Thật khó có thể tìm một nhân vật trí thức có tài năng cũng như vị trí vô cùng đặc biệt như Tản Đà. Nhìn vào trường hợp thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu, chúng ta ngẫm nghĩ được khá nhiều vấn đề mang tính lý luận của văn chương Việt ở buổi giao thời chuyển từ bút lông sang bút sắt…
Thật khó có thể tìm một nhân vật trí thức có tài năng cũng như vị trí vô cùng đặc biệt như Tản Đà. Nhìn vào trường hợp thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu, chúng ta ngẫm nghĩ được khá nhiều vấn đề mang tính lý luận của văn chương Việt ở buổi giao thời chuyển từ bút lông sang bút sắt.
Còn nhớ một câu mà lâu nay người ta đều bảo đó là câu nói của Phan Bội Châu: “Lập thân tối hạ thị văn chương”, có nghĩa lập thân hèn hạ nhất là bằng văn chương, nếu đó là thứ văn chương cử tử, văn chương tầm chương trích cú, chỉ lo ve vãn, tô đẽo những điều phù phiếm, hão huyền, không chú tâm tới hiện thực đời sống đang diễn ra với bao lo toan về sự bình yên, thịnh trị và phồn vinh của trăm họ. Thực sự, câu nói đó của một sĩ phu Trung Hoa, vì cụ Phan tâm đắc với nó mà nhắc đi nhắc lại thôi.
Sau này, Tản Đà chỉ sửa một chữ trong câu đó để phù hợp hơn với quan niệm văn chương của nhà thơ “quê hương thời có cửa nhà thời không”. Tản Đà phát biểu: “Lập thân tối thiểu thị văn chương”, có nghĩa lập thân kém nhất cũng phải bằng văn chương, nếu văn chương đó là thứ văn chương vì cuộc sống đương thời.
Mở mang dân trí
Tản Đà sinh ra trong thời đại hoàn toàn khác. Khi cựu học ngày càng suy thoái, chữ quốc ngữ được cổ súy, phổ biến trong các trường học và mọi công việc hành chính sự vụ, khi báo chí phát triển như trăm hoa đua nở, Tản Đà là người cực kỳ nhạy bén với thời cuộc, lẽ nào vẫn cố sống cố chết với những lý luận và quan niệm văn chương theo kiểu “chi, hồ, giả, dã” cho được? Và Tản Đà đi theo quan niệm của những trí thức hàng đầu của Việt Nam giai đoạn giao thời như: Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng v.v… Ông coi việc làm văn chương như cách để mở mang dân trí, chấn hưng đất nước và sâu xa hơn, cổ súy cho việc tự lực tự cường trên phương diện văn hóa để chờ cơ hội giành lại độc lập từ tay người Pháp. Tản Đà cũng như những trí thức buổi giao thời hiểu sâu sắc một lẽ rằng, muốn đánh đuổi Pháp, trước hết phải học Pháp, mà cái cần học trước tiên chính là chữ quốc ngữ. Do đó, không ngạc nhiên khi một ông đồ nho được đào tạo khá bài bản trong nền cựu học như Tản Đà thoắt đã có thể nhập cuộc với những tri thức mới mẻ của nền văn hóa phương Tây và chữ quốc ngữ.
Trở lại với quan niệm văn chương của Tản Đà. Chính vì những ý nghĩ thức thời như trên mà khi làm báo, viết văn, Tản Đà thể hiện rõ những ám ảnh thôi thúc của tinh thần tự nhiệm một nhà nho trước buổi gió Á mưa Âu.
Đọc văn chương Tản Đà, người ta thấy rất rõ hai cái mâu thuẫn. Một mặt, ông coi văn chương là một thú chơi, không làm ra vẻ nghiêm trọng hay phức tạp. Văn chương với ông trước hết là một cuộc chơi tùy hứng, thư thái. Vì lẽ ấy, trong những phần giới thiệu, cảm bình văn chương, Tản Đà gần như bỏ qua, không chạm tới những phương diện phản ánh xã hội của tác phẩm. Ông thích và nói nhiều về vẻ đẹp ngôn từ, vẻ đẹp đích thực và cơ bản nhất của văn chương. Tuy nhiên, vì Tản Đà là nhà báo, nên dù muốn dù không, ông cũng không thể làm ngơ trước những sự kiện đang diễn ra quanh mình. Trong nhiều tác phẩm văn chương cũng như báo chí của Tản Đà, người ta nhận ra khối mâu thuẫn đó đôi khi khiến ông lúng túng…
Vì sự thay đổi quan niệm đó nên Tản Đà lao vào rất nhiều công việc khó nhọc, gian khổ và đầy thách thức. Ông từng nuôi tham vọng viết một cuốn sách ngữ pháp về chữ Hán văn ngôn để dạy các thế hệ người Việt sau này không quên thứ văn tự của cha ông. Nhưng Tản Đà lại áp dụng phương pháp phân tích ngữ pháp của tiếng Pháp để phân tích chữ Hán văn ngôn và cấu trúc ngữ pháp của nó. Tản Đà quên mất rằng, tiếng Pháp là thứ tiếng đa âm, ghi âm tiếng nói, còn chữ Hán văn ngôn là thứ chữ của ngôn ngữ đơn âm, không ghi âm mà biểu ý theo nguyên tắc của chữ tượng hình. Sự khác biệt tới mức gần như một trời một vực khiến con đường của Tản Đà trong nỗ lực công thức hóa chữ Hán văn ngôn trở thành điều bất lực. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải ghi nhận cố gắng rất lớn và tâm huyết tuyệt vời của vị trí thức này đối với nền văn hiến dân tộc.
Nhưng tại sao đến thời Tản Đà mới xảy ra chuyện thay đổi quan niệm văn chương tới mức “180 độ” như vậy? Bên cạnh những biến đổi mang tính vi tế, trừu tượng, không dễ phân tách, còn có một sự thực, các trí thức đương thời cũng như chính Tản Đà đều đã trải qua những “cú sốc” văn hóa vô cùng lớn khi lần đầu tiên họ được chứng kiến những thành tựu văn minh phương Tây vô cùng hấp dẫn tại đất nước ta giai đoạn đầu thế kỷ.
Nhà nghiên cứu Phan Quý Bích, trong một công trình nghiên cứu về văn chương từ bút lông sang bút sắt đã từng viết, đại ý rằng, khi ngắm nhìn những công trình lớn như nhà hát lớn, phủ toàn quyền và cầu Long Biên, đặc biệt là cầu Long Biên, cây cầu đầu tiên được bắc qua sông Hồng, nối liền giữa hai vùng dân cư vốn lâu nay cách trở biền biệt giữa bên tả, hữu ngạn, nhiều nho sĩ của buổi cựu học đã về nhà bẻ bút lông để bắt tay vào học cầm bút sắt. Dù yêu nước đến nồng nàn, cháy bỏng, nhưng những trí thức thuở ấy đều hiểu rằng, chúng ta sẽ không thể giành lại được độc lập nếu chỉ có ý chí đơn thuần và những mộng mơ tràn đầy khát vọng hạnh phúc. Cần phải học tập thành tựu văn minh của thế giới, của người Pháp, để có đủ năng lực và sức mạnh quân sự chống lại quân xâm lược này.
Đông Kinh Nghĩa Thục được ra đời cũng bởi sự “đốn ngộ” đó của các sĩ phu Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tản Đà thay đổi quan niệm văn chương cũng bởi sự “đốn ngộ” đó.
Ngày nay, khi chúng ta tìm hiểu hay nghiên cứu về các tác gia văn học cũng như các trí thức sống trong giai đoạn không còn gần gũi về mặt thời gian, không gian như Tản Đà, điều rất cần thiết là hãy cố gắng đặt lại họ trong đúng bối cảnh lịch sử từng có, để không hiểu sai đã đành, và cũng không gán ghép cho họ những tư tưởng tuyệt vời mà có thể tại thời điểm đó họ chưa hề nghĩ tới.
Tản Đà khác với các nhà thơ cũ
Tản Đà được sinh ra, được đào tạo trong nền học vấn khoa cử, lối tư duy của Tản Đà là lối tư duy bắt nguồn từ văn ngôn, khác xa với tư duy bằng lời của những người theo học Pháp ngữ hoặc quốc ngữ sau này. Chỉ có điều, tuy tư duy bằng văn ngôn, nhưng Tản Đà lại khác với những tác giả đi trước ở chỗ, hệ tiêu chí xét đoán, đánh giá mọi giá trị, tư tưởng cuộc sống của ông lại bắt nguồn từ chính những quan sát của bản thân và cuộc sống cá nhân. Ông không cần phải mượn tới từ chương, điển tích, điển cố của người xưa để nói thay mình câu chuyện của đời nay. Và dù ông chưa xưng tôi, nhưng cái tôi trong ông đã mang dáng dấp rất riêng so với cái tôi của các nhà nho trước đó. Thực chất, Tản Đà có phong thái và tố chất của một nghệ sĩ hơn một nhà nho, đây là điểm khác biệt rất lớn và cũng rất quan trọng nếu so sánh Tản Đà với các tác giả viết bằng chữ Hán trước ông.
Có thể chính bởi sự khác biệt đó mà Phạm Quỳnh, một học giả cùng thời với Tản Đà lại là người chê bai, thậm chí thóa mạ Tản Đà nhiều nhất. Đó là bởi Phạm Quỳnh mặc dù rất giỏi chữ Tây, nhưng thực chất là một nhà nho chính hiệu với đầy đủ những phẩm chất và tư duy được đào tạo từ cửa Khổng sân Trình. Còn Tản Đà, ông đã bước qua cái hàng rào tư tưởng của đạo nho để vượt sang bên kia bờ tư tưởng của cảm xúc và những trải nghiệm cá nhân. Ông không chịu nói theo sách vở thánh hiền, không chịu lấy những khuôn vàng thước ngọc của ngàn đời để đo những giá trị thuộc thời cuộc đang sống hôm nay của mình. Đó là cái làm cho ông khác với những tác giả nhà nho trước đó.
Tản Đà cũng không giống các nhà thơ mới
Nhưng dù thế, Tản Đà cũng khác rất xa so với các nhà thơ thuộc giai đoạn thơ Mới sau này. Mặc dù chúng ta đã khẳng định tiêu chí xét đoán mọi việc của Tản Đà bắt nguồn từ chính những trải nghiệm cá nhân, nhưng sự ràng buộc, níu chân Tản Đà ở lại với lớp tác gia cũ chính bởi một phần sự phát triển còn khá èo uột của quốc ngữ giai đoạn đầu thế kỷ 20.
Tản Đà sinh 1889, mất năm 1939, tức là ông có khoảng 20 năm chung sống và sử dụng chữ quốc ngữ để sáng tác và mưu sinh. 20 năm với một đời người có thể cho là nhiều, nhưng với sự phát triển của một thứ văn tự thì lại chỉ là thoáng qua tựa chớp mắt. Giờ đây, khi đọc lại một số văn bản viết vào giai đoạn này, ta không khỏi buồn cười vì sự ngô nghê tới mức đơn giản của cách sử dụng ngôn ngữ thời đó. Trong giai đoạn này, để diễn tả những gì thuộc về khoa học hay những vấn đề phức tạp, người ta lại buộc phải vận dụng chữ Hán chứ không thể chỉ trông chờ vào quốc ngữ. Đó là lý do vì sao việc thể hiện những cảm xúc thông qua lăng kính cá nhân với Tản Đà lại là công việc không đơn giản. Và đó là một trong những lý do khiến ông rất khác so với các nhà thơ mới, những người sinh sau ông cả chục năm và cũng có thêm cả một thập kỷ nữa để rèn giũa và học hỏi chữ quốc ngữ thông qua việc dịch thơ Tây vào giới thiệu trong nước.
Cũng phải nói thêm rằng, con người thường không ai vượt qua khỏi những chi phối và ràng buộc của thời đại họ đang sống. Tản Đà cũng vậy. Ông không thể nói khác với thứ tiếng nói sử dụng quốc ngữ trong giai đoạn đầu còn non nớt và èo uột. Ông cũng không thể viết khác được khi cuộc mưu sinh của ông trông hoàn toàn vào ngòi bút, nếu ở thời của mình, ông lại viết giống như những tác giả thời thơ Mới, có lẽ sẽ chẳng thể nào bán được văn chương. Bởi ngay như các nhà thơ Mới sinh sau ông tới cả thập kỷ mà khi trình bày thơ cùng công chúng, họ còn bị phê phán.
Điều khiến Tản Đà gần độc giả hôm nay hơn chính là sự vận dụng kho tàng ca dao, dân ca, tục ngữ của dân tộc vào sáng tác văn chương. Có thể nói, chỉ bắt đầu từ thời của Tản Đà, kho tàng ca dao, dân ca của dân tộc mới được ghi chép lại nhờ có chữ quốc ngữ. Tản Đà là bậc thầy về thơ Nôm, nếu xét theo vị trí, có lẽ ông chỉ đứng sau Nguyễn Du ở thể tài này. Tản Đà gần với Nguyễn Du cũng chính bởi điểm đó. Người ta có thể nhận ra sự tài tình trong việc sử dụng ngôn ngữ của Tản Đà trong các bài dịch thơ Đường, các sáng tác văn chương nói được nỗi lòng, cảm xúc cá nhân. Và điểm đặc biệt đó chính là có bởi sự vận dụng kho tàng ngôn ngữ dân tộc trong ca dao, dân ca và tục ngữ.
Với bài Thề non nước của Tản Đà, nhiều người bảo, nhiều giáo trình, giáo án giảng dạy đều một mực khẳng định, đó là bài thơ thể hiện niềm yêu nước thầm kín của Tản Đà với quốc gia, dân tộc. Nhưng trên thực tế, đó là bài thơ ghi lại cuộc đối đáp giữa thi sĩ với cô đầu, người nọ tiếp lời hát, đối đáp với người kia. Có thể đúng là có tình yêu nước trong đó, nhưng cũng cần nói ngay rằng, nó ra đời ban đầu không phải nhằm thể hiện tình yêu nước như một thái độ có ý thức chủ đích của người viết.
D. K. T