Thế là coi như anh buông tay. Chỉ việc đi làm và thi thoảng cùng đồng nghiệp đánh quả lẻ kiếm ít tiền dằn túi để chi tiêu cho bản thân…
Một buổi tối. Anh về muộn khi tàn cuộc bia cỏ cùng bạn bè chúc mừng cái thẻ ATM. Mà hội của anh thì lạc quan lắm. Chuyện vui chuyện buồn gì cũng chúc mừng được tất: nào là xăng tăng tăng giá, vàng hạ nhiệt, Nga, Mỹ sắp bầu tổng thống mới… những cái đầu thông minh tầm cỡ ví nhân luôn nghĩ ra đủ chuyện để có lý do gặp gỡ mà “cạch” với nhau. Về đến nhà anh đưa luôn thẻ cho vợ để dìm ngay một cuộc chiến sự có thể bùng nổ:
– Từ nay em khỏi phải lo anh đưa lương không đủ nhé! Lương, thưởng cơ quan anh sẽ chuyển vào tài khoản hết! Tiền chi tiêu cá nhân anh sẽ tự thân vận động. Em quản lý tài khoản rồi lo tiền ăn uống, sinh hoạt trong nhà và tiền học hành của các con cũng như đối nội, đối ngoại hai bên…
Thế là coi như anh buông tay. Chỉ việc đi làm và thi thoảng cùng đồng nghiệp đánh quả lẻ kiếm ít tiền dằn túi để chi tiêu cho bản thân. Trong những lúc bia bọt, tiệc tùng với bạn bè anh cũng vẫn thường tự tán dương mình là người chồng, người cha mẫu mực. Vợ anh trước đây hay nghi ngờ chồng đưa lương thưởng không đủ nên căn vặn, kêu ca làm không đủ tiêu. Từ ngày quản lý tài khoản của chồng anh không thấy nàng phàn nàn gì về chuyện tiền nong nữa. Nhẹ cả đầu, hoan hô cái thẻ ATM. Bé tý thế mà nhiều công dụng gớm!
Dồn góp mấy phi vụ anh cũng mua được một cái laptop. Tuy là hàng secondhand của nước ngoài nhưng về mình nó vẫn thuộc loại cực đỉnh! Nó vừa phục vụ cho công việc vừa để giải trí! Yahoo, Facebook, Game online… anh chơi tuốt! Máy tính cá nhân, chả có ai chung chạ nên để cho tiện anh toàn đặt chế độ: duy trì đăng nhập. Cứ mở phần mềm nào là vào thẳng không cần gõ tên và mật khẩu. Nickname của Yahoo là tên con trai và mật khẩu là ngày sinh của nó. Facebook là tên con gái và ngày sinh của vợ. Email là tên hai con và mật khẩu là ngày sinh của con gái…Còn tài khoản ở vài Web yêu thích khác cũng toàn những cái tên thân mật của vợ, con và mật khẩu là những ngày đáng ghi nhớ! Điều này thì không thể khoe khoang với bạn bè nhưng anh cũng tự hào vì mình là mẫu người của gia đình. Với anh, vợ con là nhất.
Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi đi. Một hôm trời mưa bất chợt vợ gọi điện nhờ anh mang áo mưa đi đón thằng con lớn. Thấy nó đi cái xe đạp địa hình mới toanh anh ngạc nhiên:
– Con mượn xe ai thế?
– Cái xe này mẹ mua tặng sinh nhật con tháng trước mà bố? Ngày nào con chả đi!
– Sao mẹ mua không bàn với bố?
– Hôm dẫn con đi mua xe mẹ bảo lần trước sinh nhật em Mít hỏi bố mua quà gì thì bố bảo: mẹ là chủ tài khoản rồi thích mua gì thì mua,bố không can thiệp nên lần này thấy con thích xe đạp mẹ mua xe cho con…
Lời nói ngây thơ của thằng bé lên mười làm anh suy nghĩ. Anh vô tâm hay vợ tiếm quyền? Dạo này thấy cô ấy có vẻ diện hơn, chi tiêu rộng rãi hơn? Mà lương hai vợ chồng bây giờ cụ thể được bao nhiêu anh cũng không rõ nữa? Sau mấy lần tăng lương chắc đã khá hơn nhiều rồi! Đúng là nước nổi thì bèo nổi, chả lo gì cả! Đời cứ tươi mơn mởn như hoa nở dọc đường. Mà hôm nay là ngày gì mà nhiều hàng hoa thế nhỉ? Anh vui vẻ hát thầm dù trời mưa tầm tã.
Rẽ qua nhà mẫu giáo đón con gái xong ba bố con thẳng tiến về nhà. Vừa mở cửa mùi thức ăn thơm nức điếc cả mũi. Anh mở lồng bàn: một mảnh giấy nhỏ bay ra: “Em có việc, ba bố con ăn cơm rồi đi ngủ. Khoảng mười giờ em về.” Vừa đói vừa lạnh ba bố con anh hăng say đánh chén chẳng buồn nói chuyện. Ăn xong, thằng con lớn tự giác đi học bài, đứa bé xem ca nhạc thiếu nhi. Anh thì làm bạn với cái máy vi tính. Mấy năm rồi mà bạn thân vẫn ngon lành. Chưa phải đi bác sĩ lần nào. Đúng là hàng Mỹ, không chê vào đâu được. Đang thầm khen thì ..phụt. Màn hình đen ngòm. Bật mãi màn hình không sáng anh đành phải lôi đĩa ra khởi động lại. Thế là lại ngon. Tài liệu cũng còn nguyên không mất đi đâu tý nào. Anh vào lại Facebook. Hồi nãy đang tán phét với một em sinh viên thông minh dí dỏm thấy thú vị quá. Lần đầu tiên cái mạng xã hội này lại đòi anh nhập Email và password. Email thì anh nhớ vì thường xuyên sử dụng nó. Nhưng còn mật khẩu? Mấy năm rồi anh không dùng. Là gì nhỉ? Ngày sinh của con gái? Ngày sinh của con trai? Mà hai thiên thần nhà anh sinh ngày mấy nhỉ? Anh ngó ra gọi thằng bé con:
– Này Tít ơi, sinh nhật con ngày mấy tháng ba?
– Bố quên rồi à? Em Mít mới sinh tháng ba, còn con ngày mồng hai tháng chín chứ?
– Ờ, bố quên- Anh hý hoáy gõ vào máy tính. Nhưng vẫn không vào được. Quái quỷ, chuyện gì đang xảy ra thế này? À ngày sinh của vợ? 20 tháng 10 trùng với ngày phụ nữ Việt nam? Mà hôm nay là ngày mấy? Hôm nay 20 tháng 10 hay sao? Anh giật mình? Mâm cơm tối nay có vẻ.., cầu kỳ, đẹp mắt hơn mọi ngày? Vợ anh căn cơ, tiết kiệm nên mâm cơm thịnh soạn hơn ngày thường hay lọ hoa cắm trên bàn là luôn có lý do. Chắc lại đi tiệc tùng, karaoke đâu đó với đám bạn bè dạy cùng trường thôi. Lâu rồi cô ấy không đòi hỏi! Có lần vợ nhắc nhở gì đấy về quà cáp tặng vợ con anh thẳng tưng: “Em là chủ tài khoản rồi mua gì cho mình hay cho con cứ mua không cần bàn với anh” “ Nhưng anh mua tặng ý nghĩa nó sẽ khác..” “ Ôi dào, đi làm cả ngày lương không được tiêu..quá thằng ở trong nhà còn đòi gì nữa” Hình như cô ấy khóc. Anh cũng không để ý nữa. Vợ anh vốn đa cảm. Hồi yêu thấy dễ thương, mỏng manh cần được che chở quá! Lấy nhau rồi hơi một tý là khóc cũng bực mình. Nhưng dần dà có con rồi thấy vợ cứng rắn hơn. Gần đây không thấy khóc lóc gì nữa. Cuộc sống thật yên bình.
Thế mà đùng một cái… vợ xuất ngoại không thèm bàn với anh câu nào! Chỉ để lại một lá thư dài: “Em đi lao động hai năm kiếm ít tiền về trả nợ. Lỗi là tại em hết… Con bé bà ngoại sẽ chăm còn thằng lớn ở với anh. Thẻ ATM của anh em để trong hộp nữ trang. Mật khẩu vẫn như cũ: ngày cưới vợ chồng mình” Còn phần sau lá thư là hàng trăm lời dặn dò rất vớ vẩn như con trai học cô nào? Học được môn gì, yếu môn gì? Rồi hai đứa thích ăn gì? Không được ăn gì? Con gái thì phải uống sữa loại gì?…Anh không đủ kiên nhẫn đọc hết lá thư đã vội lao đến nhà mẹ vợ.
Mắt bà xưng húp chắc khóc nhiều: Nó bay sáng nay rồi! Tội nghiệp! Con bé chưa bao giờ xa nhà…” “ Con không hiểu! Nhà con làm gì phải nợ nần!” “Thì anh tính: lương anh dăm triệu còn nó dạy hợp đồng tháng triệu bạc trong khi đủ thứ đổ lên đầu..tiền học, tiền chợ, tiền sữa.. rồi tiền ga tiền điện tiền nước..ma chay, cưới hỏi, ốm đau nữa chứ…” “ Liệu cơm gắp mắm! Có nhiều tiêu nhiều, ít thì cái gì tiết kiệm được thì tiết kiệm..” “ Anh nói thế mà nghe được…có những thứ chẳng thể tiết kiệm nổi đâu. Như cái lần bà bên ấy đi bệnh viện, nó bảo anh xoay tiền, anh đổ hết lên đầu nó vì nó cầm thẻ của anh. Mà cái thẻ ấy, chưa rút đã bị tiêu hết rồi! Để không mang tiếng nàng dâu mẹ chồng nó phải đi vay ngoài..Mọi chuyện cũng từ đó mà ra..” “ Mẹ con bệnh mấy anh em xúm vào lo chứ mình nhà con đâu? Hồi đó có vay cùng lắm cũng vài chục triệu…làm gì đến nỗi nợ nần mà phải bán thân nơi xứ người? Hay cô ấy còn vay làm gì nữa mà con không biết? Vợ chồng với nhau có chuyện gì phải chia sẻ, cứ im như thóc ai biết đâu!”. Anh cáu. Dù biết mẹ vợ chẳng làm gì sai. Nhưng trong lòng anh trăm ngàn câu hỏi. Kết hôn hơn mười năm anh những tưởng mình đã làm tròn bổn phận người chồng, người cha suất sắc chứ? Sao lại xảy ra cơ sự thê thảm đến nhường này mà anh không hề biết tí tị ti gì cả? “Nó nói nhiều lần tâm sự anh toàn bảo: lương chỉ có thế, liệu mà tiêu. Từ lần phải đi vay lãi ngoài thấy lãi cao nên nó vay ngân hàng chuyển ra bên ngoài cho người ta vay ăn chênh lệch. Rồi lại cầm của người nọ người kia đưa cho người ta vì tin tưởng chị ta chính là … kế toán trường nó dạy mà…Bây giờ chị này trốn mất. Nó vạ lây. Không những tiền của mình tích cóp được mà cả tiền của anh em, bạn bè nữa. Mấy trăm triệu cơ. Toàn người thân thiết cũng chả ai nỡ ép nhưng nó vẫn đi để kiếm tiền trả nợ. Thằng út nhà tôi đang lao động bên ấy bảo kiếm cũng được nên nó mới đi. Dù hợp đồng nhưng nó vẫn là giáo viên. Giờ sang xứ người trồng rau cũng nhục lắm rồi! Anh lại còn miệt thị nó là đi bán thân thì … ác quá.
Vợ chồng đầu gối tay ấp…” Anh sụm xuống. Cơ sự đến nước này anh biết trách ai? Trách vợ nhẹ dạ hay tham tiền? Thấy vợ mua sắm, chi tiêu rộng rãi lại không kêu ca gì về tiền nong nữa anh cứ nghĩ mọi thứ từ cái thẻ của anh mà ra? Anh đâu biết đồ đạc trong nhà nhiều lên hóa ra từ những vụ buôn tiền chợ đen. Ai đã biến cô người yêu bé nhỏ, ngây thơ trong sáng ngày nào thành người đàn bà..thực dụng tham lam đến ngu dại như vậy?
Vợ đi được nửa tháng, mới thấy điện thoại có tin nhắn báo lương. Anh cầm thẻ chạy vội ra một cây ATM gần nhà. Hóa đơn tiền điện, tiền nước chưa thanh toán. Ga hết chưa mua hai bố con mấy hôm toàn ăn cơm bụi. Nó còn nhắc tiền học nữa. Chờ mãi mới đến lượt vậy mà chui vào rồi anh loay hoay chán không nhớ nổi mật khẩu? Những người đằng sau giục rối lên khiến anh càng cuống? Ngày cưới là ngày nào nhỉ? Bấm đến ba lần không đúng, tiền đâu chả thấy cả thẻ cũng bị cái máy chứa tiền xơi luôn! Người đằng sau đẩy anh ra bảo: “Chú vào ngân hàng mà xin lại thẻ nhá! Người gì mà có cái Pát-uốt cũng không nhớ” Anh ngơ ngẩn ra về. Biết hỏi ai bây giờ? Mình cưới vào ngày mồng bốn tháng mười hai âm lịch. Nhưng còn dương lịch là ngày bao nhiêu? Vợ ơi là vợ! Đặt mật khẩu gì mà khó nhớ quá!
N. H. L.