“Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” là Hồi thứ năm, hồi cuối bi kịch lịch sử này xoay quanh một sự kiện chính: Sự kiện đốt phá Cửu trùng đài, bắt, giết những người đã sáng tạo ra nó, chôn vùi họ trong tro tàn Cửu Trùng đài và trong tro tàn của lịch sử một triều đại mục ruỗng của hôn quan bạo chúa. Bao trùm hồi kịch là một nỗi đau và một niềm hoang mang lớn thấm đượm một ý vị triết mỹ sâu xa.
Trong các nhà văn Việt Nam, Nguyễn Huy Tưởng là tác giả có thiên hướng rõ rệt về đề tài lịch sử. Các tác phẩm của ông về đề tài này tái hiện những cột mốc lịch sử quan trọng suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tiểu thuyết Đêm hội Long Trì viết về những ngày đất nước chìm trong đêm tối đau thương bởi sự hèn yếu và nhiễu nhương bởi tay một người đàn bà có nhan sắc khuynh thành làm chúa Trịnh mê đắm đến mụ mị và đứa em trời đánh của mình: Tuyên phi Đặng Thị Huệ cùng “cậu trời” Đặng Mậu Lân. Tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng đưa các bạn đọc (nhất là các em thiếu nhi) ngược dòng thời gian về với triều đại nhà Trần, với người thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản hiên ngang, tay bóp nát quả cam, tay phất cao lá cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân” xin đức thượng hoàng cho cầm quân đánh giặc. Tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô lại là khúc tráng ca ngợi ca người Hà Nội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trong ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp vào mùa đông năm 1946. Còn với vở bi kịch Vũ Như Tô, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng lại khai thác bối cảnh Thăng Long trong những năm quằn quại dưới sự bạo tàn của Lê Tương Dực thông qua hình ảnh Cửu Trùng Đài “huy hoàng giữa cõi trần lao lực” và người nghệ sĩ “tranh tinh xảo với hóa công”: Vũ Như Tô. Thông qua vở kịch này, Nguyễn Huy Tưởng muốn đề cập đến người nghệ sĩ và bi kịch của họ, bi kịch cái đẹp bị lợi dụng. Bi kịch ấy được tập trung cao nhất trong hồi V – hồi kết của vở kịch: Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài.
Xuyên suốt vở kịch, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng Vũ Như Tô và Cửu Trùng Đài như một hiện thân của cái đẹp. Người nghệ sĩ mong muốn tạo tác nên một tác phẩm nghệ thuật vĩnh cửu nhằm “ tô điểm cho đất nước, đem hết tài ra xây cho giống nòi một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công”. Đó là cái đẹp thuần khiết của nghệ thuật, nhằm phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước, có giá trị tôn vinh người Việt. Nhưng đáng tiếc, cái đẹp mà Vũ Như Tô mong muốn ấy đã bị lợi dụng và hoen ố bởi những dục vọng thấp hèn và toan tính chính trị của người đời. Trong các hồi trước, chúng ta thấy cái đẹp đã lần lượt phải chịu những oan khuất như bị tha hóa (Lê Tương Dực chỉ coi Cửu Trùng Đài là chốn an chơi hưởng lạc chứ không phải là công trình nghệ thuật để lại cho muôn đời sau như mong muốn của Vũ Như Tô), hiểu lầm (Nhân dân coi Cửu Trùng Đài là cội nguồn gây nên đau khổ của họ chứ không phải là chính sách hà khắc của triều đình phong kiến đương thời) và lợi dụng (Trịnh Duy Sản dùng Cửu Trùng Đài như công cụ thổi bùng lên những uất ức trong lòng dân chúng, tạo nên một thời thế hỗn loạn để thuận tiện cho âm mưu giết vua đoạt quyền của mình). Đến hồi kết Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, khi tất cả những bức xúc, những mâu thuẫn không thể điều hòa được ấy được dồn nén và bung ra một cách mạnh mẽ nhất, tất yếu cái đẹp phải gánh chịu số phận nghiệt ngã đó là sự bức tử. Chỉ trong hồi cuối này, chúng ta thấy thông qua hàng loạt những thủ pháp kịch độc đáo, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã dụng công lột tả năm lần cái đẹp bị bức tử một cách đầy cay đắng.
Thứ nhất, bức tử về quan niệm. Cửu Trùng Đài trong con mắt quân khởi loạn không phải là công trình thế kỷ, trường tồn cùng hóa công và Vũ Như Tô không phải là “nguyên khí của quốc gia” để phải trân trọng, kính phục. Với bọn chúng và tuyệt đại bộ phận nhân dân lao động, Cửu Trùng Đài và Vũ Như Tô chỉ là những thứ, những kẻ làm “hao hụt công khố, để dân gian lầm than”, khiến cho “mấy nghìn người chết… mẹ mất con, vợ mất chồng”. Sự bức tử về quan niệm này là kết quả của sự tích tụ, dồn nén những oan khuất mà cái đẹp phải chịu trong các hồi trước như chúng tôi đã đề cập ở trên. Và khi tất cả những quá trình ấy được đẩy lên đến ranh giới cuối cùng thì việc cái đẹp bị bức tử cũng là điều tất yếu. Cái chết của cái đẹp đã giúp nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nêu bật lên tầm quan trọng của việc điều hòa giữa việc phục vụ đời sống dân sinh và khát vọng vươn lên chiếm giữ đỉnh cao bằng mọi giá của nghệ thuật. Nếu thiên về dân sinh, nghệ thuật sẽ không còn là chính mình. Nhưng nếu chỉ biết đến bản thân mình, nghệ thuật rất có thể lại là hóa thân của cái ác.
Thứ hai, bức tử về sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Tấm lòng biệt nhãn liên tài mà Đan Thiềm dành cho Vũ Như Tô đã bị các cung nữ, Kim Phụng và quân khởi loạn vu khống gán ghép cho tội “tư thông” – một tội danh xúc phạm nặng nề đến nhân cách con người. Hành động cầu xin tha mạng cho Vũ Như Tô vì “Nước ta còn cần nhiều thợ tài để tô điểm” của Đan Thiềm bị coi là lời xin của con “dâm phụ” cho kẻ “gian phu”. Thật đau đớn và chua xót cho một tấm lòng “vì thiên hạ” mà chịu nỗi oan tày đình như thế. Nếu Đan Thiềm – trong giây phút tính mạng bản thân gặp nguy hiểm – mà “trở mặt” hùa về phe cung nữ và Kim Phượng thì chắc nàng đã không bị vu khống cho tội danh ghê gớm như vậy. Rõ ràng ở đây mọi sự chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu với cái đẹp đã bị loại trừ một cách tàn bạo, không chút thương tiếc.
Thứ ba, bức tử về sự thanh minh. Cho đến tận phút giây nguy nan nhất, Vũ Như Tô vẫn muốn đến gặp An Hòa Hầu để “phân trần, để giảng giải” về tầm quan trọng của Cửu Trùng Đài. Vũ Như Tô tin tưởng rằng Nguyễn Hoàng Dụ thấu hiểu và cho mình hoàn thành nốt “Cửu Trùng Đài, dựng một kì công muôn thuở”. Nhưng đáp lại những lời đề nghị tha thiết, đầy chân thành ấy là những tràng cười ầm lên, là những lời xỉ vả và những cái tát vào miệng Vũ Như Tô của quân khởi loạn. Ở đây, cái đẹp đã bị tước đi quyền thanh minh cho bản thân mình.
Thứ tư, bức tử về vật chất. Cửu Trùng Đài, hiện thân của cái đẹp sau cùng đã thành đống tro tàn trước mệnh lệnh phóng hỏa của An Hòa Hầu. Công trình hứa hẹn là kì công của con người đã thành tro bụi trước sự bạo tàn trong vui vẻ đáng ngạc nhiên của con người. Sự sụp đổ của Cửu Trùng Đài là sự biến mất vĩnh viễn sự hiện hữu của cái đẹp. Cửu Trùng Đài giờ chỉ được lưu giữ trong ký ức, trong nỗi hoài niệm của những con người nhận chân được giá trị đích thực của cái đẹp.
Thứ năm, bức tử về con người nghệ sĩ. Bị hiểu lầm về mục đích xây dựng Cửu Trùng Đài, người tri âm tri kỷ cũng mất, không có cơ hội thanh minh, và quan trọng nhất là công trình thể hiện ước mơ, hoài bão của cả đời người bị thiêu rụi… sau tất cả những sự chà đạp, những tổn thương ấy, việc người nghệ sĩ Vũ Như Tô bị/hay mong muốn đưa ra pháp trường cũng là điều dễ hiểu. Cái chết của Vũ Như Tô là nỗi đau cuối cùng và lớn nhất về cái đẹp bị bức tử một cách toàn diện.
Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm. Lời đề tựa của vở kịch giúp chúng ta thấy ấm lòng. Hóa ra, cái đẹp dẫu phải chịu sự bức tử ghê gớm đến nhường nào thì vẫn mãi trường tồn. Người đương thời không hiểu thì hậu thế sẽ hiểu. Lê Tương Dực, An Hòa Hầu và người dân Thăng Long không hiểu Vũ Như Tô thì Nguyễn Huy Tưởng và thế hệ ngày nay hiểu ông, trân trọng tài năng và tâm huyết của ông đối với sự nghiệp điểm tô non sông nước nhà. Dẫu thế nào đi chăng nữa, cái đẹp cuối cùng sẽ hoàn thành sứ mệnh cao cả “cứu rỗi thế giới” như lời văn hào Dostoevsky. Đây có lẽ mới là thông điệp chính của vở bi kịch Vũ Như Tô.
Đ.M.T
Nguồn: văn học và tuổi trẻ
*Vanhaiphong.com: Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) là một nhà văn, nhà viết kịch tài năng. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho khá giả có tinh thần yêu nước ở xã Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Nhà văn đặc biệt thành công với đề tài lịch sử ở cả hai thể loại tiểu thuyết và kịch. Tác phẩm chính: Vũ Như Tô ( kịch, 1941), Bắc Sơn (kịch, 1946), Những người ở lại (kịch, 1948), Đêm hội Long Trì (tiểu thuyết, 1942), An Tư (tiểu thuyết, 1945), Sống mãi với thủ đô (tiểu thuyết, 1961), Kí sự Cao Lạng (kí, 1951)…
“Vũ Như Tô” là một vở kịch lịch sử; với tác phẩm này, nhà văn thể hiện quan điểm của mình về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cường quyền, giữa nghệ sĩ và nhân dân và cả vấn đề về văn hoá dân tộc. Vở kịch gồm năm hồi, viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517. “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” là Hồi thứ năm, hồi cuối bi kịch lịch sử này xoay quanh một sự kiện chính: Sự kiện đốt phá Cửu trùng đài, bắt, giết những người đã sáng tạo ra nó, chôn vùi họ trong tro tàn Cửu Trùng đài và trong tro tàn của lịch sử một triều đại mục ruỗng của hôn quan bạo chúa. Bao trùm hồi kịch là một nỗi đau và một niềm hoang mang lớn thấm đượm một ý vị triết mỹ sâu xa.
Kịch và trích Hồi thứ năm này đã được chọn giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 11 hệ Trung học phổ thông.