Có bữa thì quà chợ mẹ mua là những khúc cây mía, vài quả bưởi. Bữa thì mẹ mua bỏng ngô, kẹo bột. Đôi khi mẹ mua quà là bánh đúc, bánh đa, chuối, oản đường, vài miếng cùi dừa…
Có bữa thì quà chợ mẹ mua là những khúc cây mía, vài quả bưởi. Bữa thì mẹ mua bỏng ngô, kẹo bột. Đôi khi mẹ mua quà là bánh đúc, bánh đa, chuối, oản đường, vài miếng cùi dừa..
Ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần đi chợ về mẹ thường mua cho rất nhiều quà. Quà nơi chợ quê chỉ giản đơn là bát bánh đúc lạc, nắm bỏng ngô, sâu bánh đa, dăm cái kẹo bột; hoặc đôi bữa là cây mía, quả bưởi…, thế nhưng đó là cả sự mong chờ ngóng đợi của tôi không chỉ lúc mẹ chuẩn bị đi chợ về, mà ngay từ tối hôm trước, khi mẹ nói mai sẽ đi chợ là tôi đã mừng khấp khởi đến không thể ngủ được. Với những bữa được mẹ hứa cho đi chợ cùng thì niềm vui sướng trong tôi trào dâng đến không gì có thể so bì nổi, khi mà cảm giác lâng lâng, lúc nào tôi cũng nghĩ tới, đó là quãng thời gian ngồi trông quang gánh đợi mẹ mua bán hàng hóa xong, sau đó là thời khắc được no nê thỏa thích đánh chén bao nhiêu là thứ quà mẹ mua cho…
Người ta từng bảo, không có gì thích thú, sung sướng như cảm giác trẻ con ngóng mẹ về chợ, và tôi đã có những năm tháng ấu thơ trải qua rất nhiều lần mong ngóng mẹ đi chợ về mới thấy câu nói rất đúng! Chẳng có một lần nào đi chợ về mẹ lại không mua quà, dù mẹ có đến chợ để bán hay mua hàng thì khi về trong chiếc thúng, chiếc mẹt mẹ gánh về cũng luôn có vài ba thứ quà. Ngóng mẹ về chợ là để được ăn quà, vì vậy mà cứ mỗi khi ước chừng mẹ sắp về chợ là tôi lại nhấp nhổm chạy ra đầu ngõ để trông xem mẹ về chưa. Có những bữa, do chợ đông, hoặc có lần hàng bán chậm…, nên mẹ về muộn hơn thường lệ, vì vậy sự mong ngóng mẹ cứ dồn nén trong tôi lên đến sốt cả ruột. Những lúc sốt ruột như vậy tôi thường cứ chạy ra ngõ ngóng, lại vào nhà, lặp đi lặp lại nhiều lượt ngóng chờ như vậy.
Rồi thì cảm giác sung sướng vỡ òa khi mẹ từ chợ về tới nhà. Thậm chí, ngay từ lúc mẹ mới bước thấp bước cao quẩy đôi quang gánh tới đầu ngõ thôi thì mấy anh chị em chúng tôi đều mừng quýnh cả lên, khi đứa nào cũng reo lên “Mẹ đã về! Mẹ đã về rồi…!”. Khi mẹ vào nhà, vừa đặt quang gánh xuống là đàn con xúm lại quanh chiếc thúng có đựng quà ở trong. Thế nhưng, dù có được nhìn, ngắm những thứ quà hiện ra trước mắt thì bao giờ mấy anh chị em cũng không được tự ý tranh, cướp quà, mà phải đợi mẹ phân phát chia cho mỗi đứa một phần sở hữu riêng thì mới được ăn.
Có bữa thì quà chợ mẹ mua là những khúc cây mía, vài quả bưởi. Bữa thì mẹ mua bỏng ngô, kẹo bột. Đôi khi mẹ mua quà là bánh đúc, bánh đa, chuối, oản đường, vài miếng cùi dừa… Nói chung là mùa nào thức nấy, hễ mẹ cứ đi chợ về là có quà, và quà lần nào cũng phải vài món trở lên, chứ không bao giờ là ít. Những hôm mẹ đi bán gạo, bán gà và các thứ nông sản được nhiều tiền thì số lượng quà mẹ mua cho các con luôn nhiều hơn, vì vậy mà chúng tôi ăn thoải mái, thậm chí là chỉ ăn qua thôi cũng đã đủ no, không cần ăn cơm…
Cho đến tận bây giờ trong tôi vẫn còn vẹn nguyên cái cảm giác sung sướng tột độ trong những buổi đón mẹ về chợ, và được mẹ chia quà, rồi ăn quà. Thời đó, điều kiện kinh tế khó khăn, nhà ai cũng nghèo đói, không có nhiều đồ ăn vặt tiện và sẵn như bây giờ, vì vậy mà khi có quà trong tay, dù ít dù nhiều, anh chị em trong gia đình chúng tôi nói riêng, cũng như hầu hết lũ trẻ quê nói chung đều rất dè xẻn, nghĩa là đứa nào đứa nấy ăn từ từ, ăn thật chậm rãi, bởi sợ ăn nhanh sẽ hết và cảm giác thèm lại dâng trào lên trong khi thấy đứa khác vẫn còn quà để ăn. Tôi từng là đứa trẻ thường bị ăn dỗ, khi mà có quà chợ của mẹ chia tôi hay ăn rất chậm, thậm chí là ăn một nửa rồi để dành một nửa đến chiều tối ăn tiếp. Thế nhưng, chị hai tôi có quà là ăn tống ăn táng hết veo luôn, vì vậy suốt ngày ăn dỗ của tôi. Chị thường xin xỏ, thậm chí nịnh nọt tôi để tôi cho chị một ít quà, vì chị nói chị thèm… Có những bữa tôi nói cương quyết không cho chị, bởi chị cũng có bằng ngần ấy quà như em, vậy mà chị ăn nhanh, ăn hết luôn… để giờ không còn, rồi lại đi xin! Dẫu nói vậy, nhưng vốn tôi là người có tính thảo ăn nên chỉ được một lát, nghe chị nịnh nọt là thế nào tôi cũng êm tai xẻ bớt một ít quà còn lại đưa chia cho chị để hai chị em cùng ăn…
Cũng có không ít lần, chỉ vì mẹ vô tình chia quà không đều cho mấy anh chị em chúng tôi mà xẩy ra “xung đột”, khi chúng tôi sinh cãi cọ. Tôi nhớ, một lần khi nhận hai khúc mía tím từ mẹ, em út của tôi đã phụng phịu khóc và nói: “Mẹ chia cho anh chị những khúc mía to, dài hơn của con!”. Thấy vậy, mẹ tôi nựng thằng út, và kêu chị hai đổi cho út hai khúc mía khác. Oái oăm thay, chị hai cũng không chịu nhường nhịn em khi nhất quyết không đổi, vì vậy mẹ kêu tôi, và tôi phải đổi cho thằng út, dẫu trong lòng không được vui lắm vì phải nhận lại hai khúc mía nhỏ xíu…
Ngoài những buổi ở nhà ngóng mẹ về chợ để được ăn quà mẹ mua, thì ngày nhỏ cũng có không ít lần tôi được mẹ cho đi theo đến chợ với nhiệm vụ đứng trông giữ quang gánh, đồ đạc cho mẹ đi mua sắm. Những buổi được theo mẹ ra chợ như vậy, tôi thường được mẹ ưu ái khi mua cho nhiều quà hơn, ăn thoải mái. Có lần, ngay vừa đặt chân tới chợ, chưa kịp mua bán cái gì vậy mà mẹ đã mua ngay cho tôi một túi bỏng ngô, vài chiếc bánh đa vừng để tôi vừa ngồi trông quang gánh vừa ăn. Khi chợ tan, mẹ lại mua cho vài thứ quà nữa để trên đường đi về nhà ăn. Nói chung là những hôm theo mẹ đi chợ tôi luôn được mẹ mua cho thật nhiều thứ quà, và ăn thoải mái, ăn no chứ không có cảm giác thòm thèm như những bữa ở nhà ngóng mẹ về chợ.
Tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi mà hết thảy những ai sinh ra và có những năm tháng ấu thơ nơi quê nhà chắc đều có rất nhiều những kỷ niệm đẹp về những buổi ngóng mẹ về chợ, rồi cảm giác sung sướng đợi được ăn những món quà chợ quê bình dị, giản đơn mà mẹ mua về cho. Chính vì vậy mà hoài niệm và nhắc nhớ về phiên chợ quê, cùng những món quà bình dị ấy, hẳn nhiều người trưởng thành hôm nay đều tìm thấy chút hình ảnh của mình ở trong đó…(?!)
N.G.L