“Lời quê chắp nhặt…” thành bất hủ – Nguyễn Hữu Quý

Đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam chính thức được vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới…

 

 

Quyết định trên được Đại hội đồng đưa ra sau khi đã đối chiếu với các quy định chặt chẽ về việc vinh danh và biểu quyết Nghị quyết 191/EX32 của Hội đồng chấp hành về việc kêu gọi các quốc gia cùng vinh danh trong 2 năm 2014-2015 một số nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt trong khu vực cũng như trên thế giới. Một trong số đó là đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam.

Theo tiêu chí của Unesco thì những nhân vật đề cử vinh danh Danh nhân thế giới phải là nhân vật có tầm ảnh hưởng ở khu vực và quốc tế trong 5 lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, khoa học tự nhiên-xã hội và thông tin (trừ liên quan đến chiến tranh); đúng dịp kỷ niệm năm sinh và năm mất theo bước tuổi 50.

Như vậy xét về tiêu chí: Đại thi hào Nguyễn Du có đủ tiêu chí để được xét tặng danh hiệu do tầm ảnh hưởng lớn của ông đối với lịch sử, văn hóa Việt Nam, Tác phẩm Truyện Kiều không chỉ có giá trị văn học, nhân văn mà còn là tác phẩm nổi tiếng đượcbiêt rộng rãi đến trên thế giới. Tính đến nay, Tác phẩm truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, xuất bản đến nhiều quốc gia vùng lãnh thổ và đặc biệt phổ biến tại 2 quốc gia Pháp và Mỹ.

Nhân dịp này, vanhaiphong.com xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý về nhà thơ Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều

“LỜI QUÊ CHẮP NHẶT…” THÀNH BẤT HỦ

Kết lại tác phẩm Truyện Kiều dài 3.254 câu thơ lục bát bằng chữ Nôm, Nguyễn Du thật khiêm nhường khi viết rằng: Lời quê chắp nhặt dông dài / Mua vui cũng được một vài trống canh. Trong hình dung của tôi, có lẽ lúc ấy, khi ngồi bên cửa biển Nhật Lệ, Quảng Bình Buồn trông cửa bể chiều hôm / Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa, Ông quan cai bạ cũng là một thi nhân danh tiếng sống vào thời Lê mạt – Nguyễn sơ có tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên này chắc không hề nghĩ tới Truyện Kiều của mình sẽ trở thành bất hủ trong lòng nhân dân Việt Nam muôn đời và được nhân loại biết tới như một giá trị văn hóa tỏa sáng. Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới công nhận Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới và ra quyết định kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông, và tại kì họp Đại hội đồng lần thứ 37 của Tổ chức Unesco đang diễn ra đã ra nghị quyết vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới.

Nguyễn Du
Truyện Kiều

Đã từ lâu trong lòng dân tộc Việt Nam, Nguyễn Du là một tên tuổi chói sáng gắn liền với Truyện Kiều và những tác phẩm khác của Ông. Nói tới văn học Việt Nam thời trung đại, người ta không thể không nhắc tới Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài viết ra trong những tháng năm trước khi ra làm quan cho Nhà Nguyễn; Nam Trung tạp ngâm (Ngâm nga lặt vặt khi ở miền Nam) gồm 40 bài viết thời làm quan ở Huế, Quảng Bình và một số nơi ở nam Hà Tĩnh). Bắc hành tạp lục ( Ghi chép trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ Nguyễn Du viết trong chuyến đi sứ sang Trung Hoa. Ngoài ra, Nguyễn Du còn có Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh) thấm thía nỗi thống khổ của đời người.

Tuy nhiên, giá trị lộng lẫy nhất trong sáng tác của Nguyễn Du vẫn là Truyện Kiều mà theo Từ điển Văn học (bộ mới) thì được Ông viết ra một là sau khi đi sứ Trung Quốc (1814-1820), hai là thời Ông làm cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809) trước khi đi sứ phương Bắc. Trong hai giả thiết thì có vẻ như các nhà nghiên cứu lịch sử văn học nghiêng về giả thiết thứ hai hơn.

Điều đặc biệt của Truyện Kiều, trước hết là Ông viết bằng chữ Nôm (chỉ có ở nước ta) với thể thơ lục bát vốn được coi là truyền thống của dân tộc Việt dù Nguyễn Du là người có học vấn uyên bác, thông thạo nhiều thể thơ Trung Quốc như ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, các thể ca hành…Thơ lục bát Việt được nâng lên đỉnh cao nhờ tài năng tuyệt vời của Nguyễn Du. Nhiều câu lục bát hay nhất trong kho tàng thi ca đất Việt có trong Truyện Kiều của Ông. Nguyễn Du dẫu có mượn cốt truyện Đoạn trường tân thanh của Thanh Tâm tài nhân (Trung Quốc) để viết Truyện Kiều nhưng điều kỳ diệu nhất là Ông không bị khuất lấp, yếu lép sau tác phẩm văn xuôi ấy mà đã dựng nên thành một tác phẩm thi ca khổng lồ, lộng lẫy, lay động hàng triệu, hàng triệu trái tim con người từ bao thế hệ nay bởi tinh thần nhân văn sâu sắc, sống động và giá trị nghệ thuật vừa cao siêu vừa dân giã, thật sự hài hòa điêu luyện. Xưa, nay đã có biết bao lời ngợi khen Truyện Kiều của Ông, có cổ nhân đã từng trầm trồ khâm phục Nguyễn Du rằng: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ đã nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”. Truyện Kiều thấm sâu lòng dân Việt đến nỗi, có người từng khẳng định: Truyện Kiều còn thì nước Nam còn và người ta dùng tác phẩm nổi tiếng này để bói đoán số phận may rủi của mình.

Truyện Kiều đâu chỉ để kể lại câu chuyện về một cô gái tài sắc bị xã hội vùi dập đến tận cùng, bằng thơ. Cũng không phải để minh họa cho luận thuyết định mệnh của con người dù Nguyễn Du có viết: Ngẫm hay muôn sự tại trời / Trời kia đã bắt làm người có thân / Bắt phong trần, phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao. Toàn bộ tác phẩm vẫn là tiếng kêu xé buốt tâm can của một con người giàu lòng nhân ái, tài hoa từ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Tiếng kêu xót xa nhức nhối ấy, trước hết dành cho những người phụ nữ luôn luôn bị đè nén, bạc đãi, hành hạ, xâm phạm: Đau đớn thay phận đàn bà / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Đến thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 này, thử hỏi một nửa nhân loại mang danh đàn bà đã được giải phóng bao nhiêu. Còn bao nhiêu thân phận bị hành hạ, dập vùi như nàng Thúy Kiều thời phong kiến ấy. Đau đớn thay phận đàn bà, đấy là tiếng kêu của lương tri, của lòng nhân đạo cao cả. Tiếng kêu giải phóng con người đau khổ được cất lên từ Nguyễn Du, gần ba trăm năm về trước. Nỗi đau, niềm thương cảm, những khát vọng không thể hiện bằng những diễn từ bóng bảy mà nó găm sâu, thấm nặng từng con chữ, từng hình tượng, từng chi tiết, từng âm điệu trong Truyện Kiều.

Đọc Nguyễn Du mới thấy cái sức chuyển tải, truyền cảm của thơ lục bát thật kỳ diệu và lạ lùng biết bao. Tưởng rằng, cái sự cân đối sáu tám ấy cùng với luật bằng trắc rất ổn định, đầy luyến láy như đặc trưng âm sắc ngôn ngữ Việt này chỉ đủ hát lên những dập dìu Con cò bay lả bay la / Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng mà thôi, nào ngờ nó đầy biến hóa, đầy sức mạnh diễn tả trong Truyện Kiều. Nó gánh gồng những ngậm ngùi  thân phận của người phụ nữ tài sắc bạc mệnh: Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh / Giật mình, mình lại thương mình xót xa. Nó diễn đạt tâm lý, tình huống chính xác và cô đọng không chê vào đâu được: Cùng trong một tiếng tơ đồng / Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm. Nó như là họa khi tả cảnh, tả người: Cỏ non xanh rợn chân trời / Cành lê trắng điểm một vài bông hoa và: Làn thu thủy, nét xuân sơn / Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh. Nó là tâm trạng, là nhạc điệu tâm hồn: Buồn trông cửa bể chiều hôm / Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa / Buồn trông ngọn nước mới sa / Hoa trôi man mác biết là về đâu / Buồn trông nội cỏ rầu rầu / Chân mây mặt đất một màu xanh xanh. Những câu thơ viết về tình yêu như thế này thật đáng cho ta xao động, khâm phục: Người đâu gặp gỡ làm chi / Trăm năm biết có duyên gì hay không hay: Vầng trăng vằng vặc giữa trời / Đinh ninh hai mặt một lời song song. Và đây, là nỗi chia ly: Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

Sự tố cáo cái ác, cái bất nhân trong xã hội càng mạnh mẽ bao nhiêu thì sự cảm thông, lòng nhân ái với những thân phận khổ đau càng nhiều bấy nhiêu đấy là giá trị nội dung và nghệ thuật to lớn của Truyện Kiều. Thế giới hiện đại đang đầy rẫy, ngập tràn cái ác, phi nhân văn. Hàng triệu phụ nữ đang lâm vào cảnh đói nghèo cùng cực, thất học, bị đày đọa, bị hành hạ. Hàng triệu phụ nữ đang bị biến thành những món hàng mua bán; họ chưa thoát khỏi nạn buôn người, săn người. Chiến tranh. Thiên tai. Bao nhiêu hiểm họa đang treo trên đầu con người mà phụ nữ sẽ là kẻ gánh chịu nặng nhất. Trên trái đất vẫn được gọi là hành tinh xanh này vẫn còn rất nhiều cuộc bể dâu, rất nhiều điều trông thấy mà đau đớn lòng. Chưa hết đâu những thằng bán tơ, những Mã Giám Sinh, Sở Khanh,Tú bà, Hồ Tôn Hiến…và vẫn còn đấy những nàng Kiều lưu lạc, không chỉ là mười lăm năm mà đôi khi hết cả cuộc đời mình trong cộng đồng, thế giới đông đúc này.

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Tiếng kêu, tiếng chuông thống thiết ấy vẫn còn ngân vọng từ 3.254 câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Hiện thực xã hội đương thời vẫn mang nhiều nét, nhiều mảng như hiện thực xã hội được phản ánh trong Truyện Kiều của Tố Như. Giá trị tố cáo, lên án; giá trị nhân văn, nhân đạo vẫn còn nguyên vẹn ở Truyện Kiều nếu không muốn nói càng soi chiếu vào cuộc sống hôm nay ta càng thấy thấm thía, sâu sắc hơn. Vì lẽ đó, ta không nghi ngờ gì về giá trị trường tồn của Truyện Kiều, của Đại thi hào Nguyễn Du. Và càng tự hào hơn về ông cha mình đã lấy nước mắt viết nên những tác phẩm lay động lòng người như thế.

Nguyễn Du đã, đang và sẽ can dự vào đời sống tinh thần của dân tộc và nhân loại. Đại thi hào kính yêu của chúng ta vẫn đang giao lưu với những thế hệ sau mình hằng mấy thế kỷ trong khát vọng xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Mà điều xuất phát của nó không gì khác phải là tình thương con người. Bài học về tình thương con người không có gì mới nhưng chưa bao giờ cũ và càng không thể đánh mất nó.

Nguyễn Du đang nói với chúng ta như thế đó, bằng thơ, bằng Truyện Kiều bất hủ của Ông.

Đồng Xa, đầu Đông 2013

NGUYỄN HỮU QUÝ

(Nguồn VNQĐ online)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder