Ráng đỏ – Đỗ Chu


Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn Ráng đỏ của nhà văn Đỗ Chu in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn Ráng đỏ của nhà văn Đỗ Chu in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.


Nhà văn Đỗ Chu

 

HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: CHU BÁ BÌNH. SINH NGÀY 5 THÁNG 2 NĂM 1944. QUÊ QUÁN: XÃ QUẢNG MINH, HUYỆN VIỆT YÊN, TỈNH BẮC GIANG. LỚN LÊN Ở BẮC NINH. DÂN TỘC: KINH. HỌC XONG TRUNG HỌC TẠI TRƯỜNG CẤP 3 HÀN THUYÊN TỈNH BẮC NINH, NHẬP NGŨ THÁNG 7 NĂM 1963, ĐÃ CÓ 12 NĂM PHỤC VỤ TẠI CỤC CHÍNH TRỊ QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG – KHÔNG QUÂN. TỪ 1975 CHUYỂN VỀ CÔNG TÁC Ở HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM. LÀ HỌC VIÊN KHOA SÁNG TÁC HỌC VIỆN VĂN HỌC M. GORKY, MÁTXCƠVA, NĂM 1987. LÀ TRƯỞNG BAN NHÀ VĂN TRẺ HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM KHOÁ 6.

 

RÁNG ĐỎ

Câu chuyện này bắt đầu từ một bìa rừng, vào một buổi sáng tháng ba. Đang là mùa xuân nhưng ở đây, trong Trường Sơn, chỉ cần nhớ lúc này đã vào mùa khô, thế là đủ.

Chúng tôi có ba người. Tôi là phóng viên của một tờ báo mặt trận. Hàm là lái xe và cậu Huân, một tay lái phụ cùng đi với Hàm. Chiếc xe của chúng tôi đã chạy suốt đêm qua, bây giờ cả nó và người đều mệt lử. Chiếc xe rúc vào đám lồ ô không xa chỗ chúng tôi nằm bao nhiêu, mặc dù đã được che kín dưới những lùm lá rậm rạp, tôi vẫn nhìn thấy một tia nắng le lói phản chiếu từ tấm kính chắn cửa buồng lái. Ban nãy, trong lúc chúng tôi chặt lá ngụy trang xe thì Huân đã lôi trên xe xuống một cái xoong nhôm, một chiếc ống bơ đun thức ăn và một bao gạo, tất cả đều ám khói và bụi bậm. Huân mang đồ lề xuống suối thổi cơm, tôi thấy cậu ta hỏi Hàm:

– Mấy bơ đây?

– Nên gia gia một chút, hôm nay mát trời, lại có khách.

Còn lại hai chúng tôi nằm trên cỏ. Xung quanh, lá khô rơi đầy, những bụi tầm xuân đang nở hoa, ở tít trên cao, những cây ổ gà – một loại tầm gửi – mọc quanh các thân cây với những phiến lá lốm đốm trắng. Nắng đã đánh loãng những lớp sương mù và đám mây thấp hồi đêm được vén quang, trước mặt chúng tôi hiện ra, gần lắm, một dãy núi đá với những hình thù kỳ dị, nom hiểm trở đến nỗi phải sửng sốt khi nghĩ đến cái cảnh những chiếc xe tải nặng nề đêm qua đã bò quanh co trong đó để sang bên này.

– Hôm qua chúng ta còn ở bên kia dãy núi nhỉ? – Tôi nói.

– Vâng, nếu không có gì trắc trở thì mỗi tháng chúng tôi phải qua đó hai lần, vào đầu tháng và giữa tháng. Anh biết người ta gọi vùng này là gì không? Gọi là Khe Cạn, giữa dãy núi đá có một cái khe, chạy dích dắc tới mười cây số, con đường của chúng ta nằm trong lòng cái khe đó.

– Mùa mưa thì sao?

– Mùa mưa cũng vẫn khô ráo, thế mới gọi là Khe Cạn. Nhưng riêng mùa mưa vừa rồi thì bị ngập, ngập đến nửa tháng. Dạo đó đoàn chúng tôi cũng có mặt ở đấy, phải chạy xe đi giấu trên những chỗ đất cao rồi xuống kho cứu hàng. Cuối dãy núi kia, ngày trước vẫn có một cái kho, chắc là anh chưa biết, chúng tôi chạy hết Khe Cạn là chui tọt ngay vào kho trả hàng, tiện lắm. Anh hãy nhìn, nó ở chỗ hai quả núi chụm đầu vào nhau đấy, chúng tôi gọi là kho núi Khỉ. Ở trên đó có rất nhiều khỉ, chúng đi từng đàn, hú vang các vách đá. Anh chưa qua đây lần nào, nhưng đã nghe ai kể về đoạn đường này chưa?

– Thỉnh thoảng tôi có nghe nói về con đường này, nhưng cũng chỉ được nghe những nét chung chung thôi, riêng vùng Khe Cạn thì hôm nay tôi mới biết đấy.

– Anh vào mặt trận, lúc ra nếu có điều kiện thì nên ở lại Khe Cạn một thời gian, ở đó bây giờ công binh đang làm việc rất đông, còn cái kho thì đã chuyển sâu vào trong kia, đêm nay chúng ta sẽ về đó. Chẳng giấu gì anh, tôi cũng là một tay nghiện đọc báo lắm, có thể nói nghiện như thằng Huân nghiện thuốc lào ấy. Ở trên xe tôi cũng đang có mấy số báo cũ, tôi thề với anh là tôi có thể xoay ngược những tờ báo ấy mà vẫn đọc trôi chảy tất cả các bài, có một bài nhắc đến những người đang chiến đấu trên con đường này, bài báo viết rất hay nhưng tôi tiếc là đã không nhắc gì đến khu vực Khe Cạn.

– Anh chạy đường này lâu chưa?

– Gần hai năm rồi anh ạ. Tốt nghiệp khóa lái xe to, nhà trường giữ tôi lại làm giáo viên một thời gian. Của đáng tội, tôi dạy cũng không đến nỗi, nhưng tính tôi không thể ngồi đâu lâu được, ngứa chân lắm. Tôi nói với đồng chí phụ trách nhà trường: “Thủ trưởng cho bay thôi, mang tiếng làm thằng lái xe thời chiến mà tôi chẳng phải thức trắng một đêm nào, không khéo mắt tôi rồi sẽ đầy húp lên mất”. Đồng chí ấy cười ha hả rồi bỏ đi, không nói gì. Tôi sẵn sàng chờ một buổi tâm sự tay đôi, với những lời khuyên đại loại như phải yên tâm công tác, phải thấy ở đâu cũng đều có thể đóng góp hết sức mình cho cách mạng được. Quả nhiên vài hôm sau tôi được gọi lên phòng riêng của thủ trưởng, nhưng tôi hoàn toàn bị bất ngờ, vừa bập vào chuyện, đồng chí ấy đã hỏi tôi thế này có khoái không: “Nào Hàm, cậu muốn bay gần hay bay xa đây?”. Tôi cũng đã nghe phong thanh là có một số giáo viên trong trường sắp được đi công tác xa nên tôi tin ngay là đồng chí ấy nói thật, tôi mạnh dạn nói: “Báo cáo anh, tôi muốn được vào tuyến lửa một chuyến”. Đồng chí ấy suy nghĩ một lát rồi hỏi: “Không phải là một chuyến mà sẽ chạy lâu dài ở trong đó, cậu thấy thế nào?”. Tôi trả lời luôn: “Đề nghị cứ cho tôi đi, ở chiến trường nếu cần tôi có thể lấy vai gùi hàng chạy bộ cũng được!”. Thấy tôi hăng quá, đồng chí ấy nằm ngả ra bàn mà cười, cái tiếng cười nghe sôi nổi và rộng rãi quá làm tôi cũng vui lây. Đồng chí ấy bảo: “Sao mà cậu giống cái thằng bạn mình hồi trước thế! Thôi được, cậu về chuẩn bị đi, hai ngày nữa sẽ lên đường, không phép tắc gì đâu đấy”. Anh tính tôi thì có hòm xiểng gì mà chuẩn bị, đi lúc nào chẳng được.

– Năm nay anh Hàm ngoài hai nhăm chưa?

– Làm gì đến, anh nom tôi già thế rồi kia à? – Hàm đưa tay xoa mấy sợi râu đâm tua tủa trên cái cằm rộng, nheo mắt cười – Lính lái xe là thế đấy, thức đêm thức hôm nhiều mà.

– Vợ con gì chưa?

– Khoản ấy thì bét lắm – Hàm lắc đầu – Hồi còn trả hàng ở Khe Cạn tôi có yêu một cô người Hà Nam, công tác ở kho đó.

– Đêm nay có thể gặp cô ấy chứ?

– Không, anh chỉ có thể gặp những người đã từng sống với cô ấy thôi. Chuyện dài lắm, lát nữa cơm nước xong nếu anh không ngủ thì tôi xin kể anh nghe. Tôi nằm suốt buổi trong đám cây dại của khu rừng này để chờ đêm đến. Ta xuống chỗ cậu Huân đi, anh cũng thấy đói rồi chứ? Tôi hèn lắm anh ạ, hễ đói là nhăn mặt lại ngay, lắm lúc ngượng chết người.

Tôi theo Hàm đi xuống mé suối. Vừa lúc đó có tiếng hú của Huân vọng lên. Hàm đưa hai tay lên miệng làm loa, hú trả lời một tiếng thật dài, rồi anh nhìn tôi nháy mắt. Tôi biết, như thế là cơm đã chín và tôi nóng lòng muốn được ăn ngay, một phần cũng vì đói nhưng cái chính là muốn bữa cơm chóng qua để lại được nằm nghe Hàm kể chuyện. Tôi có linh cảm mình sẽ được nghe những chuyện của một người đang có nhiều tâm sự.

*

Anh là một nhà báo, viết gì thì cũng phải thêm bớt đôi chút, cái đó là lẽ thường, cánh lái xe chúng tôi cũng thế cả, kể lại cho nhau nghe chuyện gì mà không biết “mắm muối” vào ít nhiều thì cũng mất vui. Nhưng câu chuyện này của tôi anh đừng nghĩ như thế và anh cũng chẳng nên viết ra làm gì. Anh muốn viết về cánh lái xe chúng tôi, đợi về đến đơn vị hãy hay, có nhiều chuyện đáng viết hơn. Ở chỗ chúng tôi, chạy an toàn hàng vạn cây số cũng có, chui vào gầm xe thay díp đệm lưng đè lên bom nổ chậm cũng có, hay như cậu Huân đây, đầu tóc rối bù, lem luốc dầu mỡ, ăn xong là lăn ra ngủ liền như vậy đấy, nhưng đêm đến là tỉnh như sáo, có thể chạy thông suốt tháng không cần nghỉ, đã ngồi trên xe rồi là hai mắt cứ giương lên cho tới sáng bạch. Anh em gọi cậu ta là Huân cú mèo cũng là vì thế, tôi cam đoan nếu cần, giữa đêm cậu ta có thể đánh xe đưa anh qua Khe Cạn mà không đèn đóm chi hết. Còn câu chuyện này, anh hãy xem như là một chuyện riêng tư của tôi, kể ra để anh thông cảm thêm với cánh lái xe. Tôi biết người ta đồn về chúng tôi nhiều chuyện lắm, hay cũng có mà dở cũng có, nhưng chúng tôi thấy thật ra mình cũng chẳng khác ai, nghĩa là cũng vui buồn, cũng suy nghĩ và đánh giặc giống như mọi người thôi. Chẳng mấy khi đã gặp nhau, anh cứ cho tôi nói dài dòng một chút.

Vì sao tôi lại yêu cầu anh lưu ý đến khu vực Khe Cạn mặc dù vẫn biết không thế thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến kết quả chuyến đi này của anh. Nhưng chắc anh cũng chẳng lấy gì làm lạ khi biết đấy là nơi tôi đã sống những ngày dữ dội nhất, hạnh phúc cũng hết mức mà đau khổ cũng hết mức. Từ mảnh đất bề bộn những kỷ niệm bao giờ cũng rõ ràng ấy có biết bao điều tốt đẹp đã được bắt đầu trong cuộc đời tôi. Hai năm trước, từ trường lái xe tôi được điều về Hà Nội rồi qua một tuần lễ học chính trị quán triệt tình hình và nhiệm vụ mới, tôi đánh một chiếc “Gát” chất đầy hàng quân nhu mùa đông chạy thẳng vào trong này. Anh hẳn còn nhớ đó là lúc chiến dịch đã bắt đầu mở, tình hình rất căng và mùa khô cũng đến nơi. Lái xe chúng tôi anh nào anh ấy chạy cứ muốn nuốt lấy đường. Lần đầu tiên chạy đường này, tôi thấy bỡ ngỡ lắm, hơn nữa xe mình lại là xe “Gát”, bốn bánh chung chiêng chứ đâu có được như loại “Zin” hai cầu bây giờ. Mỗi lần gặp dốc, tôi phải mắm môi mắm lợi dận hết ga mà chiếc xe vẫn cứ bò trên đường. Tôi không nhớ rõ là đêm thứ mấy xe tôi đang vượt đèo Ông Phật thì vấp phải hai chiếc “Zin” từ bên kia sang. Thật là tai ác hết chỗ nói, xe tôi lùi cũng dở mà tiến thì không được, đoạn đường đó đi một chiều cũng còn khó nữa là. Tôi xuống xe tính toán cẩn thận, thấy nép sát vào bên đường cũng vẫn không ổn, rất dễ bị đuôi hai chiếc kia hất xuống vực. Ở trên đầu dốc, hai chiếc xe nổi còi giục đến nóng ruột. Tôi chạy lên trao đổi với họ, xe “Zin” khỏe, đỉnh dốc lại rộng, họ lùi lại thì hợp lý hơn. Nhưng không chờ tôi nói hết câu, một anh đã gạt ngay:

– Không lôi thôi gì cả, đằng ấy cứ lùi đi, đời thuở nào hai xe lại phải mất công lùi để tránh một bao giờ?

– Đồng chí nói chẳng có tình có lý gì cả! – Tôi đã thấy nóng mắt.

– Sắp sáng rồi, đằng ấy định đứng đấy mà lý sự để chờ chúng nó mang bom đến giấu xe hộ hay sao? Thôi, anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau, chịu khó tụt một đoạn cho vui vẻ.

Tôi càng thấy nóng tiết, nhất là vì cái chữ “tụt” mà cậu ta đã dùng bằng một giọng rất ngọt ngào. Không nói gì cả, tôi quay xuống xe mình. Họ lại bóp còi dai dẳng xin đường.

– Có lùi không đấy?

– Không.

Thế là chiếc xe trên dốc bật pha lên, luồng ánh sáng đập thẳng vào mắt tôi, xanh lét – Tôi vừa bực vừa chờn, liều lĩnh quá, cậu ta muốn dọa mình đây! Tôi còn đang loay hoay chưa biết nên xử trí thế nào thì một chiếc phản lực Mỹ bò đi ăn đêm bay xẹt qua đầu, nghe thấp lắm. Tôi vội quát lên:

– Tản ra, đồ liều, nó thấy rồi đấy!

Tôi nhảy lên nắm chặt lấy tay lái, cứ thế cho xe lùi thục mạng. Tôi bắt đầu thấy hối hận, phen này mà mất xe thì sống cũng bằng thừa. Quả nhiên tên giặc đã quay lại ngay, nó lượn một vòng hẹp rồi quăng liền hai chùm pháo sáng. Phút chốc, khắp vùng sáng rực như ban ngày. Tôi nhoài người ra khỏi buồng lái, căn được đường, tôi nhả hết phanh cho xe lăn không còn biết trời đất đâu nữa. Địch bắt đầu nhào xuống quăng bom ở ngang dốc, ngay chỗ chúng tôi vừa đứng đôi co với nhau, rồi một loạt bom nữa quăng chệch vào khu rừng trên đỉnh dốc. Tôi lo cho hai chiếc xe kia, không hiểu đã lùi qua dốc chưa hay vẫn nằm quanh đó. Chiếc xe của tôi vẫn chưa ra khỏi quầng ánh sáng của địch nhưng đã nằm hẳn dưới chân dốc, tôi tìm đường cho xe chạy tạt vào một khoảng đất hẹp nhưng bằng phẳng ở ven một vách núi dựng đứng. Xong xuôi tôi nhảy ra khỏi xe, nép mình vào một tảng đá, hồi hộp nhìn lên trên dốc. Tên địch đúng là mù, hai loạt bom vừa rồi xem ra nó cũng chỉ quăng hú họa. Một tiếng “bụp” vỡ ra ở trên đầu, tôi vội nằm ép xuống. Những quả bom bi bay rào rào như một cơn mưa lớn, tiếp đến là những tia chớp nổi lên nhằng nhằng kéo theo những tiếng nổ chói tai. Nó vẫn đánh ở hai đầu dốc. Khói bụi trùm xuống khét lẹt, lửa cháy rừng rực hai bên đường, tiếng đá sụt lở ầm ầm. Tên địch lượn một vòng rộng rồi bỏ đi khi trời vừa sáng. Tôi bình tĩnh xem lại địa hình xung quanh, tìm cách đánh xe vào sâu trong núi cho kín, rồi tôi cắm đầu chạy lên đỉnh dốc. Những tàn lửa bay tản mát đó đây, thỉnh thoảng bám vào chân tôi bỏng giãy. Ở chỗ hồi đêm chúng tôi to tiếng với nhau, một hố bom ngoàm mất nửa mặt đường. Phía trên đó, một chiếc xe nằm xoay ngang, lửa vẫn đang liếm lem lém trên mui, đầu xe bị xé tướp vì những vết bom bi. Chiếc xe thứ hai, cũng như tôi đã chạy thoát sang bên kia dốc. Tôi tìm sang bên đó và gặp một nhóm thanh niên xung phong trong một cánh rừng thông. Họ vừa mới lao vào một công việc gì nặng nhọc lắm, nét mặt ai cũng lem luốc, già sọm đi, chỉ có đôi mắt là vẫn mở to và qua giọng nói thì biết họ còn đang bị kích động mạnh.

– Xe anh giấu ở bên kia rồi phải không?

Người con gái duy nhất trong đám đó dịu dàng hỏi tôi. Tôi khẽ gật đầu trả lời.

– Tôi đã bảo mà – Một anh chàng nói oang oang – Ở bên đó có mấy cái cả thảy, đồng chí?

– Có một cái của tôi thôi.

– Anh cùng đi một đoàn với hai anh kia chứ? – Người con gái lại hỏi.

– Tôi vào, họ ra. Họ đang ở đâu bây giờ?

– Ở đằng kia, trong hầm trực chiến. Em đưa anh lại đấy nhé – Cô gái tách ra khỏi đám bạn bè, đưa tôi đi về cuối rừng – Gần sáng, nằm trong hầm, em thấy có tiếng xe chạy qua rồi bỗng như bị chết máy. Nghe mãi cũng không hiểu vì sao, mà đường thì suốt đêm nay tốt. Em gọi mọi người dậy, mắt nhắm mắt mở, anh nào cũng càu nhàu: “Có nghe thấy tiếng súng cấp cứu không đã?”. Em lúng túng phân trần, họ phàn nàn mấy câu rồi lại nằm cả xuống. Rồi thế là thằng F.4C vụt qua. Em vừa túm được khẩu súng nhào ra cửa thì bên ngoài đã sáng trắng tất cả.

– Anh em lái xe có ai việc gì không? – Tôi ngắt lời cô ta.

– Em không cho ai chạy ra khỏi hầm ngay, cũng phải nghe ngóng xem nó định làm gì mình đã chứ, khi có tiếng bom nổ ngoài đèo Ông Phật, em biết ngay là nó đánh xe rồi! Em bảo mọi người chạy chuyền theo các hố cá nhân bên đường mà lên đó. Gần đến nơi, thấy một cái “Zin” chạy giật lùi nom đến là tức cười. Một anh trong bọn em nhảy lên bám vào cửa buồng lái dẫn xe đi trốn, còn bao nhiêu chạy cả lên trên dốc. Sau một loạt bom bi nữa, chiếc xe trên đó bốc cháy, anh lái xe bị thương vào vai, không còn biết gì nữa. Trên xe không có hàng, bọn em mang anh ấy về hầm – Anh ấy bị cũng nhẹ thôi, nghe nói khi bị thương hễ càng tỉnh thì càng khó sống phải không anh?

– Tôi chưa bị thương lần nào nên cũng không rõ.

Tôi lạnh lùng trả lời, tỏ ý muốn bảo cô hãy để cho tôi yên, tôi đang cần sự im lặng. Lòng tôi đang bị vò xé bởi những hối tiếc và dằn vặt. Trong đời lái đây là lần đầu tiên tôi phạm kỷ luật, tôi tự chửi thầm mình không còn tiếc một lời nào. Cô gái thoáng nhìn tôi, rồi bớt sôi nổi hẳn đi, cô khẽ bảo:

– Em sẽ để người ở lại với hai anh kia, còn anh lát nữa nếu về bên em thì bọn em chờ cùng về, có đường tắt rừng.

Cô gái chỉ cho tôi căn hầm rồi ngồi lại ở ngoài cửa. Trong căn hầm đó chỉ có ba thằng lái xe “đầu bò đầu bướu”, chúng tôi nhận ra nhau ngay và đều ngượng ngùng tránh nhìn vào mắt nhau. Phải biết cánh lái xe dẫu chưa quen nhau nhưng khi gặp anh nào cũng vẫn lắm lời như thường, thế mà bây giờ phải ngồi im lặng trong căn hầm này thì mới hiểu sự im lặng nặng nề nhường nào. Lâu lắm, trước khi đứng dậy, tôi mới hỏi được một câu:

– Các cậu liệu thế nào, tối nay đã đi được chưa?

– Phải đi thôi, nếu không ngồi được thì mình sẽ nằm trong “ca-bin”. Đằng ấy đừng giận nhé, chúng mình nghĩ lại rồi đấy, chúng mình thật là những thằng ngu!

Tôi gắng nhẹ đặt tay của mình vào cánh tay quấn băng trắng xóa của cậu ta rồi gượng cười bỏ ra ngoài. Cô gái vẫn đang ngồi chờ tôi bên một gốc thông, hai bàn tay chăm chỉ gỡ tóc, mắt lơ đãng nhìn ra ngoài dốc bấy giờ đã ngập trong ánh nắng. Cột khói từ chiếc xe cháy vẫn đang bốc lên nghi ngút khiến tôi nhìn mà thêm đau lòng và càng tự thấy xấu hổ với cô.

*

Ngày hôm đó địch còn kéo đến ném bom xuống đèo Ông Phật hai lần nữa. Tôi nằm một mình trong căn nhà hầm của đội thanh niên xung phong dưới chân đèo. Mỗi lần bom nổ, cánh rừng quanh khu nhà lại rung lên, mặt đất bị ép dúm vào rồi giãn ra, như có một lớp sóng đang chuyển động.

Ngang chiều, tôi thấy anh em trong khu nhà mang xẻng cuốc, bộc phá tập hợp trước sân. Họ có chừng một trung đội, cô gái ban sáng đưa tôi vào đây, hình như là trung đội trưởng, đứng ra nói vài câu vắn tắt rồi tất cả chạy lên trên đèo. Cô cầm trong tay một cuộn dây cháy chậm và một gói kíp nổ, nom dễ dàng như những người con gái ở làng vẫn quen cầm bó rơm khô ra đồng lượm lúa vào những ngày gặt hái. Vẫn bằng một giọng dịu dàng như ban sáng, cô vừa nói vừa khoan thai bước lên hè, đứng ngang với tôi:

– Anh ngủ được chứ? Bọn em biết anh mệt nên mấy lần định rủ nhau vào chơi lại thôi, để yên cho anh nghỉ.

– Cô sắp ra đường à?

– Có thêm ba quả rơi xuống đèo, bọn em phải làm sớm hơn mọi hôm. Khoảng nhọ mặt anh đánh xe ra là vừa, lúc đó đường chắc cũng đã thông. Cơm chiều của anh em để dưới bếp nhé, anh xuống ăn ngay kẻo nguội, cái bi-đông của anh em cũng mang dồn nước vào rồi đấy.

Cô gái bước xuống thềm, đi rất nhanh qua sân cỏ rồi thoáng một cái đã biến vào lối mòn trong rừng. Tôi đi xuống bếp, trên nền nhà đổ một đống măng lớn, một cô gái trông to béo đang ngồi duỗi dài chân thái măng, thấy tôi vào, cô vội thay đổi cách ngồi, hai chân thu về, cằm đặt lên đầu gối, nét mặt vẫn điềm nhiên như không. Tôi toan giúp cô một tay nhưng cô gạt đi:

– Anh đừng mó vào làm gì, ngứa chết ra ấy. Anh lại bàn ăn cơm đi đã – cô vứt con dao vào đống măng, đứng lên so đũa cho tôi – Cơm chúng em chỉ có măng thôi, anh đừng chê nhé! Hôm qua có thịt lợn rừng thì anh lại chẳng đến.

– Cho ăn là quý lắm rồi, những lúc này hãy cứ mong được ăn no cái đã. Đơn vị ta ở cũng vui đấy chứ nhỉ?

– Mấy tháng trước anh vào thì còn vui hơn nhiều, chúng em vừa mới phải xé lẻ ra làm hai ba nơi.

– Đồng chí trung đội trưởng vừa rồi nhanh nhẹn lắm.

– Trung đội trưởng của chúng em đi họp vắng, chị ấy là chính trị viên đấy.

– Tên chị ấy là gì thế?

– Chị Chuyên – Cô gái vừa bóc áo măng vừa láu lỉnh nhìn tôi – Anh mới đến mà đã hỏi cặn kẽ thế, không khéo lần sau thì đã là “thổ công” nhà chúng em rồi.

– Quen người thì cũng muốn biết tên, cô tính chỗ đi lại lâu dài với nhau mà cái tên gọi cũng không rõ thì còn ra làm sao nữa.

– Các anh lái xe anh nào ăn nói cũng gớm cả, em chịu đấy. Nhưng này, anh phải nhớ chị Chuyên là người ăn nói cũng không xoàng đâu nhé, lúc nào cũng như lúc nào, không gắt, không xẵng, nhưng xin đừng có mà lơ mơ.

– Tôi lại có cảm tưởng là tất cả các cô ở đây đều ăn nói được cả. Thôi để khi khác gặp lại, giờ tôi phải đi đây.

Đêm đó tôi lại cho xe vượt đèo Ông Phật. Lúc qua đèo tôi có để ý tìm nhưng không thấy Chuyên. Thanh niên xung phong ngồi ở ven đường thi nhau ném đất lên xe tôi. Tôi về đại đội vận tải nổi tiếng mà trước đây tôi đã từng được thấy giới thiệu trên báo vài ba lần. Đại đội chúng tôi nhận nhiệm vụ phụ trách chở hàng trên một tuyến đường gần hai trăm cây số. Khe Cạn chính là nơi xuất phát và cũng là đích trở về của chúng tôi.

Suốt mùa khô, tôi chạy trong tuyến đường này, không nhận được tin tức gì của Chuyên và trung đội cô ở ngoài kia. Bài học xương máu đêm hôm nào vẫn cứ bám riết lấy tôi. Tôi tự nhủ, phải sống sao cho xứng đáng với mọi người, trong đó có Chuyên. Giữa những ngày bận rộn và gian truân nhất ở đây, mỗi khi nghĩ lại cái đêm đó thì hình ảnh của Chuyên, một người chỉ huy rắn rỏi, một cô gái dịu dàng và chắc chắn là rất thông minh lại hiện lên rực rỡ, choán lấy tâm hồn tôi, làm mờ đi mọi kỷ niệm khác. Những ngày nằm trong lán tán gẫu với anh em, những đêm một mình một xe chạy trên đường, những lúc nghỉ ở một cánh rừng xa lạ, tôi thường tự hỏi mình, giờ đây Chuyên đang làm gì nhỉ, phá bom nổ chậm, đặt mìn mở đường, dẫn trung đội chạy lên đèo cứu xe hay một mình với một bao tải và một con dao vào rừng hái măng? Lòng tôi cứ rối lên vì những câu hỏi chẳng thể trả lời được ấy và đôi lúc cảm thấy lo lắng thành thật là rất có thể khi gặp lại nhau, cô ấy đã quên mình mất rồi, bởi vì hiển nhiên đến cái tên mình cô ấy cũng đã biết đâu. Dù sao tôi cũng rất mong chóng có ngày được gặp lại người con gái đó.

*

Mùa khô ở Khe Cạn, những cơn gió mang hơi lửa thổi hầm hập suốt đêm ngày, lùa vào mọi hang hốc, những bụi cây bám trên vách đá héo xác đi một cách gan góc. Con suối chảy quanh đó cạn dần, để trơ ra dưới đáy những bãi cát trắng như muối, những phiến đá kiêu kỳ chồng lên nhau, lúc nào cũng có thể tưởng như chúng sắp đổ. Trong các hang đá, nước vẫn cứ kiên nhẫn nhỏ từng giọt nghe tí tách như tiếng kim giây của một chiếc đồng hồ nào. Qua khỏi kho Núi Khỉ là đến bãi xe của chúng tôi. Đám cỏ tranh trong bãi bị quần nát, những bụi sim mặc dù đã có lệnh không ai được chặt mà lá vẫn cứ xơ tướp đi sau không biết bao nhiêu lần va quệt và có lẽ vì thế mà bao giờ chúng cũng ra hoa muộn mằn. Các đường xe chạy vào bãi lầy lội suốt mùa mưa trở nên khô cứng, để lại nguyên vẹn những vết bánh xe cao-su với những đường răng và rãnh giảm trơn trông chính xác như khuôn đúc. Khi có một cơn lốc chạy qua bãi, những đám bụi tanh sực mùi lại được dịp cuộn lên khiến nhiều anh đang nằm xoay trần sửa xe phải hắt hơi sặc sụa và văng tục ngậu xị.

Vào dịp đó, tôi đã bắt được một chú khỉ con có lang trắng ở trước ngực. Một buổi chiều, tôi từ bãi xe trở về nhà, vừa vào đến cửa hang thì hai chiếc “AD.6” ập đến, không lượn vòng gì hết, chúng theo nhau sà xuống cắt một chùm bom và bắn một loạt súng máy rồi bỏ đi ngay. Bom rơi sâu vào trong núi nhưng đạn thì vãi ở ngay bên trên chỗ tôi đứng làm một làn bụi trắng rơi nhẹ trên vai áo tôi. Điều làm tôi ngạc nhiên hết sức là bầy khỉ mọi ngày vốn vẫn thường phớt đều cái kiểu bắn vu vơ ấy của bọn Mỹ, hôm nay bỗng kêu lên tru tréo và từ trên cao chúng chạy xuống cả lưng chừng vách đá, nhìn ngó, leo trèo, con nào cũng có vẻ thảng thốt khiếp hãi. Tôi tự hỏi, có chuyện gì vừa xảy ra đối với chúng và tôi bước ra xa, ngửa cổ nhìn lên. Trên một cành cây khô đâm hẳn ra ngoài vách đá, một con khỉ mẹ màu đen đang một tay ôm con trước ngực, một tay bíu lấy đầu cành. Sao nó lại leo ra ngoài ấy làm gì – Tôi thấy lo lắng thay cho nó – Hay là nó bị sa chân mà lộn cổ xuống đó. Một con khỉ khác lớn hơn nhiều, chừng như là con đầu đàn, đã chạy xuống, leo ra cứu mẹ con chú khỉ bị nạn. Nhưng cành khô hình như đã mục, nó rung lên khi con khỉ lớn leo ra ngoài xa. Một phút lưỡng lự, cả bầy khỉ đứng quanh đó đều im lặng, bỗng con khỉ lớn dùng hai tay đánh đu trên cành, leo thêm một đoạn ngắn nữa rồi nắm chặt lấy cành cây, đu mình tung chân ra ngoài xa, mấy lần nó suýt quắp được hai con kia nhưng lại bị hụt. Con khỉ mẹ ôm con đã mỏi, cánh tay bám trên cành của nó không được vững nữa. Nó bỗng kêu lên một tiếng não ruột rồi buông tay ôm chặt lấy con, thả mình rơi xuống. Xác nó nằm vắt ngang trên cửa hang, chú khỉ con bị văng ra khỏi ngực mẹ, lăn thêm mấy vòng và xuống tới gần tầm tay tôi thì nó bám được vào một bụi cây dại. Nó kêu lên những tiếng yếu ớt và tôi đã leo lên ôm lấy nó.

Chú khỉ con được chúng tôi chăm sóc đã hồi sức và lớn lên rất nhanh. Nó làm quen với tất cả mọi người, biết leo lên vai bới tóc cho một cậu nào đó rồi lại nhoài vào lòng một cậu khác khi cậu này rút chiếc “ăc-mô-ni-ca” ra thổi. Những ngày đầu tôi mang nó ra ngoài bãi xe, nó chạy lung tung nhưng rất sợ bị tôi nhét vào buồng lái. Chẳng bao lâu nó cũng làm quen được với căn nhà chật hẹp đó của chủ và tôi có thể mang nó đi theo trong những chuyến chạy đường dài. Nó trở nên ma lanh ma cuội và ngộ nghĩnh hết sức. Đã nhiều lần tôi bắt gặp nó ngồi trong buồng lái vờ đọc một tờ báo hoặc nhắng nhít lấy cả bàn tay ấn vào còi xe. Không biết có anh nào đã đặt tên cho nó là con Láu.

Cuối mùa khô đó, tôi được lệnh mang chiếc “Gát” của mình về hậu phương để đổi lấy một chiếc “Zin” mới, tôi cũng cho con Láu cùng đi. Tôi chắc mẩm phen này qua đèo Ông Phật thế nào cũng được gặp lại cô Chuyên. Đêm đi ngày nghỉ, tôi chỉ cầu trời cho chiếc xe của mình đừng dở chứng dọc đường. Khi qua những đoạn địch đánh mạnh tôi thong thả cho xe lách qua bờ những hố bom, bụng bảo dạ, chậm mà ăn chắc còn hơn là rệ xuống đây lúc này. Gặp chiếc xe nào xin đường, có thể cho được là tôi hào phóng tránh liền sang một bên. Tôi thầm mong đừng gặp điều gì trắc trở, muốn được chạy ngốn lên phía trước, muốn rút ngắn được từng đêm trên đường.

Sau tất cả mọi cố gắng, tôi bị giữ lại với một đoàn dài những xe khác, ở một chỗ cách đèo Ông Phật không đầy hai chục cây số. Chúng tôi chỉ được giải thích vắn tắt rằng ở ngoài đó đường đang bị tắc, ít nhất là vài ba ngày nữa. Tôi cho xe đi giấu, suốt ngày thắc thỏm không yên. Mấy tay cùng cảnh như tôi mắc võng nằm dài trong rừng, sẻ cho nhau từng nhúm thuốc vụn và tán chuyện tưởng như quên hết sự đời.

– Lại đây làm một hơi – Một anh quay sang phía tôi – Sao trông cậu ỉu thế, cứ như thằng bị bỏ đói ấy. Có muốn đi thì cũng phải đợi sửa xong đường đã chứ, cậu tưởng chúng tớ không sốt ruột hay sao? Nếu vác được xe bỏ sang bên kia đèo thì chúng mình cũng vác rồi. Anh em mình lăn lộn trong kia, mong từ một hạt muối trở đi, vác mặt làm một thằng lái xe, ai mà không hiểu điều ấy.

– Hãy cứ lại đây cái đã, trưa nay ăn ở đâu, nếu không, thổi chung với bọn mình cũng được.

– Các cậu chưa rõ – Tôi phân trần – Mình cũng không có việc gì vội lắm đâu, mình chỉ muốn đến đèo Ông Phật, cô em mình nó đang ở đấy.

– Rồi sớm muộn cậu cũng phải qua đấy chứ bay được à? Đã đành nó đánh thì ta sửa ta đi, nhưng cũng phải có thời gian để mà sửa chứ. Em ruột hay em họ thế?

– Em họ.

– Ờ, anh nói thì tôi cũng biết vậy, cô ấy ở trung đội thanh niên xung phong dưới chân đèo chứ gì?

– Hình như là thế – Tôi trả lời qua quýt, hơi chột dạ, sao các tướng này nắm vững đến thế, thật cứ như là đi guốc trong bụng người ta.

– Chưa biết chừng mình gặp cô em cậu rồi mà không biết – Một cậu khác nói – Chuyến trước mình vào, vừa đến đèo thì trời sáng nên phải mò vào trong đó tìm cơm.

À, thế ra họ cũng đã từng ăn cơm ở đó cả, tôi cảm thấy hai mang tai mình bỗng ù đi, nóng như bị áp vào lửa. Lo rất có thể sẽ bị truy tên cô em, tôi vội đánh bài lảng, lấy cớ là có việc phải về xe. Tôi nằm dài trong buồng lái, hai chân gác đại lên thành cửa. Con Láu thấy tôi về thôi không nghịch với cái bóng của mình ở trong gương nữa, nó nhảy tót lên chân tôi, nhe răng ra cười. Tôi quắc mắt để nó biết là tôi đang không bằng lòng. Nó thôi không cười nữa, leo ra ngoài cửa nhưng lại đứng ở đó mà nhìn tôi rồi giơ tay giơ chân làm bộ làm tịch. Tôi nhăn mặt nhìn nó, nó cũng nhăn mặt lại. Rõ thật là khỉ, tôi bật buồn cười, xoay mình vào bên trong cố chờ một giấc ngủ. Nhưng giấc ngủ vẫn không đến cho. Tiếng bom địch nổ ở phía đèo chốc chốc lại dội đến cùng với tiếng máy bay địch lượn lờ. Tôi như nhìn thấy trước mắt một cái đèo lớn, lỗ chỗ những hố bom, đất đá bị xới tung tất cả, những vạt rừng bị đốt cháy với những cành khô đâm lên tua tủa và ở trên một ngọn cao nào đó còn vương phất phơ một mảnh dù pháo sáng. Đây đó vẫn còn có những ngọn lửa chưa ai dập tắt, mùi cao-su và mùi thuốc đạn tỏa ra khét lẹt. Bất thần, từ một chỗ ít ai ngờ tới nhất bùng lên một tiếng nổ cùng với những cột đất dựng lên mù mịt. Hiện ra sau những đám khói ấy, bên những ngọn lửa ấy là cô gái mà tôi thường nghĩ đến và đồng đội của cô, là những người thân yêu, những chiến sĩ giữ đường gan góc. Dọc con đường này họ đã trở nên thân thuộc với anh em lái xe, có khó khăn nào mà chúng tôi không cùng họ san sẻ, có chuyến đi nào mà chúng tôi không cùng ăn dăm ba bữa cơm với họ. Có người chúng tôi gặp luôn, có người chưa bao giờ thấy mặt, cũng có người chỉ được gặp một lần rồi vĩnh viễn không bao giờ còn được gặp lại nữa, nhưng tất cả đều trở nên gần gũi và dễ hiểu, đều trở thành một vẻ đẹp chung gắn bó với mỗi chúng tôi. Một dáng người đứng bên đường vẫy chào, một khuôn mặt trầm tư lướt qua cửa xe, một nụ cười của ai mà ta đã gặp ở đâu rồi, một giọng nói nào giống như giọng nói của người quen mà không kịp nhớ và những đôi mắt của lòng tin cậy biết nói cho ta nghe những chuyện đâu dễ hôm nay đã nói hết được thành lời.

Hôm sau đường thông, tôi cho xe vượt đèo vào lúc nửa đêm. Bọn địch rất có thể trở lại bất thình lình, người ta cấm không cho các xe được dừng lại ở quanh khu vực đó. Xe tôi lao đi trong đêm tối nhòa. Ở đỉnh đèo tôi vẫn thấy có người đang làm việc, họ đứng rải ra thành nhiều tốp, khi chúng tôi đi qua họ đều ngừng tay ném theo một câu: “Mạnh khỏe nhé!”. Sang tới chân dốc bên kia, tôi cho xe đi chậm lại, hỏi bâng quơ một đám đông đang ngồi nghỉ ở bên đường:

– Có ai quen không đấy?

– Có đây!

Tiếng một cô gái trả lời, nghe cao vút. Tôi hãm xe lại, hỏi thêm:

– Có ai ở trung đội cô Chuyên không?

– Không biết cô Chuyên chi mô, bọn em mới vô mà!

Vẫn cái giọng nữ ban nãy, một giọng miền Trung, tôi đoán họ thuộc một đơn vị khác mới vào. Tôi cố nói vớt hỏi thêm:

– Cô Chuyên chính trị viên ấy mà.

– Đã bảo không biết chi mô!

Tôi đành phóng xe đi. Một tháng sau tôi trở về đến đèo Ông Phật và có tạt vào trung đội cô ấy. Con đường mòn trước kia giờ đã bị lấp vì cây cối đổ ngổn ngang. Tôi cứ nhằm theo hướng cũ mà tìm lối đi và càng đi càng cảm thấy có điều gì lo ngại. Khu nhà cũ không còn nữa, tất cả đều bị sập nát, những dấu hiệu của một trận ném bom vẫn còn đang hiện ra rành rành. Tôi bước lên, những đốt nứa khô lép bép vỡ. Không còn nhận ra đâu là căn nhà mấy tháng trước tôi đã từng nằm vật vã suốt một ngày, đâu là nơi tôi đã ngồi ăn cơm và nói chuyện vui vẻ với một người con gái thái măng? Và sau tất cả, cái điều làm tôi lo lắng thực sự là giờ đây họ đang ở đâu, những người thuộc trung đội cô Chuyên, những người đã đưa tôi từ bên kia đèo về đây, lo cho tôi từng ly từng tý, ân cần mà vô tư, những người một chiều đã đứng xếp hàng trên cái sân này rồi cùng nhau hăm hở chạy lên đèo…

Tôi trở về xe mình đợi đến đêm. Con Láu thấy tôi có vẻ buồn cũng không dám nghịch ngợm như mọi ngày, nó ngồi nép vào cạnh tôi, gãi gãi vào cánh tay tôi như muốn an ủi. Tôi xoa cái đầu nhỏ bé của nó và tưởng như nó hiểu được, tôi nói: “Lẽ ra hôm nay mày được gặp cô ấy, nhưng giờ thì khó lắm… Có thể chẳng bao giờ nữa đâu”. Chiều hôm đó tôi không thổi cơm ăn. Tôi mở túi lương khô lấy ra khẩu phần của con Láu, mấy hạt lạc và một miếng bánh ngọt. Nó liền vồ lấy, cu cậu chắc đói meo rồi. Tôi trở về Khe Cạn sớm hơn kế hoạch đã dự định mấy ngày, không kịp nghỉ ngơi vì những công việc bề bộn của mùa mưa đã đến.

*

Mùa mưa, vẫn con đường ấy mà cứ tưởng như đang bị lạc vào một khung cảnh hoàn toàn mới lạ. Suốt mấy tháng trước đây, ngày cũng như đêm, bầu trời lúc nào cũng rộng rãi và tràn ngập ánh sáng của mặt trời và của sao. Nhưng giờ thay vào đấy là một vòm trời khác, nặng và thấp. Những đám mây sũng nước bị gió đánh cho tơi tả, trôi giạt khắp nơi. Những đoạn đường vắt qua các suối ngày nào xe chúng tôi lăn qua còn vang lên tiếng các phiến đá nghiến vào nhau nghe khô xạo, giờ nước cũng đã tràn lên lênh láng. Từng khối đá trên vách núi đổ ụp xuống mặt đường, bùn non ngập ngụa. Người ta chặt những cây gỗ còn tươi nguyên mang rải lên những đoạn đường quá lầy, có khi rải liền hàng cây số. Những chiếc xe tải vất vả bò trên đó, tiếng máy gầm gừ khó nhọc, bánh xe đè nghiến lên từng khúc đường, đôi khi dừng lại quay tít trên một thân cây bị trơ mất vỏ và thế là tất cả lại hò nhau xúm vào, phải một phen đẩy mệt tướt bơ mới qua được.

Và những cơn mưa rừng ập đến trút nước ào ào trên các vách núi, những cánh rừng xa gần đều bị che phủ bởi những bức thành nước trắng xoá. Đây đó dưới các thung sâu, một bãi cỏ xanh vẫn hiện ra lấp lánh trong vệt nắng cuối cùng còn sót lại, để rồi sau đó nó sẽ là nơi phải chịu nhiều dầm dãi nhất.

Vào một đêm mưa rừng như thế, trong ánh chớp chạy ngùng ngoằng và những tiếng nổ rền vang của sấm, đoàn xe chúng tôi về tới núi Khỉ. Gần tới chỗ rẽ vào kho, tôi nhìn thấy phía trước có một ánh đèn pin đang quay tròn. Có chuyện gì thế nhỉ? Tôi cho xe chạy chậm hơn.

– Dừng lại, dừng lại đã!

Mặc dù bị tiếng mưa át đi, tôi vẫn nhận ra đó là tiếng một người con gái, nhẹ nhàng nhưng cứng cỏi. Tôi vội phanh xe, thò đầu ra ngoài cửa:

– Sao thế?

Bước đến gần tôi là một cô gái vừa ở đâu ra tôi không biết, dáng đi thanh thoát, từ đầu đến chân trùm kín trong một tấm vải nhựa rộng thùng thình. Cô hỏi tôi với cái giọng của một người đang có trách nhiệm ở đây:

– Xe anh về sau cùng phải không?

– Xe tôi đi cuối, anh em đã vào kho cả chưa đồng chí?

– Đang trả hàng cả rồi đấy.

– Có gì lạ không mà hôm nay lại phải đặt người đón, hay là sợ chúng tôi quên đường!

– Sợ các anh quen đường cứ vào kho cũ, từ nay sẽ trả hàng ở ngoài rừng, trong núi để chật lắm rồi. Anh cho em lên với.

Cô chạy vòng qua đầu xe. Tôi nhoài ra mở cửa cho cô rồi vội vã thu bộ quần áo lót phơi trên chiếc dây sau ghế về phía mình, đợi cô sập chặt cửa rồi mới cho xe chạy.

– Anh cứ đi thẳng – Cô vừa vuốt tóc vừa nói – Sang suối rồi sẽ rẽ bên phải.

– Cô mới về nhận công tác ở đây phải không?

– Vâng, bọn em mới chuyển từ thanh niên xung phong sang, mấy tuần nay toàn phải vào rừng chặt nứa cất kho, sắp tới hàng các anh về nhiều càng bận lắm đấy. Eo ơi – Bỗng cô nhào về phía tôi, kêu thét lên – Con gì nó nhảy vào em?

Vỡ nhẽ, tôi dừng xe lại, không nhịn được cười:

– Tôi xin lỗi, quên không nói trước, một chú khỉ con đấy mà.

Tôi túm lấy con Láu đang nép ở góc đệm phía sau cô gái, kéo nó về ngồi ở bên trái tôi. Xe đã chạy được một lúc mà cô gái vẫn chưa hoàn hồn, giọng nói nghe run bắn như sắp khóc.

– Nó làm em chết khiếp, anh nuôi làm gì cái của nợ ấy cơ chứ!

– Cô đừng ngại, nó rất dễ bảo.

Mặc dù vậy, tôi vẫn không làm cô yên tâm hơn. Cô ngồi nhích ra sát cửa, bỏ lại một khoảng trống trên ghế. Còn con Láu, nó tỏ ra rất tức tối vì lần đầu tiên có một người con gái vào nhà nó và làm nó mất tự do. Mấy lần nó loay hoay toan đứng dậy nhưng tôi đã kịp thời lấy khuỷu tay ấn nó xuống.

Trong buồng lái lúc này tối quá, mưa quất xối xả vào tấm kính vỡ, những tia nước lạnh tung vào khắp người tôi. Ước gì tôi được phép bật một ngọn đèn nhỏ cho “căn nhà” sáng lên, dù chỉ là một phút. Ánh dạ quang tỏa ra mờ ảo trên mặt. Mấy chiếc đồng hồ xe cũng chẳng giúp thêm gì cho tôi nhìn rõ mặt cô gái. Sang đến bên kia suối, tôi tìm cách hỏi dò:

– Cô chuyển vào bộ đội có thấy vui hơn không?

– Chúng em cũng như các anh thôi, đâu cần thì xin có mặt, ở đâu thì cũng vui cả. Hồi bọn em ở thanh niên xung phong, phải sống chết giành nhau với chúng nó từng đoạn đường ấy chứ!

– Nào tôi có dám bảo gì đâu…

Tôi biết mình lỡ lời, vội cười xuê xoa.

– Chỗ này có một cái cây đổ đấy – Cô hốt hoảng quay sang nói với tôi – Đến cửa rừng rồi, để em xuống dẫn xe cho.

Trong ánh đèn gầm tỏa nhập nhoạng, tôi chợt nhìn thấy rất rõ ràng, một khuôn mặt trùm trong tấm vải nhựa màu lá cây, một khuôn mặt trái xoan, hiền hậu lắm. Tôi bàng hoàng cả người, hai tay nắm chặt lấy vòng lái, ngồi lặng đi mặc cho chiếc xe vẫn đang nổ máy và cô ta thì vừa đi giật lùi vừa vẫy tay ra hiệu cho tôi tiến lên. Thế là tôi đã tìm thấy cô ta rồi, tôi đã gặp lại người mà suốt một tháng nay mỗi lần nghĩ đến là ruột gan tôi cứ cồn cào như lửa đốt. Tôi sung sướng cho xe chạy thẳng lên, qua những lùm cây ướt đầm, qua những khoảng đêm mù mịt hơi mưa và quầng ánh sáng nơi đầu xe cứ lướt đi soi rọi một đôi chân lấm bùn đang bước.

Mùa mưa ấy trôi qua rất nhanh. Tôi tính thời gian bằng những chuyến đi và bằng sự khao khát được gặp lại Chuyên sau mỗi lần về Khe Cạn. Phải thú thực là tôi đã thầm yêu cô và mối tình chưa nói được ấy cứ âm ỉ như một đống dấm, cho tôi thêm sức để vượt qua mọi hiểm nghèo trên đường, cho tôi những niềm vui mới và một tình cảm gắn bó kỳ lạ với Khe Cạn. Tôi là một đứa cũng hay bô lô ba la chẳng giấu được ai chuyện gì bao giờ, thế mà với riêng chuyện này thì tôi lại trở nên dè dặt và hình như còn nhút nhát hơn là đằng khác. Tuyệt nhiên trong đơn vị không một ái đoán được lòng dạ của tôi. Nhưng dần dần tôi cảm thấy không còn đủ sức giữ im lặng nữa, cần phải tìm một người nào để nói chuyện, khi đã yêu, người ta rất thèm có bạn bè. Người đầu tiên ngồi nghe tôi nói những chuyện đó là cậu Huân. Lúc đó, Huân chưa bổ sung về đơn vị tôi, cậu ta đang còn ở cùng một phân kho với cô Chuyên. Đó là một tay rất linh lợi và tò mò vào loại số một. Nghe nói cậu ta đang học dở lớp trung cấp địa chất thì được gọi đi bộ đội. Xin vào học nghề địa chất cũng vì cậu ta muốn sau này được bay nhảy đây đó. Rời ghế nhà trường đi bộ đội, nắm chắc được đi xa, cậu ta lại càng thích. Nhưng khi được phân công làm lính giữ kho, cậu ta có phần hơi buồn. Ở cái tuổi đó, ai cũng dễ thấy cuồng cẳng đều muốn được bay bổng như một cánh chim và muốn cùng một lúc phải có mặt ở nhiều nơi, tham gia vào nhiều sự kiện sôi nổi nhất. Công việc của một anh lính lái xe đã trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với Huân. Trong những ngày chúng tôi bảo quản xe ở ngoài bãi, cậu ta thường lân la hỏi chuyện và tìm cách làm thân. Lái xe có khó lắm không? Cái này gọi là cái gì. Khi nào thì cần đến nó? Tôi thường trả lời cậu ta bằng một cách kẻ cả và khá ỡm ờ, muốn làm cho một cái xe chạy được thì chẳng khó gì nhưng muốn thành một người lái giỏi thì đòi hỏi phải có nhiều điều kiện lắm! Nhưng cậu ta đã không nản và còn tỏ ra là một tay học mót có nòi. Điều đó đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của tôi và tôi chẳng tiếc gì mà không nhờ vả một vài việc vặt như quay mấy vòng “ma-ni-ven” hoặc cho leo lên xe làm khan một vài động tác cơ bản. Một lần khi mang xe từ kho về bãi giấu, tôi đã có nhã ý dành cho cậu ta cái niềm vui rất lớn là được ngồi cầm lái thử một đoạn, có tôi ngồi kèm ở bên cạnh. Suốt ngày hôm đó chân tay cậu ta sướng múa lên. Trong lúc đôi bên đều vui vẻ, tôi độp hỏi:

– Cậu thấy cô Chuyên thế nào?

– Thế nào là thế nào?

– Liệu cô ấy đã có người yêu chưa, cậu ở gần cô ấy, chắc là rõ quá rồi còn gì?

– Chuyện ấy thì xin chịu, tôi có chui vào bụng cô ấy đâu mà biết được – Bây giờ thì đến lượt cậu ta lên mặt kẻ cả với tôi – Con gái Nam Hà kiêu lắm ông ạ, chẳng phải vừa đâu.

– Cô ấy có nói gì về cánh lái xe chúng tớ không?

– Có chứ, cô ấy vẫn bảo ngán cho các ông lắm, lúc nào gặp cũng sặc những mùi dầu, ăn ngủ thì lang bang đầu bờ, góc bụi.

– Câu đừng đùa – Tôi làm ra bộ nghiêm chỉnh – Có tin nhau thì mình mới nói với cậu.

– Thôi tôi biết tỏng ra rồi, để tôi bảo với cô ấy cho, ai chứ anh thì may ra có thể được đấy.

Rồi nửa đùa nửa thật, cậu ta cứ cười phá lên, dọa tôi về đủ chuyện. Câu chuyện không cánh mà bay, cuối cùng rồi cũng đến tai Chuyên. Những buổi vào kho trả hàng, gặp nhau tôi thường để ý và thấy cô ấy tỏ ra không lạnh nhạt mà cũng chẳng vồn vã, không lánh mặt nhưng cũng chẳng đậm đà. Tóm lại nói như cánh lái xe chúng tôi thì đó là một thái độ tỉnh khô. Điều đó khiến tôi bối rối và chỉ còn có cách là im như thóc. Đôi khi tôi cũng liều bắt chuyện.

– Chuyên hồi này khoẻ chứ?

– Em vẫn khỏe, dạo này anh cứ đi luôn nhỉ.

Cô thản nhiên trả lời tôi rồi lại quay vào cùng mọi người khuân hàng. Như vậy đó, giá đừng để cô ấy biết vội thì có phải những buổi gặp nhau thế này sẽ vui vẻ hơn bao nhiêu không. Tôi cảm thấy tiếc những buổi gặp gỡ trước kia, dễ chịu và đầm ấm quá, những câu chuyện tay đôi, hết sức thoải mái, gặp gì nói nấy, những câu chuyện chẳng ăn nhập gì với nhau và len vào đó thường có những lúc hai đứa cùng bật cười vì những cớ cũng chẳng đâu vào đâu.

Nhưng tình yêu cũng giống như thời tiết, có mưa và có nắng. Cái hạnh phúc mà tôi mong đợi rồi cũng đến. Nó đến như một cơn dông khiến tôi choáng váng vì quá bất ngờ. Buổi trưa hôm đó, tôi vào kho tìm cậu Huân. Vừa ở trong rừng ló ra ngoài bãi trống thì bắt gặp hai chiếc phản lực Mỹ đi xăm kho. Chúng bắn loạn một phát đạn khói chỉ điểm xuống gần chỗ tôi. Tôi vùng chạy vào cánh rừng trước mặt nhưng không kịp nữa, hai tên giặc đã quay lại và đang theo nhau lao xuống. Xung quanh không có hầm hố gì cả, tôi vội nằm ép xuống đất, ngay lúc đó tôi nghe thấy tiếng Chuyên gọi:

– Lại đây anh Hàm, mau lên!

Tôi lao về phía đó, một loạt đạn hai mươi ly nổ phầm phập ở phía sau. Chuyên nấp sau một gốc cây lớn, vừa ngó nhìn đường bay của địch vừa ra lệnh cho tôi:

– Cứ làm theo em nhé, nó quay lại đấy.

Hai tên địch đang lấy độ cao để bổ nhào, tiếng động cơ gầm rú nghe xiết mang tai. Bất thần, Chuyên nắm chặt lấy tay tôi thét lên:

– Vòng sang bên kia!

Chúng tôi đổi chỗ nấp tránh một loạt đạn mới của địch. Đất cát tung lên, bụi mù quanh gốc cây.

– Nó bắn tên lửa đấy anh nhé.

Quả nhiên, một phát tên lửa nổ tung ngay trước mặt chúng tôi, mảnh vung lên cây ràn rạt. Hai tên giặc lượn thêm một vòng nữa rồi bỏ đi!

– Nó cút rồi!

Tôi nói và để ý thấy nét mặt Chuyên cũng đang tái mét. Cô vẫn nắm tay tôi, rồi với một vẻ quả quyết không ai ngờ, cô gục đầu vào vai tôi, thì thầm:

– Anh làm em sợ hết hồn, đi đâu mà lại chỉ có một mình.

Chúng tôi đứng tựa lưng vào thân cây mà nói chuyện. Một dòng nhựa còn tươi nguyên màu sữa từ trên cành cao rơi xuống áo hai đứa. Tôi còn nhớ đó là một ngày cuối mùa mưa, có nắng hoe vàng trên đỉnh núi và mây bông cuộn đầy trong các lèn đá; con diều hâu uy nghiêm bay trên khoảng ánh sáng thanh xuân của mặt trời; những đàn vẹt cườm xanh đang gọi nhau về rừng tìm trái ngọt. Bàn tay em bẽn lẽn đặt trong bàn tay khô ráp của tôi, cả hai đều cảm thấy tức thở vì một hạnh phúc quá lớn và bỗng cùng hiểu ra tất cả những gì từng đã làm cho nhau e ngại và đau khổ bấy lâu nay cũng đều là hạnh phúc cả mà thôi.

*

Em kể cho tôi nghe về vùng quê của mình. Ấy là một vùng đồng chiêm nước ngập quanh làng, có cây gạo đánh dấu bờ mọc rải rác ngoài ruộng, có chú bói cá đứng trầm ngâm trên chiếc que vè của người thợ cầy cắm dưới bùn sâu và những con cua đồng bò lôm côm trong lòng những chiếc thuyền nan nông hoẻn. Đàn trâu mệt mỏi bơi ra các gò cao giữa đồng xa tìm cỏ, những đứa trẻ lên năm lên bảy đã phải tập gồng gánh và đội thúng trên đầu.

Mẹ đã sinh ra em từ một nơi như thế. Đêm em ra đời là một đêm mùa đông, mẹ nằm trong một căn nhà tranh tốc mái từ lâu mà chưa có ai lợp hộ, quanh giường là những người đàn bà cùng xóm, kẻ đứng người ngồi, những đứa trẻ con bi bô nghịch ở ngoài thềm. Tiếng súng đánh nhau ở ngoài chợ đường cái vọng về nghe rõ mồn một, ánh lửa đốt đồn sáng rực một góc trời. Tảng sáng, cha lội qua đồng trở về. Cứ để nguyên cả súng và tấm chăn chiên trên vai, cha chạy ào vào ngồi với hai mẹ con một lát rồi lại phải đi ngay. Mãi về sau này, khi em đã lớn, mẹ vẫn còn nhắc: “Cái đêm ấy sao mà mày ra chậm thế, bố mày chỉ kịp đảo về loáng một cái, xem mặt xong là đi liền. Năm ấy mới rét chứ, cửa ngoài đã che một cái nong nhưng gió cứ thổi tốc từ trên mái xuống”. Hai mẹ con quấn quít với nhau chờ cái ngày cha đánh giặc trở về. Với mẹ, em vừa là con mà cũng vừa là bạn tâm tình, em trở nên một đứa con gái sớm biết quán xuyến việc nhà và giữ lại cho mình không biết bao nhiêu chuyện đời xưa của mẹ.

Có lần đi trong rừng, nhìn ráng chiều đang hiện lên đỏ ối ở chân trời, em đã đứng lại hỏi tôi: “Anh biết câu chuyện về cái ráng đỏ kia chứ, hồi ở nhà mẹ em vẫn thường bảo: Chuyên ơi, mày nhìn kìa, có thấy cái ráng đỏ đấy không, thế là sắp hết chiều rồi. Mé đằng ấy trông tưởng vậy mà còn sáng lắm, ông giáo Quyên bảo có khi ở ta tối rồi mà nơi ấy vẫn còn đang ban ngày như thường, cơ màu này một là nắng to hai là mưa lớn chẳng có sai đâu. Mày trẻ con không biết chứ cái ráng kia là thiêng lắm, các ngài đang hiện đấy, đừng có dại dột chỉ trỏ lung tung”. Rồi em giấu mặt vào sau một thân cây mà cười. Tôi biết em đang nhớ đến mẹ. Tôi nói với em rằng tôi chưa bao giờ được ai kể cho nghe một câu chuyện cổ tích nào. Mẹ tôi chết vào năm tôi còn nhỏ, trong một buổi chạy càn trên vùng Vĩnh Yên, cái trận càn ấy Tây nó gọi là trận càn “Chim dẽ giun”. Cha thuê người chôn mẹ rồi mang tôi trở về Hà Nội, xin một chân xén cỏ trong các vườn hoa và các phố lớn. Tuổi thơ của tôi là một chuỗi dài những ngày lêu lổng, ầm ĩ mà trống trải, bên một người cha ít lời và hay dùng cán hái đánh con. Em hứa sau này khi đã về ở với nhau, nếu tôi muốn, em sẽ kể cho tôi nghe mỗi ngày một câu chuyện cổ tích. Em khoe rằng em có vô khối những chuyện hay, không bao giờ có thể kể hết được. Em bảo tôi hãy chờ, cả cái việc muốn nghe kể chuyện em cũng cấm không được giục. Ở bên em, tôi thấy mình trở nên thuần nhã và vui với một niềm vui hết sức trẻ trung. Còn em, đối với tôi, em vừa là bé bỏng lại vừa là khôn lớn, vừa biết nghe lời, lại vừa quyền biến bảo ban, rất dễ thương mà cũng rất bướng bỉnh.

Những ngày đi trên đường, vào lúc chạng vạng, khi đoàn xe chúng tôi rời khỏi những cánh rừng trú quân nối đuôi nhau chạy ra, nhìn về chân trời, tôi thường thấy một dải mây đang nhuộm đỏ trong ráng chiều và tôi lại nghĩ tới em, tới câu chuyện mà em chưa kể, với một khuôn mặt hừng sáng mỗi khi cười. Tôi tưởng như có em đang đứng gọi ở phía trước, dưới những áng mây huyền bí và rực rỡ, ở một vùng em tin là không bao giờ có đêm tối.

*

Con đường được mở rộng không ngừng. Đều đặn cứ một tháng hai lần chúng tôi đưa hàng về Khe Cạn. Chỉ có một lần tôi đi hơi lâu, đấy là chuyến tôi được chọn cùng với mấy đồng chí nữa mang một số hàng đặc biệt vào sâu trong kia. Một mùa mưa nữa lại đến. Đó là mùa mưa thứ hai của tôi ở Trường Sơn. Cũng như bất kỳ một sự chuyển tiếp thay đổi nào, thoạt đầu thần mưa chỉ mới tung từ trong đôi cánh của mình ra những cơn mưa nhỏ, chạy thoảng qua, còn có phần dè dặt và nể nang nữa là đằng khác. Nhưng cũng chẳng được lâu, đây chỉ là một sự thăm dò vờ vịt, người ta sẽ thấy nhỡn tiền là chỉ bằng một cơn giông chớp nhoáng thế là đủ để cho mùa khô bị dìm ngập trong nước.

Những ngày ấy anh em lái xe gặp thêm rất nhiều khó khăn, nhưng công việc vẫn là công việc, không thể nào chậm trễ được. Không một ai có quyền lùi bước, không một ai dám quên cái điều đơn giản là quân thù vẫn còn đang lấp ló ở trước mặt. Đêm đêm chúng tôi đều nhận ra tiếng bom và đại bác ngoài mặt trận dội về, lúc to lúc nhỏ và ai nấy sẵn sàng xuyên qua mưa bão lên đường bất chấp tất cả.

Vào cuối tháng mười, một việc lạ lùng đã xảy ra ở Khe Cạn, khi chúng tôi vừa đi một chuyến về chưa được bao lâu. Ngay từ những cơn mưa lũ đầu tiên, nước ở con suối lớn đã dềnh lên đầy ứ tất cả, giống như một cái cổng bị bật mất cửa, nước trong suối bắt đầu tràn rộng ra hai bên bờ. Hãy tưởng tượng cả một khối nước lớn từ các cánh rừng quanh đây đều dồn về Khe Cạn thì mới thấy hết được mối đe dọa đối với chúng tôi lúc đó như thế nào. Ban đầu con suối đưa nước ồ ạt tràn vào những chỗ đất trũng trong lòng khe, sau đó men theo chân các vách đá, chúng len lỏi chảy vào tất cả những chỗ nào chúng có thể chảy lên được. Chỉ vài ngày con đường chạy trong khe đã bị nước cắt ra thành từng khúc, trông chẳng khác nào một con rắn dài uốn mình bơi trong nước. Cái kho mới, đặt ở ngoài rừng cũng đang ở trong tình trạng báo động, còn các bãi xe của chúng tôi thì đã thực sự là một nơi bị nước tấn công. Chúng tôi được lệnh cho xe vượt ra ngoài vòng của nước, bằng mọi cách phải đưa xe lên những cánh rừng gần kho. Mưa sùi sụt suốt ngày, chỉ trừ một khoảng ngắn giữa trưa là chịu ngớt. Nhưng nền trời vẫn nhờ nhờ một màu chì, nom tối bưng. Anh em chúng tôi giấu xong xe thì được bổ sung vào đội quân đi cứu kho. Cần phải đề phòng khả năng nước trong suối còn bị ứ hơn nữa. Chúng tôi tổ chức thành từng tiểu đội, thu những chân hàng ở ngoài rừng gọn lại rồi đắp lá cọ và những tấm bạt lên, giọi lại những mái lán bị dột và đưa hàng vào cất trong những chỗ đất cao kể cả ở khu nhà ở. Một buổi chiều tất cả đảng viên đều được gọi đến họp trong một chái bếp, nơi duy nhất chưa được chất hàng vào. Ở cuộc họp bất thường đó chúng tôi bàn cãi với nhau về những vấn đề cấp thiết quanh việc chống lụt cũng có vài ý kiến găng nhau mặc dù cả đôi bên đều lo phải tìm mọi cách để giữ lấy hàng.

Ý kiến của Chuyên đã mở ra một hướng giải quyết táo bạo và làm mọi người đều phải kinh ngạc. Ngồi trên chiếc hòm gỗ đặt cạnh bếp lò, vừa vắt nước từ hai ống quần, cô vừa bàn:

– Chúng ta mới chỉ lo chạy hàng thôi, như thế chưa đủ, tôi đề nghị phải lập một đội xung kích đi dọc theo suối xem vì sao nước lại tràn lên to thế. Nhiều đồng chí có mặt ở đây từ lâu cho biết năm ngoái mưa còn to hơn năm nay nhiều thế mà lối đi qua suối cũng chỉ bị tắc từng ngày thôi.

Chúng tôi tán thành ngay ý kiến đó. Sáng hôm sau, một tổ đi điều tra bí mật của con suối đã thành lập, tôi được chỉ định làm tổ trưởng. Trong số ba người cùng đi với tôi có cả Huân. Chúng tôi mang lương khô đủ ăn ba ngày, một ít thuốc cấp cứu thông thường, mấy cuộn dây thừng, tất cả đều được gói gọn trong những tấm vải nhựa, ngoài ra còn mang thêm một khẩu súng trường và một con dao. Lúc sắp đi, Chuyên hiện ra sau một đống hàng cao quá đầu, nhanh nhẹn ghé sát vào tai tôi:

– Huân nó hay bốc lắm, anh phải cẩn thận mới được.

– Anh lo lắm Chuyên ạ – Tôi làm ra vẻ buồn rầu – Anh nói thật nhé, anh không biết bơi đâu, ban nãy trước mặt thủ trưởng anh bốc quá nên nhận liều.

– Thôi đừng có vờ, tưởng bịp em dễ lắm đấy!

Tôi toan ôm lấy Chuyên nhưng cô vội so người chạy đi, tiếng cười còn vương mãi sau những đống hàng. Tổ chúng tôi bàn nhau trước hết phải lội qua suối, đi vòng lên gần núi Khỉ rồi vượt sang phía bên kia Khe Cạn là nơi chúng tôi phỏng đoán con suối sẽ đổ ra. Vừa ra khỏi kho, Huân đã tụt ngay quần dài gói vào vải nhựa, chúng tôi thấy tiện cũng làm theo. Mỗi người chỉ đánh một quần đùi và một mảnh áo lót. Chúng tôi đến gần núi Khỉ thì trời vừa tạnh mưa. Tôi cho mọi người nghỉ ăn cơm để lấy lại sức. Vừa thái những nắm cơm đặt trong miếng vải nhựa, Huân vừa cao giọng nói:

– Hồi tôi còn học ở trường, người ta cũng có đề cập đến một hiện tượng địa chất rất thú vị, danh từ chuyên môn gọi là gì thì cũng không cần nhớ, nhưng quá trình là như thế này, những mạch nước ăn ngầm trong lòng các tầng đá vôi, đời này sang đời khác, thiên niên vạn đại, đến một lúc nào đó nó tạo thành những khoảng trống rất lớn ở bên dưới và thế là gây ra hiện tượng sụt lở, có khi quả núi ta đang đứng bỗng biến đi đâu mất mà sông ngòi thì cạn trơ thổ địa. Chưa biết chừng ở đây vừa xảy ra một hiện tượng tương tự cũng nên.

– Nhưng nước ở đây lại không cạn mà tràn lên đến chân giường cậu cơ mà.

– Anh dở lắm, cứ gì phải cạn đi, chẳng hạn có một trái núi bị sụt xuống chắn con suối lại thì tự khắc nước phải đẩy lên chứ sao.

– Chúng tớ chịu cậu, có học cũng có khác. Khi nào vợ chồng tớ dựng nhà mới phải nhờ cậu tìm đất cho mới được.

– Việc đó không thuộc chuyên môn của tớ.

– Thế chuyên môn của cậu là gì?

– Tìm mỏ và nếu có thể thì tốt nhất là lái xe.

– Thôi đủ rồi – Tôi đứng dậy – Bây giờ thì xin mời các tướng lo cái việc trước mắt kia đi đã.

Chúng tôi bám nhau vượt qua vách đá. Đêm đó chúng tôi chui vào một cái hang hẹp, cởi quần áo vắt kiệt nước rồi trải vải nhựa ra mà nằm ôm nhau ngủ. Tờ mờ sáng gọi nhau dậy, ăn qua loa rồi lại đi, sang chiều thứ ba thì tìm thấy điều bí mật kia của con suối. Hóa ra cậu Huân đoán cũng đúng một phần nào. Con suối len lỏi qua các cánh rừng và thung lũng, cuối cùng đã chui vào một cửa hẹp giữa hai vách đá để thoát ra khỏi vùng Khe Cạn. Ở chính cái cửa đó, sau vài lần bị máy bay địch đi xăm kho ném bom và bắn tên lửa, từng khối đá lớn đã sụt xuống lấp kín. Dòng suối bị chặn đứng lại, sùi bọt ở trước cửa khe tạo thành những xoáy nước trông rợn đến chóng mặt.

– Thế này thì bí là phải, cứ thả vào đấy vài chục cân bộc phá khắc xong tất.

Một cậu vừa ngó xuống lòng khe vừa thủng thẳng bàn. Tôi cử Huân về nhà báo cáo tình hình, xin thêm thức ăn và thuốc nổ. Tôi tính cho cậu ta một ngày đi và một ngày quay lại, dồn một phần lương khô của tổ cho cậu ta mang ăn đường, còn bao nhiêu tôi trao cho một cậu khác giữ. Ai cũng phải ăn uống dè sẻn lắm mới ổn được. Bữa chiều hôm ấy riêng Huân được ăn no, còn ba chúng tôi thì tự giác nằm suông. Nhưng bọn chúng tôi đứa nào cũng vui vì chuyến đi của mình đã nhìn thấy kết quả, vả lại vào những ngày mưa ở đây gặp đói là chuyện thường.

Suốt buổi chiều ngày thứ hai kể từ hôm Huân đi, chúng tôi ngồi trên mỏm đá, tựa lưng vào nhau mà chờ cậu ta mỏi mắt. Bụng anh nào anh ấy đều sủi óc ách vì đói, miếng lương khô cuối cùng đã bẻ chia cho nhau từ lâu, cái bi đông nước suối có pha thuốc khử trùng vứt lăn lóc ở bên cạnh vì trong bụng đều đã đầy ắp những nước. Chợt có tiếng súng trường nổ vang ở bên kia cánh rừng.

– Đúng thằng Huân rồi, bắn trả lời nó, anh Hàm.

Tôi lắp đạn, ghếch súng lên bắn liền hai phát. Nửa giờ sau Huân đến, nhưng cậu không đi một mình, cùng đi đến hôm nay với cậu ta còn có cả Chuyên nữa. Chúng tôi chạy như lao xuống chân núi đỡ lấy ba lô trên vai họ.

– Vừa ăn vừa nói chuyện! – Tôi tuyên bố.

Chuyên cười giễu lại tôi:

– Anh thì chỉ thế là không ai bằng!

Chuyên nhanh nhẹn lục ba lô lấy ra mấy nắm cơm và một ít muối lạc, bày tất cả lên một phiến đá nhẵn. Cô đứng bên cạnh nhìn chúng tôi ăn, ra dáng bằng lòng lắm.

– Em lên đây làm gì nữa, sợ bọn anh không làm nổi hay sao?

– Anh nói hay nhỉ, đơn vị cử em lên chứ có phải em tự tiện đi đâu. Các đồng chí ấy bảo cần một người có kinh nghiệm đánh bộc phá, em thấy mình cũng đã làm việc ấy thì em xin đi.

Tôi đành đấu dịu lái sang chuyện mở khe núi. Chuyên leo lên một mỏm đá trên cao, quan sát địa thế xung quanh rất lâu, rồi với một thái độ lạnh lùng làm tôi rất lo ngại, cô nói:

– Lối xuống khe hơi khó, trời lại tối rồi, tôi đề nghị với các đồng chí sớm mai sẽ bắt đầu.

Chúng tôi nằm dưới chân vách đá có hờm rộng, mưa lắc rắc suốt đêm. Nằm trên một phiến đá dài ở trong cùng, Chuyên cũng không ngủ được, cô nhỏm dậy ngồi thu lu trong bóng tối vừa tết tóc vừa nói với tôi:

– Anh ạ, hồi ở đèo Ông Phật em đốt mìn đã quen lắm rồi, mai anh cho em xuống khe nhé!

– Không được đâu, xuống rồi còn phải lên chứ. Vẫn biết là em thạo công việc ấy hơn bọn anh, nhưng cái khe này khó leo lắm, hôm qua anh đã xuống dưới đó, lúc lên chỉ xuýt nữa thì sẩy chân đấy.

– Em thì không thể ngã được đâu, em đã xem kỹ rồi, có một chỗ lên rất dễ. Em bàn với anh thế này, lúc leo lên chỉ leo đến ngang vách thì chui vào ngay sau cái bướu đá ấy, chỗ đó có thể an toàn được và phải để ngòi thật dài vào.

– Để mai xem thế nào, bây giờ em cố ngủ lấy một lúc đi đã.

– Thế anh có ngủ đâu?

– Anh cũng ngủ đây, ai ngủ được thì mai sẽ xuống đặt mìn.

– Nói dối, anh không ngủ đâu, em chẳng còn lạ!

Cô bé này sao hôm nay lắm lời quá, tôi nghĩ bụng. Việc mở khe cứ tưởng dễ, tính toán kỹ thì lại thấy rất khó, mọi chuyện cứ rối bòng bong trong óc tôi thế mà cô ấy vẫn không để cho tôi được yên.

– Hồi ở đèo Ông Phật – Lại vẫn chuyện ở đèo Ông Phật của cô ấy – Có lần em cũng đã phải phá một vách núi, một vách núi đất, thế mới khó, không phá nó thì sẽ có lúc nó đổ sập xuống mặt cầu, hỏng bét tất cả. Mà vào phá thì không có chỗ chạy, lối ra là miệng vực rồi. Các đồng chí ấy buộc em vào một sợi dây, ròng xuống chân vách, đốt xong thì giật dây cho người ở trên biết mà kéo lên.

– Em kể lại thật kỹ cho anh nghe nào, treo mình trên vách, nhưng người ở trên kia đứng ở đâu mới được cơ chứ?

– Đứng ở vách bên kia, em buộc sợi dây vào ngang người rồi vòng thêm một lượt chéo hai vai nữa.

– Thôi, anh rõ rồi.

Tôi bắt buộc phải ngắt lời Chuyên. Một cách giải quyết vụt đến với tôi. Tôi nằm mà mường tượng ra từng động tác, tuần tự từ lúc xuống khe cho đến lúc lên và tôi tưởng như thấy được cả lúc mìn nổ cảnh vật xung quanh đây sẽ thế nào. Sớm hôm sau tôi cho cả tổ họp một lần nữa, khẩu hiệu là phải thật an toàn và chắc thắng. Cuối cùng đi đến một kế hoạch chi tiết là sẽ có hai người cùng mang thuốc nổ xuống khe tìm chỗ đặt, rồi một người leo lên trước. Đốt mìn, phải đốt cả hai khối thuốc một lúc nên ngòi cần phải buộc chập vào nhau và phải để dài, làm sao cho người ở dưới được kéo lên qua vách rồi mìn mới nổ. Chúng tôi quyết định để cho Chuyên đốt mìn, sau khi tôi đã cùng xuống khe kiểm tra chu đáo. Cô ấy người nhẹ lại đã quen với việc này. Công việc kéo dây ở bên trên cần phải có những người thật khỏe.

Tôi và Chuyên cùng men xuống dưới lòng khe. Nước đang luồn qua các tảng đá xếp ngổn ngang để chảy sang bên kia núi. Tôi nhảy xuống trước, giang hai chân đứng tấn trên một tảng đá đỡ lấy Chuyên, cô đỏ mặt, sợi dây bảo hiểm vướng víu ở sau lưng. Chúng tôi đặt một khối thuốc lớn ở giữa lòng khe, dưới gầm một khối đá to nhất, còn khối kia đặt ở sâu hơn, phía trong khe, nơi mực nước thấp hơn ngoài cửa. Chuyên bện hai đầu sợi dây cháy chậm vào làm một, hai bàn tay làm trông rất khéo léo. Tôi bình tĩnh soát lại mọi việc một lần nữa, sau hết, tôi lại gần Chuyên, sửa lại dây buộc trên người cô và hỏi:

– Tốt chưa?

– Tốt rồi, anh lên đi!

Tôi gật đầu, do dự một lát rồi bám vào vách leo lên, đứng ở một chỗ có thể nhìn rõ được cả Chuyên và những người trên cao, rồi tôi hô:

– Tất cả chuẩn bị, đốt mìn!

Tôi chồm người nhìn xuống lòng khe, tim đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Ở dưới đó, Chuyên đang lúi húi mở bao diêm quẹt một que, lửa xoè ra rất nhậy, cô nhìn ngọn lửa cháy một lát rồi thổi phụt đi. Sau đó tôi thấy cô ngồi hẳn xuống, kẹp đầu dây cháy chậm vào hai đầu gối, xoè diêm, lại nhìn ngọn lửa cháy một lát rồi mới đưa vào đốt. Một làn khỏi nhỏ phụt ra trước mặt Chuyên, cô đứng bật dậy nắm lấy sợi dây bảo hiểm:

– Xong!

Dường như cùng lúc đó tôi cũng đập tay hô lên:

– Kéo!

Và rồi tôi không còn đủ sức để nhớ hết những chi tiết đã xảy ra sau đó nữa. Cái duy nhất đã thu hút tâm trí của tôi đó là hình ảnh một cô gái đang dang tay nắm chặt lấy sợi thừng, người xoay tròn trong không gian và hai chân đạp mạnh mỗi khi bị văng vào vách đá. Hai tiếng nổ gần như cùng bùng lên một lúc, làm trái núi rùng mình. Một đám khói đen tỏa ra lấp kín lòng khe, bụi đất và nước bắn lên tung toé. Trong phút chốc Chuyên đu mình đứng im trong khoảng không, rồi cô nói như quát lên:

– Nhanh tay lên một tí chứ!

Sợi dây lại chạy nhanh vun vút. Chuyên đặt chân lên đỉnh vách đá, thoáng nhìn tôi rồi im lặng cởi sợi dây buộc quanh tấm thân gọn gàng của mình. Huân lại gần Chuyên trầm trồ khen:

– Cừ thật, chị có thể trở thành một nhà thám hiểm được đấy!

Dưới chân chúng tôi, khói vẫn còn đang phủ kín, tất cả những âm thanh của một thác nước đã vang lên ào ạt. Ngoài xa, những con xoáy lớn đang lao tới cửa khe, những đám củi khô và lá mục cũng đang lềnh bềnh trôi theo.

– Súng đâu, hãy bắn lên cho ở nhà biết tin!

– Mấy phát hả anh Hàm?

– Ba phát!

Tiếng súng báo tin chiến thắng của chúng tôi vang lên giữa không gian rộng lớn.

Nước đã rút nhưng rải rác vẫn còn để lại những vũng bùn lỏng trộn lẫn với lá cây, xác thú vật và đủ thứ rác rưởi khác. Chúng tôi lo sửa sang lán trại, nhà kho và việc quan trọng hơn cả là tập trung sức người vào sửa đoạn đường qua Khe Cạn để xe có thể chạy được ngay.

Ngày đi của cánh lái xe chúng tôi đã đến. Chiều hôm ấy, sau khi chuẩn bị đâu vào đấy rồi, tôi nằm khểnh trong buồng lái bồn chồn nghĩ đến Chuyên. Hôm qua gặp nhau ở trong kho cô ấy đã hẹn hôm nay nhất định sẽ ra bãi xe trước khi chúng tôi lên đường, vậy mà đến bây giờ vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Tôi túm lấy con Láu đang nhảy nhót ở bên cạnh, hỏi nó:

– Láu ơi, mày thử đoán xem cô ấy có ra với tao không?

Con Láu nhăn mặt nhìn tôi rồi nhảy tót lên vòng tay lái. Tôi lục dưới đệm xe lôi ra một chiếc mũ vải màu xanh mà Chuyên đã khâu tặng tôi, đường khâu rất khéo chỉ hiềm hơi chật một chút, mỗi lần đội vào da mặt tôi lại bị kéo căng ra. Chợt nảy ra một cách đùa, tôi kéo con Láu xuống, chụp chiếc mũ vào đầu nó, lấy thêm một miếng vải dù bịt kín mắt rồi thả nó ra. Nó không nhìn thấy gì liền hét tướng lên, vừa chạy lung tung vừa lấy tay xé miếng vải bịt mắt. Tôi nằm bò ra mà cười. Ngay lúc đó, Chuyên xuất hiện ngoài cửa xe:

– Anh cười gì thế?

– Anh đùa với con Láu.

– Lại con Láu, bao nhiêu lần em đã bảo anh tống nó đi!

– Thôi em, nó cũng là một đứa mồ côi mồ cút.

– Nhưng nó đã lớn rồi, thả nó lên núi cũng được chứ sao?

– Nào nó có chịu đi cho.

– Gớm chưa – Chuyên bỗng đỏ mặt tức giận – Lại còn nhường cả mũ cho nó đội nữa kìa!

Tôi vội túm lấy con Láu, tước lại chiếc mũ rồi nhảy ra khỏi xe đuổi theo Chuyên. Cô nghe thấy tôi gọi ở phía sau nhưng vẫn không thèm quay lại. Đuổi kịp Chuyên, tôi nói khẩn khoản:

– Đừng giận anh, lát nữa anh sẽ để nó lại, ai muốn nuôi thì nuôi. Cái con khỉ ấy nó cũng láu tôm láu cá lắm, nhiều lúc đến là bực.

– Anh mà cũng bực à – Chuyên phì cười – Người đâu có người chơi với khỉ, ở ngoài nhìn chướng lắm. Anh có biết mọi người vẫn kể với nhau thế nào không, họ bảo cái con khỉ của ông Hàm!

– Kệ họ, anh nuôi nó thì họ gọi thế cũng được chứ sao. Được rồi, anh sẽ mang cho thằng Huân, cậu ấy hỏi xin anh mấy lần mà chưa cho.

– Em cấm đấy, đừng có tha cái của ấy về kho!

– Ừ thì thôi vậy, Chuyên nhìn anh đội mũ này.

Cô giận dỗi bỏ đi. Tôi đứng tưng hửng nhìn theo một lát rồi quay lại xe, khi đó anh em cũng đang gọi tôi. Gửi con Láu lại cho một người khác nuôi, tôi đánh xe đi, chúng tôi phải mất một thời gian gấp đôi mọi lần mới chui ra khỏi dãy núi đá vì đường đất sau trận mưa rất tồi.

Nửa tháng sau, chúng tôi trở về Khe Cạn vào một đêm tạnh ráo. Bầu trời càng gần về sáng càng cao. Ẩn hiện sau những đám mây mỏng là vài ngôi sao nhấp nháy như bị ướt. Đoạn đường chạy trong lòng khe đã khô hơn, những vách đá cao ngất đứng lặng im ở hai bên đường. Tôi muốn nói kỹ về lúc đó một chút. Trước khi vượt Khe Cạn chúng tôi đã cho xe dừng lại ở trạm gác đường đặt trong một cánh rừng già. Đó là một cái hầm có cửa ra vào uốn theo đường cong của một rễ cây rất lớn. Chiếc xe của tôi đi đầu, đỗ ngay ở trước cửa hầm. Ánh đèn trong hầm hắt ra nom mờ mờ tỏ tỏ, nhưng tiếng chuông điện thoại thì nghe rất rõ. Có tiếng người phụ trách trạm gác đang nói chuyện với người ở đầu bên kia:

“Tôi bắt đầu thả “lưỡi cày” phải không là, “lưỡi cày” bên ấy sẽ thả sau phải không là… đúng, đúng, đúng”.

Lúc lâu, một cái đầu trong cửa hầm ló ra:

– Đi được rồi, cố gắng chạy nhanh phải không là, nó vừa đến ném bom tọa độ ban nãy đấy!

– Đi nhé!

Tôi quay lại nói truyền xuống các xe sau, rồi bật đèn gầm tiến lên. Đoàn xe bò vào con đường hẹp gồ ghề, những hòm đạn trên xe lắc mạnh, đôi khi qua chỗ đường gấp khúc, thùng xe uốn vẹo đi như người mang nặng bị vấp. Tới giữa Khe Cạn, nơi con đường chạy qua một vùng đất rộng, lửa vẫn còn đang cháy rừng rực trên những thân cây bên đường, tôi nghe thấy có tiếng máy bay địch. Chúng từ bóng tối ập đến, bỏ pháo sáng rồi lao xuống bắn bừa bãi. Chúng tôi cứ cho xe chạy, mặc dù biết mình đang lâm vào một tình thế rất khó xử. Một quả bom nổ tung ở phía trước, lửa bén lên mặt đường. Chúng vẫn chưa đánh trúng được đội hình của chúng tôi. Chiếc xe của tôi vừa lướt qua đám lửa thì một phát “rốc -két” nổ ngay trên đỉnh núi làm một tảng đá lớn đổ xuống cản mất đường đi của những chiếc xe sau. Tôi vừa cho xe chạy vừa nghĩ, thế là chuyến này mất không với chúng nó mấy xe đạn rồi. Bỗng tôi thấy hình như có chiếc xe nào ở phía trước bị lộ. Bọn địch đang gầm rú ở trên đầu, vội bỏ chúng tôi bay về phía đó. Ánh đèn pha quét lên trong đêm tối, ở xa nhìn xanh biếc. Tôi phanh xe kít lại, trố mắt nhìn. Giữa ánh chớp của bom và những vệt tên lửa đó lòe, ánh đèn đang di động mau lẹ, lúc sáng lúc tắt.

– Dũng cảm quá!

Tôi thầm kêu lên và vững tâm cho xe đi men qua một khúc đường nằm trên miệng vực. Đoàn xe chúng tôi đã được cứu thoát trở về kho, khi trời sáng. Tôi thấy ruột gan sôi lên. Gặp một người trong kho ra, tôi hỏi ngay:

– Cô Chuyên có trong ấy không?

– Không thấy, tôi vừa mới ở núi Khỉ sang.

Tôi vội vã cho xe lùi ra cửa kho, những người trong nhà im lặng đổ xô ra bốc hàng. Tôi không thấy có cái cảnh náo nức như những lần trước, khi chúng tôi đi xa về. Tôi còn đang đứng ngơ ngác thì một bàn tay nắm chặt lấy cánh tay tôi.

– Huân! – Tôi giật mình ngoảnh lại

– Anh ra ngoài bãi xe ngay, chị Chuyên chị ấy đang chờ.

– Ở chỗ nào? – Tôi cuống lên.

– Để tôi dẫn anh đi – Huân dắt tay tôi, vừa chạy vừa kể – Đúng vào lúc chúng tôi gác thì các anh vượt Khe Cạn. Thấy bọn địch đến chị ấy tức run lên, chị ấy bảo tôi xem có cách nào cứu được hàng không. Tôi liền quả quyết là tôi biết lái xe, mà ở gần kho lúc ấy đang có một cái xe không, lại còn đủ cả hai pha. Thế là chúng tôi chạy về phía ấy, tôi loay hoay một lúc mới cho máy nổ được. Tôi bảo chị ấy xuống nhưng chị ấy một mực không nghe, cứ đứng trên bậc cửa đòi chỉ đường cho tôi. Khi chạy đã xa kho, chị ấy giục tôi bật pha lên, ánh đèn làm tôi lóa mắt, tôi cứ theo con đường mọi khi cho xe lao ra ngoài bãi.

– Cô ấy bị thương à?

– Bị đạn hai mươi ly!

Tôi chạy muốn đứt hơi, trên đoạn đường gần hai chục cây số tôi đã gặp những ai và họ đã nói với tôi những gì tôi cũng không còn nhớ nữa. Mọi người đã mang Chuyên vào trong hang. Thấy tôi, cô ấy nhận ra ngay:

– Anh Hàm, không ai chịu cho em uống nước.

– Em phải chịu khó nhịn, bị thương ai mà chẳng khát – Tôi ngồi xuống dỗ dành.

– Anh đừng buồn nhé, em không sống được nữa đâu.

– Sao em nói dại thế.

– Em vẫn đang tỉnh mà!

Đôi mắt Chuyên sáng lên lần cuối rồi xỉu dần. Tôi nhẹ nhàng nâng cái đầu quấn đầy băng với mớ tóc dài lên tay, ngồi ngây ra đó, nghẹn ngào tự hỏi: những lời cuối cùng của em nói với tôi lại chỉ có thế thôi ư? Không, tôi biết em nói với tôi nhiều lắm, có điều tôi chưa thể nào hiểu hết ngay trong một lúc đấy thôi. Ngoài xa vẳng đến nhịp hò dô của một đám đông đang kéo gỗ bắc cầu, gió thổi xôn xao trong rừng, những cành cây đập lá vào nhau, đâu đây thoảng lên mùi nhựa cây thơm đắng, vị chua thanh khiết của trái nang rơi dưới gốc. Cửa hang sáng lên trong ánh nắng ban trưa và tiếng chân người, tiếng chân người bước đi âm vang trên vòm đá. Tôi vẫn im lặng nắm tay em, cổ tay em vẫn còn đang ấm. Chiều hôm đó, anh em lái xe và mọi người trong kho đều ra vĩnh biệt em. Tôi muốn nói, em hãy yên lòng, không có một ai là người xa lạ, không có giọng nói nào mà em không quen, không có đôi mắt nào khiến em phải ngỡ ngàng. Bấy giờ trên mặt đất, ráng chiều như một nỗi nhớ, lóe lên lấp lánh nơi đầu núi, nhuốm hồng những dải mây đang trôi bảng lảng và làm ửng lên khuôn mặt của mỗi người. Một đoàn xe đang từ trong rừng chạy tới, những tàu lá cọ cắm trên nóc xe xòe ra như những bàn tay vẫy chào. Đấy là anh em chạy ở tuyến đường trong.

*

Nắng trưa xuyên qua lùm cây chiếu xuống bãi cỏ chúng tôi nằm. Trên con đường mòn chạy dưới bìa rừng, giữa những bụi tầm xuân mọc rải rác, một đàn chim liếu điếu vừa đỗ xuống kéo lê những cái đuôi dài trên cỏ và hót líu lo. Chợt xuất hiện sau bụi lồ ô mà chúng tôi đã giấu xe, một đoàn người, họ là những người lính bộ binh, đầy ắp ba lô, súng đạn và hình như ai cũng gồng gánh trên vai. Một tiếng cười không rõ nguyên cớ từ đâu đang lan ra trong hàng quân kéo dài đó. Chúng tôi cùng nhỏm dậy nhìn họ. Tôi nói với Hàm:

– Mình sẽ viết lại câu chuyện này, tất nhiên, nhưng nếu không kịp thì mình sẽ kể lại cho những người đầu tiên mà mình gặp ngoài mặt trận. Còn xa nữa không nhỉ?

– Mặt trận à, không còn xa nữa đâu. Này, anh hãy nằm hẳn xuống. Và chúng tôi cùng dán mình xuống cỏ, áp tai lắng nghe. Dưới lớp cỏ mượt mà, đất đang rung lên từng hồi giận dữ. Mắt chúng tôi gặp nhau:

– Bom nổ?

– Không, pháo đấy, anh chưa biết à, những khẩu pháo bắn cầu vồng và lúc cần có thể bắn thẳng, mai anh sẽ thấy rõ hơn.

Có tiếng một chiếc cánh quạt bay vo vo trên đầu. Hàm không thèm nhìn lên, anh ngắt một nắm cỏ, giọng điềm tĩnh:

– Tụi nó đi thám thính đấy.

Huân cũng đã tỉnh ngủ từ lúc nào mà tôi không biết, cậu ta vùng dậy, hai mắt đục ngầu:

– Oi quá, tôi xuống suối tắm đây, anh cùng đi với tôi chứ?

– Tôi muốn nằm thêm một lát nữa.

Huân vơ chiếc khăn mặt rơi trên cỏ, nhét vội vào túi rồi vừa đi vừa huýt sáo. Tôi thấy nhạt miệng vì thiếu một điếu thuốc. Nhấm một sợi cỏ đắng, tôi miên man theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Đúng ra thì phải nói là tôi đang đợi chiều đến.

Câu chuyện về cái ráng đỏ ấy là như thế nào nhỉ? Nó là một truyền thuyết hay là một câu chuyện thần thoại nào ai đã biết.

Nhưng thôi, hãy khoan nói đến những chuyện đó, giờ đây sự kỳ diệu là cái ráng đỏ ấy vẫn đang hiện ra với những người chiến sĩ chúng tôi trong mỗi buổi lên đường.

1-1969

Đ.C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder