông bảo xa thế mà vào tận đây kiếm sống. Chắc gia đình có vấn đề. Một thời ông đã từng bán sắt ở chợ Sắt. Trước đây người đời vẫn thường nói Hải Phòng thuộc đất nghịch. Ngược lai, ngắm tướng mạo mi hiền lành, phúc hậu dễ thương quá ha.
Ông thuê Tế quét dọn nhà cửa, tưới cây kiểng…Đến bữa ông gắp đồ ăn, bảo cứ ăn uống tự nhiên. Một sáng, ông chợt dúi vào tay xấp tiên:” Cầm lấy”. Vài phút sau, có người xe ôm đến đón ông đi. Vắng cha, ba ngày sau người con trai lòi ra cái mặt sói, bắt làm tăng giờ. Đến bữa quăng cho cái bánh mì khô, chai nước khoáng. Nửa tháng sau, Tế xin đi làm nơi khác, đòi tiền công. Hắn vác cái mặt sói xưng tím. Tiền không trả, còn đẩy cái bụng lép kẹp xoài ra đường. Bà con dân phố giàu lòng thảo. Người cho chiếc bánh bao, quả chuối, trái cam… Đôi chân run rẩy, Tế lang thang phố này phố nọ. Đêm ập xuống. Vỉa hè, gốc cây sẵn làm giường ngủ. Muỗi ào ào như tung nắm trấu xay, quần đảo suốt đêm.
Nơi cửa ngôi nhà. Người mẹ trẻ bế con, tay vẫy vẫy. Ấn vào tay Tế cái đùi gà chiên vàng cùng nắm xôi nếp “Cháu ăn đi cho đỡ đói”. Giọng Nam bộ sao mà ấm áp dễ thương. Người chồng chợt từ phía trong bước ra. Môi bặm lại lườm vợ, tròng mắt trắng bợt. Lòng Tế vừa vui vừa buồn. Một gia đình được bố hỏng con. Gia dình kia hỏng chồng được vợ.
Chợt bàn tay vỗ vào vai. Một khuôn mặt da xanh lạ lẫm, đón Tế về lò đậu khuôn làm thuê cho ông. Bước vào nhà. Mấy đứa như từ trên trời rơi xuống. Chẳng biết đã có mặt ở chốn này bao lâu rồi. Đều nhem nhuối, đen trũi như cái lò than cũ kỹ, sứt lở kia. Thấy người lạ, chẳng ai bảo ai, cùng nhoẻn miệng cười đồng cảm. Một ” thỏi than” vờ lướt qua mặt Tế nói nhỏ::” Khổ. Không biết đây là…cái giỏ tre…hom lại bằng sắt à. Mà còn dẫn cái thân xác vào”…Nghe mà nào có hiểu. Vài ngày sau, mới vỡ lẽ thì đã muộn.
Đứa nào đứa nấy phải làm tăm tắp như cái máy chẳng dám kêu ca. Khi cái xoong to sữa đậu nành sôi. nhanh chóng múc đổ vào những cái xô đang há miệng chờ. Than đá phải xếp vào lò từ khi trời chưa tối. Xong than củi, rồi biết bao việc không tên khác cứ reo réo đến mười, mười một giờ khuya. Những tấm thân rã rời, đổ ập xuống cái giường chẳng ra giường, ngủ. Để rồi ba giờ sáng, tụt xuống đất nổi lửa. Quạt tay khi than lò đỏ lừ. Cái nóng hừng hực đắng ngắt, muốn ói, lan sang cả hàng xóm. Đã nặng nhọc vất vả, còn bị đòn roi đau đớn. Khóc. Mà nào còn nước mắt. Lửa lò đã hút hết từ lâu rồi.
– Bác hãy coi lưng cháu. Áo được vén lên. Với bộ mặt da sành nổi gân. Que sắt thông lò ông phang cháu tới tấp. Mỗi khi việc làm không vừa ý.
Nhìn tấm lưng vẫn còn những” con lươn” rộp phồng, xám đen mà rùng mình. Con tim nhói đau.
Ngày bác đang làm việc trong Tây Nguyên. Một người bạn của bác cho biết. Mẹ cháu đã ly hôn với người chồng đang là giám đốc của một công ty hải sản có tiếng. Bỏ học, cháu trốn gia đình đi biệt chẳng còn biết ở đâu. It ngày sau, người bố nhận ra lỗi lầm, ân hận, đã lao đi tìm con. Nghe mà lòng bác như xát muối, buồn thương. Tế cướp lời. Nay cháu cũng chẳng hiểu sao, bố cháu lại tìm vào đúng lò đậu khuôn của ông chủ cháu đang làm thuê. May không phát hiện ra. Bởi cháu đã đổi tên và đang làm ở góc khuất. . Cháu nghe rõ lời hai người chuyện trò, về việc tìm cháu. Giọng buồn buồn của người cha đã đánh mất đứa con ngoan.
Cháu vẫn còn nhớ. Chiều ấy, giữa mùa phượng. Bác Chỉnh sang nhà chào bố mẹ cháu, để đi công tác Tây Nguyên. Bác thơm cháu nhiều cái thơm trên má. Không lâu sau, bố cháu mắc vào cái bẫy, của cô tiếp viên trẻ, đẹp khách sạn thành phố. ” Cháu dùng từ” cái bẫy ” hóm thật”. Tế bảo, mấy ông trong khu phố ngồi quán nước, bàn tán với nhau nói vậy. Và họ còn bảo dại, sướng quá hóa rồ. Đến khi người vợ hiệu trưởng cấp ba bỏ, rồi mất ghế giám đốc mới sáng mắt ra. Bố cháu chẳng còn trông nom, chăm sóc mấy mẹ con. Chủ nhật thường vắng nhà. Sống với người ấy như vợ chồng. Mẹ khuyên ngăn mãi không được, đành phát đơn xin ly hôn. Tòa đã xử theo nguyện vọng của mẹ. Hôm trước tòa tuyên. Chiều hôm sau, bỏ học cháu trốn biệt gia đình vào Nam. Tư bấy cho đến cuối tháng trước, cháu mới trở về. May được gặp bác Chỉnh ở đây, nơi quán nước giải khát, cháu làm thuê cho chị chủ. Bên bờ hồ sinh thái thành phố của người Quan họ Kinh Bắc này.
Người bác ra Bắc Ninh dự hội nghị văn hóa văn nghệ. Nay trở lại Tây Nguyên. Bác cháu lại tạm biệt. Xa nhau trong một chiều thương nhớ…
***
Sông Cấm – Dòng nước như nhớ ai mà vơi đầy theo năm tháng. Nay có một người lại trở về cùng mùa phượng. Tìm một người đã từng lang thang, bươn trải nơi đất trời phương Nam năm nào.
Người khách đang ngó nghiêng ngoài cửa. Lòng bồi hồi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của ngôi nhà, khu phố trong thời đổi mới. Từ phía trong, đôi trai gái tay dắt tay đang đi ra. Cô gái chợt nở nụ cười đôn hậu, lễ phép:
– Xin lỗi. Bác tìm ai ạ ?
– Tôi… tôi tì…m một người…
Giây lát, cô gái nếp na:
– Dạ, có phải anh này không ạ. Cô vỗ vai người thanh niên dong dỏng cao, vẻ thư sinh đang đứng bên mình.
Linh cảm chợt lóe trong đầu, mách bảo. Còn ai nữa…Tế Tế lạ quá. Gía gặp ngoài đường có mà trời nhận ra. Người khách nghĩ, rồi kêu lên:
-” Cậu ấm, cậu ấm” của tôi. Hai tay lắc mạnh đôi vai chắc nẳn của Tế.
– Bác Chỉnh! Bác lạ quá. Cháu chẳng nhận ra. Tóc bác đã điểm sương. Nhưng bác vẫn còn phong độ lắm. Giọng Tế nghe là lạ như có âm sắc pha giọng Huế, với giọng Nam Bộ của người Hải Phòng.
Hai người choàng ôm lấy nhau, xúc động nghẹn lời. Vừa lúc ông Sơn bà Hạt bố mẹ Tế từ chợ Sắt trở về. Tay ôm tay xách những đồ sắt, đồ nhựa gia dụng. Còn có cả thực phẩm, rau quả… Khách chủ gặp lại nhau.
– Xin chào hạnh phúc đôi bạn Sơn Hạt. Ông Chỉnh reo lên.
Họ nắm chặt tay nhau như chẳng muốn rời.
Giờ phút hội ngộ này. Mọi người vây quanh bàn trà. Những chén trà sen hương lan tỏa ấm cúng. Gió biển lồng lộng, mang hơi nước ẩm mát ùa vào nhà. Với bao câu chuyện buồn vui theo năm tháng, của những mảnh đời ùa về. Trong không khí vui tươi ấm áp.
Sau buổi chiều năm ấy. Người bạn chào tạm biệt đi công tác Tây Nguyên, bỏ lại mùa phượng. Thấm thoắt, nay đã ngót nghét hai chục năm trời rồi còn gì. Vật đổi sao rời. Cuộc sống với bao đổi thay. Nhanh quá.
Ông Sơn cười. Cháu Ngọc Hà đây là con dâu mới. Còn thằng Tế, anh còn lạ gì nó. Vợ chồng cháu cùng học nghề du lịch. Đều tốt nghiệp cử nhân. Đang làm trong công ty du lịch thành phố, đã ba năm nay.
Bà Hạt tươi tắn đứng bên chồng, đùa:
– Học vậy mà đã cho ra đời đứa cháu nội nào đâu. Để ông bà bế bồng, chăm chút cháu…
Ông Chỉnh cười:
– Đó là chuyện của những cử nhân. Còn” hai quan” của ” cậu ấm” ngày xưa, đã cưới lại bao lâu rồi mà bí mật vậy. Tụi tôi không được dự tiệc, trách nhiều đấy.
Những gương mặt bừng nở. Những ánh mắt nhòa lệ trong niềm vui, niềm hạnh phúc dâng trào nơi thành phố ” Hoa phượng đỏ” này.
Phương Đằng