Quo Vadis – Henryk Sienkievich (Ba Lan) – Kì 15

Còn lão Khilon Khiloniđex, quấn mình trong tấm áo khoác mới lĩnh, lão tung tung trong lòng bàn tay thu giấu dưới tấm áo cái túi tiền vừa nhận được từ tay Vinixius và khoái chí với sức nặng cùng tiếng kêu của nó…Tiếp kì 13 (Dịch giả Nguyễn Hứu Dũng)

Còn lão Khilon Khiloniđex, quấn mình trong tấm áo khoác mới lĩnh, lão tung tung trong lòng bàn tay thu giấu dưới tấm áo cái túi tiền vừa nhận được từ tay Vinixius và khoái chí với sức nặng cùng tiếng kêu của nó. Tiếp kì 13 (Dịch giả Nguyễn Hứu Dũng)

T1- Chương 13

Hôm sau, khi ông Petronius sắp mặc xong quần áo trong phòng trang điểm thì Vinixius – được Teirezias mời đến – bước vào. Chàng đã được báo rằng không có tin tức mới từ các cổng thành báo về và cái tin này, thay vì làm chàng vui lên – bởi đó là bằng chứng, chứng tỏ rằng nàng hiện còn ở trong thành – thì lại khiến cho chàng buồn phiền hơn, vì chàng bắt đầu nghĩ rằng Urxux có thể đã mang nàng ra khỏi thành phố ngay sau lúc bắt cóc, tức là trước khi bọn nô lệ của Petronius bắt đầu theo dõi các cổng thành. Quả tình, vào tiết thu khi ngày trở nên ngắn hơn người ta đóng cổng thành khá sớm, song người ta vẫn mở cổng cho những người đi ra, số người này thường khá đông. Cũng còn có thể vượt tường thành bằng những cách khác mà – nói thí dụ – những người nô lệ muốn trốn khỏi thành phố đều biết rõ. Vinixius đã phái người của chàng đi theo mọi ngả đường dẫn về các tỉnh trấn. Tới gặp đám vigin ở các thị trấn nhỏ, mang theo cáo thị về hai tên nô lệ chạy trốn, kèm theo bản mô tả tỉ mỉ hình dáng Urxux và Ligia, cùng lời khuyến cáo trọng thưởng cho ai bắt được họ. Song liệu cuộc săn đuổi này có chạm được tới họ hay không thì hãy còn là điều đáng ngờ, và nếu như có chạm được tới họ, thì liệu chính quyền địa phương có cảm thấy việc bắt giữ họ lại theo yêu cầu cá nhân của Vinixius, không có chứng nhận của pháp quan, có đúng luật pháp hay không nữa kia. Không còn đủ thời gian để xin cái chứng nhận đó. Riêng Vinixius, suốt ngày hôm qua chàng đã mặc giả nô lệ sục tìm Ligia khắp hang cùng ngỏ hẻm của thành phố. Song chàng không hề tìm ra một dấu vết hay một chỉ dẫn nào cả. Chàng có gặp người nhà ông Aulux, song hình như họ cũng đang tìm kiếm, điều đó càng khiến cho chàng khẳng định rằng không phải gia đình ông Aulux đánh tháo cho nàng, rằng chính họ cũng không biết điều gì đã xảy đến cho nàng. Vậy nên khi Teirezias báo cho chàng hay rằng có một kẻ dám đảm nhận việc tìm kiếm nàng, chàng liền vội vã tới ngay nhà ông Petronius, và vừa chào hỏi ông xong, chàng lập tức hỏi ngay về người đó.

– Chúng ta sẽ gặp y ngay bây giờ – Petronius nói – Đó là một người quen của Eunixe, cô ta sắp tới đây để sửa sang lại nếp gấp trên chiếc áo toga của cậu, và sẽ cho chúng ta biết rõ thêm về y.

– Có phải cái cô hôm qua cậu đã muốn ban cho cháu?

– Chính người mà hôm qua anh đã không thèm nhận, điều mà cậu rất biết ơn anh, vì đây là một nô tỳ phục trang giỏi nhất trong toàn thành bang

Quả thực, nàng nô tỳ phục trang đến ngay khi ông vừa dứt lời, và cầm chiếc áo toga gấp sẵn đặt trên chiếc ghế khảm ngà voi, cô ta mở chiếc áo ra để khoác lên vai Petronius. Mặt nàng trong sáng, thanh tĩnh, mắt nàng rạng ngời niềm vui sướng.

Petronius nhìn ngắm nàng và ông thấy nàng thật là xinh đẹp. Lát sau, khi nàng quấn chiếc áo toga vào người cho ông và bắt đầu sửa sang lại, những lúc nàng cúi xuống để vuốt dài các nếp gấp, ông nhận thấy tay nàng có sắc hồng phơn phớt tuyệt vời, còn khuôn ngực và bờ vai của nàng lại có ánh trắng muốt trong trong của ngọc trai hay của thạch cao tuyết hoa.

– Eunixe – ông nói – kẻ mà hôm qua ngươi nói với Teirezias đã có mặt hay chưa?

– Y đã có mặt, thưa ông chủ.

– Y tên là gì?

– Khilon Khiloniđex, thưa ông chủ.

– Y là ai vậy?

– Y là thầy thuốc, nhà thông thái và thầy tướng số, biết cách đọc số phận con người và báo trước hậu vận.

– Y đã đoán trước hậu vận cho nhà ngươi rồi chứ?

Má Eunixe đỏ ửng, đến cả tai và cổ nàng cũng hồng lên.

– Dạ vâng, thưa ông chủ.

– Y đoán thế nào?

– Y nói rằng em sẽ gặp cả nỗi đau đớn lẫn hạnh phúc.

– Nỗi đau thì hôm qua ngươi đã được nhận từ tay Teirezias rồi, hẳn là hạnh phúc cũng sẽ tới.

– Hạnh phúc tới rồi, thưa ông chủ

– Hạnh phúc nào vậy?

Nàng khẽ thì thầm:

– Em được ở lại đây.

Petronius đặt tay lên mái đầu màu vàng kim của nàng:

– Hôm nay ngươi xếp các nếp áo đẹp lắm, ta rất hài lòng vì ngươi, Eunixe.

Được ông chạm đến, trong một thoáng, mắt nàng như có một màn sương hạnh phúc kéo qua và ngực nàng phập phồng gấp gáp.

Petronius cũng như Vinixius bước sang gian chính sảnh thông thiên, nơi Khilon Khiloniđex đang đứng đợi họ, vừa trông thấy họ lão đã cúi gập người xuống thật thấp để đón chào. Chợt nhớ lại điều ước đoán của mình hôm qua rằng lão có thể là người tình của Eunixe, Petronius thoáng mỉm cười. Người đang đứng trước mặt ông không thể là nhân tình của bất kỳ ai. Trong cái thân hình kỳ dị này có cái gì đó vừa thô thiển vừa tức cười. Lão chưa già lắm, trong bộ râu cằm không lấy gì làm sạch sẽ và trong mái tóc quăn, thoáng một vài sợi bạc. Bụng lão lép kẹp, lưng khòm đến nỗi mới thoạt trông cứ ngỡ là lão có bướu, còn phía trên cái bướu ấy nhô lên một cái đầu to tướng với bộ mặt nữa khỉ nữa cáo và cái nhìn xuyên suốt xoi mói. Nước da màu vàng nhờ nhờ của lão điểm những vết sần đo đỏ, cái mũi cũng đầy những nốt đỏ ấy có thể cho thấy một sự say mê có phần thái quá đối với bia rượu. Bộ quần áo luộm thuộm gồm một chiếc áo tunica màu tối cắt từ vải len dê với một chiếc áo khoác thủng lỗ chỗ cùng loại, chứng tỏ một sự nghèo nàn thực hoặc vờ. Nhìn thấy lão, Petronius chợt nhớ đến nhân vật Terxytex của Homer, ông bèn khoát tay đáp lại cáo chào của lão và nói:

– Xin chào Terxytex thần thánh! Ra sao rồi hở ngươi, những cục bướu mà chàng Ulixxex tặng cho người trước thành Towrroa còn chính chàng thì lại nhận được tại chốn âm ty?

– Thưa ông chủ cao quý – lão Khilon Khiloniđex đáp – người thông thái nhất trong số những người đã quá cố là chàng Ulixxex nhờ tôi chuyển tới người thông thái nhất trong số những người đang sống là ngài Petronius lời chúc sức khỏe và lời thỉnh cầu ngài hãy dùng một manh áo khoác mới để phủ che những cục u bướu của tôi.

– Thề có nữ thần Hekate ba thân! – Petronius kêu lên – Lời đáp thật đáng giá một tấm áo choàng…

Song cuộc chuyện trò bị cắt ngang bởi chàng Vinixius đang số ruột, chàng hỏi độp ngay:

– Ngươi có biết rõ người đang nhận làm việc gì không?

– Nếu hai đám gia nhân trong hai ngôi nhà tuyệt vời nhất không bàn tới chuyện gì khác và nữa thành Roma lặp lại tin tức đó theo họ, thì cũng chẳng có gì khó biết – Khilon đáp – Đêm qua, người ta đánh tháo cho một trinh nữ được nuôi dạy tại nhà ngài Aulux Plauxius, tên là Ligia, hay đúng ra là Kalina, kẻ mà các nô lệ của ngài đưa từ cung điện của Hoàng đế về biệt thự của ngài, còn tôi nhận việc tìm cho ra cô ta trong thành phố, hoặc nếu như – điều này ít có khả năng xảy ra hơn – cô ta đã rời thành phố rồi, thì tôi sẽ phải chỉ cho ngài, thưa ngài hộ dân quan cao quý, cô ta chạy về đâu và ẩn trốn nơi đâu.

– Được! – Vinixius nói, chàng thấy thỏa mãn vì tính chặt chẽ của câu trả lời – -Ngươi có phương tiện gì để làm việc đó không?

Khilon mỉm cười ranh mãnh

– Thưa ngài, phương tiện thì ngài có, tôi đây chỉ có trí tuệ mà thôi.

Petronius cũng mỉm cười, ông hoàn toàn hài lòng về vị khác này.

“Người này có thể sẽ tìm thấy cô gái” – Ông nghĩ thầm.

Còn Vinixius thì lại nhíu đôi lông mày rậm rì và bảo:

– Kẻ hèn mọn kia, nếu ngươi lừa ta để trục lợi, ta sẽ ra lệnh đánh đòn ngươi đến chết, nghe chưa?

– Thưa ngài, tôi là một triết gia, mà triết gia thì không thể nào ham trục lợi, nhất là những món lợi như thứ mà ngài vừa hào phóng hứa ban cho.

– Ô, vậy ra nhà ngươi là triết gia sao? – Petronius hỏi – Eunixe nói với ta rằng ngươi là thầy thuốc kiêm thầy tướng số. Sao ngươi lại quen Eunixe?

– Cô ta đến gặp tôi cầu xin lời khuyên bảo khi ánh vinh quang của tôi đến tai cô ta.

– Cô ta cần lời khuyên về việc gì?

– Về tình yêu thưa ngài. Cô ta muốn chữa khỏi một tình yêu không được đền đáp lại.

– Và ngươi đã chữa khỏi cho cô ta chứ?

– Tôi còn làm hơn thế, thưa ngài, bởi vì tôi đã trao cho cô ta một bùa phép đảm bảo cho sự tương hỗ trong tình yêu. Ở Pafox trên đảo Sip có một đền thờ, mà thưa ngài, tại đó người ta cất giữ một chiếc dây lưng của chính nữ thần Venera. Tôi đã cho cô ta hai sợi chỉ rút từ dây lưng ấy, phong kín trong một vỏ hạnh nhân.

– Và ngươi bắt phải trả tiền công hậu hĩnh chứ?

– Không thể nào trả tiền đủ xứng với sự đồng cảm được, còn tôi, thiếu mất hai ngón ở bàn tay phải, tôi phải kiếm tiền để mua một tên nô lệ – ký lục, kẻ sẽ ghi lại những tư tưởng của tôi và lưu cái khoa học của tôi lại cho thế giới.

– Ngươi thuộc trường phái nào vậy, hỡi nhà triết học thiên thần?

– Tôi là tín đồ duy ngã, thưa ngài, bởi tôi khoác một manh áo thủng lỗ chỗ, tôi là người khắc kỷ, bởi tôi nhẫn nhục chịu đựng sự nghèo khó, tôi lại là một nhà triết du, vì không có điều kiện nên tôi phải cuốc bộ từ quán rượu nho này tới quán rượu nho khác, dọc đường tôi dạy dỗ những kẻ nào hứa sẽ trả tiền một bình rượu.

– Còn lúc bên bình rượu thì nhà ngươi lại thành nhà hùng biện?

– Heraklit có nói: “Tất thảy đều chảy”, mà thưa ngài, liệu ngài có thể phủ nhận được rượu vang không phải là chất lỏng chăng?

Ông ta cũng nêu lên rằng lửa là một vị thần, vị thần ấy đang cháy đỏ trên mũi nhà ngươi đó.

– Còn Điogenex thiêng liêng xứ Apolonia thì nêu lên rằng bản chất của mọi vật đều là không khí, nếu không khí càng ấm nóng bao nhiêu thì tạo nên vật thể càng hoàn thiện bấy nhiêu, từ thứ không khí ấm nóng nhất tạo nên linh hồn của các nhà triết học. Và bởi vì vào tiết thu những cơn lạnh thường kéo về, ergo: Mỗi nhà hiền triết chân chính đều phải hâm nóng tâm hồn mình bằng rượu nho. Vì chắc ngài cũng không thể phủ nhận được thưa ngày, rằng một bình rượu, dẫu là thứ rượu hạng bét xứ Kapui hay Telezia đều mang nhiệt truyền đi khắp mọi thứ xương cốt của cái thể xác không chút giá trị của con người?

– Khilon Khiloniđex này, quê hương ngươi ở đâu vậy?

– Thưa ở trên bờ Porte Euxyne. Tôi là người xứ Muzembria.

– Khilon, ngươi quả là vĩ đại.

– Và đã từng được người ta biết tiếng! – Nhà hiền triết nói thêm vẻ buồn buồn mơ mộng.

Song chàng Vinixius đã lại thấy sốt ruột. Với niềm hy vọng vừa lóe sáng, chàng những muốn lão Khilon phải lên đường ngay lập tức, còn cuộc đối thoại này đối với chàng chỉ là một sự phí thì giờ vô ích, chàng nổi cáu với ông Petronius.

– Khi nào ngươi mới bắt đầu tìm kiếm? – Chàng hướng về phía lão Hi Lạp hỏi.

– Tôi đã bắt đầu rồi đấy ạ – lão Khilon đáp – Trong lúc tôi đang đứng đây, trong khi tôi đang trả lời những câu hỏi lịch sự của ngài, chính là tôi cũng đang tìm đấy. Chỉ cần ngài hãy có chút lòng tin, thưa ngài hộ dân quan đức hạnh và xin ngài hãy biết cho rằng, nếu như ngài chỉ bị mất một sợi dây buộc giầy thì tôi đây cũng biết cách tìm lại sợi dây đó hoặc tìm ra chính kẻ nào đã đánh xoáy nó trên đường phố.

– Ngươi đã được dùng vào những dịch vụ tương tự bao giờ chưa? – Petronius hỏi.

Lão Hi Lạp ngước mắt nhìn lên trời.

– Thời nay người ta đánh giá quá thấp phẩm hạnh và trí tuệ đến nỗi cả đến triết gia cũng buộc phải đi tìm những phương pháp khác để kiếm sống.

– Phương pháp của nhà ngươi thế nào?

– Biết mọi chuyện và cung cấp tin tức cho những ai muốn biết.

– Và nếu như người ta trả tiền cho những tin tức ấy?

– Ôi thưa ngài, tôi cần phải mua cho được một tên ký lục! Nếu không thì sự thông thái của tôi sẽ bị mai một cùng với tấm thân tôi.

– Nếu như cho tới nay nhà ngươi vẫn chưa kiếm được đủ tiền để mua nổi một manh áo khoác, thì chắc những công tích của ngươi cũng chẳng phải là tuyệt vời gì lắm nhỉ?

– Đức khiêm tốn đã ngăn không cho tôi phô phang những công tích ấy ra. Song xin ngài hãy hiểu cho rằng, thời nay không còn đâu những người hảo tâm mà xưa kia từng đầy rẫy, những người rắc vàng lên kẻ hầu người hạ cũng dễ chịu như nuốt trọn một miếng thịt sò ngon lành xứ Puteola vậy. Không phải công tích của tôi nhỏ bé, mà lòng biết ơn của con người quá nhỏ bé. Thỉnh thoảng, khi một tên nô lệ đáng giá nào đó chạy trốn, thì ai sẽ là người đầu tiên tìm ra hắn, nếu không phải là đứa con trai duy nhất của cha tôi? Khi mà trên bức tường xuất hiện những dòng chữ đả kích hoàng hậu Poppea thần thánh, ai sẽ chỉ ra thủ phạm? Ai dò được các hiệu sách một dòng thơ chỉ trích Hoàng đế? Ai mật báo về tất cả những chuyện người ta kháo nhau trong nhà các vị nguyên lão và các hiệp sĩ? Ai chuyển giao những bức thư mà người ta không muốn trao cho bọn nô lệ mang đi? Ai rình nghe lỏm những tin tức mới bên cửa các thợ cạo kiêm thầy lang, ai thấu hiểu mọi điều bí mật của các chủ quán rượu nho và chủ các lò nướng bánh, ai được đám nô lệ tin cậy, ai biết cách nhìn xuyên suốt mỗi ngôi nhà từ gian chính sảnh thông thiên ra tới tận vườn? Ai biết hết mọi phố phường, ngõ ngách, hang ổ, ai biết những điều người ta bàn tán trong các nhà tắm công cộng, trong hý trường, trong chợ, trong các trường dạy đấu sĩ, trong các túp lều của bọn buôn bán nô lệ và thậm chí cả trên vũ đài nữa…?

– Thề có các vị linh thần, thôi đủ rồi, hỡi nhà hiền triết cao quý – Ông Petronius kêu lên – nếu không chúng ta đến chết ngập trong các công trạng, trong trí thông minh, phẩm hạnh và thói lắm lời của ngươi mất! Thôi đủ rồi! Chúng ta muốn biết ngươi là ai thì đã được biết rồi.

Song Vinixius thì lại vui mừng, vì chàng nghĩ rằng con người này như một con chó săn, khi được thả ra sẽ lần theo dấu vết và sẽ không dừng lại trước khi tìm thấy hang thú.

– Được lắm – chàng nói – ngươi có cần chỉ dẫn điều chi không?

– Tôi cần vũ khí.

– Loại gì? – Vinixius ngạc nhiên hỏi lại.

Lão Hy Lạp ngửa một bàn tay ra, tay kia làm động tác đếm tiền.

– Thời nay là thế đấy, thưa ngài – lão thở dài nói.

– Thế ra ngươi là một con lừa – Petronius nói – chỉ biết chiếm pháo đài nhờ túi tiền vàng thôi chăng?

– Tôi chỉ là một triết gia nghèo thưa ngài – Khilon đáp với vẻ nhẫn nhục – còn vàng thì các ngài mới có sẵn.

Vinixius quẳng cho lão một túi tiền vàng, lão Hy Lạp tóm gọn lấy nó ngay trong không khí mặc dù quả thực bàn tay phải của lão bị thiếu mất hai ngón.

Rồi lão ngẩng đầu lên và nói:

– Thưa ngài, tôi đã biết được nhiều điều hơn là ngài tưởng. Tôi đâu phải tới đây với hai bàn tay trắng. Tôi biết rằng không phải nhà ông Aulux bắt cóc cô gái vì tôi đã trò chuyện với gia nhân nhà họ. Tôi biết rằng cô ta không có mặt trong hoàng cung Palatyn, nơi hiện nay tất thảy mọi người đang bận bịu với Tiểu Auguxta đang ốm, thậm chí tôi còn nghĩ ra được vì sao các ngài lại nhờ tôi tìm cô gái chứ không nhờ đến bọn vigin và binh sĩ của Hoàng thượng. Tôi biết rằng một tên đầy tớ cùng quê với cô ta đã giúp cô ta chạy trốn. Hắn ta không thể nhờ bọn nô lệ giúp đỡ, vì nô lệ bao giờ cũng đoàn kết với nhau, không thể giúp hắn chống lại đồng bọn được. Giúp hắn chỉ có thể là các tín đồ của cùng giáo phái với hắn…

– Nghe chưa, Vinixius – Petronius xen ngang – có phải cậu đã nói với anh đúng y như thế không nào?

– Đó quả là điều hân hạnh cho tôi – Khilon nói – Cô trinh nữ ấy, thưa ngài – y lại quay sang nói với Vinixius – rõ ràng là cùng thờ chung một vị thần với người phụ nữ phẩm hạnh nhất trong số những người phụ nữ La Mã, một người đỡ đầu trăm năm chân chính – bà Pomponia. Tôi cũng có nghe nói là bà Pomponia từng bị xét xử trong gia tộc về chuyện tin vào các vị thần ngoại đạo nào đó, song dò hỏi gia nhân của bà, tôi vẫn chưa tìm được biết vị thần đó là vị thần nào và các tín đồ thờ vị thần đó được gọi là gì. Giá như tôi biết được điều đó, tôi sẽ tìm đến với họ, sẽ trở thành kẻ mộ đạo nhất trong bọn họ và sẽ chiếm được lòng tin của họ. Song, thưa ngài, như tôi được biết, ngài từng sống mười mấy ngày trong ngôi nhà của ngài Aulux cao quý, liệu ngài có thể cho tôi biết điều gì về chuyện ấy chăng?

– Ta không thể – Vinixus đáp.

– Các ngài đã hỏi tôi khá lâu về đủ mọi chuyện, thưa các quý ngài và tôi đã trả lời những câu hỏi ấy, vậy bây giờ xin các ngài hãy cho phép tôi được đặt vài câu hỏi. Thưa ngài hộ dân quan đức hạnh, ngài có thấy một pho tượng, một thứ lễ vật hoặc một dấu hiệu gì, một thứ bùa chú nào đó treo trên người bà Pomponia hay trên người nàng Ligia thần nữ của ngài chăng? Ngài có lúc nào thấy họ vẽ những dấu hiệu gì đó mà chỉ có họ mới hiểu được hay không?

– Dấu hiệu à? Khoan đã! Phải! Có một lần ta thấy Ligia vẽ lên cát một con cá.

– Cá ư? A a! Ô ô ô ô! Nàng chỉ vẽ một lần hay nhiều lần?

– Chỉ một lần thôi.

– Ủa, thưa ngài, ngài chắc là nàng đã vẽ… một con cá? Ô ô!

– Chính thế! – Vinixius đáp với một vẻ tò mò thú vị – Ngươi có đoán được cái ấy nghĩa là gì không?

– Tôi có đoán được không ấy ư? – Khilon kêu lên và cúi gập người xuống ra dấu chào từ biệt, lão nói thêm:

– Xin nữ thần tài Fortuna hãy ban phát đều các thứ ân huệ cho cả hai ngài, thưa các quý ngài!

– Hãy bảo cấp cho ngươi một cái áo khoác! – Petronius bảo lão khi lão đã bước lui.

– Chàng Ulixxex sẽ cảm ơn người thay mặt Terxytex – lão Hi Lạp đáp và cúi chào một lần nữa, lão lui ra.

– Anh nghĩ gì về nhà hiền triết cao quý này hả? – Petronius hỏi Vinixius.

– Cháu bảo rằng lão sẽ tìm ra Ligia! – Vinixius vui sướng kêu lên – Song cháu cũng sẽ nói thêm rằng, nếu như tồn tại quốc gia của bọn đểu cáng thì lão xứng đáng làm vua cái quốc gia đó.

– Chắc chắn là thế. Cậu phải làm quen kỹ hơn với cái lão khắc kỷ này mới được, còn bây giờ thì cậu phải ra lệnh tẩy uế gian chính sảnh cho sạch mùi lão đã.

Còn lão Khilon Khiloniđex, quấn mình trong tấm áo khoác mới lĩnh, lão tung tung trong lòng bàn tay thu giấu dưới tấm áo cái túi tiền vừa nhận được từ tay Vinixius và khoái chí với sức nặng cùng tiếng kêu của nó. Bước chậm rãi, ngoái lại xem từ nhà Petronius người ta có nhìn theo mình không, lão đã qua hàng hiên Liva và bước tới góc phố Clivux Virbiux, lão quành sang khu Xubur.

“Phải tới quán Xporux – lão nói một mình – để đổ ít rượu nho dâng thần tài Fortuna mới được! Thế là đã tìm ra cái mà từ lâu nay ta hằng tìm kiếm. Hắn trẻ trung nóng nảy, hào phóng như vùng mỏ đảo Sip và vì cái con chim xanh xứ Ligi này, hắn sẵn sàng đánh đổi một nửa gia sản. Phải, ta đã đi tìm một tay như thế suốt bấy lâu nay. Song với hắn cần phải dè chừng đấy nhé, bởi vì cái nhíu mày của hắn chẳng báo trước điều gì tốt lành cả đâu! Ôi! Lũ sói con ngày nay đang thống trị thế giới!… Ta thấy chính Petronius còn ít đáng sợ hơn. Hỡi các vị linh thần! Thời nay nghề mở nhà chứa còn đáng tiền hơn phẩm hạnh! Ha! Cô nàng vẽ cho ngươi một con cá lên mặt cát ư? Nếu ra mà biết cái đó có ý nghĩa là gì thì xin cho ta cứ chết nghẹn ngay vì một miếng pho mát dê cho rảnh nợ! Nhưng rồi ta sẽ biết. Song cá thì sống dưới nước, mà tìm kiếm dưới nước thì khó hơn trên cạn nhiều, ergo: Hắn sẽ phải trả riêng cho ra về cái khoản cá mú này! Chỉ cần một túi tiền như thế này nữa thôi là ta có thể tung hô cái nghề lẩm cẩm này và mua lấy một thằng nô lệ. Mà này, hỡi người anh em Khilon, ngươi sẽ nói sao đây, nếu như ta khuyên ngươi không mua một thằng nô lệ mà mua lấy một con nô tỳ? Ta hiểu ngươi lắm mà? Ta biết rõ là ngươi sẽ đồng ý! Nếu như ả ta lại xinh đẹp như Eunixe chẳng hạn, thì bên cạnh nàng tự ngươi sẽ trẻ hẳn lại ngay, đồng thời nhờ nàng ngươi lại có được những khoản thu nhập chắc chắn và chính đáng. Ta đã bán cho nàng Eunixe tội nghiệp ấy hai sợi chỉ rút ra từ chính áo khoác cũ của cô ta… Cô nàng thật là ngốc, nhưng giá như Petronius ban nàng cho ta, thì hẳn là ta sẽ đón nhận lấy nàng đấy… Phải, phải, hỡi ngài Khilon con trai ông Khilon ạ… Ngươi đã mất cả mẹ lẫn cha… Ngươi là kẻ mồ côi mồ cút, vậy ngươi hãy mua lấy một ả nô tỳ cho mình giải phiền. Vì ả ta phải có một nơi nào đó để ở, nên Vinixius sẽ phải thuê cho ả một căn nhà, trong đó ngươi sẽ được nương nhờ: À ta phải mặc quần áo, nên Vinixius sẽ phải trả tiền trang phục cho ả, ả phải ăn nên hắn sẽ phải nuôi sống ả. Ôi! Cuộc sống nặng nề lắm thay! Đâu rồi, cái thời mà chỉ bằng một đồng obon(1) cũng có thể mua được một số đậu nấu mỡ lợn đựng đầy trong hai bàn tay, hoặc một khúc dồi dê nhồi đấy tiết dài bằng cánh tay một đứa tiểu đồng mười hai tuổi… Nhưng mà thằng ăn trộm ấy, gã Xporux đây rồi. Trong tửu quán dễ biết được điều muốn biết hơn cả”.

Nói thế, gã bước vào quán rượu, bảo mang ra cho mình một bình “vang đen” và khi thấy cái nhìn đầy hồ nghi của chủ quán, lão bèn rút một đồng tiền từ trong túi tiền ra đặt lên bàn và nói:

– Này Xporux, hôm nay ta làm việc với ngài Xeneka suốt từ sáng sớm cho tới trưa và đây là cái mà ông bạn ta đã tặng ta để đi đường đấy.

Cặp mắt tròn xoe của gã Xporux lại càng tròn xoe hơn khi nhìn thấy đồng tiền và bình rượu vang lập tức hiện ra trước mặt Khilon, lão bèn nhúng một ngón tay vào rượu vẽ lên mặt bàn một con cá, rồi hỏi:

– Này, ngươi có biết cái này nghĩa là gì không?

– Cá à? Nào, cá thì là cá chứ là gì nữa!

Ngươi ngu lắm, mặc dù ngươi đã đổ thêm bao nhiêu nước vào rượu nho, đến nỗi cả cá cũng có thể xuất hiện ở đó nữa đấy. Đây là một ước hiệu, mà nói theo ngôn ngữ của các triết gia thì có nghĩa là: Nụ cười thần tài của Fortuna. Giá như ngươi đoán ra được ý nghĩa của nó thì có thể ngươi cũng phát tài đấy. Này ta bảo, hãy biết tôn trọng triết học bởi vì nếu không ta sẽ thay đổi quán rượu đấy, điều này ngài Petronius, bạn chí thiết của ta, từ bao lâu nay đang cố thuyết phục ta.

Chú thích:

(1) Obon: Đồng tiền cổ Hi Lạp bằng 16 đồng drachma

(còn tiếp)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder