Quẳng bánh chưng xuống giếng: Tản văn của Kiều Bích Hậu

Thập niên 80, trong cái khó khăn chung của đất nước, thì nhà chúng tôi cũng nghèo. Mặc dù bố mẹ tôi đều là cán bộ nhà nước, nhưng Tết đến, có được nồi bánh chưng cũng thật là một thách thức không hề nhỏ. Tiêu chuẩn chỉ được mua hai cân gạo nếp tem phiếu, nên mẹ tôi đành nhờ vào mẹ chồng thì mới có đủ gạo, đỗ để nấu nồi bánh chưng cho đàng hoàng.

Bà nội tôi cấy hơn nửa sào lúa nếp cái hoa vàng. Hạt nào hạt nấy tròn mẩy như đít ong căng mật. Cái nồi quân dụng lúc 10h sáng ngày Ba mươi tết đã óc ách đầy bánh chưng. Lũ trẻ gồm ba đứa con gái chúng tôi, ngồi quanh nồi bánh, vừa đút thêm củi, dụi thêm trấu, và nhồi vài củ khoai tây, khoai lang vào tro nóng nướng lên. Trời rét căm căm, má đứa nào đứa nấy căng hồng, nẻ đứng nẻ ngồi, rát rạt lửa nóng, nhưng chẳng cái thú nào cho bằng ngồi sưởi bên nồi bánh chưng, tay bóc củ khoai nướng nóng hôi hổi, miệng xuýt xoa, mũi hít hà mùi thơm vỏ khoai cháy, lẫn với mùi bánh chưng tỏa ra khắp bếp.

Đúng 10h đêm Ba mươi, mẹ tôi dụi lửa nồi bánh. Như vậy là bánh được luộc đúng 12 tiếng đồng hồ, chín ngấu nghía cả. Mẹ sẽ vớt cặp bánh chưng giữa nồi ra rửa trong nước lạnh cho lá bánh bóng sạch, rồi đặt lên hai cái đĩa sứ men trắng hoa cúc xanh và đôi chim hồng tước, dâng lên bàn thờ các cụ. Xong xuôi, mẹ tôi thắp nén nhang trên bàn thờ, rồi mẹ vào bếp, xua ba đứa con gái chúng tôi ra xa, tránh bị bỏng vì nồi bánh. Lúc đó mẹ vớt bánh vào cái sảo sề nan cật đan thưa, hơi bánh mù mịt bốc lên như đám mây trắng mờ bay quanh tóc mẹ. Mười cái bánh cả thảy được bỏ vào sảo. Mẹ gọi tôi cùng khiêng cái sảo bánh, ra giếng thơi đầu hồi nhà, buộc chắc thừng ba góc sảo, rồi lập tức thả nhanh sảo bánh xuống giếng, ngập sâu tới ba mét nước.

Mười cái bánh chưng bị quẳng xuống giếng, theo lời mẹ tôi, là để dành làm cỗ Rằm tháng Giêng. Đây là mẹo để giữ bánh được lâu trong khi không có tủ lạnh. Thế là, cái giếng đã trở thành tủ lạnh cất bánh chưng. Tôi nhớ là mình từng hoảng hồn thắc mắc khi lần đầu thấy mẹ tôi quẳng bánh chưng xuống giếng: “Mẹ ơi, thế này nước ngấm vào hỏng hết bánh chưng?”. Mẹ tôi đáp: “Bánh đang nóng, nhựa bánh chảy ra lấp kín các khe giữa lá gói, khi gặp nước lạnh nhựa bánh đông lại, thế là bánh được bao kín, nước không ngấm qua được!” Quả vậy, khi đến ngày Rằm tháng Giêng, háo hức vớt bánh lên, cái nào cái nấy chắc nình nịch, cứng như gỗ. Và mẹ tôi liền cho bánh chưng vào nồi hấp lên, bánh lại nóng ngon như mới luộc hôm qua. Cứ dùng đến cái bánh nào thì mẹ lấy ra khỏi sảo bánh, xong rồi lại thả sảo xuống giếng để giữ lạnh cho bánh. Cho đến khi hết thì thôi. Phương pháp này tỏ ra thật hiệu nghiệm, bởi nhà tôi giữ bánh được lâu, ăn đến cái bánh cuối cùng vẫn thơm ngon. Trong khi nhà hàng xóm không làm vậy, trời nồm nắng hửng, bánh chưng mốc chua phải rán lên bằng hết, ăn cố cho hết mà ngấy ngá quá, chẳng ngon tẹo nào, lại còn đau bụng nữa.

Nay thì nhà chúng tôi đã có tới hai cái tủ lạnh to, tha hồ đựng bánh chưng cho đến Rằm tháng Giêng, thậm chí tháng Hai, tháng Ba, nếu để bánh trong ngăn đá. Thế nhưng, mỗi khi vớt bánh, tôi lại bồi hồi nhớ đến việc quẳng bánh chưng xuống giếng, và rồi mong mỏi mỗi ngày được mẹ cho kéo bánh lên, nhặt lấy đôi ba chiếc đủ ăn trong ngày, và lại thả cái sảo bánh xuống giếng. Bánh ăn hết lâu rồi, mà vị nhớ còn nguyên…

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder