Aleksandr Xergeyevich Pushkin – Đại thi hào văn Nga, tên tuổi của ông đã lừng danh văn đàn Nga và thế giới từ thế kỷ XIX. Con đại bàng của văn học Nga một thời với sải cảnh kỳ vĩ của mình vẫn bất chấp giông gió băng xuyên các vòm trời thi ca thế giới tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ tới cảm hứng chân thiện mỹ cho người sáng tác hôm nay.
Nhân kỷ niệm ngày sinh của ông, vanhaiphong trân trọng giới thiệu thân thế và những tác phẩm của ông cùng bạn đọc.
Thời thơ ấu
Puskin sinh ngày 6 tháng 6 năm 1799 (26 tháng 5 theo lịch cũ) tại thành phố Moskva trong một gia đình quý tộc Nga có nguồn gốc từ thế kỷ 12. Mẹ ông thuộc dòng dõi của Abram Petrovich Gannibal, một người nô lệ da đen của vua Pyotr Đại đế. Nhờ thông minh xuất chúng và có những đóng góp lớn về quân sự, hàng hải cho nước Nga, Gannibal đã được Pyotr Đại đế nhận làm con nuôi. Thời thơ ấu, trong những tháng hè, Puskin thường tới sống với bà ngoại tại ngôi làng nhỏ Zakharov, gần thành phố Zvenigorod, ngoại ô Moskva. Những tháng ngày êm đềm ở đây về sau này được phản ảnh trong những bài thơ đầu tiên của Puskin (“Thầy tu”, 1813; “Bova”, 1814; “Lời nhắn cho Yudin”, 1815; “Giấc mơ”, 1816).
Thời niên thiếu
Sáu tuổi, Puskin được tuyển vào trường Lyceum Hoàng gia, tại Tsarskoe Selo (Hoàng Thôn, nay là thị trấn Puskin) gần kinh đô Sankt-Peterburg. Thời gian theo học tại đây ông đã chứng kiến cuộc chiến tranh giữa quân đội Nga hoàng với quân Pháp của Napoléon I (1812). Ông có bài thơ nổi tiếng về chủ đề này – “Hồi ức ở Hoàng Thôn” (Воспоминание о Царском Селе, 1815). Bài thơ này đã được nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng thời bấy giờ là Gavril Romanovich Derzhavin (Гаври́л Рома́нович Держа́вин) coi là một tác phẩm kiệt xuất và đã tôn vinh Puskin, khi đó mới 16 tuổi, như một nhà thơ lớn của nước Nga.
Sau khi tốt nghiệp Lyceum, Puskin tích cực tham gia vào các hoạt động văn học nghệ thuật của giới quý tộc trí thức trẻ tại Sankt-Peterburg, lúc bấy giờ đang nỗ lực đấu tranh cho một cuộc cách mạng xoá bỏ chế độ nông nô tại Nga. Thời gian này ông cho ra đời những bài thơ mang tính chính trị như “Gửi Chaadaev” (К Чаадаеву, 1818), “Gửi N.Ya. Plyuskova” (Н.Я. Плюсковой, 1818), “Làng quê” (Деревня, 1819)… Năm 1820 Puskin cho in bản trường ca đầu tiên của mình – “Ruslan và Lyudmila” (Руслан и Людмила) và ngay lập tức tạo được tiếng vang lớn về phong cách cũng như chủ đề, mặc dù cũng phải chịu sự công kích dữ dội từ phía chính quyền.
Đi đày
Mùa xuân 1820, do những bài thơ cách mạng, thống đốc Sankt-Peterburg, bá tước M. Miloradovich, đã quyết định đày Puskin tới Sibir. Tuy nhiên nhờ sự giúp đỡ và ảnh hưởng của những người bạn (Nikolai Mikhailovich Karamzin, Pyotr Yakovlevich Chaadayev, Fyodor Nikolayevich Glinka), cuối cùng ông chỉ phải chịu mức án nhẹ hơn là bị trục xuất khỏi thành phố Sankt-Peterburg vô thời hạn. Sau khi rời Sankt-Peterburg, Puskin đã đi xuống miền nam nước Nga, tới Kavkaz và Krym, Moldova, Kiev. Trong thời gian này ông vẫn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới có ảnh hưởng rất lớn tới văn học Nga thế kỷ 19, như “Người tù binh Kavkaz” (Кавказский пленник, 1822), “Gavriiliada” (Гавриилиада, 1821), “Anh em lũ cướp” (Братья разбойники, 1822), “Đài phun nước Bakhchisaraysky” (Бахчисарайский фонтан, 1824). Năm 1823, ở Kishinov, Puskin bắt tay vào viết tiểu thuyết bằng thơ, kiệt tác “Yevgeny Onegin” (Евгений Онегин).
Tháng 7 năm 1824, với đơn xin ân xá, Puskin được chính quyền cho phép về ở khu trang trại Pskov tại vùng Mikhailovskoe dưới sự kiểm soát của gia đình. Tại Mikhailovskoe ông đã sang tác những tác phẩm lịch sử như vở kịch “Boris Godunov” (Борис Годунов, 1825), “Với biển cả” (К морю, 1826), trường ca “Những người Digan” (Цыганы, 1827).
Năm 1825, trong lần sang thăm trang trại láng giềng, Puskin đã gặp nàng Anna Kern, người tạo cho ông cảm hứng để sáng tác bài thơ nổi tiếng “Gửi K”. Cuối năm 1825 đầu năm 1826 kết thúc chương năm và sáu của “Evgeny Onegin”, mà lúc đó Puskin coi là đoạn kết cho phần một của tác phẩm.
Cuối năm 1825, thông qua một số viên chức có thiện chí, Puskin đã được tiếp cận Nga hoàng Nikolai I để đệ đơn xin ân xá và được Nga hoàng chấp thuận. Tuy nhiên sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp năm 1825 tại Sankt-Peterburg, chính quyền đã xem xét lại tất cả các ấn phẩm chống đối chính quyền của Puskin trước đó và quyết định buộc ông bị quản thúc tại gia và có chính sách kiểm duyệt nghiêm khắc các tác phẩm của nhà thơ. Puskin đã chuyển về Moskva sống trong thời gian này.
Năm 1831 được đánh dấu bởi một sự kiện rất quan trọng trong sự nghiệp của Puskin, ông đã có buổi gặp gỡ với Nikolai Vasilyevich Gogol, một nhà văn Nga nổi tiếng khác. Cả hai nhanh chóng trở thành bạn thân và luôn hỗ trợ nhau trong hoạt động nghệ thuật. Puskin đã có ảnh hưởng lớn tới những nhân vật trong các tác phẩm châm biếm phê phán hiện thực của Gogol.
Cùng năm 1831, Puskin kết hôn với người đẹp Natalia Goncharova, người đã đem lại cho ông cảm hứng sáng tác lớn lao. Ông hoàn tất chương “Bức thư của Onegin” trong tác phẩm “Evegeny Onegin” và cũng là chương kết của công trình vĩ đại mà nhà thơ đã mất 8 năm để thực hiện.
Trở lại Sankt-Peterburg
Tháng 11 năm 1833, Puskin trở lại Sankt-Peterburg, và cảm thấy cần phải có những thay đổi lớn trong cuộc sống, ông không muốn bị kìm kẹp trong bốn bức tường do chế độ quản thúc.
Nhờ sự sủng ái của Sa hoàng Nikolai I, đầu năm 1834 chế độ quản thúc đối với Puskin được nới lỏng, tuy nhiên các tác phẩm thơ ca của ông vẫn phải có sự đồng ý của Sa hoàng mới được phát hành. Do vậy hoàn cảnh kinh tế của nhà thơ không được thuận lợi, Puskin phải đăng ký vào một chức vụ thư lại trong viện biên sử của Sa hoàng. Thời kỳ này, Puskin chuyển hướng sang viết văn xuôi. Ông sáng tác truyện vừa như “Con đầm bích” (Пиковая дама), tiểu thuyết như “Dubrovski” (Дубровский, 1832-33), “Con gà trống vàng”, “Người da đen của Pyotr Đại đế” (không hoàn thành)…
Cùng với những người bạn, Puskin đã thành lập tờ tạp chí Người đương thời (Современник). Nhiều tác giả nổi tiếng của Nga thời bấy giờ như Aleksandr Ivanovich Turgenev, N.V. Gogol, V.A. Zhukovski, P.A. Vyazemski đã ủng hộ bằng cách gửi những tác phẩm mới nhất của mình tới cho tạp chí này. Tuy nhiên, độc giả Nga khi đó chưa quen với những bài viết mang tính phê phán hiện thực sâu sắc đã không hưởng ứng tạp chí Người đương thời. Số lượng độc giả quá ít khiến ban biên tập lâm vào tình thế rất khó khăn, họ không có đủ tiền để trang trải cho việc in ấn và thù lao cho cộng tác viên. Hai số cuối của tạp chí có đến quá nửa là sáng tác của Puskin, phần lớn là để vô danh. Tiểu thuyết “Người con gái viên đại úy” (Капитанская дочка) chính là được in trên tạp chí này.
Các tác phẩm của A.X. Puskin
Ngoài các bài thơ được sáng tác một cách rải rác từ thời niên thiếu cho đến khi qua đời, gia tài văn chương của A.X. Puskin còn có :
Truyện thơ
· 1820: Ruslan và Lyudmila
· 1820/21: Người tù binh Kavkaz
· 1821: Bài ca Gavriil
· 1821/22: Anh em lũ cướp
· 1821/22: Vadim
· 1821/23: Đài phun nước Bakhchisaray
· 1824: Đoàn người Sygan
· 1825: Bá tước Nulin
· 1825: Chàng rể
· 1829: Poltava
· 1829/30: Tazit
· 1830: Căn nhà nhỏ ở Kolomna
· 1830: Chuyện ông cố đạo và người làm công Balda
· 1830: Chuyện nhà gấu
· 1831: Chuyện vua Saltan
· 1825/32: Yevgeny Onegin
· 1832: Yezersky
· 1833: Angelo
· 1833: Chuyện ông lão đánh cá và con cá vàng
· 1833: Chuyện nàng công chúa chết chóc và bảy tráng sĩ
· 1833: Kị sĩ đồng
· 1834: Chuyện con gà trống vàng
Kịch
· 1825: Boris Godunov
· 1830: Bi kịch nhỏ
Văn xuôi
· 1827: Người da đen của Pyotr Đại đế (tiểu thuyết chưa hoàn thành)
· 1827: Cuốn tiểu thuyết về những bức thư (tiểu thuyết)
· 1831: Tập truyện của ông Ivan Petrovich Belkin quá cố (tập truyện ngắn)
· 1833: Dubrovsky (tiểu thuyết chưa hoàn thành)
· 1834: Con đầm pích (truyện ngắn)
· 1834: Kirjali (truyện ngắn)
· 1834: Lịch sử cuộc nổi dậy Pugachyov (tiểu thuyết)
· 1835: Cuộc hành trình đến Arzrum trong một kế hoạch năm 1829 (du ký)
· 1835: Đêm Ai Cập (tiểu thuyết chưa hoàn thành)
· 1836: Người con gái viên Đại úy (tiểu thuyết)
· 1836: Roslavlyov (tiểu thuyết chưa hoàn thành)
· 1837: Biên niên sử làng Goryukhino (tiểu thuyết chưa hoàn thành)
Nguồn