“Đánh vẫn hai chữ yêu thương”: Làm người là học yêu thương – Nguyễn Hữu Quý

Yêu  thương  là  phẩm  chất  cao  quý  nhất  của  con người, chính vì thế đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội yêu thương. Xuyên suốt tập tản văn này là ý nguyện cao cả ấy. Thật đúng  như  tác  giả  đã  viết: Ngày hôm qua mỏng mảnh như tờ lịch chao nghiêng rơi vào miền dĩ vãng. Hãy nói lời yêu thương lòng ấp ủ ngay từ bây giờ vì ngày mai có thể bạn sẽ chẳng còn cơ hội!… (Ngày hôm qua).

VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý về tập tản văn của tác giả Đào Mạnh Long.

Yêu  thương  là  phẩm  chất  cao  quý  nhất  của  con người, chính vì thế đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội yêu thương. Xuyên suốt tập tản văn này là ý nguyện cao cả ấy. Thật đúng  như  tác  giả  đã  viết: Ngày hôm qua mỏng mảnh như tờ lịch chao nghiêng rơi vào miền dĩ vãng. Hãy nói lời yêu thương lòng ấp ủ ngay từ bây giờ vì ngày mai có thể bạn sẽ chẳng còn cơ hội!… (Ngày hôm qua).

VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý về tập tản văn của tác giả Đào Mạnh Long.

Tôi thích, đặc biệt thích tên của cuốn sách này. Đó là: Đánh  vần  hai  chữ  “Yêu  thương”.  Chợt  xôn  xao  nhớ, thời mình lên sáu tuổi, vào một sáng mùa thu mát mẻ, thằng  bé  xúng  xính  áo  trắng  quần  xanh  là  tôi,  lon  ton theo mẹ đến lớp vỡ lòng. Bài học chữ đầu tiên ngỡ như vẫn còn văng vẳng đâu đây. Sau nhịp thước gõ lên bảng của  cô  giáo  trường  làng,  chúng  tôi  bắt  chước  chú  gà trống oai vệ vẽ trong sách giáo khoa cất tiếng “gáy” ò… ó… o. Chữ đầu tiên được học là chữ o; o tròn như quả trứng gà đấy mà! Sau đó, chúng tôi tập đánh vần những chữ khó hơn để có ngày đọc thông viết thạo.

Kỉ niệm đẹp  khó phai  nhòa và dường như nó đã được lưu giữ một cách kĩ càng trong tâm hồn tôi để chợt chấp chới sáng lên vào những lúc lòng mình mênh mang hoang vắng. Và, cũng từ những hình ảnh của năm tháng xưa xa đó, tôi thấy lòng mình  ấm lại, thấy tràn ngập yêu thương khi nghĩ tới quê nhà, nghĩ tới ông bà, mẹ cha, anh chị, em út, thầy cô, bạn bè… Những bài học yêu thương không chỉ có trong ngổn ngang, bộn bề hiện tại mà nó đã được khởi phát từ lâu lắm rồi, thời những người thế hệ như tôi chưa thành người lớn.

Với tình cảm ấy, tôi đọc quyển Đánh  vần  hai  chữ “Yêu thương” của Đào Mạnh Long một cách hào hứng. Hai mươi mốt tản văn xinh xắn trong tập sách này là hai mươi mốt mảnh kí ức bình dị, sinh động được rút ra từ một tâm hồn trẻ trung tràn ngập yêu thương. Cách viết chưa hoàn toàn vượt thoát khỏi thời hoa học trò hồn nhiên trong trẻo nhưng ta vẫn nhận ra được sự “trưởng thành” đáng yêu của một cây bút  đang độ tuổi mười tám, đôi mươi. Văn sáng sủa và đẹp tươi như tuổi đời tung tẩy vậy.  Cộng thêm những trải nghiệm, tuy chưa nhiều nhưng là điều mà thuở học trò có được, làm cho trang viết bắt đầu biết đằm sâu và lắng đọng vị đời.

Yêu thương không ở đâu xa. Yêu thương hiển hiện trong cuộc sống đời thường từ Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, tác giả nhớ về người chị gái đi lấy chồng xa: “Chợt vụt lên trong tôi nỗi nhớ về chị! Nơi phương trời xa có lẽ lúc này chị cũng đang hướng về quê hương với niềm khắc khoải nhớ mong. Tha phương cầu thực, nhọc nhằn gánh trên vai cả gia đình với đàn con nheo nhóc, đã  mấy cái Tết rồi chị xa nhà! Vắng  cái rét ngọt cuối đông. Mặn chát vị mùa xuân khuyết! đến nghe Vòng xe đạp quay tròn lại cồn cào thương bà ngoại khôn xiết: Khoé mắt tôi cay cay. Bà ơi, cháu đâu còn là một đứa trẻ đói rách của tám, chín mười năm trước, cứ mỗi chiều đi học về lại đứng lặng dán mắt vào chiếc nia đầy những thứ kẹo xanh đỏ, quả me, trái táo hay gói ô mai. Cháu đã là một chàng trai mười bảy tuổi, gói ghém tuổi thơ cay xè khói mùa đốt đồng, khê nồng mùi bùn đất lên chốn thị thành theo đuổi ước mơ. Vậy mà cứ mỗi lần đến thăm, bà lại dúi vào cháu mấy đồng tiền như thuở còn thơ bé. “Để mà mua kẹo, mày thích ăn kẹo lắm cơ mà!”. Không thể nào khác được, như một lẽ tự nhiên, ta nhận từ bà, từ mẹ muôn vàn bài học yêu thương, có kể đến bao nhiêu lần cũng chưa vơi cạn, nhàm chán. Không ít kỉ niệm về mẹ được Đào Mạnh Long rưng rưng kể lại trong  các  tản văn giàu xúc cảm như Xào xạc gót thu; Vạt nắng chiều tỏa hương; Mang mùa xuân về cho mẹ; Vũ khúc mưa trên ngói; Bánh rán đường; Nồi thịt đông của mẹ; Mẹ, ti vi và  chiếc  đài  cũ…  Ôi, mẹ  của  những tháng năm khốn khó, tần tảo ngược xuôi kiếm cho các con từng miếng ăn, tấm mặc quá đỗi nhọc nhằn. Nhiều đoạn  văn  tác  giả  viết  về  mẹ khá sinh động, chứa chan tình cảm: Chiều chiều tôi thường lăng xăng chạy ra ngõ ngóng về luỹ tre đầu làng dõi tìm bóng mẹ. Và khi tà áo nâu sồng thấp thoáng là tôi luýnh quýnh reo lên: “A! Mẹ đi chợ về! Mẹ đi chợ về!”. Tung tăng chạy ra đón mẹ và nũng nịu: “Mẹ ơi! Mẹ có mua gì cho con không?” Mẹ xoa đầu, khẽ mỉm cười và mở chiếc nón mê úp trên miệng thúng  và  đưa cho tôi một bọc lá sen nhỏ, tôi nâng nó trên tay nghe mùi hương thoang thoảng  –  hương của đất, của trời, của tình người  nông dân “một nắng hai sương”. Nhấm nháp hạt cốm xanh trong mây mẩy, dẻo dẻo ngọt bùi, dư vị mùa màng ấy cứ vấn vít nơi đầu lưỡi, vấn vít vào cả giấc mơ… (Xào xạc gót thu). Còn đây nữa: Tôi ngồi bên khung cửa sổ mở hững hờ, lặng nhìn một nhành xuyến chi tựa đầu vào ngọn gió. Chợt ngoài sân có tiếng xe đạp lạch cạch. Mẹ đi làm về! Chân tay mẹ lấm láp bùn đất, vừa đặt chiếc cuốc xuống bờ tường hoa, mẹ rửa chân tay qua loa rồi vội vã vào bếp lo bữa cơm tối cho cả nhà. Mẹ bảo: “Còn mấy mảnh ruộng chưa san, cố làm nốt để ra Giêng cấy.” Giữa cái lạnh chín mười độ C mà mẹ cứ bì bõm trong làn nước lạnh buốt giá. Chân tay mẹ tím bầm vì lạnh nhưng mẹ cứ luôn miệng bảo: “Mẹ quen rồi, mẹ không sao đâu”… (Mang mùa xuân về cho mẹ). Bài học yêu thương còn có trong tình cảm bố con (Bước  chân  mùa  xuân; Viết cho chiều  tháng Tư), tình cảm cô trò (Vạt nắng chiều tỏa hương), tình cảm dì cháu (Dì tôi) và cả những người dưng không máu mủ ruột rà như cô bé Lan trong tản văn Ngày hôm qua…

Yêu dấu còn man mác thấm thía trong làng quê, ngõ phố, mùa màng, cỏ cây… Ở đâu có cuộc sống ở đó có yêu thương. Cái quan trọng nhất là ta có nhận ra được nó  không  và  sống  như  thế  nào  để  xứng  đáng  với  tình yêu thương bao la ấy. Ta gặp gỡ thông điệp đẹp đẽ ấy trong những tản văn Tâm sự đầu năm; Mùa thư tuổi thơ; Hàng râm bụt trước ngõ; Con ngõ tuổi thơ; Giơ tay chào mùa hạ; Yêu thương không thành lời… Chả lẽ không tin vào điều ấy, ai biết yêu thương sẽ nhận được yêu thương, cuộc  sống  sẽ  có  những  đền  đáp  xứng  đáng  cho  tình cảm này: Tôi yêu phiên chợ quê đông đúc ngập tràn sắc thắm hoa đào, lá dong xanh ngắt hay ửng vàng những trái quất trĩu cành. Ồn ã lời mặc cả. Nô nức bước chân. Rộn  ràng  tiếng  nói  tiếng  cười.  Người  đi  bán  đọt  bấc cuối mùa. Người về mua cả mấy vành trời xuân…(Tâm sự  đầu  năm).  Giêng  Hai  vùng  quê  hiện  lên  yên  lành, vui vẻ trong trang viết đầm đậm tình yêu lắng lót của người cầm bút trẻ.

Trong các thể loại văn xuôi, tôi nghĩ tản văn gần gũi với thơ nhất. Trong những tản văn hay bao giờ cũng ẩn chứa một tứ thơ và những câu chữ giàu hình ảnh, nhạc điệu của thi ca. Vì thế, viết tản văn tuy dễ nhưng thật khó hay. Trong tập tản văn này, có những khúc đoạn rất thơ như: Đưa tay hứng giọt sương long lanh đậu trên màng nhện giăng trên khóm mimoza vàng rực triền sông, tôi chợt  nhận  ra  lòng  mình  cũng  đang  thu! (Xào xạc gót thu) hay: Tuổi thơ tôi gắn liền với hàng cây râm bụt xanh rì cần mẫn chạy dọc theo con ngõ nhỏ quanh co. Để giờ đây trong tôi có một mảng màu nhớ biêng biếc mang tên loài cây ấy. Loài cây bốn mùa xanh lá mặc cho gió mùa se sắt, mưa bão dầm dề hay nắng chao chát nắng. Râm bụt như một cô gái quê chân chất, lam lũ… (Hàng râm bụt trước ngõ)…

Yêu  thương  là  phẩm  chất  cao  quý  nhất  của  con người, chính vì thế đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội yêu thương. Xuyên suốt tập tản văn này là ý nguyện cao cả ấy. Thật đúng  như  tác  giả  đã  viết: Ngày hôm qua mỏng mảnh như tờ lịch chao nghiêng rơi vào miền dĩ vãng. Hãy nói lời yêu thương lòng ấp ủ ngay từ bây giờ vì ngày mai có thể bạn sẽ chẳng còn cơ hội!… (Ngày hôm qua). Đúng thế, ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai… ai cũng biết Thương  người  như  thể  thương thân (ca dao) thì  cuộc sống sẽ tốt đẹp an hòa biết bao nhiêu. Đánh vần hai chữ “Yêu thương“cũng có nghĩa là học yêu thương để được yêu thương nhiều hơn…

Hà Nội, thu 2015

N.H.Q

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder